Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
CÂU CHUYỆN NGƯỜI GÁNH HOA LÀI


Một hôm, Đức Phật ở thành Vương Xá – kinh đô nước Ma Kiệt Đà của vua Bình Sa. Lúc này, vua Bình Sa vẫn còn trị vì, chưa bị con mình là A Xà Thế mưu sát. Vua nhỏ hơn Đức Phật khoảng 5 tuổi và cũng có mối giao hảo thân tình.

Trong thành Vương Xá, có người làm vườn thường được gọi là Sumana (nghĩa là bông lài). Sự thật tên của anh không phải Sumana nhưng vì anh làm nghề bán hoa lài nên dần dần người ta dùng luôn từ này để gọi anh. Anh có hợp đồng với hoàng cung là mỗi ngày anh sẽ cung cấp tám bó hoa lài để trang trí, tẩm hương hoặc nấu nước tắm cho vua chúa, phi tần. Hợp đồng với hoàng cung rất chặt chẽ, không thể sơ suất nên anh cũng không dám coi thường.

Sumana sở hữu khu vườn rộng, có vợ con và người làm thuê phụ trông coi. Anh cũng không giàu có nên mỗi ngày một trong hai vợ chồng phải gánh tám bó lài vào cung, thường thì đích thân Sumana nhận lãnh công việc này.

Hôm đó như thường lệ, anh gánh tám bó hoa lài đi vào hoàng cung, nhưng cũng đúng lúc Phật và chư Tăng đang vào thành khất thực. Không biết nhân duyên đời xưa như thế nào mà khi trông thấy thân tướng trang nghiêm, rực rỡ của Đức Phật, Sumana đã khởi lên lòng tôn kính tột độ, đến nỗi chính anh cũng không hiểu được. Lòng kính ngưỡng ấy như chiếm trọn tâm hồn anh. Anh đứng sững sờ, trên vai vẫn gánh tám bó hoa nhưng không bước tới được nữa.

Lòng tôn kính quá lớn thôi thúc anh muốn cúng dường cho Phật điều gì đó. Nhưng lúc ấy anh không mang theo thức ăn, mà cúng tiền thì Đức Phật không nhận. Nhìn lại Sumana thấy mình chỉ có tám bó hoa là có thể dâng cúng Phật được, tuy nhiên, nếu cúng hoa cho Phật thì anh sẽ không thể giao hoa cho hoàng cung. Phá vỡ hợp đồng với người thường thì chỉ bị càu nhàu một chút, còn phá vỡ hợp đồng với cung đình là chuyện lớn, có thể bị khép tội xem thường, dối gạt vua và bị xử tử, hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Chúng ta nhớ thời xưa chưa có xà phòng như bây giờ nên các hoàng hậu, cung phi chỉ có thể làm thơm cơ thể bằng những loài hoa tự nhiên. Do đó, dù chỉ một ngày không được tắm trong nước tẩm hoa lài, họ sẽ nhăn nhó, cự nự và vua sẽ truy tội kẻ đã làm thất ý người đẹp của mình. Chính bởi điều này mà việc không cung cấp tám bó hoa lài có thể dẫn đến tội chết, không phải chuyện đơn giản.

Trở lại với người nông dân, khi ấy vì lòng kính Phật đã dâng cao tột độ, bỗng nhiên Sumana không sợ chết nữa. Anh thầm nghĩ: “Thôi có chết thì chết, bây giờ ta phải làm điều gì đó để bày tỏ tấm lòng với Đức Phật đã”. Thế là anh cúi đầu quỳ xuống bên đường, thầm phát nguyện xin dâng gánh hoa lài trên vai cúng dường Đức Phật. Khi ấy, anh vẫn còn cách Phật một khoảng, chưa đối diện Người. Ngay lập tức, một hiện tượng kỳ lạ bỗng xuất hiện: tám bó lài từ từ bay lên hư không rồi tản ra chung quanh xếp thành một cái lọng che cho Phật, hương thơm thoang thoảng lan đi. Cảnh tượng này làm Sumana sững sờ, dân chúng hai bên đường cũng ngạc nhiên reo hò, kéo ra chiêm ngưỡng mỗi lúc một đông.

Sumana cực kỳ hạnh phúc, người đầu tiên mà anh muốn chia sẻ niềm vui này là vợ anh. Sumana ba chân bốn cẳng chạy về nhà nói với vợ:

“Hôm nay, tôi không mang tám bó hoa vào hoàng cung bán lấy tiền nữa, tôi đã cúng cả cho Đức Phật”.

Chưa nghe hết câu, mới đến ngang đây thôi người vợ đã tru tréo mắng chồng. Bà vợ này là người tâm hồn không hướng thượng, không biết thiện pháp, cũng chẳng tin Tam bảo, chỉ biết có tiền. Vừa nghe chồng phá vỡ hợp đồng với hoàng cung, bà nghĩ ngay đến việc bị vua kết tội, tài sản có thể bị tịch thu, thậm chí mạng sống cũng không giữ được. Quá sợ hãi, bà chửi một hơi rồi đâm đầu chạy vào cung tìm cách ngăn chặn hậu họa.

