Cấm cung
Từ nay, xin phép được dùng chữ "Vũ Hán Coronavirus" (Wuhan Coronavirus) hoặc ngắn gọn trong tiếng Việt (Dịch Vũ Hán) cho dễ nhớ. Tại sao không, chẳng phải bệnh dịch này đến từ thành phố Vũ Hán bên Trung cộng sao? 102 năm trước, sau Đệ nhất Thế chiến (1918) thế giới đối đầu với "Cúm Tây Ban Nha" khiến cho ít nhất trên 50 triệu người tử vong, từ đó đến nay mọi người đều gọi như vậy, có gì mà kỳ thị. Bệnh xuất phát từ nơi nào, thì gọi tên địa danh đó, chính Ngoại trưởng Hoa Kỳ ông Mike Pompeo cũng đã thẳng thắn dùng tên này. Tập Cận Bình không thích, kệ xác hắn, lịch sử là lịch sử!
Bản tin BBC ngày 15/3/2020 cho biết chính phủ Anh đưa ra một quyết định yêu cầu các vị cao niên trên 70 hãy ở nhà trong một thời gian dài, để giúp chống lây nhiễm của "Dịch Vũ Hán". Bộ trưởng Y tế Matt Hancock tuyên bố: "Khoảng thời gian chúng tôi yêu cầu họ ở trong nhà là một đòi hỏi, hy sinh rất lớn - một thời gian rất dài." Không phải chỉ có các cụ trên 70 đâu, "Dịch Vũ Hán" thích làm bạn với người lớn tuổi lắm, trên 60 với những căn bệnh có sẵn như: Cao áp huyết, tim, tiểu đường... đều nằm trong danh sách ưu tiên đến thăm. Trẻ hơn 60 cũng đừng cho là mình miễn nhiễm, nếu chẳng may bạn có những bệnh được bác sĩ bắt uống thuốc mỗi ngày, thì tuổi 30 nó cũng chẳng tha. Mới đây ông Francis X. Suarez, Thị trưởng thành phố Miami, 43 tuổi, cũng bị mặc dù không có dấu hiệu lây nhiễm, nó chẳng nể ai hết, bộ trưởng, nội các chính phủ Iran đánh cho chết luôn, vợ Thủ tướng Canada không thoát, tài tử Tom Hank, Hollywood chẳng tha... Cho nên chuyện cấm cung những người lớn tuổi là đúng, chúng ta phải chịu thôi.
Thống đốc Newsom, tiểu bang California hạ số tuổi cấm cung xuống còn 65. Mọi người cần hiểu rõ, con siêu vi khuẩn này quá mới đối với bác sĩ, và các khoa học gia về bệnh dịch, chẳng ai biết gì về nó trước đây! Trong cuộc họp báo hằng ngày tại Toà Bạch Ốc, một phóng viên hỏi: "Lúc nào cơn đại dịch này lên cao nhất?" Bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng & Truyền nhiễm Quốc gia (National Institute of Alergy and Infectious Disease - NIAID) từ năm 1984, chuyên gia hàng đầu của Hoa Kỳ về nghiên cứu và đối phó với dịch bệnh như HIV/AIDS, Ebola & Zika... cũng không thể xác định được, ông chỉ đưa ra những dự trù có thể xẩy ra ở mức độ cao và thấp để lập kế hoạch đối phó.
Những vị lớn tuổi không nên mất tinh thần, cấm cung chỉ là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất mà mỗi người chúng ta có thể áp dụng. Khi tuổi cao, hệ thống miễn nhiễm yếu, đó là lý do. Đi ra ngoài, tiếp xúc với xã hội, bắt tay, nói chuyện, đều là những cơ hội lây nhiễm dễ dàng. Tuy nhiên, với những người có thói quen giao thiệp rộng rãi, hội họp thường xuyên, thì chuyện tự mình cấm cung là cả một vấn đề! Chưa kể đến ở trong nhà lâu nếu không quen, sẽ xẩy ra nhiều chuyện không vui với con cháu. Vì sự hiểu biết giới hạn, bài viết không có tham vọng trả lời từng câu hỏi cho mọi trường hợp. Chúng tôi chỉ xin phép nêu ra một vài nguyên tắc để giúp các vị cao niên sống thoải mái trong thời gian cấm cung. Nó không đến nỗi khó như chúng ta nghĩ. Hy vọng các bạn trẻ, trong gia đình có cha mẹ hay ông bà lớn tuổi, đọc và hiểu tâm trạng của bậc sinh thành.
