Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh





CÁI THÙNG CONEX


 

Thùng Conex đã không xa lạ với người dân và người lính miền Nam tự do. Conex còn rất gần gũi với người tù trong các trại gọi là “cải tạo”.

Bài Cái thùng Conex, không viết cho một trại tù hay một người tù. Xin được dành câu chuyện cho tất cả những người tù binh đã phải sống qua những đêm đen trong Conex.

Bài Cái thùng Conex, xin được là nén hương lòng tưởng nhớ đến tất cả những chiến hữu đã phải rời Conex với thân xác không còn hơi thở… 

. . .

Nhiều người lớn lên ở miền Nam mình từ trước năm 1975, đã có dịp thấy các thùng sắt sơn màu xanh của quân đội, có hình dạng như cái hộp chữ nhật này, và thường kêu một cách bình dân là “thùng Cô-Nex”. Từ thủ đô Sài Gòn, khu Khánh Hội, khu Tân Sơn Nhất,… ra đến Long Bình, Củ Chi, Trãng Lớn, Tây Ninh… Từ vịnh Cam Ranh, hải cảng Đà Nẵng, chuyển tới các tiền đồn hẻo lánh tại Dak To, Khe Sanh, Đồng Xoài, Bình Giả, Chu Lai… Nói chung, trên khắp bốn vùng chiến thuật, hầu như nơi nào có căn cứ quân đội, là thấy có các thùng sắt màu xanh bộ binh này. Chúng rất hữu dụng tại Việt Nam. Ngoài công dụng chính trong quân đội là di chuyển tiếp liệu, kho chứa hàng; chúng còn được dùng làm chỗ tạm trú, văn phòng, bộ chỉ huy dã chiến … nơi không có phương tiện nào khác.

Conex có vách dày đến hơn 2 li, được ép thành gợn sóng lớn và sâu để tăng thêm độ cứng chắc; mỗi sóng có mặt phẳng ngang đến khoảng 1 tấc và sâu cỡ 5 phân. Để tiện việc sắp xếp kế bên hay chất chồng lên nhau, các thùng sắt này được chế tạo theo khuôn mẫu quy định. Thông dụng nhất và thường thấy ở Việt Nam là loại trung bình và nhỏ. Loại trung bình dài 2 mét 6 và ngang 1 mét 9. Loại nhỏ thì có chiều dài bằng bề ngang của loại trung bình, nhưng bề ngang của nó chỉ bằng phân nửa chiều dài của loại trung bình. Cả hai loại đều cao 2 mét 10 như nhau. Tuy cao đến hơn 2 mét, những người chưa từng biết qua cứ tưởng là nó thấp lắm, lúc mới bước vào bên trong, thường lom khom lưng và ngó chừng bên trên đầu mình; thực ra cứ đi đứng thoải mái trong đây, mà không phải lo bị đụng đầu lên nóc chi cả. Nóc và đáy được hàn khung và đà rất chắc chắn; để dùng trực thăng hay xe mà câu kéo khi cần di chuyển, và có đủ sức chịu đựng để chất chồng lên nhau, cao đến 3 tầng, với trọng lượng chứa trong mỗi thùng đến hơn 4 ngàn ký.

Thùng Conex quả thật rất chắc chắn!

Những người tù bị nhốt ở trại Trãng Lớn, Tây Ninh; chắc có biết chuyện, hay đã từng vào toán công tác… “lăn” Conex!

Như đã dùng người tù làm việc thay cho trâu; họ dùng sức người tù mà… di chuyển các thùng sắt có hình khối chữ nhật to lớn, cồng kềnh này. Một toán tù dùng giây cột và kéo; cùng lúc với một toán khác từ phía đối diện, xô cho thùng sắt ngả nằm xuống. Cứ thế, những người tù hè nhau, vừa kéo, vừa xô; mà… lăn cho nó đi tới. Cái thùng sắt bị đập xuống đường… đùng đùng, và lăn từ phi trường Trãng Lớn về tới trại tù, cả nửa cây số, mà vẫn còn nguyên vẹn, để các cai tù sử dụng.

