Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh




CHIẾC ÁO BÀ BA



Đã thấy rặng dừa nước. Vậy là mé sông ở ngay phía trước; đó là điểm hẹn của chúng tôi. Đơn vị dừng lại, bố trí tại chỗ. Chiến làm khinh binh sáng nay, tiếp tục dò đường xuống sông, để đơn vị lên tàu. Gần bờ sông, thường có lắm mìn bẫy. Mỗi lúc anh nhấc chân lên, mỗi lần anh để chân xuống, nhịp tim mọi người như… ngừng đập. Chúng tôi căng hai mắt ra nhìn theo bóng dáng nhấp nhô, di động thận trọng của Chiến, cho đến khi anh ra đến mé sông. Một đoạn đường chỉ chừng hai chục bước dài, nhưng thấy nó dài dài lê thê. Tôi theo dấu của Chiến, đi xuống mé sông với anh ấy. Đứng sau hàng dừa nước, thấy được làn sóng đang rì rào khi vào đến bờ. Chỉ cần lách mình qua vài khoảng trống giữa các bụi dừa nước, là ra tới bãi sình sát mé sông, thuận tiện để lên tàu.

Tiếng máy truyền tin PRC-25 nghe sè sè khe khẻ, khi Tích ngừng liên lạc với đơn vị PCF của Hải quân, đang nằm chờ cách đó chỉ khoảng 1 km. Như vậy, trong phút chốc tàu PCF của Hải quân sẽ tới. Tôi để Tích trực máy truyền tin, đến gặp Trung sĩ Ngự. Ngự là tiểu đội trưởng của tiểu đội 2, và là quyền Trung đội trưởng trong chuyến hành quân này. Anh ấy sẽ chịu trách nhiệm điều động lên tàu. Tôi nói nhỏ, cùng lúc ra dấu bằng tay cho chính xác hơn, và cho mọi người nhìn thấy cùng biết:
- 2, 1, 3… Tôi đi với “thằng Ba”.

Hôm qua, tiểu đội 2 trực, hồi tối đi đầu vào điểm. Sáng nay, lúc bốc về, tiểu đội 2 được lên tàu trước. Tiểu đội 1 lên chiếc PCF thứ nhì. Tiểu đội 3 hôm nay lên ca trực, chịu trách nhiệm an toàn cho đơn vị, tôi sẽ đi với tiểu đội 3, bao chót và rút sau cùng theo chiếc PCF thứ 3. Hùng đi cặp với tôi và Tích “truyền tin”, theo tôi xuống tiểu đội 3.
Vậy là chỉ còn một chặng cuối cùng là.. lên tàu sao cho được an toàn!

. . .

Đứng trên tàu, từ ngoài sông nhìn vào, rặng dừa nước dày kín, đen ngòm trong không gian lờ mờ ánh ban mai, như vòng cây hoang dại kiên cố, che đậy một thế giới huyền bí nào đó; thế giới của sự sống và cái chết, của bình an và tang tóc, của vĩnh cửu và hủy diệt... Động cơ tàu chạy thật thấp, gần như thả trôi theo dòng nước một đoạn thật xa, rồi mới hụ máy mà phóng tàu đi. Nước đang lớn đầy sông. Mặt sông rộng mênh mông. Bốn chiếc PCF ép gần bờ bên trái; bờ bên này an ninh hơn. PCF hay duyên tốc đỉnh có võ tàu bằng nhôm, vừa nhẹ mà lại đặt 2 máy dầu, 480 mã lực mỗi cái; có tốc độ đến 25 hải lý, tức là hơn 40 km một giờ. Thân tàu lướt rào rào như bay trên mặt nước. Tích gát ống liên hợp lên máy, nhìn Hùng và tôi cười, như muốn nói với nhau: tụi mình còn sống!

Thật vậy, chúng tôi còn sống; it nhất cũng được thêm cả chục tiếng đồng hồ, cho đến khi phải nhận điểm mới, cho chuyến đổ điểm tối nay!

Chiếc PCF dẫn đầu chậm lại. Mũi tàu nằm xuống mặt nước. Ba chiếc phía sau cũng hạ tốc độ theo. Gần bờ có hai chiếc xuồng nhỏ đang bơi. Chiếc PCF thứ hai tách ra, chạy vào, và cặp theo hai chiếc xuồng một lúc để xem xét; rồi không có gì khả nghi nên trở ra với đoàn tàu. Đoàn tàu Hải quân hiền hòa, chạy thật chậm và tránh xa ra ngoài giữa sông, để giảm sóng vào bờ, nơi có hai chiếc xuồng.

