Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh




 
CHỊ XUYẾN


Bài thơ đầu tiên tôi làm vào năm mười bốn tuổi. Trong một sớm một chiều tôi trở thành thi sĩ vì bài thơ đầu tiên ấy được vị giáo sư dạy việt văn cho điểm cao nhất lớp. Suốt thời gian từ tuổi mười bốn đến tuổi hai mươi, tôi đã làm trên dưới hai trăm bài thơ, hầu hết là thơ thất tình, mặc dù ngoài đời tôi không bị tình yêu ngược đãi cho lắm. Trong số hai trăm bài thơ đặc sệt chất thơ tiền chiến của tôi thời đó, tôi chỉ nhớ một bài.. Bài thơ nầy tôi nhớ từng chữ, từng câu, và mỗi lần có dịp đọc lại là mỗi lần lòng tôi xao xuyến. Bài thơ nói về một người đàn bà, một người đàn bà từng chăm sóc tôi như một người chị chăm sóc một người em trai.

Tôi không nhớ ai đã giới thiệu tôi đến ở trọ căn nhà đó. Chỉ nhớ tôi dọn đến ở đó sau khi tôi nhất quyết không chịu tiếp tục ở chung phòng với anh Quý, anh con trai của bà thím tôi. Anh nầy đang học ngành kiến trúc năm thứ hai. Anh có tật cứ mỗi lần về phòng là mở nhạc cổ điển tây phương thật lớn nghe muốn vỡ cả màng nhĩ. Tôi thì mới ghi danh học môn sinh lý hóa ở Đại Học Khoa Học. Nhìn mấy chồng bài in ronéo dầy cộm vừa mới mua, tôi phát ớn. Tôi không biết anh con trai của bà thím tôi, anh học lúc nào, chỉ biết mỗi ngày từ sáu giờ chiều đến chín giờ tối, anh chỉ nằm hoặc đi lui đi tới trong phòng nghe nhạc. Hết Beethoven đến Mozart, hết Mozart đến Chopin. Tôi có cảm tưởng anh Quý muốn chứng tỏ với tôi, anh là người biết nghe nhạc, anh đã đến trình độ nghe được nhạc không lời. Mỗi tối tôi phải nằm đọc báo, chờ cho anh Quý tắt nhạc lên giường ngủ, tôi mới ngồi vào bàn học. Nhưng chỉ học được chừng một tiếng là tôi buồn ngủ. Sau hai tháng, thấy mình chạy theo không kịp bài vở, tôi bực bội than phiền với bà cụ nấu cơm cho hai người ăn. Một buổi chiều tôi về sau anh Quý, anh chận tôi ngay ở cửa vào và nói với giọng rất kẻ cả:

-Duy có học thì học trong khi tôi đi vắng. Tôi về nhà thì tôi phải nghe nhạc.

Tôi trả lời đúng những gì tôi nghĩ trong đầu:

-Em thì phải thật im lặng em mới học được.

-Gia đình Duy muốn Duy ở chung với tôi, chứ tôi đâu có muốn. Tôi nói lại tôi vẫn tiếp tục nghe nhạc. Còn Duy ở hay đi thì tùy.

Lần đầu tiên trong đời, tôi lấy một quyết định mà không hỏi ý kiến gia đình. Tôi nghĩ tôi đã lớn. Tôi dọn nhà một tuần sau đó mặc dù bà cụ nấu cơm khẩn khoản tôi ở lại vì tôi đi, bà cụ mất một phần cơm tháng.

Đến giờ nầy tôi vẫn không nhớ ai đã giới thiệu tôi đến ở trọ nhà chị Huệ. Nhà chị Huệ ở trên đường Cao Thắng, nằm khuất trong một cái hẻm cạn. Chị Huệ ở chung với chị Điềm. Chị Huệ đi làm, chị Điềm lo phần cơm nước. Chị Huệ là huấn luyện viên thể thao. Người chị cao lớn, nét mặt hơi lai đầm. Chị Huệ ăn nói từ tốn nên tôi có cảm tình ngay khi mới gặp. Chị Điềm người gầy gò, nước da ngâm đen, răng hô, mắt ốc nhồi, thêm cái giọng Trung rất nặng của chị làm tôi hơi thiếu thiện cảm. Nhưng tôi không còn chọn lựa nào khác, tôi đang cần gấp một chỗ ở thật yên tĩnh để học. Tôi nói điều kiện ở trọ của tôi, giống y như khi tôi ở chỗ anh con trai của bà thím tôi, nghĩa là hàng tháng tôi trả một số tiền nhất định bao gồm tiền ăn, ở và giặt quần áo. Chị Huệ đưa mắt nhìn chị Điềm, chị Điềm khẻ gật đầu. Bấy giờ chị Huệ vui vẻ nói với tôi:

-Hai chị nhận em đến ở trọ. Chừng nào em muốn dọn đến?

-Ngay chiều hôm nay nếu được. Đồ đạc của em chỉ có một cái vali nhỏ đựng quần áo, còn lại là sách vở và một cây đèn bàn. Em chở bằng một chuyến xe xích lô là xong.