Sau khi miền Nam đã bị cưởng chiếm, Conex cùng các thứ bằng kim loại của quân đội, như cọc sắt hàng rào, như vỉ sắt lót phi đạo ở phi trường, v.v… là các nguồn lợi tức được các cán bộ thu tóm cũng rất tận tình. Riêng cái thùng Conex còn được dùng làm thùng nhốt tù binh trong nhiều trại tù, có mỹ danh là “trại cải tạo”!
 
Ngay trước mặt tôi đây, trong khu vực rào kẽm gai riêng biệt, có cái thùng Conex cũ kỹ, nằm chơi vơi phơi mình dưới ánh nắng. Cái thùng dùng nhốt người, bây giờ cũng tàn tạ theo thời gian. Màu xanh rêu của thùng đã trở thành đen mốc, lỗ chỗ các mảng sét, nhất là các nơi gần mặt đất.

Tôi dừng lại và đứng chờ!

Bộ đội áp giải tôi đeo súng lên vai, bước lên mở hàng rào, và vào trong tháo dây xích khóa cửa thùng. Tiếng bản lề khô sét của cánh cửa sắt nghiến ken két.

Rồi… quay lại ngó tôi không chút tình cảm, anh ta khinh khỉnh:
- Vào đi!

Tôi lẵng lặng bước đi, chẳng muốn nhìn mặt kẻ đang cầm súng, hay nói năng chi cả, cứ thư thả mà bước vào bên trong. Vừa lọt người vào bên trong, cánh cửa rỉ sét nặng nề rít lên!
Và rồi…
Rầm!
Cánh cửa đóng sầm một cái thật mạnh.

Chừng như, những giận dữ, hận thù, bực dọc, kiêu hãnh, hối hả,… tất cả những gì có được, đã trút dồn cùng một lúc vào cánh tay anh ta, để xô cánh cửa cho thật mạnh. Làn gió từ cánh cửa đùa ập mạnh lên thân người tôi. Chút ánh sáng của ban ngày hắt vào theo nửa cánh cửa mở ra, chưa được bao lâu, bất chợt tắt ngỏm. Kim loại đập nhau, vang dội lên sáu mặt thùng sắt, màng tai lùng bùng. Tiếp theo tiếng kéo chốt khóa lách cách, rồi hai sợi dây xích bị buông thõng khua lốp cốp lên thành sắt; … khua nhói trong tim!
Thế là xong!
Bóng tối phủ trùm!

“Đêm thế giới đang dồn một lần
Trên đất nước tôi gọi Việt Nam!
Đêm bát ngát những khu trại giam
Đời thênh thang thu hẹp dần dần…” *
 
Tôi đứng lặng người!

Khi nói chốn địa ngục tăm tối, chắc hẳn không có ý cho là mắt nhìn thấy nơi… tối tăm; vì hãy còn có ánh sáng của các ngọn lửa hành hình kẻ có tội. Cho nên cái tối lúc này, chắc phải tối tăm hơn dưới địa ngục!

