Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh
 
 

‘Chảo Lửa’  Lahaina, Hawaii qua lời kể của những cư dân gốc Việt

 
August 16, 2023
MAUI, Hawaii (NV) – Anh Hội Vũ, cư dân đảo Maui cho hay căn nhà ngói đỏ rộng khoảng 1,600 sqft, là một trong số ít của khoảng 2,000 ngôi nhà ở thị trấn Lahaina không bị cháy rụi. Chủ nhân của ngôi nhà là người Mỹ trắng, sinh sống tại tiểu bang Massachusetts, mua lại ngôi nhà và thuê anh Hội Vũ, một cư dân trên đảo Maui sửa sang lại.

Một cư dân còn sống sót, hôm 16 Tháng Tám, đứng nhìn cảnh thị trấn Lahaina, Hawaii, hoang tàn đổ nát sau trận cháy rừng kinh hoàng. (Hình minh họa: Yuki Iwamura/AFP via Getty Images)
 

“Ngôi nhà này cũng giống như hàng ngàn ngôi nhà khác ở Lahaina, nghĩa là khi sửa, tôi cũng chỉ làm vách đơn,” anh Hội kể.  “Có nhiều nguyên do mà ông chủ và tôi sau trận cháy, cùng nhau đoán, có thể mái tôn tôi làm dày hơn, và bao bọc xung quanh ngôi nhà là lớp đệm bên dưới là lớp đá nhỏ dày 3 feet. Khi gió thổi những cục lửa rớt xuống dưới không làm cháy nhà, trong khi 90% nhà khác khi bị cục lửa rớt xuống là cháy liền.

Ngoài ra, phía sân sau của ngôi nhà này là khoảng sân khá rộng nên không dễ bắt lửa vô nhà, khi các nhà khác có khá nhiều đồ dựa vô nhà, bắt lửa rất nhanh.”

Cũng qua lời kể của anh Hội, khi “cơn bão lửa” xảy ra, người quản lý ngôi nhà chỉ kịp khóa cửa chạy ra khỏi nhà. Họ nghĩ ngôi nhà sẽ bị cháy rụi, nhưng qua tới hôm sau, họ thấy ngôi nhà còn nguyên vẹn, chỉ có một số cánh cửa bị nứt gỗ do sức nóng của đám cháy quá lớn. Cũng có thể khi sơn ngôi nhà, tôi bít hết các lỗ, nên lửa không bén được vào bên trong. Không có gì gọi là miracle (phép lạ) cả, chỉ có điều nhà mái đỏ này cũng dễ cháy, vì làm bằng gỗ, vách đơn sơ, vậy thôi.”

Anh Hội khẳng định: “Ngôi nhà thờ gần đó cũng không bị cháy, vì đặc biệt là xây bằng gạch, mái tôn, cao, xung quanh nhà thờ cũng trống, và cách đó khoảng nửa dặm, cũng có một vài ngôi nhà còn nguyên, có thể do họ mới xây.”

Khu vực này vốn có khu di tích lịch sử, nay thành đống tro tàn.

“Đây còn là khu di tích lịch sử của một dân tộc, có nguyên một khu phố cổ (historial distric) xây lại kiểu mới không thể được, hạ tầng của khu này cũng cũ quá rồi, đào lên phải làm lại hết, mất hết tính cổ kính,” anh Hội cho biết.

Theo anh Hội, những ngày qua, gặp ai ở trên đảo, cũng thấy một màu tang tóc, những gương mặt bất thần, rầu rĩ, vì ai cũng có người quen, người thân của các nạn nhân.

“Tôi có một anh bạn, trông coi tất cả đồ cổ ở Maui, mà nay toàn bộ cháy hết, ngay cả người không bị ảnh hưởng gì, nghe vậy cũng thấy đau xót. Từ hôm xảy ra hỏa hoạn, đường bị cấm vì vấn đề an toàn và bảo vệ tài sản, từ Ocean Center vô Front street, đoạn này chạy cũng mất nửa tiếng. Ngày Thứ Sáu, khi đã khống chế được ngọn lửa, một ít xe cộ mới vào được thị trấn, nhưng đều là cư dân có địa chỉ trên giấy phép lái xe là ở Lahaina. Đó còn là lực lượng cứu nạn tìm kiếm xác người. Họ đoán những người chết trong vụ cháy này không dừng lại ở con số 100, mà có thể từ 500 tới 1,000 người, trong đó có rất nhiều trẻ em.”