Chị Huệ lại đưa mắt nhìn chị Điềm. Chị Điềm trả lời:

-Cậu dọn đến ngay thì cũng được, chỉ hơi phiền là tôi chưa kịp chuẩn bị phần cơm tối cho cậu.
Tôi đáp nhanh:

-Em sẽ đi ăn mì, hai chị khỏi lo.

Chị Huệ nói:

-Em đến ở, hai chị coi em như em trong nhà, hai chị ăn gì em ăn nấy và có gì em không vừa ý thì em cứ nói.

Chị Điềm nói thêm:

-Nhà nầy không quen không khí ồn ào. Vậy xin cậu để ý một chút vấn đề bạn bè đến chơi, không nên đông và không nên thường xuyên quá.

-Dạ em không có bạn trai lẫn bạn gái. Hiện giờ em chỉ lo học thôi.

Cả chị Điềm lẫn chị Huệ có vẻ bằng lòng câu trả lời của tôi. Chị Huệ chỉ cho tôi thấy chiếc ngựa gõ màu nâu nhạt sít sao cho một người nằm, được kê ngay sau cái bàn ăn.

-Đây sẽ là chỗ ngủ của em, bàn ăn cũng sẽ là bàn học của em. Em muốn dùng đèn trần hay đèn bàn của em để học cũng được. Cái giường ở phòng giữa là chỗ ngủ của chị. Phía sau là nhà bếp, nhà cầu và nhà tắm. Chị Điềm ở trên gác. Nhà không có radio, không có máy hát nên sẽ rất yên tỉnh cho em học.

Chị Điềm nấu ăn theo lối người ở quê nên món nào cũng mặn. Tôi lại không quen ăn mặn nhưng chưa biết nói cách nào để chị Điềm cho thêm đường hay bớt muối mà không chạm tự ái của chị. Cuối cùng tôi nghĩ ra cách đang ăn tôi bỏ đũa đứng dậy đi pha một ly nước lạnh uống hai ba hơi rồi trở lại bàn ăn ngồi ăn tiếp. Tôi uống nước giữa bữa ăn độ vài lần thì một hôm chị Huệ ghé tai tôi hỏi nhỏ:

-Chị Điềm nêm nếm hơi mặn phải không Duy?

Tôi trả lời nước đôi:

-Cũng hơi mặn nhưng tại em quen ăn lạt.

Quả nhiên về sau, các món ăn bớt mặn nhưng chị Điềm thì lại bớt ra nói chuyện với tôi những khi chị Huệ không có nhà.

Sau bốn tháng ở trọ, tôi biết thêm về thân thế của chị Điềm và chị Huệ. Chị Điềm là chị họ của chị Huệ, ba mươi tám tuổi, có chồng nhưng, theo lời chị Huệ, bị chồng thôi vì không có con. Chị Huệ, ba mươi tuổi, cũng chưa chồng, nhưng chị có một người bạn trai là anh Phú. Anh Phú thỉnh thoảng ghé nhà thăm chị Huệ. Mỗi lần anh Phú đến thăm, tôi thấy chị Huệ vừa vui mừng vừa lúng túng như một đứa trẻ bất ngờ được quà. Có lần anh Phú mời chị Huệ đi ăn kem, chị Huệ cố lôi cho được tôi đi theo cùng. Tôi từ chối hai ba lần vì tôi cố ý để hai anh chị có dịp riêng tư với nhau, nhưng chị Huệ, chị lại nói có tôi chị sẽ tự nhiên hơn với anh Phú. Tôi đóng vai trò trái độn khá thành công, ăn nhiều, cười nhiều, nói ít nhưng nói đúng lúc để phá tan cái không khí bỗng nhiên yên lặng giữa hai người. Theo lời chị Điềm, chị Huệ rất thương anh Phú nhưng anh Phú không chịu tiến tới, cứ cư xử với chị Huệ như là bạn. Chị Huệ rất khổ tâm nhưng không dám nói ra. Chị Điềm nói có lần chị đã xa gần nhắc anh Phú tiến tới. Sau lần nhắc đó, anh Phú biến mất gần một năm. Chị Huệ khóc sưng cả mắt. Rồi bỗng nhiên anh Phú lù lù trở lại thăm chị Huệ vui vẻ như không hề có chuyện gì xảy ra. Chị Huệ mừng quá dặn chị Điềm đừng nhắc nhở gì với anh Phú nữa. Anh Phú trở lại thăm chị Huệ sau khi tôi đến ở trọ được một tháng. Hình như anh Phú có vẻ thoải mái hơn với sự có mặt của một cậu con trai trong nhà là tôi. Bằng chứng là từ khi có tôi ở trọ, anh ghé nhà thăm chị Huệ thường xuyên hơn. Phải công tâm mà nói, chị Huệ có phần nào không xứng với anh Phú. Anh Phú cao lớn như người tây phương, rất đẹp trai. Tôi không rõ anh Phú làm nghề gì, chỉ nghe chị Huệ nói anh ở trong ngành thương mãi. Câu hỏi tôi dành cho riêng tôi là anh Phú nếu không yêu chị Huệ, không muốn tiến tới hôn nhân, cũng không muốn lợi dụng tình cảm của chị Huệ, tại sao lại vẫn tiếp tục giữ liên hệ với một người mà anh thừa biết không muốn coi anh đơn thuần là bạn. Tôi tìm ra một lý do rất ngô nghê nhưng tôi cứ tin đúng là anh Phú cao lớn quá, không có người đàn bà nào cân xứng về vóc dáng để đi chung với anh ngoài chị Huệ.

