Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
CẦU THÀNH PHẬT
 
 
Vào thời xa xưa phải nói là rất xa xưa, vô lượng vô biên số kiếp ở vào thời kỳ ấy có nước La Đề giàu mạnh nổi tiếng, lại có nhiều Tôn Giáo, Đạo Giáo ra đời: Phật Giáo, Thánh Giáo, Tiên Giáo, Chúa Giáo.. vân…vân..
 
Nơi tỉnh Hồ Bắc có La Sơn Tự, những ngôi chùa mọc lên như nấm thờ nhiều vị Phật, nhiều vị Bồ Tát, nhưng thờ chính vẫn là vị Phật Tổ Phổ Minh, vị Phật thần thông trí huệ vô biên linh thiêng bậc nhất.

Sư sãi ở chùa La Sơn Tự có đến hàng nghìn, dân chúng đến La Sơn Tự hành lễ cúng bái rất đông, trong nước ngoài nước đủ thành phần giai cấp. Trên điện thờ Phật Tổ chỗ nào cũng hương hoa nhang đèn không ngớt.
 
Trong số người về La Sơn Tự có vị Thiện Nhân Trí Thức tên là A Di, lúc nào cũng cầu thành Phật vì thấy Phật được dân chúng sùng kính, trên điện thờ nhang đèn hoa quả lúc nào cũng có, được thành Phật thời còn gì bằng? còn sướng hơn cả giàu sang vua chúa. 
 
A Di sanh ra trong một gia đình giàu có, phải nói là giàu nhất nước La Đề muốn gì được nấy, còn thiếu thành Phật nữa mà thôi. A Di thấy mình giàu có, vàng bạc châu báu thiếu chi, A Di liền đem ngọc ngà châu báu cúng dường cho Phật, cầu thành Phật. Sự cúng dường ấy làm cho La Sơn Tự càng ngày càng bề thế, xây dựng lộng lẫy nguy nga Tăng chúng tha hồ hưởng thụ. 
 
Danh tiếng A Di lừng lẫy có nhiều người tôn sùng là Bồ Tát sống. A Di cúng hết tài sản của Ông Cha để lại nhưng nào thấy thành Phật chi đâu!? Tụng thuộc làu hết kinh mà quả Phật vẫn xa vời vợi. 

Một hôm A Di đến gặp Sư Tăng- vị Sư Tăng quyền lực nhất ở La Sơn Tự, quỳ lạy nói lên nguyện vọng của mình là cầu thành Phật. 
Vị Sư Tăng ấy nói: 
   
Muốn thành Phật phải xuất gia vào chùa,  cạo đầu đi tu cắt ái ly gia, trì giới mới thành Phật. 

A Di liền nghe theo vị Sư Tăng vào chùa cắt ái ly gia cạo đầu đi tu, ngày đêm ra sức tụng kinh trì giới, tu trì mãi đến mười năm cũng chỉ là con người bình thường ít tội lỗi hơn người thường tục mà thôi, nào thấy thành Phật chi đâu? chỉ thấy lên chức sắc Đại Đức, Thượng Tọa. 
A Di liền ngộ ra

Xuất gia mấy mươi năm như Sư Tăng, giảng kinh thao thao bất tuyệt nhưng nào thấy thành Phật chi đâu!?

Tu Thiền mấy mươi năm như Thiền Sư Pháp Nhẫn, có thể nói là thành tựu nhiều phép tắc thần thông nhưng mỗi khi được hỏi khi nào Thiền Sư thành Phật? 

Thiền Sư trả lời: 

Còn xa lắm! 
 
Thì ra là vậy! không phải cầu Phật mà trở thành Phật. Thuộc nhiều kinh tạng như Sư Tăng mà thành Phật. Không phải xuất gia đi tu mà thành Phật. Không phải tu thiền chứng ngộ thần thông mà thành Phật. Đó chỉ là tạo nhân duyên thiện lành để cho mình đi đến quả Phật mà thôi, có thể một kiếp hoặc vô lượng kiếp mới thành.
 
A Di không còn mặn mà gì đến cầu Phật để thành Phật, cầu đọc tụng kinh cho nhiều để thành Phật. Không còn phân biệt xuất gia hay tại gia vì không liên quan gì đến thành Phật. “ Bằng chứng xuất gia như mình đây, ra sức tụng kinh trì giới học đạo thế mà quả Phật còn xa quá!”
 
A Di từ đó để tâm quán tưởng phăng lần nhân duyên tìm ra lẽ thật trong Tạo Hóa. A Di lần lần thấu rõ những gì có hình tướng, sắc tướng đều là không thật. Mọi sự vật biến động trong Tạo Hóa là do hàng trăm hàng nghìn Định Luật xoay chuyển như: Luật Tuần Hoàn, Luật Nhân Duyên, Luật Nhân Quả, Luật Vay Trả, Luật Sanh Tử, Luật Trường Tồn, Luật Vô Thường, Luật Có Không, Luật Thường Trụ Bất Biến, Luật Xoay Chuyển, Luật Tự Tại, Luật Hiển Nhiên, Luật Ngẫu Nhiên, Luật Hội Tụ, Luật Phân Ly, Luật Tan Hoại, Luật Không Không, Luật Vô Vi, Luật Thường Vi, Luật Hữu Tướng, Luật Vô Tướng, Luật Biến Hiện. ..nói tóm lại là hàng trăm hàng nghìn Định Luật. Những Định Luật tạo lên bộ máy huyền vi vũ trụ gọi là bộ máy Càn Khôn. Muốn ra khỏi bộ máy Càn Khôn thời để Tâm Tự Nhiên đi vào Định Luật Tự Tại Vô Trụ. 