Sumana chưng hửng đứng nhìn vợ chạy đi. Anh trở lại chỗ Đức Phật để xem sự tình như thế nào, còn người phụ nữ kia cũng ba chân bốn cẳng chạy vào cung xin gặp vị quan trông coi việc mua bán hoa lài. Vừa thấy vị quan, bà lật đật mắng chồng trước, rằng anh là thứ vô tích sự, hư đốn, hỗn láo, do bà lấy nhầm thôi chứ nào giờ bà chẳng thương yêu gì. Bà chửi một hơi để tránh tội trước. Ông quan sững sờ không hiểu chuyện gì xảy ra, chỉ thấy bà này tự nhiên chạy tới tru tréo mắng chồng. Rồi ông hỏi rõ sự tình, bà vợ chớp lấy cơ hội nói ngay rằng chồng bà trên đường đi giao hoa cho hoàng cung đã đem cả tám bó hoa cúng cho ông Phật nào đó mất rồi. Chồng bà hư lắm, bây giờ bà tuyên bố bỏ chồng, cả hai không còn là vợ chồng nữa, xin quan nhớ dùm là bà không còn dính líu gì đến ông chồng nữa. Tức là bà chạy tội cho mình trước.

Chửi hả hê xong bà le te chạy về. Còn vị quan nghe rõ đầu đuôi câu chuyện cũng nhẹ người. Quan tướng của vua Bình Sa hầu hết đều theo đạo Phật, vị quan kia cũng thế. Bởi vậy mà khi nghe nói tới cúng Phật, ông thấy không có gì nghiêm trọng nữa. Đến vua còn là đệ tử Phật, thì việc đem hoa cúng Phật cũng tốt thôi, vua nhịn tắm hoa lài một ngày đâu chết chóc gì...

Ông chưa kịp trình báo thì vua đã nghe tin rằng cả kinh thành đang xôn xao vì những bó hoa lài lơ lửng trên hư không che cho Phật. Từ hoàng cung, vua đích thân ra ngoài chứng kiến hiện tượng lạ lùng này. Trên đường Đức Phật khất thực, những bó hoa lài tản ra xếp thành cái tán rất đẹp, bay lơ lửng giữa hư không, chầm chậm trôi theo che cho Phật. Vua cùng tùy tùng quỳ xuống đảnh lễ Phật, thỉnh Người đừng đi khất thực nữa mà hãy vào hoàng cung thọ thực.

Vua Bình Sa rất thích mời Phật và chư Tăng mỗi ngày vào hoàng cung thọ thực nhưng Phật hiếm khi nhận lời. Người muốn khất thực bên ngoài để gieo duyên cho chúng sinh có cơ hội được cúng dường Phật và chư Tăng. Nhân sự kiện quá đặc biệt này, vua một lần nữa thiết tha thỉnh Phật vào hoàng cung. Đức Phật muốn mọi người thấy hiện tượng lạ như thế nên từ chối, bảo vua hãy để Người ngồi bên ngoài. Vua bèn sắp bàn ghế, lọng che mời Đức Phật ngồi cho dân chúng chiêm ngưỡng. Nhiều người đến cúng dường, vua cũng cho người mang vật thực ra thiết đãi. Sau khi thọ thực, Phật thuyết bài pháp rồi ra về, tám bó hoa lài cứ lơ lửng trên hư không che cho Phật về đến tinh xá rồi mới rơi trên vách nơi hương thất của Phật.

Sau đó, vua cho người tìm hiểu kỹ chuyện gì đã xảy ra, mới hay có người gánh hoa giữa đường đã cúng tám bó lài cho Đức Phật, một vị quan cũng trình báo chuyện có bà vợ đến mắng chồng như thế... Vua liền ban thưởng nhiều vàng bạc cho Sumana. Ai cúng cũng giống nhau, chỉ riêng anh này không biết cúng thế nào mà những bông lài lại bay lên hư không tạo thành hiện tượng diệu kỳ, khiến vua cảm động vô cùng. Còn người vợ của Sumana do sợ vua xử tội nên đã xách gói chạy về nhà mất rồi.

