CHIẾC NÔI
Tôi là một người đàn ông dị dạng. Toàn bộ cơ thể tôi là một sự kết hợp thiếu cân đối, xấu xí lạ lùng. Nó gây ấn tượng mạnh mẽ khi thoạt nhìn. Ngạc nhiên và sợ hãi! Đó cũng là nguồn gốc khổ đau và hạnh phúc của tôi. Đã hơn ba mươi tuổi mà dáng người tôi bé loắt choắt như một đứa trẻ lên mười. Nếu chẳng có bộ đồ kiểu người lớn tôi đang mặc thì không ai nghĩ đây là một gã đàn ông sắp đi qua nửa đời người. Trông tôi già chẳng ra già, non chẳng ra non, ham háp, lưa lứa thế nào ấy!
Từ sau lưng nhìn tới, đầu tôi như một quả dừa khô đã được bóc lớp vỏ ngoài, đặt chơ vơ trên bệ thấp. Chỏm tóc xoăn tít ở đỉnh đầu nhưng đến ngang mang tai lại ngay đơ như sợi chỉ bị nhúng nước. Ngày còn bé, tôi cắt tóc ngắn cũn cỡn. Bây giờ, do yêu cầu nghề nghiệp, tôi để chúng dài ngang lưng. Thỉnh thoảng vấn lại thành một bím tóc be bé sau ót. Đôi khi còn buộc chúng bằng một cái nơ màu sặc sỡ.
Cứ nhìn khuôn mặt tôi cũng biết thượng đế có tính khôi hài và tàn nhẫn. Ông tạo cho tôi những hình thể ngộ nghĩnh. Vầng trán phẳng lì như một bãi trượt ba - te. Sóng mũi gãy, khiến hai cánh mũi vểnh lên tựa hai cái ống nhỏ chờ hứng nước mưa. Chúng đứng chễm chệ giữa đôi mắt bên to bên nhỏ. Nó khiến người đối diện bứt rứt, bực bội trước vẻ quạu quọ, xấc xược. Hàm răng chuột trắng đều, ung dung đứng ểnh tới, đẩy cặp môi vêu ra, dày cộm. Màu da tai tái góp phần u ám, bệnh hoạn cho dung nhan của tôi.
Nối liền đầu và mình là cái cổ hơi to. Phải chi nó thon nhỏ hơn một ít thì trông tôi dễ nhìn đôi chút. Đàng nầy, nó dường như muốn nổi bật nên to phình như một cái lít.
Tôi có bờ vai của một người khỏe mạnh. Săn chắc, thịt cuộn vòng. Chỉ tiếc những cơ bắp ấy mang dáng vẻ một lực sĩ tí hon. Hai cánh tay dài như tay vượn. Còn hai chân lại ngắn như chân khỉ. Đã vậy, chúng không đều nhau. Tay chân bên phải chiếm ưu thế hơn về độ dài. Khi bước, người tôi lắc lư, khập khiễng khập khà ngả chui chúi sang bên trái. Dù vậy, chẳng những tôi không bị té mà đi lại khá nhanh.
