CÂU CHUYỆN CẢM ĐỘNG VỀ NGÀI TISSA
Thời Đức Phật, ngài Xá Lợi Phất là vị trưởng lão cực kỳ trí tuệ, đạo hạnh và đầy uy lực. Mặc dù xuất gia sau, chứng đạo sau một số trưởng lão khác, nhưng ngay khi ngài vừa chứng A la hán, Đức Phật đã tuyên bố giao quyền thống lãnh Tăng đoàn cho ngài. Điều này cho thấy, trong đạo Phật không chấp vào tuổi tác, thời gian mà chú trọng vào năng lực thực tế hơn.
Trước ngài Xá Lợi Phất có năm anh em ngài Kiều Trần Như là các bậc trưởng lão A la hán lớn tuổi hơn cả Đức Phật; ba anh em nhà Ca Diếp từng là những đạo sĩ thờ lửa đầy thần thông, sau khi theo Phật cũng đều đắc đạo. Tuy nhiên, mãi đến khi ngài Xá Lợi Phất cùng ngài Mục Kiền Liên tìm đến tu tập và chứng đạo rất nhanh, Phật mới trao lại trọng trách lãnh đạo Tăng đoàn cho hai Tôn giả. Tăng đoàn thời Đức Phật tuy không quá chặt chẽ nhưng vẫn được tổ chức quy củ và được lãnh đạo trong một chừng mực nào đó.
Do những lời dạy của ngài Xá Lợi Phất không được kết tập lại nên ngày nay chúng ta không biết ngài đã dạy những điều gì. Dù vậy, qua một số kinh điển được ghi lại, chúng ta hiểu rằng đã rất nhiều lần ngài thay Phật giảng giải giáo lý và giáo hóa cho quần chúng cư sĩ, kể cả cho các vị tỳ kheo. Ngài cũng hướng dẫn, dạy dỗ, thế phát xuất gia cho rất nhiều người. Chúng ta chỉ biết rằng, ngài là bậc trí tuệ đệ nhất thống lãnh Tăng đoàn mà ít biết về hành trạng của ngài, nhưng thật sự vai trò của ngài đối với Tăng đoàn là vô cùng quan trọng trong suốt 45 năm giáo hóa của Đức Phật. Công đức của ngài là cực kỳ thù thắng.
Vào thời đó, Bà la môn được xem là giai cấp cao quý của Ấn Độ. Nhưng không phải vị nào trong giai cấp này cũng có quyền lực, tài sản và danh tiếng. Có khi họ chỉ là những người bình thường không nổi bật lắm. Và người Bà la môn liên quan đến tích truyện này là một Bà la môn nghèo khó.
Trong những lần đi ngang qua quê nhà, ngài Xá Lợi Phất biết có một vị Bà la môn già, là bạn của cha ngài, nhưng nghèo khổ. Ngài rất thương ông nên cứ tìm đến hóa độ, gieo duyên. Về phần người Bà la môn, khi biết rằng con trai của bạn mình đã xuất gia và đắc đạo, danh tiếng vang lừng, ông mới bắt đầu tìm hiểu đạo Phật. Ông ngày càng mộ đạo và yêu quý người con của bạn mình hơn. Nhưng mỗi lần âm thầm đi nghe pháp, ông thường tìm cách lẩn tránh ngài, bởi lẽ, gia đình ngài Xá Lợi Phất thì giàu sang quyền thế và ngay vùng lân cận là gia đình ngài Mục Kiền Liên cũng là gia đình Bà la môn rất thịnh đạt. Riêng ông suốt bao nhiêu năm vẫn khốn khó, nên ông luôn mang nỗi mặc cảm với thân phận của mình.
