Cái Tết chưa từng có của Ông Đồ người Pháp
Tôi là Jean Sébastien Grill (41 tuổi, người Pháp).
Tết năm nay, tôi may mắn có cơ hội trở thành một trong 50 ông đồ tham gia cho chữ tại hội chợ xuân ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Tôi bay về Việt Nam từ đầu tháng 1 để chuẩn bị cho dịp quan trọng này.
Năm 2006, tôi và vợ đến Việt Nam lần đầu và bắt đầu thích cuộc sống, văn hóa ở đây.
Đến năm 2015, tôi biết đến thư pháp sau khi một người bạn giới thiệu.
Nhanh chóng bị bộ môn này lôi cuốn, tôi xin theo học hai người thầy dạy chữ có tiếng tại Hà Nội.
Ngoài ra, tôi còn đặc biệt yêu thích nghiên cứu, tìm tòi về đông y cổ truyền của Việt Nam.
Bút danh tiếng Việt của tôi là Trường Giang. Tôi chọn cái tên này bởi "Giang" phát âm khá tương đồng với tên "Jean" trong tiếng Pháp. Ngoài ra, nó còn mang ý đẹp, nghĩa là "cuộc sống lâu dài".
Tôi và gia đình từng có 6 năm liền sống tại Hà Nội trước khi chuyển về Pháp vào giữa năm 2021.
Vì vậy, việc di chuyển xe máy không còn gì xa lạ. Nhớ lại lần đầu, tôi không tránh khỏi cảm giác lo sợ khi hòa vào dòng xe cộ đông đúc trên đường phố, nhưng chỉ cần mất một buổi để làm quen.
Sáng đầu ngày, tôi tranh thủ lái xe đi mua thêm giấy đỏ và nẹp để treo giấy, trước khi có mặt ở Văn Miếu. Dịp Tết, phần đông cửa hàng đều đóng cửa nghỉ lễ, may mắn tôi vẫn tìm được một nơi còn bán.
Đến gian lều của mình, tôi nhanh chóng gỡ màn, dọn dẹp, treo tranh trước khi đón những vị khách đầu tiên.
Kế tiếp, tôi thay bộ trang phục truyền thống dành cho các thầy đồ: áo the và khăn xếp. Bộ đồ vừa vặn, mặc rất thoải mái.
Tôi mua cách đây đã vài năm, khi vẫn còn sống ở Việt Nam, nhưng đến dịp này mới đem ra mặc, nhằm đánh dấu sự kiện đáng nhớ với bản thân.
Thứ không thể thiếu khi viết thư pháp là bút lông và mực. Tôi có nhiều loại bút với đầu lông, chất liệu khác nhau. Tôi coi chúng là "gia tài" quý giá, cất giữ một cách cẩn thận.
Mỗi loại giấy lại có độ phức tạp khác nhau. Với giấy dó truyền thống của Việt Nam, tôi cần thận trọng mỗi lần đưa bút bởi bề mặt giấy thô, ráp, dễ làm trượt nét.
Trong khi đó, giấy lụa mềm mại lại giúp thầy đồ dễ thực hiện các nét bay bổng, uyển chuyển.
Khi khách xin chữ, tôi sẽ viết trước ra sổ để bảo đảm đúng dấu, không sai chính tả, sau đó tự hình dung kích thước, sắp xếp trong đầu.
Tôi thường gọi trên bề mặt mỗi tờ giấy, phía trên tượng trưng cho bầu trời, ở dưới là mặt đất. Một bức thư pháp đẹp cần hài hòa về bố cục, với những nét chữ đậm và nhạt kết hợp một cách cân đối.
Lúc mới học, tôi từng rất loay hoay vì không biết điều khiển bút, trong khi với thư pháp, một nét viết hỏng là coi như bỏ đi.
Dần dần, tôi chú trọng luyện gân cốt cổ tay vừa cứng vừa mềm dẻo và quan trọng nhất là rèn tâm. Tôi quan niệm trong mỗi chữ viết ra, thầy đồ phải thể hiện được 3 điều: vẻ đẹp của đường nét, ý nghĩa của câu chữ và thần thái, năng lượng của người viết.
Hoàn thành bước viết chữ, tôi lấy máy sấy khô hoặc dùng giấy thấm để đảm bảo mực đen không lem, giúp hình dạng nét chữ giữ nguyên đúng chủ ý của người viết.
Khâu cuối cùng là dùng con dấu riêng, đóng mực đỏ ấn lên mặt giấy, trước khi trao lại tác phẩm cho người xin chữ.
Tôi cũng có nhiều con dấu khác nhau, tùy theo từng bức, tôi có thể chọn đóng con dấu có tên Trường Giang viết theo chữ Nôm, khi khác là dấu hình một số con vật quen thuộc trong dân gian, ví dụ như con cò.
Lần đầu xin chữ ở Văn Miếu, cô bé Khánh Linh (lớp 12) nhờ tôi viết cho chữ "Đỗ" vì sắp tới tham dự vào kỳ thi đại học quan trọng.
Cô bé nói mình sẽ đặt dòng chữ trên bàn học để lấy may.
Nhiều khách Việt Nam tò mò khi thấy hình ảnh một người ngoại quốc mặc áo the, đội khăn xếp ngồi cho chữ.
Họ xin chữ, bắt tay cám ơn và mời tôi chụp ảnh cùng khá nhiều. Lần đầu có đông người quan sát mình viết như vậy, tâm lý tôi có chút hồi hộp.
Một vị khách tình cờ ghé chơi đã vẽ tặng bức tranh chân dung dựa trên hình ảnh tôi làm ông đồ.
Nhiều bạn bè ở Việt Nam biết tôi cho chữ ở Văn Miếu cũng tìm đến ủng hộ, hỏi thăm, làm tôi thấy hạnh phúc vì người quen vẫn nhớ tới mình.
Những lúc vắng khách, tôi tranh thủ gặp mặt, trò chuyện với các thầy đồ khác cũng có mặt ở hội xuân.
Tôi vẫn muốn tiếp tục nâng cao khả năng của mình và lần quay lại Việt Nam này là cơ hội tốt để học hỏi thêm kỹ năng viết thư pháp từ những người giàu kinh nghiệm đi trước.
Đến giờ nghỉ ngơi, tôi tạt vào một quán ăn trên vỉa hè và gọi một bát bún riêu. Ngoài ra, tôi đặc biệt yêu thích món bún đậu mắm tôm.
Phần lớn người Việt đều ngạc nhiên khi biết tôi có thể ăn, thậm chí nghiền loại "đặc sản" đó.
Các ngày chính của Tết đều bận rộn với việc cho chữ, tôi tranh thủ đi lên mạn phố cổ lúc sáng sớm để cảm nhận không khí đầu năm.
Nhịp sống chậm lại đáng kể, xe cộ ít đi hẳn và hoa đào nở bung quanh hồ Gươm. Tôi thích đi tản bộ ở quanh khu vực này, ngắm những kiến trúc nhà cổ, đền chùa còn sót lại.
Sau khi hội chợ xuân kết thúc, tôi dự định du lịch vào Vũng Tàu trước khi trở về Pháp.
Dù năm nay đón Tết một mình, xa gia đình, việc trở về Việt Nam để tiếp tục đam mê thư pháp và lần đầu làm ông đồ, gặp gỡ nhiều người mới đã đủ giúp tôi vui vẻ, vơi cảm giác có phần cô đơn lúc đầu.
Thành ĐôngTrà My 24/1/2023
____________
Đỗ Hứng gởi