Chánh niệm tỉnh thức trong cuộc sống hằng ngày
Chánh niệm tỉnh thức là phương pháp thực tập rất quan trọng của sự tu tập, không chỉ cho những người xuất gia, mà còn cho những người tại gia. Vì giáo lý của đức Phật không dành riêng cho ai cả, ai tu tập thực hành đều lợi lạc. Có nhiều người nói tôi rất bận, còn phải đi làm, rất nhiều việc trong cuộc sống, đi làm từ sáng tới tối, không còn thời giờ, cuối tuần thì dành cho gia đình. Vâng bạn nói đúng, cuộc sống thời đại nào cũng thế, nhất là thời đại ngày nay khoa học văn minh tiến bộ, càng phải làm nhiều hơn, mình phải đi làm kiếm tiền để lo cho gia đình.
Phương pháp tu tập chánh niệm tỉnh thức, tu bất cứ lúc nào và ở đâu cũng đều được hết, chỉ cần chúng ta nhớ trở về với chính mình. Nhưng đa số mọi người đều bỏ quên ông Chủ của mình, đó là Tâm. Mình chỉ biết lo cho bản thân thôi, đói thì ăn, không những ăn bình thường, mà phải ăn những món cao lương mỹ vị, ăn thật ngon, tẩm bổ cho cái thân này mập mạp béo bổ, đến nỗi sinh bệnh, thừa cân. Thậm chí có người còn phải bỏ ra một số tiền lớn để đi hút mỡ thừa, để giảm cân, thật là phí tiền hết sức. Họ quên đi cái thân này chỉ là cục thịt biết đi, nói rõ hơn là túi da hôi thối, bên trong đều chứa những thứ bất tịnh, chỉ nhờ da bên ngoài che đậy, nên chúng ta không nhận thức rõ mà thôi.
Chúng ta bị lừa mà không biết, suốt ngày chỉ lo cho cái thân, mà quên đi Tâm của mình. Tâm mới là Chủ của mình, mà mình quên đi, cho nên hay sinh ra phiền não, đau khổ. Vì tâm này chúng ta bỏ đói lâu ngày rồi, nên dễ sinh ra phiền não, đau khổ, vì thiếu sự tu tập. Tâm này cũng cần thức ăn để nuôi dưỡng, nếu ngày nào chúng ta cũng tu tập, niệm Phật tụng Kinh trì Chú, thì Tâm sẽ an lạc, nhất là chánh niệm tỉnh thức trong cuộc sống của mình, thì ngày nào mình cũng an lạc. Vậy thực tập như thế nào khi suốt ngày mình bận rộn đi làm đây? Không có gì khó các bạn ơi, không khó như mình tưởng đâu. Chúng ta không có thời giờ tham gia những khoá thiền, hoặc về Chùa hằng ngày để tu tập, thì tại sao mình không áp dụng trong cuộc sống của mình? Chỉ cần các bạn nhớ thực tập và muốn vơi đi những phiền não đau khổ thì sẽ tu tập được.
1. Đi trong tỉnh thức: Phải biết mình đi, đi trong chánh niệm, đi trong tỉnh thức, thì chúng ta sẽ an lạc. Chúng ta đi trong nhà, đi ra, đi vào, đi tới, đi lui, đi trong chỗ làm của mình, đi dạo .v.v…Chỉ cần chúng ta đi biết mình đi là đủ. Nhưng đa số chúng ta đi mà không biết mình đi, đi cho mau, cho lẹ, đi mà nghĩ lung tung, quên mất chánh niệm, thật là uổng thời gian quý báu của mình quá, để trôi qua một cách lãng phí.
2. Đứng trong tỉnh thức: Khi chúng ta đứng cũng chánh niệm, biết mình đang đứng. Khi đứng nên đứng thẳng, đứng nhìn, đứng ngắm phong cảnh hữu tình, không suy nghĩ, không phân biệt gì hết, chỉ biết mình đang đứng,đó là đứng trong tỉnh thức.