Với đạo tâm ngày một tăng trưởng, ông thiết tha muốn dâng cúng món gì đó cho ngài Xá Lợi Phất. Dù quanh năm ăn uống đạm bạc, ông vẫn chắt chiu từng đồng với hy vọng sẽ có ngày được cúng dường cho ngài. Một lần nọ, ông tìm được loại gạo hảo hạng cùng với thức ăn thật ngon. Không đủ sức nấu cơm, vì cơm thường cần nhiều món ăn kèm theo, nên ông quyết định nấu một bát cháo thập cẩm ngon lành. Ông cũng dành dụm mua một mảnh vải thật đẹp, sau đó tìm đến ngài Xá Lợi Phất cung kính cúng dường ngài. Biết bát cháo và mảnh vải kia là mồ hôi nước mắt và cả tấm lòng của ông, ngài lặng lẽ ngồi xuống dùng hết cháo, rồi lấy vải đắp lên giữ ấm cơ thể, tức là ngài muốn ông có phước. Chứng kiến cảnh tượng này, lòng ông vô cùng hoan hỷ. Ông ra về và qua đời không lâu sau đó.
Sau khi qua đời, ông nhanh chóng được đầu thai vào một gia đình cư sĩ giàu sang mến mộ đạo Phật. Khi người mẹ mang thai, tâm của bà như hướng hết về ngài Xá Lợi Phất bởi thai nhi trong bụng hướng tâm như thế. Bà hết lòng thương quý ngài và thường thỉnh ngài cùng chư Tăng về nhà để cúng dường. Khi đứa bé ra đời và nhận thức được chút ít, mỗi lần gặp ngài Xá Lợi Phất, cậu bé luôn hớn hở, cười thật tươi như đã có duyên gì từ kiếp trước. Ngài Xá Lợi Phất thì yên lặng không nói ra, dù biết rất rõ nhân duyên của đứa bé.
Cậu bé được đặt tên là Tissa. Tissa là nửa cuối trong tên của trưởng lão Xá Lợi Phất - Sāriputtatissa. Năm mới lên bảy, Tissa lập tức xin xuất gia theo ngài Xá Lợi Phất và cũng được gia đình chấp thuận.
Chú Sadi này có phước rất đặc biệt, luôn được cúng dường vật thực vô cùng dồi dào, không bao giờ bị thiếu. Nếu dân chúng biết tin chú vào thành khất thực, tất cả sẽ hân hoan chuẩn bị sẵn vật phẩm và đứng chờ trước cửa nhà. Đặc biệt, chỉ cần chú khởi tâm muốn điều gì là ngay sau đó sẽ được như ý. Có lần vào mùa đông lạnh buốt, thấy chư Tăng thiếu chăn đắp, chú khởi ý muốn có thêm nhiều mền cho các vị tỳ kheo. Vậy là sáng hôm đó, khi đi khất thực, đến đâu chú cũng nhận được những tấm mền mới và đẹp. Một thương gia vừa gặp liền phát tâm cúng dường toàn bộ số mền trong cửa tiệm của mình. Trong thoáng chốc, chú có đủ mấy trăm tấm mền mang về tinh xá cho chư Tăng thọ dùng.
Năm tháng trôi qua, chú trở thành một Sadi mười mấy tuổi và vẫn cực kỳ tinh tấn, được nhiều người thương mến, tiếng lành đồn xa. Họ hàng chú hãnh diện vì dòng họ mình có một người đã xuất gia theo Phật từ lúc còn bé, phong thái vô cùng trang nghiêm, điềm đạm, oai nghi, đạo hạnh và rất nổi tiếng... nên họ cứ thay phiên nhau đến tinh xá thăm viếng. Vì tình nghĩa gia đình, chú vẫn phải đối đãi đàng hoàng với người thân nhưng điều đó lại làm chú bận lòng. Chú trân trọng tình cảm của mọi người nhưng muốn dành trọn thời gian để chuyên tâm tu hành. Vì thế, chú xin phép trưởng lão Xá Lợi Phất cho mình được về vùng rừng núi xa, gần một ngôi làng để tĩnh tu một thời gian.
