Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 

Cái que kem trên đất nước của tôi

 

 

Một buổi sáng mùa hè năm 2008, tôi nằm nhà đứa bạn sau trận nhậu say khướt từ tối hôm trước. Tôi nằm đó để nghĩ về hai thứ: Cô người yêu mới bỏ đi lấy chồng và chuyện… kiếm tiền. Chuyện kiếm tiền ở các trường dân lập dưới Hà Nội không hề khó, quan trọng là có nên làm hay không (chuyện này sẽ kể sau).


Nhà đứa bạn ở cạnh chợ. Cả xã có duy nhất một cái chợ này, họp các phiên theo lịch âm những ngày 1, 3, 6, 8. Đang nằm trên võng để nghĩ về nỗi đau tình yêu tan vỡ, chợt nhìn thấy bà mẹ trẻ và cô con gái nhỏ đang khóc đi theo. Bà mẹ tầm 30 tuổi, cô bé khoảng 4-5 tuổi. Cả hai đều “nhàu nhĩ” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.


Bà mẹ gánh theo đủ thứ trên hai bên quang thúng quang gánh. Một nhúm mộc nhĩ rừng, một bó giang (gần giống lồ ô trong Nam, dùng làm dây lạt), bên kia là lưng thúng ngô hạt. Vừa đi vừa mắng con bé, càng mắng cô bé càng khóc tợn. Đến khi bà mẹ đặt gánh hàng xuống ngay gần nơi tôi đang nằm, cô bé vẫn khóc, cầm tay mẹ lắc lắc liên hồi. Người mẹ nhìn quanh, luống cuống, xấu hổ và bất chợt đánh đứa nhỏ, vừa đánh vừa mắng bằng tiếng dân tộc Mường. Hóa ra đứa nhỏ muốn ăn kem, trong khi mẹ nó chưa bán được gì để có tiền. Đứa nhỏ nhem nhuốc, gầy gò khóc rung cả mớ tóc cháy nắng.


Tôi chạy ra mua cho cô bé hai que kem (ở các phiên chợ vùng cao, kem đa số là nước lã trộn đường, ít sữa và hương liệu hóa chất). Quay lại võng nằm, đưa điếu thuốc lên đốt, ngửi mùi kem còn dính ở tay, tôi lạnh sống lưng, vã mồ hôi và nôn thốc nôn tháo.


Năm 1991, đội thiếu niên của xóm đi thi được nhất xã. Chúng tôi được “vinh dự” ra huyện “thi” cùng các xã khác. Nội dung tập tành và thi chủ yếu là các mục: Chào cờ hát Quốc ca, đi đều theo điều lệnh như quân đội, cắm trại, múa hát văn nghệ tập thể, các tiết mục lựa chọn để thi cá nhân, tốp biểu diễn (tất cả các nội dung văn nghệ múa hát phải dính đến, ca ngợi Đảng và ông Hồ).
 

Những năm 1990, cả xã tôi vừa nghèo vừa đói (đói ăn theo nghĩa đen). Cả đoàn trẻ con và người lớn được một chiếc xe tải IFA thùng lớn từ thời “chống Mỹ” chở đi. Khỏi nói chuyện trẻ con say xe nôn thốc nôn tháo, cả người lớn cũng nôn đầy vào nhau và cả sàn xe. Ra đến sân vận động của huyện khoảng 4g chiều. Đám trẻ nằm cả đống mệt mỏi vì say xe, nôn và nóng bức giữa trời bắt đầu xuống xe. Những chiếc xe đạp chở thùng kem, bên trên là cuộn vải màn cáu bẩn bắt đầu vây lấy các “trại” trẻ. Tiếng rao, tiếng còi inh ỏi mời chào đám trẻ con, đa số là lần đầu được “ra huyện”. Có vài đứa trẻ được bố mẹ cho sẵn tiền, chúng chạy lại mua kem để ăn. Mùi dầu chuối trên que kem, giữa trời oi bức buổi chiều mùa thu, hấp dẫn lạ kỳ và trở thành một kiểu tra tấn khủng khiếp với đại đa số lũ trẻ nghèo và dĩ nhiên cả tôi nữa.