Cái tối tăm bất ngờ làm con người hoang mang, khi cố mở mắt ra cho thật to, mà vẫn không thấy gì cả. Bóng tối kinh dị ấy gây cảm giác… thân người như bị chơi vơi. Sự hoang mang, lạc lõng trong bóng tối làm mình chùn chân, đứng yên. Người ta nhờ ánh sáng, hình ảnh, để nhận định khoảng không gian quanh mình. Ánh sáng không có thì không gian cũng biến mất, vô định; người ta không dám di chuyển. Mặc dù trong này trống rỗng, không có gì đáng để nhìn hay phải tránh né; ngoại trừ cái thùng mà tôi còn cầm nó trên tay, sẽ là chỗ để giải quyết việc vệ sinh cho mình. Tôi đứng yên chờ cho mắt làm quen đôi chút với bóng tối. Bóng tối trong đây, là một thứ bóng tối thật kỳ dị. Một lúc sau, tôi nhận ra trong không gian đen kịt, còn có lấm tấm chỗ lấp lánh ánh sáng; trông chúng giống như những vì sao lưa thưa, trên bầu trời của một đêm thật là u ám. Bây giờ là ban ngày, nên còn thấy các chấm sáng từ các lỗ thủng li ti trên nóc và vách thùng. Khi đêm xuống, bầu trời trong đây sẽ là “đêm ba mươi”; đêm mà bầu trời không có một vì sao sáng. Người ta cho rằng “tối như đêm ba mươi”, không trăng sao. Thế nhưng, ngay cả trong đêm 30, mắt vẫn nhận được bóng dáng cảnh vật gần kề. Lúc ngó quanh còn thấy ánh đèn nhà, dù chỉ le lói đây đó; ánh sáng, dù xa hay mờ, cũng cho mình chút niềm tin, lạc quan. Khi mắt không thấy chi cả, mất thị giác hoàn toàn; thì đứng tại chỗ còn thấy lao chao, làm mình ngại xê dịch chân. Trong bầu trời đen ngòm này, các vì sao nhấp nháy ấy, lại tạo một ảo giác quanh tôi là một không gian bất tận; làm cho mình thêm bối rối, không biết nên đi hướng nào, để không bị đập mặt vào vách kim loại.

Đã có vào đây, chúng tôi có cách định hướng để đi. Biết mình mới bước vô từ cửa bên phải; tôi khẽ lùi dần, một đoạn ngắn, thì lưng chạm vách có cửa. Từ cửa, tôi vói cánh tay ngang ra, chỉ nhích chân ngang qua phải một chút thì ngón tay chạm vách. Bàn tay có điểm tựa, giúp cho chân dạn bước; tôi lần tay, bám theo nếp lồi lõm của đường sóng trên mặt thùng, lò dò từng bước ngắn. Da chân trần nghe rờn rợn, mỗi khi đạp lên nền sắt lạnh. Không phải vì nó lạnh; mà vì nó sần sùi với các mảng rỉ sét, hay với các thứ cáu bẩn gì đó, mà tôi không muốn nghĩ ngợi chi thêm, trong lúc phải ở đây. Rồi các ngón chân xủi vào đám rác rưởi trên đáy thùng, cảm giác trơn trơn, ươn ướt, âm ẩm,… lúc mà mắt không thấy, không nhận biết là những gì, nó cứ làm cho mình phải rờn rợn, gớm ghiếc.

Soẹt! Soẹt!... Rẹt!...

Cái đám chuột đã quen sống chung với tù trong này. Chắc dạo này con cháu giòng họ chuột thành cả đàn, cả đám. Chúng có vẻ khinh thường cái loài người bị tù đày như chúng tôi, cứ lì lợm ở quanh quẩn đó, cho đến khi bị chân tôi đùa đẩy trúng, mới kêu lên chí chóe mà chạy tránh; nhưng chắc vẫn còn lẩn quẩn gần đó mà thôi, như là giang sơn chỉ của chúng nó. Tôi ngán ngẩm; không biết đang có bao nhiêu loài lớn bé khác nhau, làm tổ trong mớ đống rác dưới chân mình; chỉ mong là mấy con rắn vào đây để săn mồi, cả chuột và con người, không phải là rắn độc. Chúng cắn đau thì không sao, bị rắn độc cắn chết trong thùng này thì thật là… lãng nhách!
 
Thời gian như dài ra!

Hết ngồi, rồi đi. Tay lần vách đi lanh quanh mãi, mà vẫn chưa nghe tiếng kẻng giờ ăn của đơn vị bộ đội canh phòng trại tù; tức là chưa được nửa ngày. Hơi lạnh từ đêm qua đã tan biến từ lâu. Ban đêm, cái lạnh trong thùng sắt thật kinh khiếp; tưởng như hàng triệu mũi kim châm chích da thịt, chúng ghim xuyên qua từng lỗ nhỏ của các mảnh vải bao cát, kết thành áo quần. Giá lạnh làm thân người co ro; bàn tay ôm ngực, không đủ ấm để che đậy trái tim mình.