Được ngài Xá Lợi Phất đồng ý, chú đến ẩn tu nơi cánh rừng ven một ngôi làng, vào sâu trong đó có ngọn núi hoang sơ đẹp đẽ. Dân làng ở đây rất thương chú. Họ liền cất cho chú một am tranh nhỏ, rồi ngày ngày thay phiên nhau đến giúp đỡ, cúng dường. Chú yên ổn tu hành trong khu rừng, không bao lâu thì chứng đạo. Nhân duyên của chú cũng rất lớn.
Khi ấy nơi tinh xá, ngài Xá Lợi Phất biết người đệ tử nhỏ tuổi của mình đã đắc Thánh quả nên ngài dẫn theo một đoàn chư Tăng đến thăm. Vì biết rằng dân làng ở đây không giàu lắm, nên ngài chỉ đưa theo số tỳ kheo vừa chừng trong khả năng cúng dường của dân làng. Các vị A la hán cũng như Phật, các ngài có thể đến bất cứ nơi đâu mà không cần hỏi đường. Ngài Xá Lợi Phất cũng thế, ngài lặng lẽ dẫn đoàn chư Tăng đến tận nơi chú ẩn tu.
Tissa ra đến đầu làng quỳ xuống đảnh lễ sư phụ mình cùng chư Tăng. Dân làng nghe vậy cũng hối hả, chạy đôn chạy đáo dựng lều trên một khu đất trống, người thì khiêng bàn, người thì vác ghế, sắp sạp ngồi... Họ thỉnh trưởng lão Xá Lợi Phất ngồi lên chiếc bàn cao nhất, còn chư Tăng lần lượt ngồi nơi những bàn ghế thấp hơn. Họ mang nước, mang thực phẩm ra dâng cúng chư Tăng.
Thọ thực xong, ngài Xá Lợi Phất bảo: “Này Tissa, con hãy thuyết pháp cho mọi người được nghe”. Dân làng rất ngỡ ngàng vì từ trước đến nay mỗi lần họ đến thăm, chú sadi nhỏ kia chỉ nói một câu duy nhất: “Chúc cho đạo hữu được nhiều phước lành và tinh tấn!”, đến nỗi họ quên mất cái tên Tissa, ai cũng gọi chú là sadi “phước lành và tinh tấn”. Chú lặng lẽ tu hành, gặp ai cúng dường chú chỉ nói một câu duy nhất như thế mà ít trò chuyện.
Khi sadi Tissa lên pháp tòa thuyết pháp như mây bay nước chảy, nói về các cảnh giới thiền định, về quả chứng, về nỗi khổ thế gian và sự an lạc của Niết bàn... hết thảy dân làng ai nấy đều ngạc nhiên. Trong số các tỳ kheo đi theo ngài Xá Lợi Phất, những vị đã chứng đạo thì lặng thinh, còn những vị chưa chứng đạo xôn xao nể phục trước chú sadi mới mười mấy tuổi đã thể hiện phong thái, đạo hạnh của một bậc A la hán phi phàm.
Khi nghe chú giảng, tâm của chúng sinh rất phức tạp. Người thì hoan hỷ, người thì phẫn nộ, nghĩ rằng chú đã hà tiện lời nói với họ: “Ta mang phẩm vật đến cúng dường mãi mà sadi kia chỉ nói có một câu phước lành và tinh tấn, tự nhiên hôm nay lại giảng giải thao thao bất tuyệt, thì ra nào giờ vị ấy đã giấu nghề".