Con người có khuynh hướng nhận xét tha nhân qua cảm quan và suy nghĩ của mình, ai nói hay làm hơi khác là chúng ta vội vã có phản ứng không hay. Nếu là người trẻ, chắc nhiều lần bạn nghĩ, ông bà, cha mẹ mình già, lẩm cẩm rồi, từ đó đưa đến thái độ không tốt. Thí dụ: Trong nhà, người cao niên hay để xung quanh chỗ mình ngồi lung tung đủ mọi thứ, cả chục chai thuốc, đến tờ báo, hoặc hộp dầu nóng. Nhiều khi các cụ còn bày ra ngay tại bàn salon nơi phòng khách! Không thể chấp nhận được, ngoài chuyện bừa bãi ra, nếu khách đến thì họ xem nhà mình ra gì? Đấy là suy nghĩ và nguyên nhân khiến hai thế hệ không gập nhau. Khi bạn đến tuổi cha mẹ sẽ biết, đầu óc hay quên, nếu thuốc không để một chỗ thì làm sao nhớ? Xương cốt không còn như xưa, cất thuốc ở trên ngăn tủ cao leo lên chẳng may ngã là xong! Di chuyển khó khăn, thôi thì cứ để chỗ mình quen cho nó tiện! Già rồi, có ma nào đến thăm mà phải gọn gàng phòng khách? Ngồi nơi đó, xem TV, đọc sách, trông nhà, mọi thứ cần dùng ngay tầm tay, tuyệt vời! Cho đến chừng nào, chúng ta đi vào đôi giầy của các cụ, lúc đó sẽ biết. Không lâu đâu các bạn trẻ ạ! Quỹ thời gian, như tiền để trong ngân hàng, chỉ có lấy ra, nhưng không hề gửi vào. Mỗi ngày trôi qua, là một ngày mất đi trong cuộc đời. Người lớn tuổi, cũng cần rộng lượng đừng đòi hỏi con cháu phải giống mình, làm sao người trẻ lại có suy nghĩ như tuổi 70 được? Vậy thì cấm cung có khó không? Hoàn toàn không, nếu người lớn tuổi biết:
1. Chấp nhận điều ngoài ý muốn. Chẳng ai mời "Dịch Vũ Hán" vào nhà. Nhưng nó vẫn đến như cơn gió độc, bình tĩnh mà đối phó, tuyệt đối không hoảng sợ. Yếu tố tinh thần rất quan trọng cho mọi người, nhất là những ai lớn tuổi. Đừng than vãn, khó chịu vì chuyện cấm cung, không phải chỉ có mình bạn đâu, trên thế giới nhiều quốc gia đã áp dụng luật lệ này, cá nhân chỉ là một hạt cát trong bão táp sa mạc. Chấp nhận một cách vui vẻ, những gì ngoài khả năng, không thể thay đổi được, là một quyết định thông minh. Ta thán, khó chịu sẽ làm cho cuộc sống mất vui.
- Các chuyên gia về thần kinh não bộ và tâm lý học cho biết, khối óc con người là một bộ máy tinh vi vô cùng, thậm chí nó còn làm được việc mà các máy vi tính tối tân nhất hiện nay phải chịu thua. Chính xác hơn, khi chúng ta lập trình bất cứ điều gì vào máy vi tính, nó lưu trữ những dữ liệu đó, và sẽ hiện ra khi mở lại. Khối óc con người, không những nhớ những gì xẩy ra trong cuộc sống, mà còn nhân những điều đó lớn lên theo thời gian. Không tin? Khi yêu ai, tình yêu chúng ta dành cho người đó mỗi ngày mỗi lớn hơn, hy sinh tất cả, hiến dâng mọi thứ cho người mình yêu. Nhưng đã ghét ai, sao cứ thấy mặt, hoặc nghe giọng nói của họ là huyết áp đã tăng lên vùn vụt. Yêu và ghét được nhân lên mỗi ngày đấy các bạn ạ! Chính vì thế, nếu chúng ta biết chấp nhận điều mình không thể thay đổi được, sẽ giúp cuộc sống bình an hơn. Tập cho khối óc nhân lên những đều tốt, thay vì xấu.
- Vui vẻ và hạnh phúc trong cấm cung. Bạn có biết, nước Ý hiện nay là quốc gia Châu Âu có 21,157 nạn nhân, hơn 1,400 người chết (Fox 14/3/2020) và toàn thể đất nước bị cấm cung. Người dân Ý có bị khủng hoảng không? Rất nhiều người trung niên, đã không buồn mà còn vui, họ ra ban công, nhìn xuống đường và ca hát ầm lên. Người khác, mở cửa sổ trông xuống phố, chào và vẫy tay với cảnh sát đi tuần. Thái độ đúng! Khi chúng ta vui, mọi thứ xung quanh sẽ vui theo, nhớ lại Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du với câu thơ: "Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ?" Vậy hãy vui lên các vị cao niên!