Bù cho thiếu sót của vóc dáng. Thượng đế phú cho tôi một cái lưỡi đa năng và bộ óc nhạy bén. Tôi có thể bắt chước tiếng của bất cứ con vật nào, từ chim đến thú. Tôi huýt sáo giống hệt tiếng hót của chim. Tôi gầm gừ y chang cọp dữ. Cả tiếng động của đồ vật va chạm, tiếng nổ, tôi cũng bắt chước được. Ngoài ra, giọng hát của tôi đặc biệt truyền cảm. Chả lẽ là may! Tôi hiểu nhanh, nhớ lâu, lãnh hội kiến thức dễ dàng, mau chóng hòa nhập môi trường nghề nghiệp. Nhưng bộ óc của tôi cũng đem đến bao nhiêu là đau buồn. Nó bắt tôi nhớ thời thơ ấu tủi cực mà thâm tâm tôi lúc nào cũng muốn lãng quên. Nó khắc sâu vào ký ức tôi bóng dáng mẹ với những ngọn roi tàn nhẫn. Tôi nhớ như in khuôn mặt xinh tươi của mẹ. Mỗi lần giận dữ, đôi chân mày lá liễu nhướng lên, cong lại. Ánh mắt sắc lẽm, quét ngang người tôi. Hàm răng cắn chặt môi dưới và bàn tay cầm roi quật liên hồi lên tấm thân gần như tật nguyền của tôi. Những tiếng vút vút... vang mãi trong trí nhớ. Nó dữ dội, âm vang còn hơn tiếng khóc của tôi lúc ấy. Tôi ngất đi và tỉnh lại bao giờ cũng nhìn thấy mình nằm trên giường, mẹ ngồi bên ôm mặt khóc. Lúc nầy, mẹ đẹp và hiền như một bà tiên. Nước mắt mẹ xoa dịu cơn đau của tôi và khiến tôi yêu mẹ vô cùng. Thuở đó, tôi chẳng hiểu vì sao mẹ lại có những hành động kỳ quặc như thế. Bà vừa yêu vừa ghét tôi. Vừa chở che vừa ruồng rẫy, hắt hủi. Bà nhào nặn đầu óc trẻ thơ của tôi thành một cái kho chứa nỗi đau ngọt ngào hiếm có. Sau này, tôi mới hiểu. Lẽ ra, tôi đừng có mặt trên đời nầy thì tốt biết mấy. Mẹ đâu phải xấu hổ, bị chồng bỏ bê vì đẻ ra một quái thai. Tôi là hiện thân của “ác đức” mà người ta gán cho mẹ, là một loại giống chỉ có thể được nảy mầm từ gốc thú cầm mà thôi. Người ta vẽ vời đủ chuyện về cái nguyên do mà mẹ sinh ra một đứa con xấu xí, tật nguyền. Tôi là bất hạnh của đời mẹ. Mẹ khổ và bà căm ghét tôi. Đơn giản thế. Có đến hàng trăm lần bà vừa đánh vừa gào lên: “Sao mày không chết đi, đồ yêu tinh”.
Những lúc như vậy, tôi muốn chết nhưng trời cũng trớ trêu, tôi chẳng hề hấn gì. Mẹ đánh chỉ ê ẩm mình mẩy, nóng sốt qua loa rồi lại ăn ngủ khỏe. Những trận đòn quen thuộc cứ diễn đi diễn lại cho đến khi tôi gặp lão mù hát rong.
Đó là một buổi chiều thu. Nắng nhạt, gió êm, lá vàng rơi ngập lối. Lão hát rong ngồi tựa gốc đa, nắn phím. Cây đàn thùng tròn như vầng trăng. Năm dây đàn run rẩy theo bàn tay nhăn nheo của lão. Âm thanh réo rắt, dịu vợi buồn, bàng bạc lan xa. Nhiều người đi làm đồng về, ghé lại, ngồi bệt xuống, lắng nghe. Tôi cũng chiếm một chỗ, say mê uống từng giọt đàn thánh thót rơi xuống. Ông lão mù đàn hết bản này đến bản khác. Ai cũng tấm tắc khen. Trước khi đi, người nào cũng bỏ vào cái lon nhỏ đặt trước mặt ông một ít tiền lẻ.
Lúc không còn nghe tiếng chân người, ông lão quờ quạng tìm cái lon tiền, lôi từ trong đó ra những tờ giấy bạc nhầu nát, vuốt phẳng phiu rồi gấp đôi, cất vào túi. Ông ngã lưng trên tấm nylon cũ, gối đầu lên bị quần áo. Thoáng chốc, đã nghe tiếng ngáy đều đều. Trông ông lão hát rong thảnh thơi, sung sướng làm sao! Cây đàn nằm cạnh bên ông. Tôi len lén bước tới, ngồi xuống, lấy tay khều nhẹ vào dây đàn: “Từng, từng, tưng...” Âm thanh rời rạc vang lên. Ông lão bỗng choàng dậy, hớt hải hỏi:
- Ai đó?