Về trưa, ánh mặt trời càng nóng gay gắt. Tia sáng và sức nóng từ mặt trời, dù cách trái đất hơn cả trăm triệu cây số, vẫn còn nóng lắm. Màu rêu đậm của thùng sắt, làm cho mặt kim loại càng hút nhiệt dữ dội hơn. Không khí trong đây bị nung cháy, biến thành luồng hơi nóng ngột ngạt. Hít cách nào cũng bị thiếu dưỡng khí. Lại thêm, sức nóng nung tất cả rác rưởi, chất thải của mình, và của những người tù trước vương vãi, bốc thành hơi; càng lúc càng đậm đặc trong hơi thở. Nóng bức cùng các thứ oi nồng làm mình ngầy ngật. Mồ hôi tuôn ra, ướt cả người. Ướt như tắm. Một thứ tắm hơi càng gây thêm bứt rứt, khó chịu. Mắt cay xót; không biết có phải vì mồ hôi chảy xuống, rồi len vào trong mắt. Cái nóng làm cơ thể rã rời. Chân không muốn bước. Tay không muốn đưa lên vịnh lấy vách, mà vách thì nóng bỏng. Ráng lần bước đến phía vách có cửa để làm chuẩn, mỗi khi cần dừng chân; tôi ngồi xuống, gục đầu mệt mỏi. Thèm được một chỗ tựa lưng, mà vách sắt đang bị nung nóng đến phỏng da. Đầu óc lơ mơ ở một nơi mờ mịt mông lung, mong chờ một phép mầu giải thoát, cho mình được bay bổng, thoát khỏi chốn tù đày. Ngồi trong cái thùng nhốt người với hơi nóng hừng hực, tôi liên tưởng đến câu chuyện luộc ếch, từ xa xưa trong dân gian.

Sau này, có người ở phương Bắc viết tiểu thuyết. Trong đoạn kể về một nhân vật bị bối rối trước thế đối nghịch quanh mình có tiềm lực mạnh bạo, tình cảnh tiến thoái lưỡng nan; ra tay chí mạng thì cũng vong mạng, không làm gì hết thì cũng chết!... Tác giả cũng có nhắc đến chuyện luộc ếch và viết như sau:

“Không ra tay chí mạng được thì phải làm thế nào đây?!”
Hắn tự hỏi phương cách để khống chế kẻ đối nghịch, trong đầu lập tức hiện ra chuyện mà trước đây hắn từng gặp qua, đó là một con ếch bị vứt vào trong nồi nước đang sôi, tiềm lực của ếch bạo phát, thoáng một cái đã nhảy ra ngoài, người nó chỉ bị thương một chút mà thôi, chứ không nguy hiểm đến tính mạng. Cũng là con ếch đó, nhưng để trong nồi nước ấm, rồi tăng nhiệt độ từ từ, ếch sẽ không phát giác ra điều gì, đến khi nước sôi, thì nó mới tỉnh ra, đến lúc này nó đã không còn có năng lượng để nhảy ra nữa rồi,…  chỉ có thể chịu chết trong nồi nước sôi mà thôi.
Phương cách này dân gian thường gọi là… Nước ấm luộc ếch…”

Bên phương Tây thì có Daniel Quinn. Ông này viết cuốn sách có tên là Truyện của B (The Story of B), nói về lịch sử nhân loại. Trong đó, ông dành riêng một chương để viết về con ếch; có một đoạn như sau:

Nếu ta bỏ con ếch vào nồi nước lạnh, để ếch nằm trong đó, rồi từ từ nâng nhiệt độ lên, thì ếch ngồi trong đó thoái mái, cho đến khi bị luộc chín lúc nào không biết…”

Câu chuyện luộc ếch trong quyển sách “Truyện của B”, được tác giả dựa theo tài liệu thí nghiệm, tại một trường Đại Học ở Hoa Kỳ: Người ta bỏ một con ếch vào trong một nồi nước lạnh. Sau đó người ta nâng nhiệt độ lên thật chậm, chỉ 2 phần ngàn của 1 độ C, trong mỗi giây đồng hồ. Sau 2 giờ 30 phút, con ếch bị luộc chín mà không hề di động!

