Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
Câu chuyện về bà Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long) bị Việt cộng xử tử

 
 
 
Ảnh: Bà Nguyễn Thị Năm (1906-1953) lúc ngoài 40 tuổi.
 

Câu chuyện về bà Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long) bị Việt cộng xử tử. 
 
Làm cách nào một người yêu nước, góp cho cách mạng 800 lạng vàng như cụ bà lại bị cách mạng xử tử? Đó là những câu chuyện rất lạ của một thời lịch sử.
 
Bà Cát Hanh Long (tên hiệu trong buôn bán giao dịch của bà Năm) sinh năm 1906, quê ở Làng Bưởi, ngoại thành Hà Nội, vốn là một người đàn bà giỏi làm ăn trên đất cảng Hải Phòng, từ nhiều nghề khác nhau trong đó có buôn bán tơ, sắt vụn, bà đã sớm thành đạt trên thương trường, xây nhà tậu ruộng…
 
Nhà giàu, được giác ngộ nên bà Năm trở thành nguồn cung cấp tài chính cho cách mạng thời từ trước tháng 9 năm 1945 mà bây giờ gia đình tập hợp lại thành một hồ sơ dày đặc từ việc góp 20.000 đồng bạc Đông Dương tương đương bẩy trăm lạng vàng đến thóc gạo, vải vóc, nhà cửa…
 
Dù đã đứng tuổi theo quan niệm đương thời, nhưng người phụ nữ 40 tuổi của thành phố cảng ấy đã phóng xe nhà treo cờ đỏ sao vàng từ Hải Phòng lên thẳng chiến khu qua thành phố Thái Nguyên, nơi quân Nhật còn chiếm đóng đến Đồng Bẩm, Đình Cả, Võ Nhai để báo cho con trai và các đồng chí của mình tin Hà Nội đã giành được chính quyền.
 
Sau năm 1945, bà Năm tản cư theo cách mạng lên chiến khu, và mua lại hai đồn điền lớn của "một ông Tây què" tại Thái Nguyên. Hai con trai bà đều đi theo kháng chiến. Khi chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức "Tuần lễ vàng", bà đóng góp hơn 100 lạng vàng. Trong suốt thời gian kháng chiến chống Pháp, bà Nguyễn Thị Năm tham gia các cấp lãnh đạo của Hội Phụ nữ của tỉnh Thái Nguyên và Liên khu Việt Bắc, trong đó có 3 năm làm Chủ tịch hội Phụ nữ tỉnh Thái Nguyên. Khi thực hiện lệnh "tiêu thổ kháng chiến", bà đã cho san bằng khu biệt thự Đồng Bẩm tại Thái Nguyên.
 
Nhiều cán bộ cách mạng, nhiều đơn vị bộ đội thường tá túc trong đồn điền của bà. Bà Nguyễn Thị Năm cũng từng nuôi ăn, giúp đỡ nhiều cán bộ Việt Minh sau này giữ những cương vị quan trọng như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Hoàng Hữu Nhân, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Tùng, Vũ Quốc Uy, Hoàng Thế Thiện, Lê Thanh Nghị...
 
Khi Cuộc cải cách ruộng đất triển khai vào năm 1953, những hành động yêu nước của Nguyễn Thị Năm bị cho là "giả dối nhằm chui sâu, leo cao vào hàng ngũ cách mạng để phá hoại” và bà trở thành địa chủ đầu tiên bị đem ra "xử lý". Bà bị lên án với tội danh "tư sản địa chủ cường hào gian ác".
 
Trong bài viết "Địa chủ ác ghê" của C.B trên báo Nhân dân ngày 21 tháng 7 năm 1953 có kể tội bà là "Làm chết 32 gia đình gồm có 200 người... Giết chết 14 nông dân, tra tấn đánh đập hằng chục nông dân...". Cũng theo đó, Nguyễn Thị Năm đã "thông đồng với Pháp và Nhật để bắt bớ cán bộ. Sau Cách mạng tháng Tám, chúng đã thông đồng với giặc Pháp và Việt gian bù nhìn để phá hoại kháng chiến" và cũng theo đó thì Nguyễn Thị Năm "không thể chối cãi, đã thú nhận thật cả những tội ác".
 
