CÁI MÁU VONG ƠN CỦA MÌNH NÓ LỚN GHÊ LẮM
Trên đời này tìm được người có lòng tri ơn khó dữ lắm. Tôi biết trong room này nhiều người cứ tưởng mình là người biết tri ơn nhưng mà sai bét, các vị mang ơn ai, hả? Cái ơn đó bằng trời đi nữa nhưng các vị luôn luôn có tới một tỷ lý do để các vị phủi tay, luôn luôn là như vậy.
Bữa hổm tôi có nói thí dụ này, tức là mỗi ngày tôi hầu hạ các vị như là mẹ ruột của tôi, như là cha ruột của tôi vậy đó, mỗi ngày tôi dúi vô tay các vị 10 ngàn đô la xài chơi, rồi xong rồi tôi nấu cơm, rồi tôi lấy nước nóng ngâm chân, tôi cắt móng tay, tôi xoa bóp, tôi hầu hạ các vị như là mẹ ruột của tôi. Mỗi chiều trước khi chia tay, tôi cũng phải giăng màn, móc mùng tùm lum hết, quạt hầu ấm lạnh xong xuôi, cho các vị 10 ngàn đô la.
Mỗi ngày hầu hạ như vậy, ăn uống thì lựa cái món nào các vị vừa lòng, lúc nào cũng ngồi chầu chực coi làm sao cho các vị vui, khi nào các vị buồn giận hổng vui thì tôi tìm cách tôi chìu chuộng, an ủi, xoa dịu. Tôi hầu như vậy đó mà suốt 10 năm trời, 10 năm nha, liên tục không mất một ngày.
Đến năm thứ 11 tôi không còn lo nữa, tôi chuyển qua người khác, thì các vị tưởng tượng đi, các vị có chịu nổi không? Cái ơn 10 năm qua mà tôi đối xử tốt với quí vị đó, bây giờ các vị có còn nhớ hay không? Hay là các vị chỉ nghĩ đến một chuyện: Bây giờ nó qua nó lo cho người khác rồi, nó thờ người khác rồi.
Đêm đêm cũng khoảng tầm 6, 7 giờ bắt đầu cái lòng căm hờn nó nổi dậy. Các vị nhớ ngày xưa 10 năm trước vào cái giờ này là ổng bưng nguyên một cái ấm, nguyên một cái thau bằng đồng mạ vàng đựng nước ấm có thuốc bắc trong trỏng, ổng ngâm chân, ổng xoa bóp cho mình ngủ. Rồi bây giờ ổng đem toàn bộ những sự chăm sóc đó ổng qua ổng lo cho vị kia. Chỉ nghĩ chừng đó thôi là 10 năm ân nghĩa coi như đổ xuống cống, tôi hứa như vậy, đừng có nói dóc, nha, hứa luôn, nha.
Cho nên lòng tri ơn rất là khó kiếm. Mà cái chuyện đầu tiên là lòng tri ơn mình có hay không? Thứ hai, có được lòng tri ơn rồi liệu mình có được cái thứ hai hay không?
Thứ nhất, tri ơn là thương được cái người tốt với mình chứ gì nữa? Tri ơn là mình thương, quí người tốt với mình. Thứ hai, khó hơn một chút đó là thương được người dưng, cái người mà không có ơn nghĩa, không có ân oán gì với mình hết. Cái khó thứ ba là thương được bạn bè của kẻ thù. Và cái thứ tư là thương được kẻ thù.
Tổng cộng là 4 bước, các vị nghe kịp không? Một là tri ơn, là lòng thương quí cái kẻ tốt với mình. Thứ hai, thương được cái kẻ không ân oán với mình. Bước ba, thương được bạn thân của kẻ thù mình. Và cái thứ tư là thương được kẻ thù. Tất cả là 4 bước nha. Thì muốn trở thành một vị Bồ Tát là phải đi đủ 4 bước này, bởi vì sao? Tại sao có 4 bước này? Bởi vì không có khả năng thương được kẻ thù thì anh làm Bồ Tát kiểu gì? Anh làm bồ lúa chứ Bồ Tát cái gì? Anh làm bồ lúa chứ Bồ Tát gì nổi mà Bồ Tát? Bồ Tát là phải có khả năng thương được kẻ thù. Gớm như vậy.
Trong kinh nói là phải có khả năng thương được kẻ thù rồi đến một ngày khi gần thành Phật là Ngài phải đạt tới cái trình độ là coi kẻ thù và người thân giống nhau. Phải giống nhau, có nghĩa là ngó nó như hai giọt nước, nhìn như hai giọt nước vậy đó. Cái tâm nó phải ngon lành, nó phải hững hờ, nó bình thản như vậy, nhìn cái kẻ chí ái và cái kẻ đại thù giống như nhau. Đại thù là gì? Là nó mới vừa giết cha mình xong, nó mới vừa giết mẹ mình xong, nó mới vừa cào nhà, nó mới vừa giựt vợ mình xong, bây giờ nó đang lên kế hoạch, nó giết, nó lụi, nó đâm, nó chém, nó bắn mình, mình biết luôn, biết nó lên kế hoạch nó giết mình nhưng Bồ Tát vẫn nhìn nó bằng cái ánh mắt y chang như nhìn mẹ của mình vậy, không có phân biệt. Thì tới mức này nè mới thành Phật được. Mà trong cái quá trình đó, là các vị biết phải tu bao nhiêu A tăng kỳ quí vị biết không? Nãy giờ tôi mới nói có một hạnh tu thôi đó.