Sáu tháng trọ trôi qua. Một chiều tôi đi lấy bài giảng về thì thấy trên bàn ăn đặt sẵn bốn cái chén và bốn đôi đủa. Tôi ngạc nhiên vì biết chắc cái chén và đôi đủa thứ tư không phải dành cho anh Phú. Chị Điềm bao giờ cũng ăn cơm trước, hôm nào chị Huệ mời anh Phú đến dùng cơm tối. Nghe tiếng chân tôi ở ngoài, chị Huệ bước ra vui vẻ nói:

-Cả nhà chờ em về ăn cơm. Hôm nay có khách ở Huế vào thăm Sàigòn.

-Dạ thưa ai vậy chị?

-Xuyến, em ruột của chị.

-Dạ.

Tôi dạ mà không hiểu mình dạ với ý nghĩa gì. Vừa lúc từ trong phòng chị Huệ một người đàn bà nhỏ nhắn bước ra, nhìn tôi cười chào rồi quay qua hỏi chị Huệ:

-Anh sinh viên mà chị nói trong thư đây phải không?

-Đích thị chàng!

Chị Xuyến đưa cao hai bàn tay lên vỗ nho nhỏ:

-Ông bác sĩ tương lai đây! Hoan hô!

Tôi cảm thấy xấu hổ vội vàng cãi chính:

-Thưa chị, em mới học năm sinh lý hóa thôi. Đường còn dài lắm chưa chắc đã học nổi đâu.

Chị Điềm bưng nồi cơm ra, hối chị Huệ, chị Xuyến vào bếp mang hết thức ăn ra một lượt. Mâm cơm tối hôm đó, ngoài các món ăn thường lệ như canh măng, cá kho, giá xào, được tăng cường thêm một đĩa đồ ăn Huế của chị Xuyến gồm có tré, nem chua và chả bò. Món mà cả ba chị dồn cho tôi ăn nhiều nhất là nem chua. Không ngờ lại là món tôi thích nhất nên tôi ăn không một chút khách sáo. Chị Xuyến đi vào trong bếp lột mấy củ tỏi sống mang ra:

-Ăn nem chua phải có tỏi sống mới ngon.

Rồi chị cười nói tiếp:

-Nhưng ăn xong phải súc miệng đánh răng cho kỹ đó nghe.

Chị Xuyến nói trổng nhưng hình như ai cũng hiểu là chị nói cho tôi nghe.

Tôi cũng cười trả lời:

-Em đánh răng kỹ lắm, ngày hai lần.

Chị Xuyến nói chuyện cởi mở tự nhiên làm tôi thấy rất vui vì có thêm một người chị dễ mến. ˆn cơm xong, chị Xuyến mang ra một đĩa bánh đậu xanh trong khi chị Điềm đi pha trà. Chị Xuyến nói với tôi:

-Trà Huế phải pha đậm uống mới ngon. Nhưng đậm thì mất ngủ. Duy có sợ mất ngủ không?

-Tối nào em cũng phải uống một tách cà phê đen đặc mới thức nổi tới một giờ sáng để học.

-Dữ vậy?

-Ba năm đầu khó lắm chị, lớ xớ là bị loại liền.

Tôi sực nhớ nãy giờ tôi toàn nói chuyện với chị Xuyến mà quên mất chị Huệ. Chị vẫn ngồi im đó nghe chúng tôi chuyện vảng, không có vẻ gì ngạc nhiên sao hai người mới gặp mà có vẻ tâm đắc. Tôi hỏi về chị Xuyến qua chị Huệ:

-Chị Xuyến vào ở Sàigòn lâu không chị?

-Chừng vài tháng. Nhưng nếu kiếm được việc làm thì có thể ở luôn trong nầy.

Tôi muốn biết chị Xuyến trước làm nghề gì nhưng thấy chưa tiện hỏi. Chị Xuyến tự nhiên khai:

-Trước chị là giáo viên trường tiểu học công lập ở Huế. Chị lập gia đình và sau đó nghỉ dạy vì anh Phước chồng chị ở trong quân đội phải đổi vào Tuy Hòa. Ỏ Tuy Hòa được hơn năm thì anh Phước mất, chị trở về lại Huế sống với ông bà cụ cho đến nay.

Tôi nghĩ thầm thế là nhà nầy có thêm một người đàn bà cô đơn. Chị Điềm mang trà ra rót cho mọi người uống rồi đi ngủ. Chị Xuyến cũng kêu mệt lên gác ngủ sớm. Chỉ còn tôi và chị Huệ. Chị Huệ như có vẻ nấn ná ở lại để nói với tôi một điều gì. Khi trên gác không còn nghe tiếng động, chị Huệ mới tâm sự với tôi về chị Xuyến:

-Trung Úy Phước, chồng của chị Xuyến bị phục kích chết ở Tuy Hòa. Hai người chưa có con với nhau. Chị gọi chị Xuyến vào vì có ý định giới thiệu một người quen làm cùng sở với chị cho chị Xuyến, nhưng không biết chị Xuyến có chịu không? Chị Xuyến coi vậy mà khó tánh lắm. Để hôm nào chị mời anh bạn cùng sở lại nhà ăn cơm, em xem coi có được không nghe?