3. Nằm trong tỉnh thức: Khi chúng ta nằm xuống, cũng biết mình đang nằm. Nằm đó nhưng không nghĩ gì ngoài việc kiểm soát ý niệm của mình. Đa số mọi người khi nằm xuống thì suy nghĩ rất nhiều, nghĩ ngợi lung tung về quá khứ, hoặc nghĩ tới những kế hoặch trong tương lai. Vì nghĩ quá nhiều nên chúng ta khó có một giấc ngủ ngon, đáng lý chúng ta nên gát hết mọi chuyện trước khi lên giường để có giấc ngủ ngon cho ngày mai, nhưng chúng ta lại suy nghĩ quá nhiều, nên ít khi được giấc ngủ ngon, để nạp đầy năng lượng cho ngày mới. Nếu chúng ta tỉnh thức chánh niệm biết mình đang nằm, hoặc quán hơi thở của mình khoảng 15 phút, hoặc 30 phút, trước khi chìm vào giấc ngủ sâu, thì chúng ta sẽ có một giấc ngủ ngon, sẽ nạp đầy năng lượng cho ngày mới. Khi tỉnh dậy chúng ta sẽ xản khoái, vui tươi và chuẩn bị cho một ngày làm việc mới, có như vậy sức khoẻ chúng ta sẽ tốt, tuổi thọ cũng lâu dài.
4. Ngồi trong tỉnh thức: Khi chúng ta ngồi cũng nên tỉnh thức, biết mình đang ngồi. Ngồi ở nhà, ở trong xe hơi, hay ngồi bất cứ ở đâu, chúng ta đều có thể thực tập chánh niệm. Phần đông chúng ta ít khi chánh niệm lắm, vì khi ngồi thì hay xem cái nầy, nghe cái nọ, hoặc nói chuyện, nên chúng ta đánh mất chánh niệm khi chúng ta ngồi. Ví như ăn cơm, nếu chúng ta chánh niệm thì chúng ta không nói chuyện lúc ăn cơm, ăn xong rồi chúng ta bắt đầu nói, nhưng rất khó thực hành được. Ngay cả ở Chùa, các Phật tử cũng khó làm được, huống gì ở nhà. Nhưng nếu tập ăn trong chánh niệm, thì cũng sẽ quen dần, vừa ăn vừa chánh niệm. Ăn biết mình đang ăn, vừa ăn vừa tu, theo quy cụ đức Phật dạy chư Tăng Ni ăn trong chánh niệm. Bây giờ cũng có một số Chùa còn giữ truyền thống ăn trong chánh niệm, giúp cho các Phật tử ăn trong yên lặng, chánh niệm trong lúc ăn, đây là một quy cụ rất tốt, giúp đạo tràng có nề nếp quy cụ, vừa ăn vừa quán tưởng, vừa chánh niệm.
Nếu chúng ta tỉnh thức trong lúc ngồi, thì dù đang ngồi lái xe, chúng ta cũng tỉnh thức biết mình đang lái xe, hoặc đang ngồi trong văn phòng, cũng biết mình đang ngồi, hoặc ngồi ở phòng khách, cũng biết mình đang ngồi. Có những giây phút chúng ta nên trở về với chính mình, biết mình đang ngồi, ngồi trong chánh niệm, chúng ta sẽ bớt vọng tưởng, bớt mệt mỏi, bớt phiền não. Tâm sẽ yên tĩnh, sẽ sáng suốt hơn, sẽ an lạc. Nhưng rất tiếc, chúng ta đã để thời giờ trôi qua lãng phí, chúng ta ngồi nhưng không biết mình ngồi, vì khi chúng ta ngồi xuống thì bậc tivi lên để nghe nhạc, giải trí, tin tức thời sự, xem phim, .v.v… đâu còn thời giờ nữa đâu mà trở về với chính mình?
5. Rửa bát, quét nhà trong tỉnh thức: Đa số đàn ông chê rửa bát, quét nhà, là công việc thấp hèn, cứ đùn hết cho phụ nữ. Thật ra, những việc đó không thấp hèn đâu, chẳng qua mình còn giữ tư tưởng thời xưa cho là thấp hèn thôi, chứ các bạn cũng biết tỉ phú Bill Gate giàu nhất nhì trên thế giới, nhưng mà công việc ông thích làm nhất là rửa bát, mỗi khi ăn cơm xong là ông ta đi rửa bát, trải qua nhiều năm cho tới bây giờ ông ấy vẫn rửa bát, không biết ông ấy có rửa trong chánh niệm không! Nhiều khi ông ấy rửa trong chánh niệm mà chúng ta không biết đó thôi. Chúng ta nên tập rửa bát trong chánh niệm, rất là tuyệt vời, khi rửa bát mình biết mình đang rửa bát cho sạch, vừa làm vừa tu, không những chúng ta vừa tu mà cũng giúp vợ mình rửa bát, thì gia đình sẽ càng hạnh phúc hơn. Quét nhà, lau nhà, dọn dẹp nhà cửa cũng thế, mình làm trong chánh niệm, trong tỉnh thức, mình biết mình làm, vừa làm vừa tu, thì còn gì an lạc hạnh phúc bằng. Nếu các vị không tin hãy thực hành thử đi, vừa không mất thời giờ, vừa tu tập trong công việc nhà hằng ngày. Nếu các vị vừa làm vừa chánh niệm, lâu dần tới lúc nào đó sẽ giác ngộ không chừng, việc gì trên đời này cũng có thể xảy ra, mình đừng xem thường những việc nhỏ nhặt. Việc gì cũng từ việc nhỏ mà thành tựu việc lớn, nếu chúng ta coi thường việc nhỏ, thì chẳng bao giờ thành tựu việc lớn được, mình cũng đừng bao giờ xem thường chính mình, ai cũng có khả năng giác ngộ, khi công phu chín mùi thì sẽ thành tựu.