Mặt Trời Trí Huệ lần lần tỏa sáng, làm chủ các Định Luật vũ trụ có nghĩa là làm chủ Càn Khôn, trên đầu liền tỏa hào quang thành Phật Tổ, Thánh Tổ, Tiên Tổ, Chúa Tổ, Thần Tổ. 

A Di mỗi lần để Tâm Tự Nhiên đi vào Định Luật Tự Tại vô trụ, tức thời trên đầu phát ra muôn đạo hào quang làm chấn động Linh Sơn Tự cũng như Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, đi vào Huyền Cơ Tịnh Độ. Ý nghĩa của Tịnh Độ, Tâm Tịnh chính là Độ. Tâm đi đến Đại Định thời đi vào Đại Độ.
 
Lúc bây giờ bốn bộ chúng theo Phật Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di đều quỳ lạy muốn được nghe pháp thành Phật. 
 
Phật Tổ A Di truyền dạy rằng:

Cầu Phật để Phật ban cho thành Phật thời không bao giờ có, vì Gốc thành Phật đều ở nơi Tâm. Bỏ cái Tâm mà cầu Phật, dù trải qua vô lượng ức kiếp cũng không thành Phật được. Ta có câu Phật Chú nên lắng nghe. 
 
Lấy Tâm cầu Tâm
Càng cầu càng xa 
Phật ở trong Tâm không cầu 
Cầu Phật ngoài Tâm
Bỏ đi Phật Tánh
Lấy đâu thành Phật
Tánh Phật Tự Nhiên
Tâm Phật Lương Tâm
Xa rời tự nhiên 
Trái ngược Lương Tâm
Dù cho cầu Phật khắp mười phương
Cũng chỉ là luống công vô ích 
Vô Trụ Vô Niệm Tự Nhiên
Ra Khỏi Càn Khôn Trời Đất
Mặt trời Chánh Đẳng Chánh Giác hiện ra 
Ra khỏi sanh tử thăng hoa Niết Bàn
Y Văn theo nghĩa mà làm 
Ý Giáo thực hành quả Phật đến nơi
Lên ngôi Phật Tổ khó chi 
Độ người thành Phật, thi nhau mà thành
 
Có người hiểu được lời kinh kệ tức thời Minh Tâm Kiến Tánh trên đầu phát tỏa hào quang chứng thành quả Phật. 

Có người không hiểu những lời kinh kệ đại thừa vô thượng thậm thâm bằng thưa rằng:
 
Thưa Phật Tổ, làm sao chứng quả Vô Sanh ra khỏi sanh tử an trụ Niết Bàn?

Phật Tổ A Di dạy rằng: 
   
Chứng quả Vô Sanh ra khỏi Sanh Tử cần gì phải tu. Ngộ Chân Tâm Chân Tánh tức là chứng quả Vô Sanh. Chân Tâm Chân Tánh Bất Sanh Bất Diệt, đâu phải tu mà đặng trường sanh. Chỉ cần giác ngộ Minh Tâm Kiến Tánh thấy rõ Bổn Lai Diện Mục là ra khỏi Sanh Tử.
   
Tất cả những người có mặt ở đây đều trải qua vô lượng ức kiếp, mỗi kiếp Linh Hồn vay mượn xác thân, mượn xác thân tạm gọi đó là Sanh. Mượn rồi phải trả đó gọi là Tử. Vay mượn xác thân rồi đến ngày giờ phải trả theo Quy Luật Tự Nhiên.  Trải qua vô lượng kiếp có nghĩa Linh Hồn đã vay mượn vô lượng xác thân. Mượn thời phải trả theo Định Luật Vay- Trả vũ trụ. Những gì vay mượn nào phải của mình, mượn thời phải trả đó là theo Luật Tự Nhiên. 
 
Tâm Linh mỗi người vẫn y nguyên trước sao sau vậy chưa bao giờ có Sanh có Tử, như như thường còn. Hết vay mượn thể xác này đến vay mượn thể xác khác, cứ thế trải qua vô lượng kiếp. 
 
Cũng như Lương Tâm Phật Tánh tự có, không phải tu mà có. Chân Tâm Chân Tánh trường sanh không phải tu mới được trường sanh. 
   
Những gì vay mượn thời phải trả. Hễ vay mượn tạm gọi đó là Sanh. Vay mượn có thời hạn, hết thời hạn thời phải trả gọi đó là Tử. 
 