Theo anh Hội, do thị trấn này có mức sống cao, người giàu chạy kịp, còn người nghèo làm thuê, có người làm hai, ba công việc, để con cái trong nhà rồi đi bộ hoặc lái xe đi làm. Những đứa bé ở trong nhà, bị cháy bao vây, trong vòng 30 phút là không còn đường chạy, vì khói mù mịt, không có không khí để thở.

“Tôi biết có một số người Việt mình ở Lahaina, thấy cháy cố vơ ít vàng rồi lao ra đường nhảy xuống biển,” anh Hội kể tiếp. “Nghe nói trong đêm đó, đội cứu hộ ra biển, vớt được xác người nổi trôi dạt vào ven bờ. Nhiều người thoát trên bờ, chạy ra biển thoát thân, mà chưa kịp xuống biển bị đã chết ngạt vì khói.”


Nhà thờ Công Giáo Maria Lanakila trên đường Waine street ở phía Tây Maui, không bị thiệt hại sau trận cháy rừng. (Hình: Patrick T. Fallon/AFP via Getty Images)

Từ 13 Tháng Tám, vùng xung quanh phía Bắc và Nam của thị trấn, cư dân vẫn sinh hoạt bình thường, bắt đầu có điện từng khu, nước chảy lại nhưng vì bị ô nhiễm nên nhiều nơi chưa dùng được nước.

Những ngày qua, có rất nhiều người tìm đến cung cấp lương thực và vật dụng cho người ở các khu tạm trú. “Vì quá nhiều, mà không biết giải quyết làm sao, thức ăn để bên ngoài sẽ mau bị hư, nhưng không thể không nhận, khó từ chối lòng tốt của mọi người. Đó là lý do mà cứ gặp ai quen, chúng tôi đều nói thay vì gửi thức ăn hay vật dụng, hãy giúp họ tiền, để họ xoay xở, $100, $200 gì cũng được,” anh Hội cho hay.

Ở khu tạm trú có máy lạnh, thức ăn luôn sẵn, chỉ có vấn đề về tâm lý, sức khỏe tinh thần là đáng quan tâm vì mọi người đều suy sụp nặng.

Theo anh Hội, các công ty bảo hiểm đã bắt đầu đền bù, người có nhà không lo, vì họ sẽ được đền, chỉ có người thuê nhà mới khổ.

Những người có nhà bị cháy sẽ được đền bù, còn người thuê nhà, có tiền cũng không có nhà để thuê.

“Maui trước khi cháy đã là nơi ‘đất chật người đông,’ rất khó tìm nhà để ở,” anh Hội nói.

Anh Hội có nhà cho thuê, hiện nay đang giúp cho ở tạm mấy gia đình, nhưng không thể kéo dài tình trạng này được. Khi mọi sự lắng xuống, họ phải trở về cuộc sống bình thường trước khi cháy, là đi thuê nhà nhưng nhà đâu mà thuê!

Một cư dân gốc Việt khác là anh Nhựt Nguyễn, làm nghề lái Uber trên đảo Maui. Anh cho biết nhà của anh nằm ở khu vực cách Lahaina một ngọn núi, nên an toàn và không bị ảnh hưởng gì.

“Hôm xảy ra hỏa hoạn là chiều tối rồi, nên tôi không chở khách đi qua bên đó. Mấy hôm nay, họ đóng đường từ Ocean Center, không vào được bên trong. Mà từ Ocean Center lái xe vô Lahaina cũng mất 30 phút. Bây giờ chỉ có ai trình giấy phép lái xe có địa chỉ trong Lahaina thì mới vô được thị trấn lụi tàn ấy mà thôi!”

Phóng viên báo Người Việt cũng may mắn liên lạc được với Hòa Thượng Thích Thông Hải, phó chủ tịch Ngoại Vụ kiêm tổng vụ trưởng Tổng Vụ Từ Thiện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ, viện chủ các Thiền Viện Chân Không, Hawaii; Thiền Viện Chân Không, London; Thiền Viện Chân Không Los Angeles; viện chủ Tu Viện An Lạc, Ventura, California.


Rất nhiều cư dân mất nhà cửa và không còn nơi trú ngụ sau thảm họa cháy rừng. (Hình: Justin Sullivan/Getty Images)

Sau lời giới thiệu của Hòa Thượng Thông Hải, chúng tôi được nói chuyện trực tiếp qua điện thoại với ông Tony Đào Ngọc Châu, một tài xế người Việt trên đảo Maui.