-Dạ.

Bây giờ thì tôi hiểu tiếng dạ của tôi rồi. Nghĩa là khi tôi không biết trả lời sao thì tôi dạ..

Chị Xuyến coi bộ không chịu anh Vỷ, người làm cùng sở với chị Huệ. Sau bữa ăn đầu tiên tại nhà do chị Huệ mời, anh Vỷ có trở lại một lần thứ hai vào xế trưa một ngày chủ nhật. Tôi lấy cớ đi xi nê để nhường cái bàn học của tôi cho chị Xuyến dùng tiếp khách. Sau lần đó, không thấy anh Vỷ trở lại nhà nữa. Chị Huệ không nói gì nhưng có vẻ buồn buồn. Một hôm tôi đánh bạo hỏi chị Xuyến:

- Sao em không thấy anh Vỷ lại chơi nữa?

Chị Xuyến trả lời giọng thản nhiên:

-Chị thấy không hợp.

Thật tình tôi cũng thấy không được. Cái nhìn của anh Vỷ nó gian gian làm sao. Tôi không kìm được một câu bình phẩm:

-Anh ấy ăn nói hơi khách sáo.

-Ừ, em nói đúng. Người như rứa khó đoán được lòng dạ họ lắm.

Trong ba người đàn bà, chị Xuyến tuy gặp sau lại là người hợp với tôi nhất. Có lẻ nhờ tuổi tác không quá cách biệt giữa tôi và chị Xuyến. Tôi mười chín, chị Xuyến hai mươi sáu. Chị Xuyến lấy chồng năm hai mươi tuổi và trở thành góa phụ vào năm hai mươi bốn. Nhưng chị lúc nào cũng có vẻ yêu đời. Mỗi lần tôi nói chuyện gì vui, chị cười rũ rượi, cả thân hình lẫn mái tóc chị rung theo tiếng cười. Chị Xuyến không đẹp cũng không xấu. Miệng chị hơi rộng so với khuôn mặt ; vài hột mụn lấm tấm trên trán, trên má chị. Nhưng chị Xuyến có đôi mắt đen to với hai hàng mi dài và cong. Khi chị trìu mến nhìn ai, người được nhìn nghe lòng mình như chùng xuống. Tôi là người được hưởng cái cảm giác êm dịu đó không biết bao nhiêu lần.

Quá ba phần tư niên học, bài vở càng ngày càng nhiều, tôi càng phải thức khuya đều đều để học. Mỗi đêm trước khi đi ngủ, chị Xuyến mang ra  bàn cho tôi một tách cà phê đen. Tôi không nhớ rõ chị Xuyến tự lãnh trách nhiệm pha cà phê cho tôi mỗi tối từ lúc nào. Chỉ nhớ ban đầu tôi chống đối vì sợ làm phiền chị, nhưng về sau tôi lại lo lắng nếu có tối nào vì lý do nào đó, chị Xuyến không pha cà phê cho tôi nữa, đêm đó chắc tôi sẽ không học, không ngủ được.

Một buổi chiều chỉ có một mình tôi ở nhà. Tôi tính ngồi học cho đến năm giờ, sau đó sẽ ra giảng đường lấy bài giảng. Khoảng ba giờ chiều chị Xuyến về. Đi ngang qua chỗ tôi ngồi học, chị dừng lại, lục trong xách lấy ra một trái ổi xá lị thật to để lên bàn rồi nói với tôi:

-Mua cho em trái ổi xá lị. Trông thì to nhưng đầu mùa không biết có ngọt không.

Chị Xuyến đi vào trong, tôi nghe tiếng chân chị đi lên gác, tiếng chân xuống gác rồi tiếng chị nói vọng ra:

-Nóng quá, chị đi tắm. Tắm xong chị sẽ gọt ổi cho Duy.

Có tiếng khoá cửa phòng bên trong. Chưa đầy một phút tôi bỗng nghe chị Xuyến hét lên một tiếng kinh hoàng. Tôi rời bàn học hấp tấp chạy vào thì vừa lúc chị Xuyến bung cửa chạy ra. Thấy tôi chị đứng lại, hai cánh tay chéo trước ngực, người run cầm cập, mặt tái xanh. Phản ứng của tôi là bảo vệ chị Xuyến dù chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Tôi choàng tay ôm vai chị để chị yên tâm có người bên cạnh. Tôi hỏi đoán:

-Có gì lạ trong bếp hay trong buồng tắm phải không chị?

Giọng chị Xuyến run run:

-Có...có... xác con cắc kè!

Thôi chết tôi rồi! Đúng là con cắc kè tôi bắt được hôm qua.. Tôi đã giết rồi căng nó trên miếng gỗ để thực tập mổ xẻ. Khi nghe tiếng mấy chị về, tôi mang nó dấu dưới chân bể nước tắm, lấy một nắp cạc tông che lên trên. Không ngờ chị Xuyến vào tắm lượm cái nắp cạc tông định vất vào thùng rác. Đến phiên tôi lính quýnh:

-Em...em... xin lỗi chị, em sơ ý làm chị sợ. Đáng lẻ em phải mang xác con cắc kè đi chôn từ hôm qua.