Màu áo trên hai chiếc xuồng như những cánh hoa mộc mạc hiếm thấy bên đường hành quân. Ở đây, không có bông hồng kiêu sa, không có áo lụa Hà Đông; chỉ có chiếc áo bà ba bên con sóng bạc, mái chèo khua động lấp lánh ánh dương trôi. Và… cho dù ánh dương của buổi trưa mùa hè có nhuộm vàng phù sa, và không có áo lụa Hà Đông; chúng tôi đi qua mà nghe cũng chợt mát!
Chiếc áo bà ba bình dị trên sông nước, trông thật an bình hiền hòa.
Chiếc áo bà ba đẹp thật!

. . .

Chuyện xưa kể rằng:
Ở miền Nam nước Việt, nơi thường mưa thuận gió hòa, đồng ruộng mênh mông, sông biển thì nhiều cá, lắm tôm; dân chúng sống ung dung nhàn hạ. Thế nhưng, trong một xóm nghèo ven biển có một người đánh cá già lại không may bị chìm mất cả ghe lẫn lưới; chỉ may là còn sống sót. Lâu nay, ông ta đành phải kiếm cá dọc theo bờ biển để sống qua ngày.

Nước Việt mình vào thời đó, y phục nam và nữ đều có cái áo ngoài may dài qua đầu gối; xem như quốc phục. Túng trước, hụt sau; chiếc áo của ông ngày càng bị rách thêm nhiều nơi, nhất là ở trên lưng. Ông bèn cắt áo ngắn bớt đi, để lấy vải mà đấp vá áo của mình. Cắt ngắn riết rồi, cái áo bây giờ không bâu, lại ngắn ngủn, chỉ còn che xuống ngang mông; mặc vào trông không giống ai quanh mình. Các miếng vá có đủ hình dạng, lớn nhỏ bất thường. Vô số miếng vá kế chấp nhau, miếng mới đấp chồng lên miếng củ đã bị rách đi, làm cho lưng áo có nhiều bệt dày cộm; người trong xóm thấy vậy bèn gọi đùa là áo… “ba ba”.

Một hôm, ông ngư phủ nghèo đang lội dọc theo mé biển để kiếm cá, bỗng nghe tiếng loa vang tung hô nghinh đón đức vua. Ngước nhìn lên thì thấy cờ xí rợp trời, quan quân rầm rộ, mà mình thì mặc cái áo “ba ba” vá đấp dầy cộm, bê bết bùn. Lo bị tội khi quân, xem thường vua; ông bối rối lom khom chạy lên bờ tìm chỗ để trốn tránh. Nước đang rút ra xa, bãi cạn, bùn đen mênh mông và trống trơn; nơi có bụi rậm, có ghềnh đá để núp trốn thì còn xa quá. Càng lính quýnh, loay hoay, thì hai chân và rồi hai tay chống chỏi đều bị lún sâu trong vũng bùn nhão nhoét. Chưa kéo rút tay chân lên được thì vua quan đã rần rộ đi tới; ông đành để yên như thế mà nằm không dám cử động, và cầu mong cho vua quan, không ai thấy mình.
- Ba quân! Cho dừng lại!

Vua bảo dừng quân, rồi chỉ tay ra hướng người đánh cá đang nằm trên bãi biển mà nói:
- Ta thấy một con rùa lớn nằm trên cạn. Mau xuống xem xét mà giúp nó!

Tuân lệnh vua, quân lính chạy đến nơi thì nhận ra đó là người đánh cá. Cái áo ngắn đầy mãnh vá bị dính bùn thành một mảng dày cứng; trông giống như cái mai của con rùa hay con ba ba. Quân lính bèn xúm lại, giúp kéo người đánh cá già lên khỏi bùn sình và đưa ông đến gặp vua. Nhìn người đánh cá già, tuy đã tắm rửa sạch bớt bùn sình, trông cũng còn thảm hại lắm, nhất là chiếc áo lại vá đấp quá nhiều mảnh trên lưng. Vua thương tình thăm hỏi và biết chuyện, bèn gật gù bảo:
- Thì ra… chiếc áo này đã làm cho quan quân và chính ta đây ngỡ là con rùa hay con ba ba nằm trên bãi biển. Nay, theo dân làng, ta cũng cho gọi cái áo này là áo “ba ba”!

Nói rồi, vua bảo quân lính đem tiền vàng giúp người đánh cá, cùng dân nghèo trong xóm; để may sắm áo quần và mua ghe, mua lưới mà mưu sinh. Vua truyền chiếu chỉ rằng:
– Từ nay, ai cần tiện lợi khi làm việc trên đồng hay dưới nước, thì được phép theo gương người ngư phủ trong miền Nam mà may mặc áo “ba ba”.

