Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
Cấm vận dầu hỏa Nga: Bài toán khó đối với Liên Hiệp Châu Âu
 
 
Để trừng phạt Matxcơva về cuộc xâm lăng Ukraina, Hoa Kỳ và Anh Quốc đã ngưng nhập khẩu dầu hỏa từ Nga, nhưng còn Liên Hiệp Châu Âu thì chưa thể ra một quyết định tương tự, do nội bộ vẫn còn bị chia rẽ trên vấn đề này.
 
Kể từ khi chiến tranh Ukraina nổ ra, Liên Hiệp Châu Âu đã ban hành rất nhiều trừng phạt đối với Matxcơva, nhắm vào các công ty, ngân hàng, các quan chức cao cấp, các nhà tài phiệt, đồng thời cấm xuất khẩu hàng hóa sang Nga. Nhưng cho tới nay, các nước châu Âu chưa dám đụng đến nguồn dầu khí của Nga, bởi lẽ, khác với Hoa Kỳ và Anh Quốc, Liên Hiệp Châu Âu vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn dầu khí này.
 
Các nước Liên Âu trong cuộc họp thượng đỉnh tại Bruxelles hôm nay và ngày mai sẽ chưa đụng đến nguồn cung cấp khí đốt của Nga, mà khối này phụ thuộc đến 40%, mà chỉ bàn đến khả năng ban hành lệnh cấm vận về dầu hỏa, mà châu Âu phụ thuộc ít hơn ( 30%).
 
Nhưng đây cũng là một bài toán khó đối với 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Hôm 21/03, phát ngôn viên của điện Kremlin Dmitri Peskov đã cảnh báo rằng một lệnh cấm vận của Liên Âu đối với dầu hỏa Nga “sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến thị trường dầu hỏa toàn cầu và đến thị trường năng lượng ở châu Âu”.
 
Nga hiện là quốc gia xuất khẩu dầu hỏa lớn nhất thế giới, mỗi ngày sản xuất khoảng 11 triệu thùng dầu, trong đó khoảng hơn 5 triệu thùng được xuất khẩu, với phân nửa, tức là 2,5 triệu thùng, là xuất sang châu Âu.
 
Nhưng sự phụ thuộc vào nguồn dầu hỏa Nga tùy theo từng nước. Có những quốc gia vẫn nhập rất nhiều dầu hỏa của Nga như Đức và Hà Lan, chỉ riêng hai nước này nhập trung bình mỗi ngày 1,1 triệu thùng. Pháp cũng là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nếu Liên Âu ban hành lệnh cấm vận dầu hỏa Nga. Hôm 23/03, bộ trưởng Chuyển tiếp năng lượng của Pháp Barbara Pompili đã cảnh báo là việc cấm vận dầu hỏa Nga sẽ gây vấn đề lớn cho nguồn cung cấp dầu diesel cho châu Âu. Hiện giờ Nga xuất khẩu mỗi ngày khoảng 1,5 triệu thùng dầu diesel, mà châu Âu và đặc biệt là Pháp rất cần.
 
Ngược lại, có những nước như Litva và Ireland thì không cần đến dầu hỏa Nga. Cho nên không dễ gì mà các nước Liên Âu đạt đồng thuận về việc cấm vận dầu hỏa Nga.
 
Mặt khác, trước khi quyết định ngừng mua dầu hỏa từ Nga, 27 nước thành viên Liên Âu phải tìm các nguồn cung cấp thay thế. Theo nhật báo La Croix của Pháp, trước mắt nguồn thay thế đó chỉ có thể đến từ vùng Vịnh. Theo các chuyên gia, chỉ có Ả Rập Xê Út và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, và ở tầm mức thấp hơn là Koweit và Irak, là có thể tăng sản lượng thêm mỗi ngày 2,5 đến 3 triệu thùng, đủ để bù đắp cho nguồn dầu hỏa từ Nga.
 
Nhưng vấn đề là các nước vùng Vịnh có thể sẽ lợi dụng lúc các nước châu Âu cần đến họ để mặc cả về ngoại giao, chẳng hạn như sẽ đòi phương Tây, và Mỹ nói riêng ủng hộ họ trong cuộc chiến tranh ở Yemen chống phiến quân Houthi do Iran yểm trợ.
 
Ngoài ra, nếu đến lượt Liên Hiệp Châu Âu cấm vận dầu hỏa Nga, giá dầu sẽ lại đạt mức kỷ lục mới, sau khi đã chạm ngưỡng 120 đôla/thùng hôm qua. Matxcơva khẳng định là trong trường hợp đó, giá dầu sẽ lên tới hơn … 300 đôla/thùng. Điều này sẽ tác động rất lớn đối với người tiêu dùng châu Âu, vì giá dầu tăng sẽ khiến giá các mặt hàng khác tăng theo.
 

Thanh Phương

_________________


Đỗ Hứng gởi