Chị Xuyến vẫn còn đứng thu người trong cánh tay tôi. Nghe tôi nói, chị mới hoàn hồn ngước mắt nhìn tôi trách móc:

-Dễ sợ quá! Răng Duy ác rứa?

Tôi ráng phân trần:

-Hôm thực tập mổ xác con cắc kè, em vắng mặt. Em phải kiếm cách mổ bù lại. Em sợ hôm thi thực tập bốc thăm trúng nó, không biết cách mổ, sẽ rớt môn nầy.

Không rõ chị Điềm, chị Huệ có để ý gì đến sự chăm sóc đặc biệt chị Xuyến dành cho tôi không? Chị Xuyến thì cứ tỉnh bơ lo lắng cho tôi như người chị ruột lo lắng cho một đứa em trai. Một hôm trời mưa lớn, đường nhựa ngập nước, tôi bị té xe. Chiếc áo sơ mi tay dài của tôi bị rách toét một đường ở bả vai phải. Chiếc áo màu hoa cà nầy là chiếc áo cưng của tôi nên tôi tiếc không muốn vứt. Người giặt quần áo cho tôi là chị Điềm nhưng tôi không muốn nhờ. Tôi tính hôm nào mang nó ra tiệm may thuê khâu lại chỗ rách. Tôi chưa kịp mang áo ra tiệm thì chị Xuyến đã làm công việc đó. Chị may rất khéo, nhìn từ xa không thấy vết may. Lúc đưa áo cho tôi, chị Xuyến nói:
-Cái áo nầy đẹp và còn tốt vứt đi uổng. Chị khâu lại cho em, để mặc trong nhà hay ban đêm.
Tôi cầm áo tay run run vì cảm động, không thốt ra được một lời cám ơn chị Xuyến. Tôi không may, mồ côi mẹ sớm nên trong đời luôn luôn thiếu thốn tình thương của một bà mẹ, cho nên tôi rất dễ xúc động trước mọi cử chỉ chăm sóc của bất cứ người đàn bà nào.

Mấy ngày sau, một buổi sáng chị Điềm nói với tôi:

-Độ rày tôi không được khỏe, chắc là không kham nổi việc giặt quần áo cho cậu. Vậy cậu coi có thể nhờ ai khác hay bỏ tiệm giặt ủi.

Chị Điềm hơi gằn giọng ở mấy chữ ‘‘ nhờ ai khác ’’. Tôi nhận ra ngay vẻ gay gắt của chị Điềm mà tôi cho là ganh tị với chị Xuyến. Trong nhà, chị Điềm là người duy nhất gọi tôi bằng cậu và xưng tôi với tôi. Tôi cũng cứng cõi trả lời chị Điềm:

-Dạ không sao, quần áo em bỏ tiệm giặt ủi, đồ lót của em, em tự giặt lấy. Thi cuối năm xong em sẽ tính lại.

Tôi cũng gằn mấy chữ ‘‘sẽ tính lại’’ để cho chị Điềm hiểu rằng chưa chắc sang năm học tới, tôi còn ở trọ đây. Không biết chị Điềm suy tính lại thế nào mà sau đó quần áo tôi thay ra vẫn được giặt ủi tử tế.

Một buổi sáng chủ nhật, chị Huệ đi phố đến trưa về, cho tôi hay khoảng hai giờ chiều sẽ có hai cô học trò cũ của chị đến thăm. Hai cô học trò cũ của chị Huệ, một cô tên Sương, một cô tên Mi. Hai cô đang nội trú trong trường Sơ Régina Pacis. Sáng hôm ấy, chị Huệ đi phố tình cờ hai cô gặp và nhận ra chị là thầy cũ. Sương nhỏ thua tôi một tuổi và Mi nhỏ thua tôi hai tuổi. Sương ăn nói nhanh nhẩu nhưng nhan sắc lùi xùi trong khi Mi đẹp mũm mĩm lại rụt rè ít nói. Sau đó, chủ nhật nào hai cô cũng ghé nhà từ hai giờ đến bốn giờ chiều. Sau bốn giờ, hai cô phải trở vào trường. Sau vài lần ghé nhà, chị Huệ thấy rõ hai cô ghé thăm thầy cũ thì ít mà để thăm tôi thì nhiều. Một hôm chị cười cười nói với tôi:

-Hai cô học trò của chị đến thăm ai khác chứ không phải đến thăm thầy cũ nữa đâu.

Tôi cười:

-Có người đến nói chuyện cũng vui. Học bài nhiều quá nhức đầu lắm chị ạ.

Chị Xuyến góp ý:

-Chị thấy Mi được lắm. Mà cô ấy cũng có vẻ có cảm tình với em.

Thật tình Mi chưa gây một chút băn khoăn nào trong đầu tôi cả. Đầu tôi đang nặng trịch bài vở, cho nên khi nghe chị Xuyến nói ráp vô, tôi liền trả lời dang ra:

-Mi đẹp thật nhưng ít nói, ít cười quá! Đương nhiên em thích cô nào đẹp nhưng ăn nói phải cởi mở một chút.