Như vậy Sanh- Tử là chỉ cho thể xác tạm mượn, nào phải chỉ cho Chân Tâm Chân Tánh của Linh Hồn. Theo định Luật Vũ Trụ hễ có Vay thời phải Trả. Hễ có Sinh thời phải Tử. Không ai khác ai dù đó là chư Phật mười phương, chúng sanh phàm phu cũng như nhau mà thôi. 
 
Các chư Phật mười phương, chúng sanh nhân loại phàm phu trần gian hễ có vay mượn thời phải trả. Các chư Phật vay mượn xác thân bằng kim thân nên xác thân có tuổi thọ rất lâu. Còn phàm phu chúng sanh vay mượn xác thân bằng tinh Cha huyết Mẹ nhục thân phàm tục nên tuổi thọ rất ngắn. 
 
Tóm lại: Những gì vay mượn để sanh ra thân xác gọi đó là Sanh. Những gì vay mượn đều phải trả gọi đó là Tử. 

Sanh Tử là những thứ vay mượn không phải là Linh Hồn Tâm Linh của chúng ta. Tâm Linh của chúng ta không sanh không diệt, không cấu không nhiễm, trước sao sau vậy như như thường còn. 

Khi thành Phật, Chân Tâm Chân Tánh không có gì thêm. Khi còn làm phàm phu chúng sanh, Chân Tâm Chân Tánh không có gì bớt, trước sao sau vậy như như thường còn. 

Liễu ngộ được như thế thời gọi là chứng quả Vô Sanh, ra khỏi Sanh Tử. Những gì vay mượn đều phải trả đó là theo Định Luật Tự Nhiên mà thôi. 
 
Có người liền thưa hỏi rằng:
 
Chúng con chưa hiểu, có vay thời phải trả đó là Luật. Tử cũng là cái mình mượn không phải là của mình nên không có Tử. Sanh cũng chỉ là cái mình mượn không phải của mình nên không có Sanh. Chân Tâm Chân Tánh vốn không Sanh không Diệt, khi thành Phật không thêm, khi làm phàm phu như chúng con cũng không bớt, vậy tu để làm gì nữa? Xin Phật Tổ chỉ dạy cho.
 
A Di Phật Tổ nói:
 
Tu có nghĩa là sửa. Lìa cái Mê đi đến cái Ngộ. Bỏ cái Ác đi đến cái Thiện. Bỏ cái Giả tìm đến cái Chân. Nhờ lìa bỏ cái Mê đi đến tỉnh Ngộ, nhận biết được Lương Tâm của chính mình chính là Phật Tánh- Thánh Tánh. Nhờ lìa bỏ cái Ác đi đến cái Vui An Lạc nên Linh Hồn định tĩnh. Nhờ định tĩnh sóng thức yên lặng nên Chân Tâm Chân Tánh hiển hiện, ví như mặt hồ yên lặng mặt Trăng liền hiện rõ. 

Cũng tại do cái Chân Tâm Chân Tánh bị Mê nên không nhận biết được Lương Tâm của chính mình, nên phải tu. Nếu không tu, cứ mãi hành động gieo nghiệp Ác thời vô lượng kiếp sau phải chịu nhiều sự thống khổ do Tâm hành Ác gieo ra. Hành Ác thời sa đọa vào tam đồ khổ: Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh. Hành Thiện thời siêu lên các tầng Trời hưởng phước. Do đó cần phải tu tránh đi những hậu họa về sau, không những kiếp này và những kiếp tới.
 
Tóm lại: Lương Tâm, Chân Tâm Chân Tánh chính là Phật, chính là Thánh, nhưng muốn gặt hái quả Phật, quả Thánh thời phải tận độ nhân loại con người. 

Muốn tận độ nhân loại con người thời phải phát bồ đề Tâm, chính là lập thệ nguyện. Thệ nguyện càng cao thời Phật Quả càng cao. Thệ Nguyện càng rộng lớn thời độ người càng đông, Quốc Độ càng rộng lớn. 
A Di nói xong liền phát bốn mươi tám lời đại nguyện khai lập Quốc Độ Tây Phương. 
 
Trong Pháp Hội A Di, bốn bộ chúng kể cả người xuất gia, tại gia đều chứng quả Phật. Nhiều vị phát bồ đề Tâm tận độ nhân loại về Trời thành lập Quốc Độ riêng cho mình. Có người cầu siêu sanh về Quốc Độ Tây Phương. 
 
A Di ngâm kệ rằng:
 
Hồn nào mất, mỗi kiếp đời ta bước
Vạn ức đời, luôn phía trước ta đi 
Kiếp trần gian, thử hỏi có đáng gì
Chỉ chớp mắt, là mãn trần lìa bến
Những hành trang, là thiện hay là ác
Trên con đường, gặt hái kiếp gieo nhân
Mà nhận lãnh, sướng vui hay cay đắng
Nơi cõi tạm, hãy làm nhiều phước thiện
Mỗi kiếp đời, là mỗi kiếp luyện tu 
Gieo phúc lành, nên ta mãi an vui
Mỗi kiếp đời, phúc hưởng mãi không thôi
Hồn nào mất, mỗi kiếp đời ta bước
Vạn ức đời, niềm hạnh phúc ta đi.

***

Văn Hóa Cội Nguồn

________________


Hoang Nguyen gởi