Thế rồi, trong dân gian ở miền Nam, kiểu áo “ba ba” được nhiều đàn ông ưa chuộng, vì nó thật là tiện lợi từ trên đồng ruộng bùn sình xuống nơi sông nước. Dần dần, quý bà và quý cô thấy kiểu áo “ba ba” coi bộ cũng gọn gàng, nên bắt chước mà may áo có tà ngắn như thế. Nhưng khi áo “ba ba” trên thân người phụ nữ thì trông thật khác lạ; đẹp dịu hiền và duyên dáng lạ thường. Thấy vậy, đàn ông trong làng có người gọi đùa cái áo của quý bà là áo “bà ba”. Gọi riết rồi quen miệng, cùng kiểu áo ngắn tà ấy, hễ đàn ông con trai mặc thì gọi là áo “ba ba”, còn phụ nữ mặc thì lại gọi là áo “bà ba”. Nhiều năm qua, khi chiếc áo “bà ba” của phái nữ đã có nhiều thay đổi về kiểu cách, gọn gàng hơn theo vóc dáng phụ nữ, khác hơn kiểu áo ”ba ba” của đàn ông, thì người ta lại hết phân biệt, chỉ gọi chung một tên là “áo bà ba”. Trải qua bao năm tháng, chiếc áo bà ba trở thành thông dụng, phổ biến từ nông thôn ra thành thị và lưu truyền đến ngày nay; nhất là ở miền Nam nước Việt.
Chuyện cổ tích mà!

Người ta đặt ra câu chuyện để kể cho con cháu nghe cho vui, theo niềm tự hào và yêu quý với chiếc áo bà ba của người dân miền Nam, và cũng là của người Việt Nam mình. Người miền Nam vốn hiền hòa và hề hà lắm; ít ai quởn mà đi tìm gốc gác chiếc áo bà ba của mình, để rồi tung hô là của một dân tộc nào đó, mần chi cho mất công mà lại… mất mặt tổ tông!

Ai nói gì cứ nói, người dân miền Nam ung dung mà hò hát rằng:  
Ơi Hò … Hò ơi … Ơi hò….
Miền Nam có Cửu Long Giang
Có sông Tiền, sông Hậu, nhuộm vàng phù sa.
Miền Nam có chiếc áo bà ba
Có con đò nhỏ…  Ơi hò…
Có con đò nhỏ… vẫn chờ đợi ai!
 
Chiếc áo bà ba của người dân vùng sông Tiền, sông Hậu của miền Nam, đều được phụ nữ và đàn ông ưa chuộng. Qua năm tháng, chiếc áo bà ba đã vẫn gắn liền với đời sống của người dân miền Nam nói riêng, người Việt Nam nói chung. Hình ảnh chiếc áo bà ba rất thân quen trong vùng đồng bằng sông nước Cửu Long. Nói đến nét đẹp của phụ nữ miền Nam, người ta thường nghĩ đến tà áo dài thướt tha và chiếc áo bà ba yêu kiều, giản dị, mà thật là duyên dáng. Chiếc áo bà ba đã đi vào thơ, văn, điện ảnh, âm nhạc của biết bao thế hệ văn nghệ sĩ; nổi tiếng nhất có lẻ là nhạc phẩm “Chiếc áo bà ba” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.

Sau khi miền Nam đã bị cướp mất Sài Gòn cùng Tự Do và Công Lý, vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh nằm trong danh sách những nghệ sĩ và sáng tác bị “Nhà nước” cai trị tại Việt Nam cấm hoạt động và trình bày. Đến năm 1984, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh được phép hoạt động lại, nhưng anh đã từ chối làm việc cho chế độ mới. Nhân chuyến đi ngang Bắc Cần Thơ, cảm xúc trước cảnh đẹp của miền Nam, cùng nét duyên dáng của các cô gái miền Hậu Giang, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã sáng tác ca khúc Chiếc Áo Bà Ba.