-Duy coi bộ khó tính dữ a. Đừng kén quá mà ế đó nghe em.
   
Chị Xuyến cười rung rung mái tóc. Tự nhiên tôi nghĩ vẩn vơ, giá Mi có giọng cười hồn nhiên như chị Xuyến chắc tôi sẽ thích ngay. Lần luợt những chủ nhật kế tiếp, khi Mi và Sương đến chơi, nhà chỉ có một mình tôi. Hình như ba chị có ý sắp xếp để tôi được tự do trò chuyện với hai cô. Tôi không hiểu tại sao, nhất là sự đồng tình của chị Điềm, người đã ra điều khiện khắt khe với tôi về chuyện tiếp bạn bè, hơn nữa lại là bạn gái. Thấy tình hình thuận lợi, Mi và Sương mang cả thức ăn nước uống và máy hát đến. Sương để nhạc và dạn dĩ lôi tôi đứng dậy để nàng dạy tôi khiêu vũ. Khi tôi bước quen một vài bước rumba, Sương bắt tôi nhảy với Mi. Tôi thấy tình hình nguy ngập khi chỉ còn non hai tháng nữa là đến kỳ thi cuối năm. Cứ cái đà chiều chủ nhật nào cũng ăn uống, nghe nhạc, khiêu vũ, thêm vào đó những va chạm nho nhỏ vào người Mi khi nhảy với nàng bắt đầu nhen nhúm trong tôi vài tư tưởng bâng quơ về đêm thì việc học thi của tôi chắc sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng. Tôi liền trút nỗi âu lo của mình với chị Huệ:

-Gặp Sương và Mi thì rất vui nhưng em lo vì vui quá em sẽ không học được.

Chị Huệ lộ vẻ ngạc nhiên rồi hỏi:

-Em có muốn chị nói với hai cô đừng tới nữa không?

-Vâng, ít ra từ đây cho đến khi em thi xong.

Chủ nhật sau, tôi rời nhà trước giờ hai cô đến, và chị Huệ ở nhà tiếp hai người. Từ đó cho đến khi tôi rời nhà chị Huệ, Sương và Mi không đến nữa.

Càng gần đến ngày thi, cà phê chị Xuyến pha mỗi tối cho tôi tăng thủy lượng. Từ cái tách cà phê nhảy sang cái ly uống nước, thế mà tôi vẫn chỉ ráng đến được hai giờ sáng là hai mi mắt sụp xuống, không có cách nào cưỡng lại cơn buồn ngủ. Một tuần trước ngày tôi thi là sinh nhật chị Xuyến. Tôi mua tặng chị chiếc khăn quàng cổ màu hồng tím và kín đáo đưa món quà cho chị. Chị Xuyến cầm quà nhìn tôi chớp mắt hai ba cái. Tôi nghĩ chị rất cảm động. Chị nói nhỏ với tôi:

-Chị cám ơn Duy. Chiều mai hai giờ chị đãi em đi xi nê. Rạp Lê Lợi chiếu phim ‘‘Ivanhoe’’, Robert và Liz Taylor đóng, hay lắm. Đi giải trí vài giờ cho nhẹ cái đầu đi. Em đến đó trước, chờ chị.

-Dạ.

Tôi đứng trước rạp Lê Lợi chờ chừng mười phút thì chị Xuyến tới bằng chiếc velo Solex của chị. Chị mang cặp kính đen to và quàng chiếc khăn tôi vừa tặng chị. Chị gởi xe, vào mua vé và chúng tôi ngồi suốt hai tiếng đồng hồ im lặng bên nhau theo dõi truyện phim. Trên đường về, tôi lái chiếc scooter chạy chậm chậm theo chiếc velo Solex của chị Xuyến. Ngang qua rạp Thanh Bình, thấy chiếu phim ‘‘Les frères Karamazov’’ ngày cuối, tự nhiên tôi nổi hứng muốn vào xem. Tôi rủ chị Xuyến:

-Đang còn sớm, mình vào xem phim nầy đi. Hôm nay ngày chót.

Chị Xuyến ngần ngừ:

-Chị nghe nói phim nầy dài lắm.

-Thì mình xem đến gần bảy giờ tối mình về, vừa giờ cơm. Em thích cô đào Maria Shell lắm. Cô có nụ cười giống chị.

Chị Xuyến sung sướng phủ nhận sự so sánh của tôi.

-Thôi đi Duy, chị làm răng bằng Maria Shell.

Tôi dành mua vé, nhất định không chịu để chị Xuyến trả tiền. Khi xé vé, người soát vé cho biết phim chính bắt đầu được mười phút. Tôi cầm tay chị Xuyến dò dẫm đi trong bóng tối, tìm hàng ghế và số ghế ngồi. Ngồi xuống ghế một lúc tôi mới hay bàn tay chị Xuyến vẫn còn nằm yên trong lòng bàn tay tôi. Tôi hồi hộp bóp mạnh bàn tay chị.  Tôi nghe sức bóp nóng hổi dội lại từ bàn tay chị Xuyến. Vừa lúc ấy trên màn ảnh, tiếng cô đào Maria Shell cười ròn rã. Bất giác tôi quay mặt nhìn chị Xuyến vừa lúc chị cũng nhìn sang tôi. Bốn mắt chúng tôi gặp nhau trong bóng tối. Hai bàn tay cùng lúc bóp mạnh nhau. Người tôi bất thình lình lên cơn sốt. Nhưng rồi tôi là người bỏ cuộc trước tiên. Tôi quay mặt nhìn lên màn ảnh nhưng hình như tôi không còn thấy gì nữa cả. Hình như tôi quên hết thời gian. Cho đến khi chị Xuyến lay mạnh tay tôi, nghiêng đầu thì thầm vào tai tôi:

-Về thôi Duy, gần tám giờ, trễ quá rồi.