2. Sắp đặt một cuộc sống mới. Người lớn tuổi không thích xẩy ra những chuyện ngoài dự đoán. Tuổi trên 60 hay 70 thường phản ứng khó chịu nếu gặp chuyện bất ngờ. Đặt cho mình một thời khoá biểu sinh hoạt tại nhà, mấy giờ thức, lúc nào đi ngủ, ăn uống giờ nào? Cho con cháu và những người thân biết để họ không quấy rầy. Lúc nào sẽ ăn chung, gập mọi người nói chuyện? Giờ nào cần sự yên tĩnh để nghỉ ngơi? Giải thích cho con cháu biết tại sao mình lại có thói quen như để thuốc, báo, bừa bãi nơi bàn salon? Nếu dọn dẹp ngăn nắp (theo ý chúng) mình bị hụt hẫng tìm không ra. Đừng quên, là không ai đọc được suy nghĩ của mình, và mình cũng chẳng hiểu được ai. Nhiều người đã không giải thích rõ ràng cho con cháu, vội quay ra kết tội, nào là "Bọn trẻ chúng cứ phải làm khác mình, hai thế hệ sống cùng mái nhà như mặt trời với mặt trăng!" Chỉ là quan niệm khác nhau thôi, không con cái nào muốn làm cha mẹ buồn lòng cả, nghĩ như thế là không đúng.
- Giữ cho tuổi già hoạt động. Ngồi một chỗ, xem TV, la hét con cháu, bắt lỗi người này, kiếm chuyện với người kia, là điều tối kỵ! Lớn tuổi cần được con cháu thông cảm và yêu thương. Ngoại trừ giờ ăn, ngủ, sinh hoạt cùng gia đình, người già cần tập thể dục hằng ngày, bạn có thể đi bộ trong phòng, ngoài sân, không đi đâu xa. Bạn cũng có thể giúp con trông cháu (còn mệt gấp mấy lần tập thể dục, nhưng rất tốt cho sức khoẻ). Không ở gần con cháu, ai cấm bạn kiếm một việc nào đó trong nhà để làm, như sắp xếp lại tủ quần áo, kệ sách, dọn nhà để xe, quét sân làm vườn, chăm sóc vài chậu hoa. Bạn sẽ ngạc nhiên, rất nhiều thứ không bao giờ dùng đến (quần áo không mặc) nó vẫn hiên ngang nằm trong tủ nhà mình, trong khi xung quanh còn bao nhiêu người thiếu thốn không có áo mà mặc? Hãy hoạt động, nhấc cái "bàn toạ" ra khỏi chiếc ghế, nếu bạn không muốn đôi chân sớm về hưu! Tập Yoga, đọc Kinh Thánh, Kinh Phật và tìm hiểu ý nghĩa lời Chúa Phật dậy sẽ giúp khối óc hoạt động. Làm chủ thời gian là hạnh phúc mà những người đang ở tuổi đi làm không có.
- Đặt một mục tiêu mỗi ngày cho bản thân. Làm cho xong, điều này sẽ nâng cao tính tự tin của người già, xoá đi cái mặc cảm mình trở nên thừa thãi. Mục tiêu có thể là chăm sóc cây cỏ ngoài vườn, viết nhật ký, vẽ tranh, hoặc bất cứ điều gì. Xung quanh ngôi nhà có cả trăm thứ để làm, nếu chúng ta muốn.
- Ưu tiên một (UTM). Đừng ôm đồm mọi việc, một ngày ai cũng có 24 giờ không hơn, không kém. Chỉ cần chọn một mục tiêu mình cho là quan trọng nhất. Tập trung vào làm cho xong. Không cho bất cứ chuyện gì xen kẽ, ngoại trừ trường hợp quan trọng và khẩn cấp.
3. Văn hoá trao quyền. Văn hoá Á đông có những điều tốt mà Tây phương cần học. Nhưng cũng chứa đựng những thứ không hợp thời, nên thay đổi. Kính trọng người già là tốt. Tuy nhiên, không phải lúc nào người lớn tuổi cũng đúng? Tuổi càng lớn, chúng ta giống chiếc xe cũ với nhiều bộ phận hư hỏng, không hợp thời. Thậm chí, không dễ gì tìm ra được những phụ tùng thay thế! Nhiều người trẻ ở hải ngoại, sợ hãi khi phải sống chung với bố mẹ lớn tuổi, các cụ không có một khái niệm gì về cuộc sống bận rộn của thế giới hôm nay. Trong nước, vì điều kiện ăn ở khó khăn, cho nên rất nhiều mái nhà có đến hai ba thế hệ sống chung, xung đột hầu như mỗi ngày! Nếu có phòng riêng, trong phòng là toàn quyền của mình, con cháu không được xâm phạm. Còn các phòng khác trong nhà, hãy để chúng làm chủ.