Trong túi tôi không có tiền. Lúc đi huyện, bố mẹ không còn một nghìn trong nhà. Đành phải chịu sự tra tấn của cái nóng và mùi kem thơm phức cùng hơi lạnh mát rượi từ những que kem của lũ trẻ xung quanh. Tối nằm trong trại, mùi kem vẫn vương vất đâu đó trên cỏ, trên tấm bạt lót và từ quần áo, đầu tóc những đứa nằm cạnh bên. Đó là một đêm mộng mị, khó ngủ đầu đời! Sáng hôm sau, bố tôi gánh sắn khô (sắn cẳng bò, sắn sừng bò) đi chợ huyện bán. Từ nhà đi bộ đến huyện khoảng 16 km. Bố ra đến nơi lúc gần 9g sáng, vòng xuống trại, bố bảo chờ chút bố bán hàng xong mang tiền xuống cho mua kem rồi mới gánh hàng lên chợ. Đến hơn 11g trưa, bố xuống mua cho một que kem rồi tiền bán sắn dùng mua chút mắm muối cũng đưa hết cho tôi. Lần đầu tiên tôi được cầm “một gia tài” là 2.300 (hai nghìn ba trăm đồng, toàn tờ tiền 100-200 đồng). Que kem thời đó chỉ có giá 100 đồng. Ba ngày ở huyện, tôi tiêu hết 1.000 đồng cho 10 que kem, về đưa lại cho bố 1.300 đồng. Mãi sau này, những năm 2000, không đến nỗi thiếu kem nữa, bố mẹ vẫn hay nhắc lại chuyện một gánh sắn, 16 km, và 2.300 đồng…


Mùi kem trên tay, cái lạnh sống lưng vã mồ hôi, nôn khan làm tôi tỉnh hẳn đầu óc. Đó là thời điểm có tính chất mấu chốt cho những quyết định sau này. Từ cái này hè 2008 đó, mùi kem, mùi vani, mùi dầu chuối luôn ám ảnh tôi. Hình ảnh những đứa trẻ khốn khổ, khóc lóc vì đòi ăn những thứ đơn giản không được luôn gây mất ngủ cho tôi.

 

Về vùng nông thôn, miền núi, vùng cao chúng ta sẽ dễ dàng nhìn thấy những hình ảnh như của tôi năm 1991 và như cô bé năm 2008. Và chúng ta sẽ thấy thêm nhiều nữa các đảng viên-cán bộ từ cấp xã trở lên đã bắt đầu giàu có hơn đại đa số dân thường. Những hình ảnh như cậu bé cõng gạch trong hình như cõng cả tương lai phía trước, như cõng cả tiền đồ cho bọn cai trị xứ sở một cổ hai tròng đảng-nhà nước. Những đứa trẻ đói rách, những đứa trẻ phải cõng gạch là hệ quả tất yếu của một hệ thống song trùng chỉ ăn và phá.


Những đứa trẻ mất đi que kem và cùng lúc phải cõng hết từ cái thẻ golf 3 tỷ của Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, cõng cả những chuyến bay thương gia của cán bộ-đảng viên đi “học tập nghiên cứu” nước ngoài, cõng tất cả những tàn phá của Vũ Nhôm và đồng bọn là quan chức từ tỉnh đến trung ương. Bọn trẻ nghèo sẽ còn phải cõng thêm nhiều Đinh La Thăng, nhiều Trương Minh Tuấn, nhiều Nguyễn Bắc Son cũng như cả bầy tướng bên quân đội và công an. Tất cả đều ăn và phá, để lại gánh nặng đè lên vai những đứa trẻ thèm kem. Các dự án nghìn tỷ, chục nghìn tỷ, trăm nghìn tỷ bị phá nát. Các phe phái tranh nhau ăn, tranh nhau ghế, cắn nhau vì phân chia địa bàn… Tham nhũng, ăn chặn, ăn cướp từ trung ương đến địa phương ở mọi lĩnh vực. Đôi vai những đứa trẻ ngày càng thấp xuống. Ngực chúng luôn úp xuống vì gánh nặng trên vai. Chẳng biết bao giờ chúng mới có thể đứng thẳng, vươn về phía trước?