Sau những cuộc đấu tố với đủ các thứ tội ác được gán ghép bà đã bị đem ra xử bắn ở Đồng Bẩm, tỉnh Thái Nguyên lúc 8 giờ tối ngày 29 tháng Năm Âm lịch năm 1953. Khi bà vừa tuổi 47.
"Khi du kích đến đưa bà ta đi, bà ta đã cảm thấy có gì nên cứ lạy van "các anh làm gì thì bảo em trước để em còn tụng kinh”. Du kích quát: "đưa đi chỗ giam khác thôi, im!”. Bà ta vừa quay người thì mấy loạt tiểu liên nổ ngay sát lưng. Mình được đội phân công ra Chùa Hang mua áo quan, chỉ thị chỉ mua áo tồi nhất. Và không được lộ là mua chôn địa chủ. Sợ như thế sẽ đề cao uy thế uy lực địa chủ mà. Khổ tớ, đi mua cứ bị nhà hàng thắc mắc chưa thấy ai đi mua áo cho người nhà mà cứ đòi cái rẻ tiền nhất. Mua áo quan được thì không cho bà ta vào lọt. Du kích mấy người bèn đặt bà ta nằm trên miệng cỗ áo rồi nhảy lên vừa giẫm vừa hô: "Chết còn ngoan cố này, ngoan cố nổi với các ông nông dân không này?" Nghe xương kêu răng rắc mà tớ không dám chạy, sợ bị quy là thương địa chủ. Cuối cùng bà ta cũng vào lọt, nằm vẹo vọ như con rối gẫy vậy..." – Hồi ký Đèn Cù của Trần Đĩnh.
 
Ông Nguyễn Hanh, con trai bà Năm kể rằng khi mẹ ông bị xử bắn, ông đang cùng đơn vị ở Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc. Người ta giấu ông mọi tin tức từ trong nước. Hai tháng sau, cuối tháng 6/1953 ông được đưa về nước, bị tống ngay vào trại giam ở Tuyên Quang vì là con của địa chủ gian ác. Năm 1954 ông mới được nghe bà vợ ông đến trại để thăm nuôi kể rõ về sự kiện bi thảm này. Em ruột ông Hanh là Nguyễn Cát, bí danh là Hoàng Công, cả 2 anh em đều hoạt động từ thời kỳ tiền khởi nghĩa 1944 ở vùng Đình Cả, Vũ Nhai. Hoàng Công từng là trung đoàn trưởng của sư đoàn Quân Tiên Phong 308, cũng bị đưa vào trại cải tạo năm 1953, năm 1956 mới được tự do, đau ốm, đến năm 1989 chết thảm trong một tai nạn xe máy.
 
Năm 1993, sau 40 năm tìm kiếm rất kiên trì, gia đình ông Hanh mới tìm thấy di hài bà Năm cạnh một ao sen, ở bên gốc cây phượng hoa đỏ nhờ chiếc vòng ngọc bám chặt cổ tay và chiếc răng vàng cũng như 2 đầu đạn, bà Cúc vợ ông Hanh cho hay sở dĩ chiếc vòng ấy còn vì bà Năm đeo từ hồi trẻ nó thít chặt vào cườm tay, khi đấu tố có người đã cố rút ra nhưng không được. Di hài bà Năm được đưa về nằm bên mộ chồng là làng Đại Kim, Thanh Trì, Hà Nội.
 
Cụ ông Nguyễn Hanh, người đảng viên Cộng sản khi mới 21 tuổi, người sỹ quan QĐND cấp trung đoàn khi mới 24 tuổi đã mất sạch mọi thứ, từ bà mẹ nhân hậu đảm đang bị 2 phát đạn oan khiên, đến nhà cửa, tiền bạc, công danh, nay thổ lộ rằng từ 1993 ông đã gửi hàng vài chục lá thư đề nghị các đời Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng... xét cho 2 điều: công nhận mẹ ông, bà Nguyễn Thị Năm là người có thành tích, có công đóng góp cho cách mạng, truy thưởng cho bà Huân chương Kháng chiến, và công nhận Bà là Liệt sỹ, nhưng không một ai trả lời.
 
Điều duy nhất ông nhận được đến nay là công văn tháng 6 năm 1987 của Ban Tổ chức tỉnh ủy Thái Nguyên, quy định lại thành phần giai cấp của bà mẹ là "Tư sản - địa chủ kháng chiến".

Ông than thở: "Mẹ tôi từng nuôi dưỡng, che chở cho cả sư đoàn bộ đội, cán bộ, nhiều người biết chuyện nhưng đã cao tuổi, nên sau khi họ mất đi thì mọi chuyện sẽ rơi vào quên lãng".
 

_____________________


Đỗ Hứng gởi