Tôi ngẫm nghĩ, nếu như… mặt trời bên ngoài, cái nóng, mà đừng tăng lên quá nhanh, chỉ 2 phần ngàn của 1 độ C như thế, thì chắc là… con người,… như tôi đây, cũng sẽ không hề biết và cứ thư thái ngồi yên trong thùng, mà an hưởng cái nóng chết người. Những kẻ chủ trương nung tôi cũng đã thừa biết cách thức luộc ếch ấy, từ lâu rồi; nhưng không muốn luộc tôi êm ả như luộc ếch. Họ muốn những người lính miền Nam bị luộc nóng, phải biết nóng, phải biết đau đớn đến tột cùng.

Nhưng để cai trị người dân thì khác!

Sau cuộc di cư ồ ạt của dân chúng miền Bắc vào miền Nam tự do, để trốn tránh chế độ cộng sản, trong năm 1954, và nhất là sau thảm cảnh vượt biển để tìm tự do của người dân Việt Nam, từ sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, đã làm chấn động cả thế giới; cái chế độ với hơn 75 năm kinh nghiệm cướp chính quyền để cai trị, đã quá thừa kinh nghiệm để luộc dân bằng nước ấm. Có phải chăng, cái thủ đoạn thâm độc “Nước Ấm Luộc Ếch” từ xa xưa, coi vậy mà vẫn còn hiệu quả cho đến ngày hôm nay, trong chánh sách cai trị hiện nay?!

Trên quê hương tôi…

“Đời thênh thang thu hẹp dần dần …
Đêm cáo chung tự do nhân quyền!” *
 
Cái nóng và ngột ngạt làm đầu óc tê liệt, thân người rã rượi, chỉ muốn buông xuôi, mong chờ lúc linh hồn thoát khỏi thể xác, thoát khỏi nơi giam cầm, đọa đày. Trong đây, dù ngày hay đêm, đều không thể nằm trên mặt đáy thùng cùng rác rưởi, và chất thải của các loài động vật trong thùng. Nhưng nếu có ngồi ngủ quên cũng không được bao lâu, với các giống động vật quanh mình. Có lẽ, loài chuột bọ trong này cũng bị đói khát như người bị tù đày. Lại thêm tối như thế này, chúng nó chắc không thể thấy rõ cái sinh vật bị giam trong đây bao lớn để mà sợ. Nhất là bọn chuột ở đây chỉ biết là cái khối thịt đã ướp thấm các thứ mùi thối rữa này; chính là món ăn hấp dẫn, thế thôi! Hễ không động đậy một lúc lâu, chúng sẽ trèo leo lên thân người mình, mà tranh nhau thưởng thức. Không ai muốn chúng gặm nhấm da thịt của mình, trong khi mình… hãy còn cảm giác!

Vói tay lên nắm lấy gân sóng của vách thùng, để kéo mình đứng lên. Vách kim loại nóng bỏng, cái nóng đang nung người; tôi buông tay ra…

Những kẻ nung đốt tôi, đã nhắc cho tôi nhớ rằng:

Nóng và lạnh;
thép đã tôi thế đấy!
Tôi vẫn còn biết lạnh.
Và tôi vẫn còn biết nóng.
Họ chưa luộc được tôi!
Tôi phải đứng dậy!
Đoạn đường chiến binh vẫn còn đó!
Đoạn đường chiến binh dài bất tận!

Tôi phải đi tiếp!

Trong đây, khi cánh cửa thùng nhốt người đóng kín, thì ngày hay đêm, chỉ khác nhau qua… cơn nóng nung nấu linh hồn, hay cái lạnh nhức buốt tận xương tủy.
Trong đây, ngày và đêm vẫn là đêm đen kỳ dị.
Đêm nhức buốt, trên đất nước đã thừa lầm than!
Đêm Việt Nam, nước tôi buồn tênh!
 

Bùi Đức Tính

*  “Đêm Việt Nam” của nhạc sĩ Việt Dzũng


usaelection gởi