Lò nào đốt được hết? Khi mà “một bộ phận tham nhũng” là cả hệ thống thì cái lò cũng chỉ là chiêu trò tranh ăn, giành ghế và cắn nhau vì địa bàn. Khi không có đối lập chính trị, không có đa nguyên, không có dân chủ, không có quyền con người với những tự do đầy đủ, không có tự do báo chí…, thì cái lò chỉ là hình thức thanh toán thanh trừng nội bộ, giữa các đồng đảng-đồng chí với nhau. Và chính nó cũng là một gánh nặng cho đôi vai những đứa trẻ! Những đứa trẻ đói khát và khóc vì thèm kem…


Đất nước này y như một que kem vậy. Hệ thống song trùng với những “đô hốc” Hiến, những Thăng, Son, Tuấn, Vĩnh, Hóa với Huỳnh Đức Thơ, Phạm Sỹ Quý cùng cả nghìn đối tượng đã lộ và cả vạn kẻ chưa lộ vẫn thi nhau cắn và mút que kem đất nước. Cuối cùng, chỉ còn lại đống nợ và cái que sạch khô in toàn dấu răng của các đồng chí cai trị.

Mỹ-Trung “đọ” hỏa tiễn ở Tây Thái Bình Dương (1)

Hỏa tiễn Pershing II


HIẾU CHÂN


Cuộc chạy đua hỏa tiễn (missile) ở Tây Thái Bình Dương, gồm cả biển Đông Việt Nam, giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sắp có chuyển biến khi Mỹ tung ra những vũ khí mới, chiến lược mới nhằm thu hẹp khoảng cách với đối thủ. Lược khảo phúc trình đặc biệt của hãng tin Reuters đăng tải ngày 06-05-2020.


Mỹ, Nga bị trói – Trung Quốc múa gậy vườn hoang


Nhiều năm qua, Trung Quốc đầu tư lớn để phát triển vũ khí, nhất là các loại hỏa tiễn tầm trung và tầm xa trong khi Mỹ bị “trói tay” bởi một hiệp định kiểm soát vũ khí ký kết với Nga từ thời Chiến tranh Lạnh.


Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (Intermediate-Range Nuclear Forces Treaty) gọi tắt là INF Treaty do Tổng thống Ronald Reagan ký với Chủ tịch Liên xô Mikhail Gorbachev ngày 8-12-1987 cấm hai quốc gia này phát triển các loại hỏa tiễn đạn đạo (ballistic), hỏa tiễn hành trình (cruise) và bệ phóng hỏa tiễn (missile launcher) có tầm bắn từ 500 đến 5000 km từ căn cứ trên đất liền (land-based); những loại hỏa tiễn có tầm bắn như vậy đã sản xuất ra thì phải bị tiêu hủy. Hiệp định không áp dụng cho hỏa tiễn phóng đi từ phi cơ (air-launched) hoặc từ chiến hạm (sea-launched). Ba năm sau, đến tháng 5-1991, hai nước Nga-Mỹ đã tiêu hủy tổng cộng 2.692 hỏa tiễn các loại, tiếp đó là 10 năm kiểm tra xác nhận tại hiện trường.


Trong lúc Nga và Mỹ tự trói nhau bằng hiệp định INF thì Trung Quốc mặc sức múa gậy vườn hoang, phát triển đủ loại hỏa tiễn mà không bị ràng buộc gì. Theo tính toán của Mỹ và phương Tây, Trung Quốc đã tận dụng thời cơ, sản xuất và bố trí hơn 2.000 hỏa tiễn tầm trung và tầm xa. Không chỉ xây dựng lực lượng hỏa tiễn trên đất liền, Trung Quốc còn điều chỉnh và trang bị hỏa tiễn tầm xa, hỏa tiễn diệt hạm cho đội tàu chiến và phi cơ chiến đấu của mình.

