Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh
 


“Chiến tranh chống Mỹ, miền Bắc khổ như thế nào”?

 

Ôn lại chuyện thời kỳ chiến tranh để biết những nỗi khổ của dân tộc, để thương nhau hơn; biết lòng Dân, biết sức Dân đã hy sinh để biết ơn Nhân Dân, thương Dân hơn và bớt làm khổ Dân đi. Nhất là biết những chuyện TA tự làm khổ TA để mà kinh hãi, để đừng thêm những chuyện vô minh vào trang sử của thời đại văn minh.

Bà xã Kim Chi nhà tôi sau khi tốt nghiệp lớp diễn viên điện ảnh đầu tiên, xung phong đi vào Nam 1964, ở chiến trường 10 năm; năm 1974 thì ra Bắc rồi đi Bulgaria học đạo diễn. Bả kể cho tôi nghe những nỗi khổ về việc đi xuyên Trường Sơn 4 tháng và ở chiến trường 10 năm ra sao, rồi hỏi: Thời đó ở miền Bắc khổ như thế nào?

Tôi bảo, nghe chuyện đi bộ 4 tháng vượt Trường Sơn và những trận càn với trực thăng trên đầu, xe lội nước và lính bộ vây ráp thì khủng khiếp quá. Miền Bắc lại có những nỗi khổ khác, có khi khổ âm ỉ, dai dẳng cũng kinh lắm.

1. Khổ vì đói

Thời bao cấp cái gì cũng thiếu, nhưng khổ nhất là đói. “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Người nông dân buộc phải vào hợp tác xã 100%, mà HTX thì năng suất ngày càng kém, ít thóc đi, nhưng gặt lúa về, trước hết phải nộp thóc “vì tiền tuyến, nuôi quân” đã, còn lại bao nhiêu mới chia cho ngày công lao động. Có HTX ngày công được 2 lạng thóc. Người lao động chính còn đói, thì người già và trẻ em “diện ăn theo” khốn khổ thế nào. (Đọc “Cái đêm hôm ấy đêm gì?” thì rõ một phần).

2. Khổ vì “Làm việc bằng hai”

Đã đói lại phải “Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt”, “Tay cày, tay súng”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”! 

Đói. 

Nhưng những khẩu hiệu này, ngày ấy là thi đua làm thật, chứ không như bây giờ, khẩu hiệu chỉ để loè, chả ai theo. Thanh niên đi hết, những người phụ nữ còm nhom mà vừa cày, bừa vừa đeo khẩu súng trường kè kè sau lưng. (Tay cày, tay súng mà)! Khổ là cứ đeo súng, nhưng nghe tiếng máy bay, lấy súng ra thì máy bay phản lực bay qua rồi. Hơn nữa súng trường thì bắn gì? (Trừ các cụ già Thanh Hóa, mắt kèm nhèm mà “bắn rơi máy bay phản lực bằng súng trường”?). 

Ngày đi cày, bừa, ban đêm chị em lại đi cấy lúa, tát nước... Mấy anh đàn ông “đui, què, mẻ, sứt” hoặc “có vấn đề” không nhập ngũ được thì khổ trăm bề, nên cố “chạy” đi bộ đội còn được tiếng, được miếng ăn no, mặc ấm hơn ở nhà; có chết cũng còn được liệt sĩ…

 


Nghĩ lại, không biết, sao dân mình ngày ấy ăn đói, mặc rét mà có sức bền bỉ, dẻo dai thế!? Cũng có hiện tượng: “Mỗi người làm việc bằng hai/để cho chủ nhiệm mua đài, mua xe” … (đạp). Nhưng cái chính là cơ chế HTX đã bần cùng hóa người dân đến cùng kiệt.

3. Khổ vì “sơ tán”

Ở nông thôn thì nhà nào cũng phải làm hầm, hố tránh bom. Các trường học thì sơ tán, phân tán, đào giao thông hào, đắp ụ đất quanh lớp học, làm hầm trú ẩn; học sinh đội mũ rơm, đeo “nùn rơm” đi học… Máy bay Mỹ chỉ đánh phá vào một số địa điểm nào đó, nhưng tất cả các làng, xã đều phải nhất loạt sơ tán, làm hầm hào “chống chiến tranh phá hoại” như nhau…

 

 


Khổ nhất là dân thành phố đi sơ tán. Có khi con gửi về quê, vợ theo cơ quan vợ, chồng theo cơ quan chồng. Đã thiếu đói đủ thứ, nay lại ly tán mỗi người một nơi; lo chia sẻ cho nhau tí đồ ăn, viên thuốc, lo lắng cho nhau, đi thăm hỏi nhau… vô cùng khốn khổ. Tất cả trên chiếc xe đạp cọc cạch. Viện Khoa học Giáo dục sơ tán ở Sơn Tây. Mình đạp xe từ 3 giờ sáng, chở ít củ sắn về Hà Nội, nghỉ nấu ăn sáng, rồi đạp chiếc xe cọc cạch từ Hà Nội về qua thị xã Hải Dương, thăm vợ con. Tính ra đạp xe hơn 100 km. Hôm sau lại đạp xe trở lại nơi mình sơ tán. Giờ nghĩ lại mình phục mình quá!