Họ đâu biết rằng ngài chỉ mới đắc đạo được vài hôm, từ đó trí tuệ mới sáng chói. Thật sự trước đó ngài chưa giảng nổi. Ngay thời điểm dân làng phân chia làm ba luồng tư tưởng: ngạc nhiên - vui mừng - giận dỗi thì Đức Phật từ xa cũng biết. Phật dùng thần thông biến mất ở Kỳ Viên, hiện ra ngay ngôi làng đó. Từ đầu làng, Phật thong thả bước vào. Dân làng lao xao gọi nhau chạy ra. Chư Tăng cũng đến đảnh lễ Phật. Sau khi chúc lành cho dân làng, Đức Phật dẫn chú sadi Tissa đi vào rừng. Cảnh tượng hôm ấy thật đặc biệt: một bậc đạo sư là Đức Phật, theo sau là một chú sadi thấp bé nhỏ tuổi cung kính chắp tay, phía sau nữa là chư Tăng, cuối cùng là dân làng nối nhau đi theo.
Phật tiến vào rừng và lên đỉnh núi. Trên đường đi, Người đặt câu hỏi và chú Tissa cung kính đáp lời. Nếu như trong truyện Kim Dung, các cao thủ dùng khinh công bay từ gộp đá này lên gộp đá kia để lên đỉnh Hoa Sơn luận kiếm, thì Đức Phật và các vị đã chứng đạo (trong đó có sadi Tissa) không bay bằng nội công như thế. Các vị cứ thong thả chầm chậm đi lên đỉnh núi như mây như gió, không có vẻ gắng sức mệt nhọc như người thường. Dân làng thở hổn hển không theo kịp nên bị bỏ lại dần phía sau.
Trong suốt cuộc đời giáo hóa của Đức Phật cũng vậy. Khi du hành Người không bao giờ cưỡi ngựa (thời đó Ấn Độ cũng ít ngựa), không bao giờ đón thuyền qua sông, không bao giờ leo núi hổn hển. Đó là đặc tính của Đức Phật. Nằm ở lưu vực sông Hằng, xứ Ấn Độ có nhiều sông rạch. Nhưng suốt 45 năm giáo hóa Đức Phật chỉ đi bộ, khi cần qua sông thì luôn dùng thần thông biến mất ở bờ sông bên này rồi hiện ra ở bờ sông bên kia. Toàn bộ những đệ tử đi theo Người đều như thế. Vị nào có thần thông thì cứ lặng lẽ theo, còn những vị không có thần thông cũng tự động được Phật mang qua sông.
Bước đến đỉnh núi, quang cảnh kỳ vĩ chợt hiện bày trước mắt. Giữa núi cao mây gió, Đức Phật đã nói rằng:
- Nếu đỉnh núi này cao hơn hoặc trí tuệ xa hơn ta sẽ nhìn ra tận biển. Này Tissa, con có trông thấy biển không?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.
Ở vị trí đó, với đôi mắt người thường thì dù trên đỉnh núi cao cũng không thể thấy biển, nhưng bằng đạo nhãn của một bậc Thánh, sadi Tissa đã nhìn xuyên qua bao nhiêu không gian đến tận bờ biển của vịnh Ấn Độ, thấy cả đại dương.
Đức Phật hỏi tiếp:
- Khi nhìn thấy biển con nghĩ gì?
- Bạch Thế Tôn, con hiểu rằng nước mắt của chúng sinh nhiều hơn nước của biển cả.
Đức Phật khen ngợi và nói tiếp:
- Đứng trên đỉnh núi này con sẽ thấy được cả đất trời, rừng núi, làng mạc mênh mông. Này Tissa, con nghĩ gì trước đại địa bao la?
- Bạch Thế Tôn, nhìn đại địa bao la con hiểu rằng không nơi nào thiếu xác của chúng sinh đã chôn vùi trong đó.
- Hay lắm, con yêu quý của ta. Này Tissa, khi ẩn tu trong rừng với tiếng dã thú gào thét tìm mồi, con cảm thấy như thế nào?
- Bạch Thế Tôn, hôm sớm nghe tiếng dã thú thét gào, lòng con yêu rừng hoang biết bao.
Câu trả lời của một vị sadi A la hán thật tuyệt vời, ngày hôm nay nghe lại chúng ta vẫn còn xúc động.