Lợi dụng hiệp định INF trói buộc Hoa Kỳ và Nga, Trung Quốc xây dựng một lực lượng hỏa tiễn khổng lồ và hiện đại.


Ngoài ra, lợi dụng hai thập niên Mỹ bị lôi cuốn vào chiến tranh ở Trung Đông và Afghanistan, quân đội Trung Quốc đã xây dựng một lực lượng hỏa tiễn nhắm mục tiêu tấn công các hàng không mẫu hạm (HKMH), chiến hạm và chuỗi căn cứ quân sự đang là xương sống của lực lượng Mỹ ở châu Á. Trong thời gian này, các nhà máy đóng tàu của Trung Quốc đã xuất xưởng một đội tàu hải quân lớn nhất thế giới, hiện có khả năng thống trị các vùng nước gần bờ Trung Quốc và giữ cho các lực lượng Mỹ không đến gần được. Ở nhiều chủng loại, hỏa tiễn Trung Quốc bây giờ đã ngang bằng, hoặc vượt qua các loại hỏa tiễn trong kho vũ khí của Mỹ và đồng minh.


Hỏa lực tích cóp được đã làm thay đổi cán cân lực lượng trong khu vực theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Hoa Kỳ, từ lâu là thế lực quân sự thống trị ở châu Á, đã không còn đủ tự tin sẽ giành được chiến thắng nếu xảy ra một trận xung đột quân sự trên vùng biển gần Trung Quốc, theo nhận định của các sĩ quan cao cấp của Mỹ đã nghỉ hưu.


Nhận ra sự vô lý này, và sau nhiều lần thuyết phục Trung Quốc tham gia hiệp định INF mở rộng không thành công, ngày 20-10-2018 Tổng thống Donald Trump thông báo Hoa Kỳ rút ra khỏi hiệp định INF, đình chỉ các nghĩa vụ theo INF từ ngày 01-12-2019 và chính thức xóa bỏ hiệp định ngày 02-08-2019; phía Nga cũng làm như vậy.


“Hoa Kỳ đã trở lại”


Không còn bị trói buộc bởi hiệp định INF, Hoa Kỳ lập tức tăng tốc nghiên cứu và sản xuất các loại hỏa tiễn đời mới và lập kế hoạch bố trí các hỏa tiễn này ở châu Á-Thái Bình Dương, sẵn sàng đối phó với Trung Quốc. Ngay sau khi Mỹ xóa bỏ hiệp định INF ngày 02-08, sang ngày 03-08 Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper thông báo ông muốn thấy các hỏa tiễn mặt đất của Mỹ được bố trí ở châu Á trong vài tháng nữa, dù ông công nhận sẽ mất thời gian lâu hơn.


Động thái của Mỹ nhắm vào việc đáp lại lợi thế áp đảo của Trung Quốc trong lĩnh vực hỏa tiễn hành trình và hỏa tiễn đạn đạo đặt căn cứ trên mặt đất. Theo các chỉ huy cao cấp và cố vấn chiến lược của Mỹ, quân đội Trung Quốc có một lực lượng hỏa tiễn khổng lồ, có tầm bắn vượt xa hỏa tiễn của Mỹ và đồng minh. Nay thì Ngũ Giác Đài có ý định đảo ngược vị trí dẫn đầu của Trung Quốc trong cái mà các chiến lược gia gọi là “chiến tranh tầm bắn” (range war).


Hồi tháng 03-2020, trong cuộc điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện về dự toán ngân sách cho năm 2021, các chỉ huy cao cấp của quân đội Hoa Kỳ đã trình bày một số kế hoạch mới.


