Sau 1975 các vị Giám Đốc, Phó Giám Đốc, Bí Thư Chi Bộ, Đảng Ủy, Chủ Tịch Hội Phụ Nữ và tất tần tật các chức to bự nổi đình nổi đám đều được gọi một cách thân mật, ngọt như đường cát, mát hơn đường phèn là Anh Hai, Anh Sáu, Chị Ba, Chị Bảy...kèm thêm chức vị đằng sau.
Những bí danh thân mật như gia đình ruột thịt làm mát ruột mấy bà má một thời cắc ca cắc củm lén lút nuôi quân. Chức to nhưng tên gọi bình dị như người nhà để người dân làm tối tăm mặt mũi cũng chẳng dám than thở một câu. Cái tên nghe ra đúng là giai cấp vô sản là đầy tớ của nhân dân. Tên gọi ngọt ngào che lấp hết những sai trái trật đường rầy của những người chỉ biết núp lùm ra làm kinh tế, quản lý cả đất nước, con người.
Những sai sót kinh thiên động địa, phí phạm của công, phá tài sản đất nước, thâm lạm công quỹ, áp bức con người đã được du di bao che bằng mấy từ "Thành khẩn nhận khuyết điểm sẽ khắc phục sửa sai" hoặc " Những sai sót không đáng kể do vừa học vừa làm" Cuối cùng vẫn là đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
Đơn vị tôi có anh Bảy Bí thư Chi Bộ, anh Sáu Giám Đốc, chị Ba Chủ Tịch Hội Phụ Nữ, anh Năm Bí Thư Đoàn Ủy, anh Hai Phó Giám Đốc, anh Tư Công Đoàn, có mấy anh mấy chị cán bộ tên 5, 6 ,7 ,8... lo cho tinh thần và bao tử của công nhân để triệt để trung thành với đảng và nhà nước.
Đảng lãnh đạo công nhân bằng cách hội họp, triển khai những nghị quyết, những công văn chỉ thị của đảng để người dân trung thành tuyệt đối đường lối cách mạng, thấu hiểu triệt để chế độ ưu việt nhà nước ta. Giáo dục cách mạng trong công tác là phải lao động tích cực, thi đua sản xuất, tăng năng xuất lao động, giảm thiểu phí tổn, tiết kiệm tối đa tài sản nhân dân, không để một ly một tấc lãng phí của công. "Đất nước ta còn nhiều khó khăn, mọi người dân phải thắt lưng buộc bụng" Vân vân và vân vân.
Mỗi tháng người dân phải tham gia một ngày lao động xã hội chủ nghĩa. Nghĩa là trong tháng nhà nước tự động lấy ra một ngày lương của công nhân để bỏ vào ngân quỹ nhà nước. Công nhân không được khiếu nại, không có ý kiến vì đó là chủ trương là chính sách. Công đoàn không phải là lập ra để bảo vệ quyền lợi người dân mà chủ trương của công đoàn là để người dân phải chấp hành theo chỉ thị của đảng.
Từng đói khát triền miên nên hơn ai hết đảng hiểu cái bao tử quyết định mọi việc. Bằng cách nào để người dân miền Nam trù phú, của ăn của để phải đói te tua, phải khổ sở vì miếng cơm manh áo mới đẩy mạnh giáo dục tư tưởng được. Cho nên lo cho bao tử của công nhân đến bạc đầu anh Sáu, sói trán anh Hai, vàng khè răng anh Ba và mập tròn chị chủ tịch hội phụ nữ.
Dân miền Nam ăn gạo nàng thơm, lúa chứa đầy bồ, heo gà ngoài vườn muốn ăn lúc nào thì bắt làm thịt, nhà nhà có bếp gas, máy quạt, TV, tủ lạnh... Như vậy là không được, sống như vậy là sống theo giai cấp tư sản, tư bản, phú hào. Phải có biện pháp giáo dục để trở về giai cấp vô sản. Phải triệt để áp dụng chính sách nhà nước theo đúng chủ trương đường lối chủ nghĩa xã hội. Người dân phải nghèo, phải đói chính quyền mới có thể nắm sinh sát trong tay.
Chiến dịch X3 (22/9/1975) đổi tiền là một trong những chính sách làm nghèo người dân miền Nam của nhà nước CS. 500$ tiền miền Nam đổi được 1$ tiền miền Bắc, chỉ đổi được trong ngày và số tiền chỉ được đổi tới 300$ còn lại bao nhiêu coi như giấy vụn. Người dân miền Nam te tua, trắng tay chỉ biết ngậm miệng thầm than trời trách đất chứ không dám trách chính quyền, vì mở miệng ra là đi tù cải tạo mút chỉ cà tha, mút mùa lệ thủy.