Với giai điệu nhẹ nhàng êm ái, đong đầy cảm xúc, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã lưu lại trong lòng người nghe hình ảnh chiếc áo bà ba hiền hòa giản dị, cùng con thuyền bé nhỏ mong manh trên dòng sông, trong từng dòng nhạc thật trữ tình:

“Chiếc áo màu xanh len từng con sóng bạc
Lóng lánh mái chèo khua động ánh dương trôi
Sóng vỗ xuồng đưa tiếng hò qua bến đợi
Hậu Giang ơi dấu yêu còn tuyệt vời….”*
 
Tiếc thay, sau đó, ở trong nước, thì cô gái đưa đò với chiếc áo bà ba màu thiên thanh hiền hòa của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, đã bị đảng biến thành thứ quân du kích, với cổ quấn khăn rằn đằng đằng sát khí, súng AK trên ghe sẵn sàng khạc ra đạn để giết người; và bài hát Chiếc Áo Bà Ba với giai điệu hiền hòa quen thuộc, đã bị tròng cột vào những câu chữ tuyên truyền sắt máu như:

“Lớp lớp tàu Tây muôn đời im tiếng thở
Súng thép hàng hàng rữa mục đáy sông sâu
Với chiếc thuyền con, gái cùng trai phá giặc
Hậu Giang ơi chiến công còn tuyệt vời …
Những nữ anh hùng tóc dài chấm lưng thon ...
Còn nghe quen chiến công trên dòng sông …”
 
Thật ra, các chuyện thay lời nhạc và hót hát để tuyên tuyền, để ca tụng chế độ như thế, cũng chẳng phải là mới có đây, hay chuyện gì to tát; khi đem so sánh với bản công hàm dâng hiến biển đảo cho Trung Cộng của Phạm Văn Đồng và đảng; chuyện bán nước mà nhà nước còn dám làm, và đã làm từ lâu lắm rồi, từ năm 1958 lận!
Thật vậy!

Từ khi miền Nam mình, phần đất tự do sau cùng của Việt Nam, đã bị cưởng chiếm vào ngày 30 tháng 4 năm 75; không ai còn ngạc nhiên về các cái đã được ca ngợi và gọi là “văn hóa”… trong nước. Chuyện người ta hót hát, líu lo như thế ấy, cũng chỉ là chuyện đã có quá nhiều rồi!

Trong đoạn cuối của một bài viết có tên tựa như là câu hỏi: Tại răng “áo bà ba” mà không “áo bà tư’?, tác giả Tuấn Khanh có kể lại như sau:

“Sau năm 1975, có những vị là nhà nghiên cứu từ miền Bắc vào, … còn bịa ra câu chuyện là có một phụ nữ Nam kỳ nào đó chế ra kiểu áo này từ áo dài, và tệ hơn, có giả thuyết từ giới trí thức ấy, cho là áo bà ba được khởi đầu may tạo ra ba tà, nên có tên liên quan đến số 3…. (nên gọi là áo bà ba)

Trong bối cảnh Trung cộng đang xâm lấn và chiếm nhiều giá trị văn hóa của Việt Nam, chiếc áo bà ba của người Việt Nam cũng đang bị dòm ngó, không khác gì món kim chi Hàn Quốc đang bị tiếm danh bởi Trung cộng. Vậy mà, có tài liệu của bậc tiến sĩ ở Hà Nội, gần đây còn hàm hồ chứng minh: áo bà ba là trang phục từ người Minh Hương di cư đến miền Nam, nên… người Trung quốc họ được quyền lấy lại. Tưởng sao, cái tài liệu cho là gốc để chứng minh của các bậc tiến sĩ ở Hà Nội ấy thì được dẫn chứng từ sách của… Trung cộng!                                                                                                                                 
Và rồi chính tác giả Tuấn Khanh cũng đã phải đau lòng mà kết luận rằng:

“Lịch sử Việt Nam từ sau 1975 đến nay đang bị nói lại, diễn giải lại hết sức tùy tiện tùy ý, không thể không gọi là đã làm đau lòng tiền nhân. Nhớ lại mà dạy cho con cháu, những thứ đơn giản như tên gọi áo bà ba một cách đứng đắn, cũng là một cách kính trọng tổ tiên Việt đã khai phá, và giữ lòng tự trọng của một người Việt Nam biết đứng ngoài nạn sính chữ điêu xằng.”
 
Tác giả Tuấn Khanh đau lòng cũng phải!
“Trí thức” ơi!
“Văn hóa” ơi!

Xin đừng nhẫn tâm mà… “sính chữ điêu xằng”; hãy trả lại chiếc áo bà ba, cùng Tự Do và Công Lý của miền Nam, cho miền Nam, cho nước Việt Nam!
Miền Nam có Cửu Long Giang.
Miền Nam có chiếc áo bà ba.
Hậu Giang ơi!
Nước vẫn xuôi một dòng.
Nói sao cho vừa lòng.
Nói sao cho vừa thương.
 

Bùi Đức Tính


usaelection gởi