- Ngạn ngữ Việt Nam có câu: "Tre già, măng mọc" thích hay không thì ở tuổi về hưu chúng ta đã trở thành "tre già" rồi, tóc bạc, da xuất hiện những vết nhăn, nói trước quên sau, trông gà hoá quốc, tiến trình lão hoá không ai thoát! Chính vì thế, nếu ở cùng con cháu trong một mái nhà, người lớn tuổi đừng hành động như thái thượng hoàng, cái gì cũng có ý kiến, bắt con cháu phải làm điều này, thay đổi cái kia. Chớ dại dột mà mắng: "Chúng mày đừng có trứng khôn hơn vịt" câu đó lỗi thời rồi!
Khi đụng đến máy vi tính, gửi và nhận e-Mail, vào Youtube hay Facebook, hãy xem trứng với vịt ai hơn ai? Lúc cần ra chợ mua thứ gì đó, người trẻ nhanh hơn nhiều. Khi về hưu, phải hiểu rằng không phải chỉ về hưu tại nơi làm, mà về hưu ngay tại trong gia đình.
- Dành cho con cái quyền chỉ huy nếu chúng đã trưởng thành, không nên đòi hỏi mình phải có quyết định trên mọi việc. Nên nhớ là về hưu 100%. Như vậy trong gia đình sẽ tránh được những xung đột không cần thiết. Nếu con cái làm những gì mình không thích, nên nhẹ nhàng "góp ý" tuyệt đối không "phê bình". Thời của mình đã qua, tre già thì phải để măng mọc!
- Không xung đột với bất cứ ai trong gia đình. Người Nhật có văn hoá "Hạt lúa chín là hạt lúa biết cúi mình" chính vì thế cho nên người Nhật họ chào nhau bằng cách cúi mình xuống. Cha mẹ có thể không học hành bằng con cái, chuyện đó là bình thường, con hơn cha là nhà có phúc. Nhưng tuổi càng cao, kinh nghiệm càng nhiều, và khi chúng ta cúi xuống sẽ là lúc con trẻ lắng nghe.
- Đừng tranh luận với con cái, nhất là chuyện "chính trị". Con bạn sẽ cãi cho đến cùng, gia đình trở nên mất vui! Mark Twain, từng thú nhận: "Khi ở tuổi 14, tôi thấy cha mình chẳng biết gì cả và rất khó để gần ông. Năm 21, tôi mới ngạc nhiên về những hiểu biết của ông trong những năm qua!" Các ông bà "cụ non" luôn luôn cho là mình đúng, ngày xưa chắc chúng ta cũng thế? Im lặng, thời gian sẽ chứng minh.
- Vợ chồng tránh chuyện cãi nhau vô bổ. Chúng ta còn ở bên nhau bao lâu nữa để mà cãi nhau? Nhịn khi bất đồng ý kiến, chờ khi giông bão trôi qua sẽ giải thích cho người kia hiểu. Tuổi già không phải võ sĩ trên võ đài, đánh nhau chí tử, để ghi điểm thắng. Con cái nhìn vào hạnh phúc của cha mẹ để chúng bắt chước. Thường xuyên nói với nhau những lời nhẹ nhàng, gọi nhau một tiếng "Cưng" yêu thương, hôn nhau trên má, trên trán khi có dịp, cám ơn mỗi khi người kia làm việc gì tốt cho mình. Vợ chồng chúng tôi áp dụng luật 24/48, có nghĩa là không được giận nhau trên 48 tiếng, thời gian tối đa cho phép hai người nuốt giận, bình tĩnh, và làm hoà nhau là 48 giờ. Sau đó, đừng nhắc chuyện xẩy ra, đừng bận tâm ai thắng ai thua. Chồng thắng vợ, hay ngược lại, chỉ làm con cái nó buồn hơn mà thôi.
Marilyn Moyer từng nói: "Gia tài quý nhất cha mẹ để lại cho con cái, là tình yêu và hạnh phúc của hai người." Ngày cấm cung sẽ trở nên ý nghĩa hơn nếu chúng ta biết sử dụng đúng! Thời gian chẳng còn bao lâu, hãy tận hưởng trọn vẹn.
Chúc các cụ hạnh phúc trong ngày cấm cung!
18.03.2020
Nguyễn Tường Tuấn
danlambaovn.blogspot.com
usaelection gởi