Đồng Chí Đỗ Mười đã nói: " Giải phóng miền nam chúng ta có quyền tịch thu tài sản, trưng dụng nhà cửa, hãng xưởng, ruộng đất chúng nó. Xe chúng nó ta đi, vợ chúng nó ta lấy, con chúng nó ta bắt làm nô lệ, còn chúng nó ta đày đi lao động khổ sai, đi kinh tế mới vào nơi rừng sâu nước độc. Chúng sẽ chết lần mòn..." Thế là cách mạng lùa hết những sĩ quan VNCH vào trại cải tạo, đày ra miền Bắc rừng thiêng nước độc để giết mòn ý chí tự do, tận diệt những người khác chính kiến. Chiến dịch X2 đánh tư sản mại bản, cưỡng chế tịch thu tài sản, chiếm đoạt nhà cửa. Họ đập phá moi móc những gì trong nhà nghi ngờ có thể dấu vàng. Tan nát, đổ vỡ như giặc cướp đến nhà.
Chế độ tư bản phải dẹp, trí thức không làm ra sản phẩm nên sân tráng xi măng, lót gạch bông bị đào lên trồng khoai lang, khoai mì. Trên sân thượng, phòng ngủ làm chỗ nuôi heo cho đúng chính sách " Nhà nhà Tăng Gia Sản Xuất."
Quản lý đất nước là phải quản lý con người. Quản lý con người là quản lý hộ khẩu, lấy hộ khẩu làm gọng kìm siết chặt người dân miền Nam Mỹ ngụy. Nhà của người giàu bị đánh tư sản tịch thu bắt đi kinh tế mới và cắt hộ khẩu. Không có hộ khẩu là tiêu đời. Không thể mua lương thực, không thể xin việc làm, không thể đi học. Ở tại nơi mình sinh ra và lớn lên mà chỉ một sáng một chiều bơ vơ không nhà cửa, không tài sản không có gì cả như một người từ trên trời rơi xuống. Tự dưng không được chấp nhận là người dân trên xứ sở quê hương mình, sống sờ sờ mà như một hồn ma vất vưởng.
Vậy mà dân Sài Gòn vẫn sống, sống chen chúc, lén lút, đùm bọc lẫn nhau. Thói quen ăn hối lộ thâm căn cố đế của các cán bộ răng hô mã tấu nhà nước CS đã giúp con ngụy, vợ ngụy sống mạnh sống kiêu hùng giữa lòng thành phố để nuôi chồng bị tù đày nơi thâm sơn rừng núi.
Sài Gòn ăn bo bo, toàn quốc ăn bo bo. Thời kỳ không thể quên của những ngày bi thảm nhất Bao tử người dân thời bao cấp nó teo lại không biết tự lúc nào. Có lẽ ăn bo bo khó tiêu nên người cứ tóp lại như con mắm. "Cơm độn bo bo canh toàn quốc." Người công nhân chua chát nói bo bo đi một vòng như trái đất quay xung quanh mặt trời, tiện lợi đủ bề.
Bo bo là hàng cứu trợ để nuôi gia súc thế giới giúp VN phục hồi chăn nuôi sau chiến tranh. Đảng phát cho dân thế vào tiêu chuẩn lương thực hàng tháng. Bo bo lảnh về cứng ngắt, ngâm một đêm đem ra nấu, nó không mềm mà dẻo dẻo như ra nhựa. Nấu chín hột vẫn trơ trơ, nhai trợn trạo, nuốt vô lấp đầy cái bao tử để sống còn lao động. Răng không thể nhai bo bo nát được thì bao tử đầu hàng. Bo bo không tiết ra chút gì bổ dưỡng cho cơ thể, cứ ung dung vượt qua bao tử xuống ruột non, ruột già rồi thoát thân ra hậu môn nguyên dạng, làm thực phẩm cho gà và vịt. Ta ăn bo bo, ta thải ra nuôi gà rồi ta ăn gà có phải bo bo đã đi một vòng trời đất rồi không? Nghe thấy ớn nhưng hợp lý. Hết ý.