Tôi giật nẩy mình, bò vội ra xa và đáp:
- Dạ... con...!
- Hừ, con... nào? Muốn ăn cắp đàn phải không?
Hoảng hốt, tôi kêu lên:
- Không phải vậy đâu, con muốn đàn thử.
Ông lão có vẻ yên tâm khi đã ôm gọn cây đàn vào lòng. Ông bảo:
- Lại đây ông bảo.
Tôi mon men đến gần, ngồi xuống: Ông sờ vào tóc tôi, bàn tay lướt xuống vai như muốn tìm hiểu điều gì. Ông chợt hỏi:
- Con bao nhiêu tuổi?
- Dạ, mười hai tuổi.
- Sao bé thế?
- Dạ... con không biết nữa.
Ông cười hiền hậu:
- Con thích nghe đàn hát lắm sao?
- Dạ, ông hát cho con nghe đi!
Ông gật đầu, tay nắn phím. Tiếng đàn lại vang lên. Ông lão cất giọng hát, điệu buồn áo não. Bài ca nói về đời người hát rong xa xứ, cô đơn, buồn tủi. Tôi khóc mùi mẫn như những lần bị mẹ đánh. Ông lão chợt nín lặng, lẩm bẩm:
- Thằng bé lạ thật. Mới tí tuổi đầu đã biết thưởng thức, cảm xúc đến vậy!
Ông quay lại, hỏi tôi:
- Con có muốn học hát không?
Tôi mừng rỡ đáp:
- Dạ, muốn!
Ông đã dạy tôi bài hát đầu tiên. Ngắn, buồn, nhưng tôi rất thích. Ông khen tôi có chất giọng ngọt ngào. Nếu muốn trở thành nghệ sĩ, chỉ cần kiên nhẫn luyện tập thì sẽ được như ý. Tôi không tin như thế nhưng chẳng dám nói gì. Ông lão lấy từ trong bị ra một đòn bánh tét. Ông tháo dây dễ dàng như nhìn thấy rõ. Dường như công việc này đã thành thói quen nên ông chẳng cần ai giúp. Ông chia cho tôi phân nửa. Chợt nhớ tới bữa cơm chiều và trời đã nhá nhem tối. Tôi chào ông rồi chạy về.
Mẹ tôi chờ sẵn trước cửa. Tay cầm roi. Bà lại vẽ lên người tôi những đường ngang, lằn dọc thâm tím. Mẹ còn tuôn ra một loạt những câu quen thuộc: “Sao mầy không chết đi, mất tích đi, hả thằng quỷ?” Tôi chạy trở ra chỗ ông lão đánh đàn. Ông đã đi rồi. Tôi không còn muốn quay về nữa. Tôi sợ mẹ. Ôi một người mẹ quá nhẫn tâm! Tôi lùng kiếm lão mù hát rong. Ông ấy không có ánh sáng trên đôi mắt nhưng trái tim ông chói lọi ánh hào quang. Và tôi đã tìm thấy ông. Chạy đến, ôm ghì đôi chân ông, tôi khóc nức nở: Ông ngạc nhiên hỏi:
- Ai đó?
Tay sờ soạn trên mái tóc của tôi và ông nhận ra ngay:
- Sao con lại khóc?
Tôi van xin ông cho tôi theo. Không nói gì, ông ngồi xuống, ôm tôi vào lòng. Hai hố mắt sâu hoắm có những giọt nước đục ngầu rơi xuống. Từ đó, tôi bắt đầu một cuộc đời mới. Đời người hát rong.