6. Nấu ăn, đi chợ trong tỉnh thức: Công việc này đa số là phụ nữ làm hằng ngày, nếu chúng ta nấu ăn trong chánh niệm, hoặc đi chợ mua đồ trong chánh niệm, cũng là điều hết sức tuyệt vời, mình tranh thủ vừa làm vừa tu. Không nghĩ tưởng lung tung, mà tập trung vào việc làm của mình, mình biết mình đang làm, từ những việc nhỏ nhặc như thái rau, gọt rau củ, vo gạo nấu cơm v.v….chỉ cần mình chánh niệm biết mình làm là được, vừa làm vừa tu, thật là an lạc hạnh phúc. Nếu chúng ta làm mà không chánh niệm an lạc, thì vô tình để thời gian trôi qua lãng phí.
Ngày này qua ngày khác, năm tháng qua mau, mới đó mà đã hơn nửa đời người rồi, thời gian còn lại không còn bao nhiêu. Bây giờ mới thức tỉnh, xem lại sự tu tập của mình may ra còn kịp, nếu không thức tỉnh, cứ chạy theo dòng đời, lúc nào cũng biện luận cho mình bận rộn không có thời gian, thì không ai cứu mình được đâu, chỉ có mình cứu mình, chỉ có mình lo cho mình thôi, giống như ăn cơm, ai ăn nấy no, không thể nhờ người khác ăn thế cho mình được. Tu hành cũng thế, ai tu nấy chứng, không thể nhờ người khác tu cho mình được.
Thời đại ngày nay, khoa học ngày càng tiến bộ, vật chất dư thừa, dễ khiến cho tâm con người giải đãi, ăn chơi, đua đòi, cho nên tâm con người ngày càng hạ liệt, nghiệp chướng ngày càng sâu nặng, xa lìa sự tu tập tỉnh thức chánh niệm, nên mới gọi là thời mạt pháp. Nhưng chúng ta có nhiều phước báo, vật chất đầy đủ, hiểu biết Phật pháp, đang tu tập đi trên con đường giác ngộ mà đức Phật đã để lại, biết hướng về nội tâm, tỉnh thức chánh niệm trong bốn oai nghi, đi đứng nằm ngồi, trong cuộc sống của mình thì sẽ an lạc, vơi đi những đau khổ phiền não, như vậy cuộc sống mới có ý nghĩa.
Ngày nay những người Tây Phương, họ đến với Phật pháp ngày càng nhiều, họ tu thiền, tìm sự an lạc trong nội tâm. Vì xã hội Phương tây, họ dư thừa vật chất, nhưng thiếu an lạc nội tâm, cho nên họ tìm đến Phật giáo, họ tu tập rất nghiêm túc, họ tham gia những khoá thiền. Đa số chúng ta chạy theo bên ngoài, hướng ngoại mà không hướng nội, nói nhiều mà thiếu sự lắng nghe, không chịu lắng nghe. Khi chúng ta lắng nghe, tĩnh tâm im lặng, chúng ta mới chánh niệm tỉnh thức, quán sát chung quanh và lắng soi tâm mình. Người mà chánh niệm tỉnh thức nhiều, sẽ rất ít nói, khi nào cần mới nói, nói ra những lời có ý nghĩa, không thích nói nhiều, vì nói nhiều sẽ hao hơi tốn sức, mất đi sự chánh niệm tỉnh thức, họ lắng nghe quán sát nhiều hơn. Đây cũng là hạnh của Bồ Tát Quán Âm, chúng ta cũng nên học hạnh Lắng Nghe của Bồ Tát Quán Âm, nghe để hiểu, cảm thông và chia sẻ, sẽ mang lại lợi lạc rất nhiều. Chúng ta bớt nói, im lặng chánh niệm quán sát, đây là sự tối cao của Phật giáo.
