Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh




 
Cái Ly Và Cái Cốc
 
 


 

Nói về ly nước cam vắt ở Bình Định, ở đó người ta cũng kêu là cái ly nhưng lên trên nữa thì gọi là cái cốc. Sau này để đơn giản người ta cứ nói trong Nam là ly,  ngoài Bắc là cốc. Bữa nay quởn bàn chơi tại sao lại có sự khác biệt như vậy.

Hồi xưa trước khi Tây (Pháp) qua ông bà mình đâu biết thủy tinh là gì, mấy thứ đựng đồ ăn đồ uống đều làm bằng sành, bằng sứ và làm rất đẹp nên mấy đồ bằng Sứ Huế (Bleu de Hue) nổi tiếng cả thế giới.

Thế kỷ thứ XVII Cảng Hội An rất tấp nập, người Hà Lan đem đồ đến bán ngược xuôi. Trong thứ hàng hoá mà họ đem đến có một vật dụng đựng đồ uống bằng thủy tinh, nhẹ đẹp nhưng dễ vỡ.

Cái đồ đó tiếng Hà Lan gọi là cái Kop, phát âm giữa cốp với cốc, bắt đầu phát âm là cốp và chấm dứt bằng cốc.

Từ Hội An họ đem ra đàng ngoài, rồi người Việt mình nghe người Hà Lan phát âm như vậy nên Việt hoá thanh âm để trở thành cái Cốc.

Trái lại, cũng món này nhưng lại do người Tàu mua đi bán lại rộng rãi ở Hội An và còn chở cả vào đàng trong để bán. Thủy tinh trong tiếng Hán là Pha Lê và họ phát âm là Pó Lỳ hoặc Phá Lỷ tuỳ theo vùng miền.

Người mình đàng trong nghe vậy lược bớt để đọc trại thành cái Ly.

Bây giờ cứ hãy đọc trong thơ văn thấy ly thấy cốc như vầy, là biết tác giả người miền nào.
 
“Nước chanh mà say? Anh chỉ tổ xạo!
Anh xoay cái ly, cái ly quay mòng mòng
Anh nói rất nhỏ anh say y cái ly
Vì nước miếng em như chất rượu nồng.”
 (Hồng Khắc Kim Mai)

Hay là:

“Cốc rượu cay vơi bớt nỗi truân chuyên
"Gốc cây bên đường đỡ đần bước chân lữ thứ…
"Ngẫm cho cùng, không đến độ vô tích sự
"Trời sinh ta dành để thất tình em.”
 
Đào Công Điền

Tuy nhiên phải đợi đến giữa thập niên 70 tiếng Việt mới có thêm một diễn đạt thật ngộ nghĩnh: “Cái nồi ngồi trên cái cốc”.
 

Đỗ Hứng gởi