Chị Xuyến đứng lên cầm tay tôi, kéo tôi ra khỏi hàng ghế ngồi. Lấy xe ra, chị Xuyến dặn tôi:

-Để chị về trước. Chừng hai mươi phút nữa Duy hẳn về.

Tôi gật đầu đồng ý. Chờ chị Xuyến đi khuất, tôi đi bộ ra khu chợ Thanh Bình kêu một ly nước mía uống. Chờ đúng hai mươi phút, tôi lấy xe phóng về nhà.

Bước vào nhà tôi thấy trên bàn có mâm cơm nhưng chỉ có một cái chén và một đôi đủa. Tôi đoán ngay có sự chẳng lành. Tôi cố gắng làm ra vẻ tự nhiên như không hay biết chuyện gì. Tôi đi vào phòng trong, thấy chị Huệ đang ngồi đọc báo. Tôi hỏi một câu rất thừa:

-Mấy chị ăn cơm chưa?

Chị Huệ mắt vẫn dán vào tờ báo, trả lời tôi:

-Duy ăn đi. Cả nhà ăn rồi.

Tôi ăn vội vàng rồi tự động dọn chén bát ra sau bếp. Tôi ngồi học cho đến mười hai giờ đêm rồi đi ngủ. Tối hôm đó không thấy chị Xuyến pha cà phê cho tôi.

Tiếng cãi vã ồn ào trên gác làm tôi tỉnh ngủ vào khoảng bốn giờ sáng. Tôi nghe tiếng chị Điềm đay nghiến chị Xuyến, tiếng chị Xuyến phân trần rồi tiếng chị Xuyến khóc nức nở. Đã bao nhiêu năm qua, tôi vẫn còn nhớ rõ mồn một những lời chị Xuyến và chị Điềm nói lúc gần sáng hôm đó:

-Em đãi Duy đi xi nê. Xem xong về rạp Thanh Bình, Duy thấy chiếu ngày cuối một phim hay nên muốn vào xem. Phim hơi dài nên về trễ một chút, chứ có chi mô mà chị làm ầm cả lên!

-Cậu Duy đòi hay là mình đòi? Người ta là con trai mới lớn, biết chi.. Chỉ có mình dụ dỗ trai tơ thì có.

Tiếng khóc tức tưỡi của chị Xuyến khiến tôi muốn hét to lên cho chị Điềm nghe rằng tôi mới là thủ phạm, tôi mới là người đáng trách. Chị Xuyến vô tội! Nhưng rồi tôi chỉ nằm im nghe nước mắt mình ràn rụa trên má.

Sáng hôm sau, chờ tôi đánh răng rửa mặt xong, chị Huệ gọi tôi ra nói chuyện. Ngồi đối diện với tôi nhưng mặt chị nhìn đi nơi khác.

-Chị Điềm và chị biết hôm qua Xuyến và em đi xi nê với nhau. Cho dù không có ý gì đi nữa, hai chị thấy như thế cũng không được.. Người ta biết rất tai tiếng. Hai chị đã quyết định gởi chị Xuyến về lại Huế và yêu cầu Duy dọn đi nơi khác, càng sớm càng tốt.

Tôi vừa hối hận vừa tức giận. Hối hận vì đã làm chị Xuyến mang họa, tức giận vì bản án dành cho chúng tôi quá khắt khe. Trong một thoáng, tôi cho chị Điềm và chị Huệ ganh tức vớí chị Xuyến. Họ không có đàn ông, không kiếm ra đàn ông, trong khi chị Xuyến lại chiếm được cảm tình của một thằng con trai mới lớn là tôi.

Tôi nhìn thẳng mặt chị Huệ, trả lời:

-Em sẽ đi kiếm chỗ trọ khác ngay trong ngày hôm nay.

Tôi phóng xe ra sạp báo mua một tờ kiếm mục tin vặt tìm chỗ rao nấu cơm tháng cho sinh viên. Tôi tìm thấy một nơi nằm trên đường Cô Bắc, hiện có bảy sinh viên đang ở trọ, còn hai chỗ trống trên gác. Tôi đóng tiền ăn ngay cho ngày hôm đó rồi thuê một chiếc xích lô trở về nhà chị Huệ dọn hết đồ đạc ra đi không một lời từ giã.