Cái bước đầu tiên là tri ơn là chính Phật đã dạy “Khó khăn lắm, không phải dễ dàng tìm thấy ở đời một người có lòng tri ơn và biết báo ơn”. Phật đã nói cái điều đó rồi, mà ngay cái step đầu tiên là tri ơn mà đã không có rồi, tức là thương được, quí được kẻ tốt với mình khó lắm.
Trong room này nhiều người lén lén nghĩ “Trời ơi, người ta tốt với mình thì mình thương người ta, chuyện đó bình thường”. Sai, trước mắt thôi. Chứ chỉ cần người ơn đó mà họ chỉ có một động thái nho nhỏ là mình xù đẹp nha, nhớ đi, đừng có hèn mà lắc đầu. Tôi ghét nhất cái đó, có gì đâu mà lắc đầu, cái đó là sự thật mà.
Hồi nãy tôi nói rồi, tôi hầu các vị như bà cố nội của tôi suốt 10 năm mà tới năm thứ 11 tôi chuyển qua đối tượng khác, tôi không có đụng chạm gì tới quí vị, tôi không có xúc phạm, tôi không có mạo phạm, tôi không có tấn công quí vị nha, tôi chỉ dời đối tượng thôi. Tức là ngày xưa bao nhiêu cái sự chăm sóc đó tôi dành cho quí vị, bây giờ tôi dời sự chăm sóc qua đối tượng khác là quí vị đã thù tôi rồi nha. Cho nên cái bước một là thương quý được cái người tốt với mình tưởng dễ chứ rất là khó bởi vì đó là hạng người tri ơn mà. Bước hai là thương được cái kẻ không ân oán gì với mình. Bước ba là thương được bạn của kẻ thù mình. Thứ tư là thương được chính cái kẻ thù mình.
Đấy! Thì như vậy tôi chỉ nói riêng có một tí ti vì đó chỉ là một phần tỷ của một vị Bồ Tát thôi, thì hỏi cái đó đã khó, đã hiếm thì các vị hiểu ngầm một vị Phật còn hiếm cỡ nào? Một vị Phật có thể vì Chánh pháp, vì để nghe một bài pháp mà dám chết. Tu hạnh trí tuệ đó, để cầu được trí tuệ, để cầu được nghe pháp mà vị Bồ tát có thể dám chết chứ đừng có nói tài sản ngoại vật ngoại thân nha, dám chết để mà nghe pháp. Vị Bồ Tát dám vì trau dồi trí tuệ mà dám chết, vị Bồ Tát dám vì lòng từ bi với chúng sanh mà chết, dám vì cái hạnh bố thí mà chết, dám vì cái hạnh nhẫn nhục mà chết, dám vì cái hạnh tinh tấn, hạnh xuất gia mà chết, dám vì cái từ tâm, dám vì cái hành xả mà chết. Dễ sợ như vậy. Còn mình thì sao? Mình là chỉ cần mất một mẻ, một miếng tiền, sứt một miếng thịt là mình đã nổi dịch lên mình muốn đốt nhà, mình cào cả họ người ta mình giết rồi.
Trong khi Ngài là Ngài phải tới cái mức độ vì các hạnh lành mà dám chết, mà không phải một kiếp, nhiều kiếp như vậy, vô số kiếp như vậy, cuối cùng thành một vị Phật. Cho nên cái sự ra đời của một Đức Phật cực kỳ là quý hiếm, cực kỳ khó khăn, nha. Điều đó cho thấy, cái máu vong ơn của mình nó lớn ghê lắm. Mình rất dễ giận cha mẹ. Cha mẹ khổ với mình một đời nhưng mình cứ canh me cha mẹ có gì đó là mình xù liền, mấy chục năm ơn nghĩa. Tin tôi đi. Mình rất dễ quên ơn cha mẹ để quay về với con của mình, mình có khuynh hướng coi trọng tác phẩm hơn nguồn cội.
Trong kinh đức Phật dạy "Này các tỳ-kheo, có 3 hạng người rất khó tìm trong cuộc đời này. Một, đó là đức Phật Chánh Đẳng Giác", một con người mà có 3 cái đặc biệt sau đây: Đức Phật là người mà ai Ngài cũng thương, đức lành nào Ngài cũng có, và cái gì Ngài cũng biết. Người như vậy được gọi là người hiếm có ở trên đời. Hạng người thứ hai là hạng người có thể thuyết giảng giáo pháp của chư Phật chính xác và bằng thiện tâm, thiện chí. Đó là hạng người khó tìm thứ hai. Và hạng thứ ba, các vị nghe rất khó tin nhưng đó là sự thật, đó là hạng người biết tri ơn. Hồi nhỏ tôi đọc cái đó tôi khó chịu lắm. Tôi nghĩ, Phật thì khó tìm đúng rồi, người có khả năng thuyết giảng Chánh pháp đúng với lời Phật mà lại thuyết giảng bằng thiện tâm, thiện chí thì cứ cho là hiếm đi. Nhưng cái hạng thứ ba, sao mà hiếm được? Người có lòng tri ơn sao mà hiếm được? Nhưng mà bây giờ tôi già rồi các vị biết không? Tôi già rồi, tôi thấm.
Qua bao nhiêu thăng trầm dâu biển trong đời sống tôi mới thấy ra Một điều: Máu vong ơn của mình nó cuồn cuộn chảy. Không lẽ tôi nói thiệt câu này các vị nổi điên lên, chứ trước mặt tôi toàn người có khả năng vong ơn nhiều hơn là người có khả năng tri ơn. Các vị rất là dễ phủi tay. Tin tôi đi. Rất là dễ phủi tay. Tôi tốt với quý vị bằng trời, tôi tốt 10 năm, tôi chỉ làm phiền các vị một buổi sáng thôi, 10 năm kia đi vào sương khói.
Sư Toại Khanh
________________
Hoang Nguyen gởi