Chiều đến, chư Tăng xôn xao về sự kiện vừa xảy ra nên đã đến hỏi Phật. Phật giải thích rằng, người gánh hoa này đã cúng Phật với tất cả lòng tôn kính đến mức chấp nhận cả cái chết nên đã tạo thành phép lạ. Đây cũng là cái nhân chứng đạo sau này. Đức Phật đã thọ ký rằng nhiều kiếp sau người gánh hoa sẽ trở thành một vị Độc Giác Phật tên Sumana (hoa lài). Và Phật đọc bài kệ Pháp Cú:

"Với nghiệp làm chánh thiện
Làm rồi không hối tiếc
Lòng tràn ngập niềm vui
Phước báo thật vô vàn"

_____________________


LÒNG TÔN KÍNH PHẬT TUYỆT ĐỐI

Thật ra, khi trông thấy thân tướng trang nghiêm của Đức Phật, tất cả chúng ta đều buộc phải khởi lòng kính ngưỡng. Nhưng vì thời nay chúng sinh không có duyên tận mắt thấy Đức Phật, mà chỉ được nhìn qua tranh, tượng hay nghe truyện kể rồi tưởng tượng lại, nên lòng kính Phật của ta không nhiều. Nếu được chiêm ngưỡng Đức Phật lúc Người còn tại thế, thì có lẽ tấm lòng của chúng ta cũng không thua anh bán hoa lài này bao nhiêu.

Tuy nhiên, vì cái duyên gì đó nên vào thời điểm gặp Phật, sự kính ngưỡng của anh đã đạt đến tột độ, cực kỳ mãnh liệt, vượt hơn mọi người. Nhiều người sống trong kinh thành cũng từng trông thấy Phật nhiều lần, thậm chí đã từng cúng dường Phật ngày này sang ngày kia, lòng rất kính Phật nhưng vẫn không đạt được cảm xúc cao tột như anh, lạ như vậy.

CHƯ THIÊN CẢM ĐỘNG

Khi người gánh hoa phát tâm cúng dường cho Phật, tám bó hoa bỗng chầm chậm bay lên hư không xếp thành cái lọng che quanh Phật. Hiện tượng lạ lùng này do chư Thiên thi triển thần thông để cúng Phật một lần nữa.

Lần thứ nhất là Sumana phát tâm dâng cúng, chư Thiên đọc được cái tâm của anh nên đã dùng thần thông làm thành lọng hoa che cho Phật, tức là các vị cúng dường lần thứ hai. Tại sao các vị không chọn vật nào khác mà lại chọn tám bó lài của Sumana? Bởi các vị cảm động trước tấm lòng của anh gói trong tám bó hoa đó.

Ngày hôm nay, chúng ta không còn duyên may được chiêm ngưỡng, cúng dường Đức Phật trực tiếp nữa, nhưng người nào biết lễ Phật với lòng tôn kính thiết tha đến độ vì Phật mà chấp nhận cả cái chết, thì cũng sẽ thành tựu được công đức lớn lao.

PHƯỚC KHÔNG ĐỒNG THÌ KHÓ CHUNG SỐNG VỚI NHAU

Người vợ trong câu chuyện trên rất đoảng, không có một chút đạo tâm nào nên cái phước của bà không đồng với người chồng. Trong giây phút bất chợt, ông chồng vượt lên như một bậc Thánh, còn bà thì rơi xuống như một loài nào rất thấp hèn. Cái phước sai biệt khiến họ không thể ở chung với nhau được nữa, đó là nhân quả.

Có những cặp vợ chồng chia tay nhau cũng vì cái phước đã quá sai biệt, họ không thể sống chung để cùng hưởng phước. Trong câu chuyện này cũng vậy, người vợ có tâm hồn nông cạn, tâm thường, nên đứng trước thử thách bà đã chứng tỏ rằng mình không xứng đáng hưởng phước. Cuối cùng, chính bà phải lật đật bỏ chồng trước.

Câu chuyện có một chi tiết rất lý thú: Khi biết chuyện người cung cấp hoa lài cho hoàng cung đã mang toàn bộ hoa cúng dường Phật, vua Bình Sa lại vui mừng ban thưởng cho Sumana. Điều này chứng tỏ ông là người rất kính Phật.

Đối với vua Bình Sa thì Phật là trên hết, sau đó mới tới vua rồi quan tướng, thần dân... Vì nghĩ như thế nên ai kính Phật vua cũng đều vui mừng, thậm chí với con người quên vua để kính Phật thì vua vẫn hoan hỷ, khen ngợi.

KÍNH PHẬT LÀ CÁI NHÂN ĐẮC ĐẠO

Tại sao Đức Phật thọ ký cho Sumana? Phật không bao giờ nói đùa, nói bừa. Phật đã thọ ký cho ai tức là nhân quả của người đó đã định hình như thế, không thay đổi được nữa. Dĩ nhiên, từ lúc Phật thọ ký cho đến ngày đắc đạo còn rất xa, trong khoảng thời gian đó có thể Sumana cũng thăng trầm rất nhiều, khi sang khi hèn không chừng. Nhưng quả đắc đạo bắt buộc phải đến. Đức Phật đã nhìn thấy điều đó trong một lần Sumana dám đem cả mạng sống của mình, để bày tỏ lòng kính Phật.

Như vậy, người nào mỗi ngày đều lễ Phật với lòng tôn kính tha thiết đến mức có thể xả bỏ thân mạng mình vì Phật, thì một Thánh quả nào đó cũng đang dần hình thành chứ không phải tầm thường.

ST 

_________________


Hoang Nguyen gởi