Tôi khá vừa lòng chỗ ở mới của tôi. Tôi có một cái giường ngủ bằng sắt có lò xo và nệm kiểu nhà binh, một cái bàn nhỏ hình chữ nhật để ngồi học. Mỗi người có phần ăn riêng. Nhưng căn gác lợp mái tôn nên rất nóng. Ngày cũng như đêm, lúc nào cũng chỉ một cái quần xà lỏn, mình trần mới ngồi học được. Căn gác có ba cửa sổ, một cái nhìn ra một nghĩa địa cũ hoang phế, một cái nhìn ra cây trứng cá và một cái nhìn lên thấy cây bàng. Chỉ còn mấy ngày nữa tôi thi mà thể xác tôi rã rượi, đầu óc tôi trống rỗng, không nhớ không tập trung nổi vào bài vở. Sau một đêm trằn trọc, tôi quyết định bỏ thi kỳ đầu và sáng hôm sau đi khai bệnh lấy chứng chỉ của bác sĩ nộp để xin thi kỳ hai. Giải quyết xong chuyện thi cử, tôi nghĩ đến chị Xuyến. Tôi vẫn nuôi một chút hy vọng mong manh là chị Xuyến chống lại quyết định gởi trả chị về Huế. Tôi sực nhớ tới Mi. Tôi tìm đến trường Régina Pacis xưng là bà con với Mi để xin gặp nàng. Mi có vẻ mừng rỡ khi gặp lại tôi. Tôi bịa ra một câu chuyện để giải thích với Mi việc tôi đổi chỗ trọ. Tôi nói có chuyện lộn xộn giữa tôi và chị Điềm, chị Xuyến bênh tôi nên gây gỗ với chị Điềm. Chị Xuyến giận đòi bỏ về Huế. Tôi nhờ Mi kiểm chứng xem chị Xuyến có về Huế thật không? Tôi không đả động gì đến thái độ của chị Huệ. Tôi cho Mi biết chỗ trọ mới của tôi. Một tuần sau, Mi đến thăm, cho tôi hay chị Xuyến đã về Huế được hai tháng. Nhẩm tính, tôi đoán chị Xuyến rời Sàigòn chừng vài ngày sau khi tôi dọn đi.

Trời vào cuối thu. Ngồi học trên gác có hôm vào buổi chiều thoáng nghe lành lạnh. Nhìn lên cây bàng thấy lá đã nhuốm vàng và bắt đầu lác đác rơi. Tôi đi lục va li kiếm chiếc áo sơ mi mặc thêm ngoài chiếc mai ô cho ấm. Tôi lấy đúng chiếc áo màu hoa cà. Nhìn chỗ rách ở vai được khâu lại, tôi nhớ chị Xuyến. Nỗi nhớ bỗng nhiên cồn cào vô tả. Tôi dẹp bài vở qua một bên, lấy giấy bút ra làm thơ. Theo thời gian, mộng làm thi sĩ của tôi tàn dần, nhưng tôi còn được một bài thơ ghi dấu một mối tình ngắn ngủi nhưng lại in sâu vào trí nhớ của tôi mấy chục năm trời.

Bao giờ em gởi chị bài thơ
(Chép của con tim hết mấy giờ)
Thương nhớ run run hàng chữ nhỏ
   Tâm tình theo mấy nét đơn sơ?

Chị ơi! Nắng ngã qua lòng em
Em lấy gì đây đỡ nắng lên
Cho lá khỏi vàng hoa khỏi rủ
Cho chiều thu nhạt bớt vô duyên?
 
Còn có đêm nào như đêm qua
Sương khuya lạnh cả ánh trăng nhà
Em ngồi nhớ chị tay khâu áo
    Đôi mắt sầu lên dĩ vãng xa?

Ai đi tìm kiếm lấy trong mơ
Đem trả cho em buổi chuyện trò?
Em nhớ chị cười rung mái tóc
Nụ cười hôm ấy đẹp như thơ!

Em vẫn hay buồn đứng lặng im
Khi sương chiều xuống, nắng qua thềm
Thẫn thờ trông cánh chim xa vắng
Em nhớ chị nhiều nên ngóng tin

Từ bước phong sương với cuộc đời
Mấy lần nghe áo rách đôi vai
Chị về bên chốn xa xôi ấy
Không biết giờ đây khâu áo ai?


Mỗi lần nhớ chị Xuyến, đọc lại bài thơ hay tình cờ đọc lại bài thơ nhớ chị Xuyến, tôi lại có dịp thả hồn trôi về dĩ vãng. Trong bài thơ, có rất nhiều dấu hỏi. Những câu hỏi chưa bao giờ có câu trả lời. Bài thơ tôi làm, chưa bao giờ chị Xuyến được đọc. Nhưng tôi cho điều đó không quan trọng vì tôi biết dù ở phương trời nào chị Xuyến cũng tin ở phương trời nầy tôi vẫn nghĩ về chị y như chị nghĩ về tôi.

Cuộc sống tiếp theo của tôi, sau cơn phong ba đầu đời ấy là một chuỗi ngày hạnh phúc không như ý. Không như ý vì tôi không có được một người bạn đời mong ước như tôi từng tâm sự với chị Xuyến, nghĩa là nàng phải vừa đẹp vừa ăn nói cởi mở. Không biết chị Xuyến có hay khi tôi lập gia đình, người tôi cưới làm vợ lại là một trong hai cô học trò cũ của chị Huệ trước kia?


Trang Châu 
 

usaelection gởi