Tôi đi trước, tay cầm cái lon nhỏ, vai mang bị quần áo. Lão mù, thầy tôi đi sau, tay phải vịn vào vai tôi, tay trái ghì chặt cây đàn đeo bên hông. Nơi biểu diễn của chúng tôi là nhà “lồng chợ” hoặc bất kỳ chỗ nào đông người. Chọn một góc sạch sẽ, thầy tôi ngồi xuống, ông gác một đùi lên bị quần áo, nhấc cây đàn lên, bắt đầu se dây, nắn phím. Như có sức hút, những người hiếu kỳ từ từ kéo tới. Họ vây quanh chúng tôi, lắng nghe. Sau khi vừa đàn, vừa hát vài bản, thầy bảo tôi phục vụ bà con ít bài. Tôi cũng được mọi người tán thưởng. Nhưng, bao giờ cũng kèm theo câu: “Xấu quá!”, “Giống khỉ quá!”, “Trông quái dị làm sao!”, “Thằng này gặp nó ban đêm chắc phải ngất vì tưởng thấy ma!” ...
Tôi đau khổ, đêm về, khóc rấm rứt. Lâu dần, tôi quen đi. Thầy tôi thường an ủi tôi rằng:
- Xấu người mà đẹp nết. Con ráng học đàn học hát cho giỏi. Cái tài sẽ che khuất cái xấu của dung mạo. Ngày xưa, Trương Chi xấu xí mà vẫn được một tiểu thư khuê các mơ tưởng và đã để lại cho đời một thiên tình sử đầy nước mắt.
Lúc ấy, tôi đã lớn khôn, tôi thừa biết lời thầy chỉ là những câu an ủi đứa học trò yêu. Thực tế phũ phàng hơn nhiều. Rồi tôi cũng sẽ như Trương Chi mà thôi. Tiếng hát có thể đi vào lòng người, nhưng tôi thì chắc chắn chẳng một ai muốn gần gũi. Tôi là một gã hát rong lùn tịt, tật nguyền. Sau buổi diễn, tôi chỉ nhặt được dưới đầt những đồng tiền lẻ, còn tình yêu, một khái niệm mơ hồ, dù có nằm mơ, chưa chắc tôi dám tưởng. Tôi cố gắng tập cho mình thói quen lạnh lùng với phụ nữ. Tôi tránh nhìn họ, không đến gần để khỏi phải xao động rồi khổ đau.
Tôi hát chợ, ngủ đình cùng với thầy. Đời sống vất vả nhưng chưa bao giờ ông đánh mắng tôi. Thầy chia cho tôi phần cơm, thầy nhường cho tôi chăn ấm và xoa diu nỗi đau thân phận bằng âm nhạc. Khi hát, tôi quên đau, khi đàn tôi chơi vơi trong ảo tưởng lãng mạn. Từ địa vị thấp hèn, tôi đã tìm ra niềm vui cuộc sống. Rồi do tình cờ, thầy khám phá ở tôi những năng khiếu khác.
Một đêm nọ, trời tối đen như mực. Tôi nằm sát bên thầy, ông choàng tay qua lưng tôi và ngáy đều đều. Tôi không sao ngủ được. Tôi nhớ mẹ. Giờ nầy, chẳng biết mẹ có nghĩ tới tôi không hay bà đã quên rồi một giọt máu rơi nhơ nhuốc? Chắc bà không ngờ tôi đang ngủ trong một miếu hoang và nghĩ về mẹ. Bỗng, từ trên mái nhà, một chú mèo nhảy xuống, cặp mắt tròn xoe, sáng rực trong bóng đêm, nhìn chăm chăm vào tôi. Nó kêu lên thảm thiết: “Méo, méo, ...” Những con mèo động tình thường gọi như thế. Nó cứ lởn vởn gào lên, khuấy động tĩnh mịch bằng âm thanh rờn rợn. Con vật đi rồi, tôi cứ nghĩ mãi về nó. Con vật cũng biết rung động, yêu thương đó chứ, bằng cách của nó. Còn tôi, một con người mang dáng dấp như vật, tôi lại phải đè nén lòng mình. Bất giác, tôi gào lên: “Meo... meo... meo...”. Tiếng kêu thảm thiết ấy đã đánh thức người thầy mù lòa. Ông ngồi bật dậy, gọi: “Thao... Thao... con đâu?”