Đức Phật tán thán rằng sadi Tissa lúc còn ở Kỳ Viên tinh xá đã được nhiều Phật tử thương mến, vừa được tình cảm vừa được lợi dưỡng cúng dường đầy đủ, vậy mà vẫn xem đó là sự vướng bận, rồi tìm về một cánh rừng xa tinh tấn tu tập và chứng đắc đạo quả viên mãn, thật đáng ca ngợi. Rồi Phật nói bài kệ:
An lạc của Niết bàn
Khác lạc thú thế gian
Tỳ kheo đệ tử Phật
Hãy hiểu thật rõ ràng
Chớ đắm mê danh lợi
Hãy tu hạnh viễn ly.
***
Sadi Tissa có hai cuộc đời rất khác biệt ở kiếp trước và kiếp sau. Kiếp trước ngài là một Bà la môn nghèo nhưng mộ đạo, hết lòng yêu kính một vị A la hán siêu việt là trưởng lão Xá Lợi Phất. Ngài đã nhịn ăn nhịn mặc, chắt chiu cúng dường bằng được một bát cháo ngon nhất trong đời mình và một mảnh vải đẹp nhất cho trưởng lão. Nhờ vậy mà thành tựu cái phước phi thường, sang đời sau được xuất gia sớm, đắc đạo sớm và đi đâu cũng được yêu mến, cúng dường.
Điểm đặc biệt là khi nhân duyên chứng đạo trỗi dậy thì bỗng nhiên ngài nhận ra rằng sống được mọi người yêu mến, khen ngợi, thương quý vẫn chưa phải là hạnh phúc chân thật. Ngài cảm thấy còn điều gì đó cao xa hơn, đó chính là sự giải thoát giác ngộ, nên ngài đã xin vào rừng ẩn tu. Việc được đích thân Đức Phật và trưởng lão Xá Lợi Phất đến thăm là lời khen ngợi vô cùng giá trị dành cho ngài – một sadi nhỏ tuổi nhưng cực kỳ tinh tấn, dũng cảm xin phép thầy mình để vào rừng chuyên tâm tu hành.
***
Lời đối đáp giữa sadi Tissa với Đức Phật thật cảm động.
Con yêu quý cùng ta lên đỉnh núi
Con nghĩ gì khi nhìn thấy đại dương?
Bạch Thế Tôn, Đấng Từ Phụ phi thường
Con đã thấy muôn nẻo đường sinh tử
Dòng nước mắt của chúng sinh tuôn đổ
Còn nhiều hơn nước biển cả mênh mông
Còn nhiều hơn trăm con suối, nghìn sông
Nỗi đau khổ là vô cùng khôn kể.
Con yêu quý cùng ta nhìn muôn phía
Con nghĩ gì trước đại địa bao la?
Bạch Thế Tôn, Đấng Giác Ngộ sâu xa
Con đã thấy từng bụi bờ đất cát
Con đã thấy từng núi xanh, đồi bạc
Không chỗ nào thiếu xác của chúng sinh
Trong luân hồi dẫn dắt bởi vô minh
Ai có biết bao lần mình đã chết.
Con yêu quý giữa rừng đêm mờ mịt
Con nghĩ gì khi nghe tiếng thú hoang?
Bạch Thế Tôn, Đấng Từ Ái mênh mang
Con chỉ thấy yêu rừng hoang nhiều lắm
Muôn cành lá dệt nên màu xanh thẳm
Bao nhiêu loài xây tổ ấm thiên nhiên
Giữa rừng hoang con thanh thản bình yên
Nên tinh tấn tọa thiền không lơi lỏng.
Con yêu quý giữa thế gian ảo mộng
Lợi và danh cháy bỏng cả tâm hồn
Ai biết rằng nơi tịch cốc cô thôn
Người ẩn sĩ vượt hơn điều nhỏ bé.
ST
_________________
Hoang Nguyen gởi