“Người Mỹ đã trở lại, lợi hại hơn xưa. Tới năm 2024-2025 sẽ có một rủi ro cho quân đội Trung Quốc là những bước phát triển quân sự của họ sẽ trở thành lỗi thời,” Ross Babbage, cựu quan chức quốc phòng cao cấp của chính phủ Úc và nay là nhà nghiên cứu không thường trú của Trung tâm Chiến lược và Thẩm định Ngân sách – một tổ chức an ninh có trụ sở tại Washington, nhận định.


Cải tiến Tomahawk để kiểm soát mặt biển

 

Hỏa tiễn Tomahawk phóng đi từ chiến hạm đang được cải tiến để trang bị cho Thủy quân Lục chiến. (Wiki)


Cuối tháng trước, Ngũ Giác Đài cho thử nghiệm hỏa tiễn hành trình Tomahawk phóng từ mặt đất. Hồi tháng 12-2019, họ đã thử hỏa tiễn đạn đạo (ballistic missile) phóng từ mặt đất. Hiệp định INF cấm các loại hỏa tiễn phóng từ mặt đất nên suốt 30 năm qua, Mỹ không thể thử nghiệm các loại hỏa tiễn mặt đất như vậy.


Trước tiên, Ngũ Giác Đài dự định trang bị cho lực lượng Thủy quân Lục chiến (TQLC) các phiên bản mới của hỏa tiễn Tomahawk, hiện chỉ có trên các chiến hạm; đồng thời tăng tốc việc bố trí các phiên bản hỏa tiễn tầm xa diệt hạm trong các thập niên tới.


Hỏa tiễn Tomahawk xuất trận lần đầu và gây tiếng vang trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh Ba Tư năm 1991. Trong vài thập niên qua, Tomahawk được bố trí trên các chiến hạm, dùng để tấn công hủy diệt các mục tiêu trên đất liền với tầm bắn lên tới 1.600 km, theo nhà sản xuất Raytheon Company. Từ nay đến 2022, TQLC sẽ thử nghiệm loại hỏa tiễn hành trình Tomahawk và cải tiến để nó phù hợp với các đơn vị nhỏ, tác chiến trên bộ.


Thiếu tướng Eric Smith, chỉ huy cao cấp của TQLC nói với Quốc hội hôm 11-03 rằng lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã yêu cầu TQLC “nhanh chóng” triển khai hỏa tiễn hành trình Tomahawk phóng từ mặt đất. Dự toán ngân sách trình Quốc hội cho thấy TQLC yêu cầu có 125 triệu USD để mua 48 quả Tomahawk trong năm tới.


Sau khi được trang bị Tomahawk, TQLC sẽ tham gia cùng Hải quân tấn công các chiến hạm đối phương. Các đơn vị TQLC nhỏ, tính cơ động cao, được trang bị hỏa tiễn diệt hạm sẽ trở thành những sát thủ đáng gờm cho tàu chiến của địch. Khi xảy ra xung đột, các đơn vị TQLC sẽ được bố trí rải rác ở những chốt quan trọng trong vùng Tây Thái Bình Dương, dọc theo cái gọi là Chuỗi Đảo Thứ Nhất – một dãy các hòn đảo bên ngoài bờ biển Trung Quốc, chạy từ quần đảo Nhật Bản, qua Đài Loan, Phi Luật Tân và xuống tới đảo Borneo thuộc Indonesia. Hải quân Trung Quốc muốn đi ra Thái Bình Dương phải xuyên qua chuỗi đảo này.


Tại cuộc điều trần ngày 05-03, tướng David Berger, Tư lệnh TQLC nói với Quốc hội rằng các đơn vị TQLC nhỏ, trang bị hỏa tiễn có độ chính xác cao có thể giúp Hải quân Mỹ giành lại quyền kiểm soát mặt biển, đặc biệt là ở Tây Thái Bình Dương. “Hỏa tiễn Tomahawk là một trong những công cụ cho phép chúng tôi làm chuyện đó,” tướng Berger nói.



(còn tiếp bài 2)


BÙI VĂN THUẬN


usaelection gởi