Tôi vội lên tiếng:
- Dạ, con đây thầy.
Ông quờ quạng và chụp lấy vai tôi:
- Hình như có một con mèo ở gần đây, phải không?
- Dạ, đâu có!
- Sao thầy mới nghe nó gào mà lại nghe sát một bên.
Tôi chợt hiểu, tươi cười giải thích:
- Dạ, con mèo thật đi rồi, còn tiếng gào ban nãy là của... con đó. Con bắt chước nó.
Ông gật gù bảo:
- Vậy mà thầy tưởng có con mèo nào gào, nhưng lớn và rõ đến thế. Con bắt chước giống quá.
Thầy nằm xuống nhưng chợt bật dậy bảo:
- Đâu, con thử làm lại thầy xem!
Vâng lời thầy, tôi gào lên lần nữa, giọng nhỏ hơn vì mắc cỡ nhưng thầy lại xuýt xoa: “Trời ơi, giống quá!”. Thầy chợt nghĩ ra một sáng kiến, bảo tôi: “Con cũng có thể biểu diễn bằng cách mô phỏng tiếng kêu của con vật hoặc là âm thanh của bất kỳ thứ gì”. Thầy trò tôi quên ngủ, cả hai bắt đầu cuộc thử thách mới, trong bóng đêm dày đặc. Thầy nắn phím, một tràng âm thanh tuôn ra, tôi cũng đàn nhưng bằng lưỡi, lập lại y hệt âm thanh những sợi dây đồng. Thầy cười ha hả. Thầy gõ nhịp lên thùng đàn, tôi gõ lưỡi. Tiếng chó sủa khuya vẳng lại, thầy bảo tôi sủa theo. Cứ thế đến khi gà gáy sáng. Thầy tôi mỏi mệt nằm xuống, chìm ngay vào giấc ngủ. Tôi cũng nằm bên thầy nhưng tỉnh táo khác thường. Nước mắt tuôn ràn rụa. Tôi lắng nghe cái đầu nhạy bén của mình truyền mệnh lệnh xuống trái tim: “Kể từ nay, Thao, mầy không chỉ có dáng vẻ của con vật mà còn biết nói tiếng của chúng. Nghĩa là một con vật biết ăn, ngủ và suy nghĩ như một con người”.
Đời hát rong của tôi kết thúc khi người thầy đáng kính lâm trọng bệnh. Ông ho. Thỉnh thoảng thầy tôi khạc ra những nhúm máu tươi. Biết mình không còn sống được bao lâu nữa, thầy đưa tôi về thành phố. Ông tìm gặp người bạn cũ hiện là bầu gánh hát cải lương. Gánh hát không lớn lắm nhưng chính nơi đó đã thay đổi cuộc đời tôi.
Người thầy cũ khuất rồi, người thầy mới, cũng là ông bầu đã cưu mang, giúp đỡ tôi. Thoạt đầu, tôi gặp nhiều khó khăn cũng tại dáng dấp bên ngoài xấu xí. Nhưng, thầy mới của tôi đã tìm ra một giải pháp hợp với tôi là cho tôi diễn ẩn mặt. Tôi đứng sau cánh gà ngâm thơ, hát bè... hoặc là mang lớp Hổ trong tuồng “Võ Tòng sát tẩu”, mặc áo vượn diễn đoạn “Bạch Viên mang lớp vượn”. Tôi đã chinh phục được khán giả qua tài bắt chước của mình. Tôi còn làm cho sân khấu trở nên phong phú hơn với những âm thanh mô phỏng tiếng vang giống hệt. Anh em trong đoàn quý mến, thương yêu tôi hơn trước. Họ đã xem tôi như một người thân. Vui cái vui của tôi, buồn nỗi huồn tôi đang ấp ủ. Điều mà trước đây, dẫu nằm mơ, tôi cũng chẳng dám đòi hỏi.