Người dân miền Nam quen dần với nón cối, dép râu, thuốc lào và quán thịt chó. Quen dần với những khoác lác của bộ đội miền Bắc. Quen dần chợ trời với từ "Đổng, Đài, Đạp" đồng hồ hai cửa cửa sổ, cái nồi ngồi trên cái cốc...Quen dần với những lá cờ đỏ chói, những biểu ngữ giăng khắp đầu trên xóm dưới, những cái loa vang vang ở ủy ban. Quen dần với nghĩa vụ lao động không công, quen dần những buổi họp tổ họp dân phố, xếp hàng mua đồ theo tem phiếu. Quen dần với những thủ tục biết điều cán bộ khi cần một con dấu ở trưởng thôn, xã trưởng, mặt trận... hay các đồng chí anh Hai, anh Sáu ở các ban ngành đoàn thể.
Muốn có cái mộc đỏ au
Đưa gói ba số tiền vào giấy ra
Ký tên đút lót anh Ba
Cúi lòn anh Sáu, đến nhà chị Tư
Tiệc mời cán bộ say nhừ
Tất cả chuyện nhỏ, anh ừ là xong.
Anh Sáu Giám Đốc của tôi thuộc dạng anh lớp hai em lớp ba. Anh là một nông dân chính hiệu kèm theo nhiệm vụ nằm vùng. Khi bị phát hiện anh trốn vào rừng tham gia "Mặt Trận Giải Phóng". Không biết thành tích cách mạng của anh ra sao, gia nhập đảng bao lâu rồi, chỉ biết sau khi tiếp thu anh được chỉ định làm giám đốc. Vợ anh Sáu giám đốc được anh bổ nhiệm làm tổ trưởng vật tư và đời sống. Đồng chí giám đốc chồng bổ nhiệm đồng chí đảng viên vợ thì có còn ai dám giơ tay chống đối lúc bấy giờ.
Câu nói đúng nhất trong chế độ tem phiếu và quản lý đời sống là "Thủ kho to hơn thủ trưởng" đã khiến nhà anh Sáu phất lên trông thấy. Cứ nhìn bàn tay đo vải của chị Sáu vật tư đời sống thì chắc mẻm hai thước chỉ còn một thước tám. Đường, gạo, bột ngọt, dầu hôi, nước mắm cái nào công nhân lãnh cũng thiếu. Đừng dại mà khiếu nại cứ vui vẻ hồ hởi, phấn khởi mang về. Tiêu chuẩn tháng nào cũng như tháng đó.
Mỗi lần đi họp công ty hoặc đại hội công nhân viên chức anh Sáu đều mang theo mình cái ba lô thời kháng chiến chống Mỹ. Anh thường lên lớp khoe thành tích cách mạng nằm vùng của mình. Sau khi thao thao bất tuyệt về ý chí cách mạng anh Sáu thường lôi trong ba lô ra những "Vật bất ly thân" của một người chiến sĩ.
Đầu tiên là đôi dép râu Bác Hồ được anh Sáu giữ gìn tâng tiu như gia tài của mẹ. Anh đem ra trình làng với một dụng cụ bằng kẽm dài dài dùng để luồn vào lỗ dép để móc dây cao su khi bị tuột. Anh hùng hồn:
- Các đồng chí đừng tưởng bở, nó tuy nhỏ nhưng cần thiết. Đi đường rừng ẩm ướt bị trơn trượt dép sẽ sút dây. Nó là cứu tinh số một.
Rồi anh trịnh trọng đem ra này là cái bát, đôi đũa tre, cái muỗng và một con dao nhỏ tự chế.
- Các đồng chí có biết với tinh thần cách mạng mình phải phát huy sáng kiến, tự lực tự cường. Nếu mà đũa bị gãy con dao này giúp ta làm một đôi đũa mới. Không có tăm đừng lười biếng lấy que tre xỉa răng đôi khi bốc nhầm con vắt thì bỏ mẹ. Cái dao này trông thế mà lợi ích lắm.
- Này các đồng chí xem đây là áo mưa, nón tai bèo, bộ đồ chiến sĩ ...
Anh hãnh diện xếp từng thứ và lên lớp như những vật quý trong bảo tàng viện. Nhóm trẻ miền Nam nhìn nhau khều tay nói nhỏ:
- Hết ý kiến. Giám đốc như thế này thì đất nước và con người chỉ có từ chết đến bị thương. Bệnh thành tích.
Anh Sáu làm giám đốc được một thời gian, anh hân hoan tuyên bố Tổng Công Ty thưởng cho anh một chuyến tham quan học hỏi nước bạn Liên Xô vĩ đại.