Trong cuộc sống, chúng ta đã đánh mất những thời gian giá trị vô cùng quý báo, các vị Tổ ngày xưa tu thật là đơn giản, như Ngài Lục Tổ Huệ Năng, lúc Ngài vào Chùa tu, đâu có được tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền như chúng ta đâu? Sau khi gặp được Ngũ Tổ, Ngũ Tổ kêu Ngài xuống dưới nhà bếp giã gạo, gánh nước, nấu ăn .v.v…Nhưng Ngài tu trong cuộc sống hằng ngày, đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc .v.v…Sau này được truyền Y Bát làm Tổ Thứ Sáu trong thiền tông.
Nếu biết tu tập thì dù ở đâu, lúc nào, cũng có thể tu tập được. Dù tại gia hay xuất gia cũng thế. Ở đây xin chỉ đề cập đến người tại gia, có thể tu tập trong cuộc sống của mình, chỉ cần mình chánh niệm tỉnh thức trong các hành động của mình, dần dần sẽ sinh ra trí huệ, khi mình không khởi vọng tưởng, thì lúc đó trí huệ mới sinh ra. Vì những người tại gia, nhiều khi không có thời giờ nhiều để tham gia các khoá tu, hoặc mình ở xa Chùa, hoặc mình không có nhiều thì giờ, thì tại sao mình không áp dụng chánh niệm tỉnh thức trong 4 oai nghi: Đi, đứng, nằm, ngồi, làm việc trong sinh hoạt cuộc sống của mình? Tuyệt vời lắm, thử thực tập đi các bạn sẽ thấy, các vị Thiền sư, các vị Tổ xưa kia cũng thế thôi. Các Ngài tu âm thầm, chánh niệm tỉnh thức từng bước chân đi của mình, từng hơi thở của mình, từng hành động của mình, lâu dần thành thói quen, và từ từ sẽ khiến cho mình ít vọng tưởng, trí huệ tăng trưởng, mình kiểm soát được những hành động thân, miệng, ý, của mình. Không ăn nói bừa bãi, tạo khẩu nghiệp, không làm những việc có hại cho người khác.
Mình thực tập chánh niệm tỉnh thức, sẽ thương yêu mọi người hơn, lắng nghe nhiều hơn, bao dung độ lượng nhiều hơn, nhất là trong gia đình của mình, mình sẽ thương vợ hay chồng hơn, thương yêu con cái nhiều hơn, mình sẽ có một gia đình thật hạnh phúc, như vậy cuộc sống mới có ý nghĩa. Nhiều người suốt ngày đi làm kiếm thật nhiều tiền, nhưng cuộc sống không có hạnh phúc, vì họ đánh mất đi chánh niệm và tỉnh thức, họ ít lắng nghe, ít bao dung độ lượng, ít thông cảm với những người chung quanh, nên khi có chuyện gì thì họ sân si, nóng giận, và sẽ gây ra những chuyện không tốt, mất đi sự an lạc hạnh phúc, họ bị nhiều phiền não và đau khổ, cho nên tu tập là điều rất cần thiết trong cuộc sống.
Hiện nay ngoài xã hội có một số người thành đạt, nhưng sau này bị mắc bệnh nan y, họ đưa ra những lời khuyên chân thành rằng: Nếu có sự lựa chọn lại, họ sẽ làm ít hơn, dành nhiều thời gian thư dãn cho bản thân, nghỉ ngơi đi du lịch, hoặc tìm về chốn tâm linh để nghiên cứu tu tập. Vì lúc còn trẻ họ làm rất nhiều, quên đi sức khoẻ của mình, bây giờ thì họ giàu có, tiền bạc rất nhiều, nhưng sức khoẻ không được tốt. Trong cuộc sống dù tiền bạc có dư giả, cũng không bằng mình khoẻ mạnh, khi mình bệnh nặng thì lúc này tiền bạc tài sản không còn ý nghĩa gì nữa. Do đó, chúng ta không nên quá coi trọng về tiền bạc vật chất, mà xem thường sự tu tập. Sự tu tập sẽ giúp chúng ta sống lạc quan yêu đời, giúp người, giúp đời, giúp đạo, làm nhiều việc thiện có ý nghĩa, tài bồi phước báo trí huệ cho chính mình, đời này sống an vui, đời sau an vui, như vậy cuộc đời mới thật sự có ý nghĩa.
Viết xong ngày 07/11/2019 giữa mùa thu Paris.
Thích Minh Định - Hằng Lý