Ông Châu cho hay sau khi qua Nam California thăm con, ông về lại Maui ngày 7 Tháng Tám lúc 4 giờ chiều, đêm đó về tới nhà ở West Maui, cách Lahaina khoảng sáu dặm. Sáng hôm  sau, khoảng 11 giờ ngày 7 Tháng Tám, ông có chuyến chở khách đi phi trường, khi đó xảy tra vụ cháy, bị kẹt luôn tại Lahaina không về nhà được.

Vẫn theo lời ông Châu: “Hơn bốn ngày qua, hiện cũng chưa có điện tại thị trấn cổ Lahaina, sóng điện thoại thì chập chờn lúc gọi được lúc không, nước ngọt thì tạm thời có cho người dân đủ xài.”

“Có khoảng 1,000 người Việt tại sinh sống tại Maui. Sau mấy ngày bầu trời đen như mực, hôm nay có vẻ quang đãng, tuy mùi khói nồng còn sót lại vương vấn đâu đây. Tiểu bang Hawaii sống bẳng nghề du lịch, mỗi du khách mang đến chi phí cho một ngày ở đây khoảng từ $500 đến $600. Sau trận cháy, điện và sóng điện thoại không có, không liên lạc được với nhau, coi như phân nửa đảo đã chết!”

“Hawaii coi như quê hương thứ hai của mình, buồn nhất là tôi ở đây đã 40 năm, chạy xe Taxi cũng có chút tiền dành dụm gửi ngân hàng chờ ngày nghỉ hưu, thành phố có bốn ngân hàng thì hai ngân hàng First Hawaii Bank và ngân hàng Bank of Hawaii đều cháy rụi hết rồi!,” ông Châu xúc động kể.

Toàn bộ thị trấn Lahaina trong cảnh hoang tàn đổ nát, ngôi chùa Lahaina Jodo Commission bề thế theo phong cách Nhật Bản cũng chung số phận.

Phóng viên báo Người Việt không cách nào liên lạc được với hòa thượng trụ trì chùa Jodo, chỉ qua Hòa Thượng Thích Thông Hải, từ Honolulu sau khi ông liên lạc được với hòa thượng trụ trì chùa Jodo, kể lại: “Chùa Jodo bị cháy rụi hoàn toàn, chỉ có tượng Phật lớn ngoài sân là còn lại. Hòa Thượng Gensho Hara, trụ trì chùa cho hay không biết khi nào mới xây dựng lại được, có thể phải mất nhiều năm. Buồn nhất là ngôi chùa này cũng có nhiều Phật tử Việt Nam đến lễ bái, bây giờ thì không có nơi để Phật tử về tu học.”

Hôm sau, chúng tôi gọi lại Hòa Thượng Thông Hải để hỏi thêm tình hình, ông cho hay hiện cũng không liên lạc được gì với bên Maui vì điện bị cắt, sóng điện thoại không có, còn người dân ai cũng lo việc gia đình.

Hòa Thượng Thông Hải chia sẻ: “Là người tu sĩ, tôi rất thương cảm với người dân bên Maui, họ chí thú làm ăn dành dụm, cuộc sống hiền hòa. Lần đầu tiên Hawaii bị thảm họa như vậy, thầy cũng đang tìm cách liên lạc để giúp đỡ người bị nạn, chờ có đủ thông tin sẽ tính.”


Một cảnh hoang tàn trên đường vào phố cổ Lahaina, Maui. (Hình: Đoàn Ngọc Châu cung cấp)

Thảm họa cháy rừng Lahaina bắt đầu từ ngày 8 Tháng Tám.

Tính đến hôm Thứ Ba, 15 Tháng Tám, quận Maui đã công bố danh tánh đầu tiên của những người chết trong trận cháy rừng thiêu rụi thị trấn lịch sử Lahaina một tuần trước và nâng tổng số thương vong lên 106 người.

Thảm họa đã gây thiệt hại khoảng $3.2 tỷ cho tài sản được bảo hiểm, theo tính toán của Karen Clark & Company, công ty chuyên về mô hình rủi ro và thảm họa. Thiệt hại kể trên vẫn chưa bao gồm nhóm tài sản không có bảo hiểm. Công ty này cho biết, hơn 2,200 tòa nhà đã bị hư hại hoặc bị phá hủy, và khoảng 3,000 tòa nhà bị hư hại do lửa hoặc khói hoặc cả hai. [kn

____________

Đỗ Hứng gởi