Thế là anh Sáu lên đường Nga du, một đồng chí đảng viên miền Bắc được thay thế ngay lập tức. Anh Hai được đảng phân công thay thế anh Sáu. Tất cả các ban ngành do anh Sáu cơ cấu lập tức được thay thế để về vườn hoặc giáng cấp xuống các đơn vị lao động. Chị Bảy vợ đồng chí Giám đốc mới được phân công thay thế chị Sáu quản lý kho vật tư và đời sống, nắm bao tử của công nhân. Anh Hai, chị Bảy là đảng viên từ ngoài Bắc vào nên hành xử theo đúng mẫu người XHCN. Anh phát huy quyền lực của mình, dùng chức vụ, chính sách hạ bệ thành phần đảng viên miền Nam trong guồng máy chính quyền và lãnh đạo. Chị Năm còn ác ôn hơn có thái độ phục vụ đúng y chang các cán bộ mậu dịch viên miền Bắc: hoạnh hoẹ, kiêu căng, khinh thường và ăn nói mất dạy khi phân phối nhu yếu phẩm cho công nhân.
Thương thay anh Sáu đi mấy ngày về bị mất toang ghế, chị vợ bị xuống làm công nhân khi tuổi không còn nhiều sức lao động. Anh về vẫn mang một tâm hồn cách mạng triệt để hồ hỡi biết ơn đảng và nhà nước. Anh ngồi kể chuyện Liên Xô:
- Các đồng chí có biết nước Liên Xô anh em vĩ đại văn minh thế nào không? Nhà to khủng, các lâu đài hoành tráng, con người nhân văn, đời sống phồn vinh và tiên tiến bật nhất thế giới.
Anh kể chuyện Liên Xô làm nông nghiệp.
- Đất nước Liên Xô vĩ đại không làm ruộng từng thửa nhỏ như đất nước ta đâu. Họ đã bước vào giai đoạn đại đồng, ruộng bao la không nhìn thấy bờ. Tất cả đều làm bằng cơ khí. Khi cày đất một đồng chí công nhân ngồi trên máy cày. Lái một đường cày từ sáng đến chiều mới đến bờ bên kia. Đồng chí ấy ăn trưa khi lái máy giữa cánh đồng. Nước người ta là thế mình phải học hỏi để tiến bộ.
Anh kể một lần cùng phái đoàn cán bộ nhà nước VN đi tham quan một cơ sở nào đó ở Liên Xô. Anh Sáu mắc đi tè.
- Các đồng chí biết không? nhà xí của Liên Xô hoành tráng thế nào không? Bóng lộn sạch tưng và sử dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến. Tôi đi vào, sau khi giải quyết xong, tôi đi ra mà không mở được cửa. Tôi kêu la trong nhà xí mà cửa cách âm chẳng ai có thể nghe. Mãi thật lâu phái đoàn mới phát hiện thiếu tôi và vội vã đi tìm. Khi họ mở cửa nhà xí tôi mới được giải phóng ra ngoài. Cái lý do tôi không mở cửa được thật là siêu trí tuệ và thần kỳ. Đó là khi nào làm vệ sinh xong mình phải rửa tay, khi mình mở nước rửa tay sẽ kích hoạt cửa nhà xí mở. Khoa học tiên tiến là thế. Tôi quên rửa tay nên bị nhốt lại. Các đồng chí hãy lấy tôi làm gương, khi được đi Liên xô tham quan, nhớ đi cầu phải rửa tay. Văn minh của nhà nước anh em thật là vi diệu.
Mọi người nghe xong đực mặt ra ngưỡng mộ đất nước Liên xô anh em vĩ đại. Cuối năm, trong đại hội công nhân viên chức, đồng chí tổng giám đốc công ty tiết lộ mật trong hàng ngũ cán bộ nòng cốt:
- Thật sự ở Liên Sô đời sống nghèo nàn và khổ cực hơn cả nước ta. Dân chúng đói khổ, bánh mì đen không có mà ăn, công nhân phải xếp hàng rồng rắn mới mua được những thực phẩm trong cửa hàng mậu dịch.
Tin tức được lộ ra ngoài và người ta nghi ngờ những gì anh Sáu đã tuyên truyền về nước Liên Xô vĩ đại là phịa để tô vẽ cho một hình tượng theo chỉ đạo của đảng. Anh Sáu có bí danh ngầm là anh Sáu Xạo.
Anh Sáu Xạo cựu giám đốc của tôi được phân bổ về công tác bên bộ phận công đoàn, vận động Sinh Đẻ Có Kế Hoạch. Ngày ngày anh Sáu xách cái ba lô tiền sử đó theo các chị bên công đoàn vận động các gia đình công nhân trong kế hoạch. "MỘT GIA ĐÌNH CHỈ ĐƯỢC CÓ HAI CON."
NT2
April 27, 2023
____________
Đỗ Hứng gởi