Ngoài ra, một vinh dự lớn lao cho tôi là sự ái mộ của khán giả rất nồng hậu khi tôi chuyển thêm một bước ngoặt nữa, đóng vai hài. Người thầy mới hiểu rõ lòng tôi. Ông thấu được nỗi đau của một người thiếu cái bề ngoài xinh đẹp. Mỗi lần đội lớp thú hay mang mặt nạ để ra sàn diễn thì cũng chính là tủi hờn được dịp khơi dậy, dày xéo lòng tôi. Tôi đau khổ vì những câu khen như: “Đóng hay quá, y như cọp thật”, “chẳng khác vượn tí nào”. May sao, người thầy đáng kính đã lột bỏ mặc cảm của tôi bằng cách đưa tôi ra ngoài ánh sáng, bằng vai hài. Ông dùng chính cái xấu của tôi, sự mất cân đối trên thân thể, kết hợp với nghệ thuật hóa trang, tôi trở thành một “Charlô Việt Nam tí hon” mà duyên dáng. Tôi đội cái mũ nồi, mặc áo vét, cầm can, điệu bộ y hệt Charlot của Pháp. Tôi làm cho khán giả suýt nữa đứt hơi vì cười. Màn phụ diễn hài thử nghiệm đã thành công mỹ mãn. Tôi được khán giả nhiệt liệt hoan nghênh.
Từ đó, khi viết vở tuồng nào soạn giả của đoàn hát cũng cố tình lồng thêm vai hài vào kịch bản. Và tôi đã chinh phục được khán giả bằng cách diễn xuất của mình. Tôi đem đến cho họ những tràng cười sảng khoái, cảm giác vui nhộn. Ngược lại, khán giả cũng giúp tôi xua tan bóng đêm của cuộc đời mình. Tôi yêu cuộc sống và mọi mặc cảm dường như đã ngủ yên, không đày đọa tôi nữa.
Hạnh phúc lớn lao mà sân khấu đã mang lại cho tôi là tình mẹ. Mẹ tôi, người đuổi xô tôi ngày xưa, bây giờ, lặn lội tìm tôi. Mẹ đã già, không còn xinh đẹp. Trong buổi xế chiều của cuộc đời, mẹ mới nhận ra sai lầm. Bà không giữ được chồng lại hắt hủi đứa con. Cái hình vóc mẹ đã sanh thành, dung mạo xấu xí của tôi mà mẹ có phần trách nhiệm. Tôi không có lỗi. Tự tôi, tôi không làm nên con người mình. Tôi chỉ có thể biến đổi tâm hồn, khả năng và hoàn cảnh sống. Tôi chỉ có thể tạo nên giá trị cho cái thân xác xấu xí của mình. Từ đó, tôi đã dành được tình yêu của mẹ.
Một số bạn bè của tôi không đồng ý như thế. Người ta nghi ngờ mẹ. Họ cho rằng tiền và tiếng tăm của tôi đã làm cho trái tim sắt đá của mẹ rung động. Mẹ cần một thứ khác kia. Sự an vui trong tuổi già mà tôi có điều kiện giúp mẹ toại nguyện. Tình thương của mẹ bấy giờ chỉ là tấm màn nhung che đậy một hậu trường bề bộn, phức tạp. Tôi đã bị lợi dụng.
Cũng có thể như thế lắm! Nhưng tôi còn mong ước gì hơn thế nữa? Được mẹ lợi dụng, chọn làm chỗ nương dựa cuối cùng! Đôi khi sự giả dối đúng lúc, đúng chỗ cũng trở nên cần thiết. Ít nhất là đối với tôi. Nếu tiền mua được hạnh phúc thì tôi cũng không ngại gì mất trắng những tờ giấy bạc vô tri ấy. Tôi cần một mái ấm gia đình, một chiếc nôi êm, mà suốt thời thơ ấu tôi mơ tưởng.
Bây giờ, sân khấu đã đem đến cho tôi. Tôi sung sướng được đắm mình trong tiếng ru.
NGUYỄN THỊ MÂY
_________________
Đỗ Hứng gởi