Vợ chồng thăm nhau ở sơ tán nhà dân mới khổ ấm ức. Dân Bắc bộ không cho vợ chồng người ngoài gia đình mình được “yêu nhau” trong nhà mình. Có anh đến thăm vợ, ông cụ chủ nhà nói luôn: Tối anh ngủ với tôi, cô ấy ngủ với bà nhà tôi. Theo phong tục ở đây vợ chồng anh chị không được ngủ với nhau… Thế là anh chị tranh thủ, lúc nhá nhem tối, đưa nhau ra bụi tre đầu xóm, đứng ôm ấp nhau, chưa làm được gì thì bị dân quân bắt, phải khai báo thành khẩn, trình đủ giấy tờ mới được tha…

4. Khổ vì “phục vụ chiến đấu”

Khi bộ đội đóng quân, lập trận địa ở đâu thì toàn dân phải phục vụ: Dân quân thì cùng bộ đội đào, đắp trận địa suốt ngày đêm. Làng tôi, bộ đội pháo binh kéo về lập trận địa ở bãi tha ma; ban đêm hàng mấy trăm ngôi mộ bị di chuyển, san ủi làm trận địa pháo binh. Rồi tiếp đến Trận địa Vườn cam; vườn cam mấy mẫu của HTX biến thành trận địa pháo binh trong vòng một đêm một ngày.

Khi máy bay Mỹ đánh phá vào hai trận địa trên thì dân quân tham gia tiếp đạn, cứu thương; các mẹ, các chị thì phục vụ cơm nước cho bộ đội, chăm sóc thương binh… Dân quân còn khổ hơn bộ đội, vì không có mũ sắt, đi chân đất, quần áo rách, bụng đói… mà cũng phải xông ra tiếp đạn, cứu thương…

5. Khổ vì “chạy báo động”

Bất cứ lúc nào, ngày hay đêm, khi nghe còi hú, loa báo: “Máy bay địch cách  … cây số” là ù té chạy ra hầm trú ẩn. Khi nghe còi báo yên: “Máy bay địch đã bay xa” thì ra khỏi hầm. Một đêm có khi “chạy vào”, “chạy ra” mấy lần. Nên có chuyện, một ông nghe còi, cuống cuồng chạy xuống hầm thì thấy mọi người đang chui ra…Thì ra ông ngủ say, lúc còi báo yên, ông mới nghe thấy, tưởng là báo động…

Đang đi trên đường mà nghe còi, phải bỏ xe, bỏ gồng gánh, chui xuống hố cá nhân bên đường. Có chị nhảy xuống hố thấy con rắn, nhảy vọt lên chạy. Tự vệ quát, ch kia nằm xuống! Vì lúc đó người ta tin rằng, con người, thậm chí con chó mà di chuyển thì “phi công Mỹ cũng nhìn thấy; mà cứ thấy động đậy là chúng nó bắn”. Nhất là ai mặc áo trắng có thể coi là làm “ám hiệu cho địch”...

 


6. Khổ ở nơi bị ném bom, bắn phá

Thực ra không lực Mỹ cũng hạn chế, chứ không ác liệt như tên lửa, máy bay Nga tàn phá Ukraine bây giờ. Miền Trung bị đánh phá ác liệt liên miên ở những trọng điểm giao thông. Ác liệt vì, “địch tàn phá, ta cứ đi”!, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”! Cứ thế lặp đi lặp lại… 

Miền Bắc thì máy bay Mỹ cũng chỉ đánh ở một số trọng điểm và không thường xuyên. Ác liệt nhất là B52 Mỹ đánh phá Hà Nội 12 ngày đêm. Người chết đã đành, người sống phải căng thẳng tột cùng: chạy giặc, chạy ăn, lo cứu hộ những nơi bị đánh phá; mất điện, mất nước, rối loạn… Những nơi bị tàn phá nặng nề như phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai, Nhật Tân, Gia lâm, Văn Điển … khá lâu mới khôi phục được.

7. Khổ vì “ngăn sông, cấm chợ, tự ta làm khổ ta" 

Những cái khổ nói trên diễn ra trong bối cảnh kinh tế bao cấp, cấm làm ăn cá thể, cấm buôn bán nên càng khốn đốn. Cá nhân nào nghĩ ra làm cái gì đó đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội là bị bắt, có khi đi tù, vì “làm ăn cá thể là mầm mống phát sinh chủ nghĩa tư bản”. Buôn bán cá thể thì cũng vậy, hơn nữa còn bị gọi là “con phe”, “con buôn” (ám chỉ loại người xấu xa trong xã hội). Có anh bạn đem 3 kg chè từ Thái Nguyên về Hà Nội, về đến ga Hàng Cỏ mà còn bị công an và cán bộ quản lý thị trường khám ba lô, tịch thu 2 kg chè, chỉ cho phép đem được 1 kg về dùng là tốt rồi.

Tôi đã thấy ở ga Cẩm Giàng, có bà mẹ đem 2 con gà, bị cán bộ quản lý thị trường bắt giữ; bà mẹ gào thét, trình bày, đem 2 con gà lên Hà Nội bồi dưỡng cho con gái đẻ. Giằng co mãi không cho đi, bà cụ bảo, không cho đi thì bà đem gà về, chứ không cho chúng mày ăn không của bà… Tàu chạy, không biết bà mẹ bị xử thế nào!

Sản xuất cá thể và buôn bán thông thương bị chặn cứng thì xã hội điêu đứng biết chừng nào. Người dân không được buôn bán thì không có tiền. Người dân đi đâu phải đem theo cơm nắm, mấy củ khoai, sắn … để ăn đường…

8. “Vĩ thanh” 

Còn nhớ 9 năm kháng chiến chống Pháp, nhờ tự do sản xuất buôn bán, nên dân vùng “tạm chiếm” mới “tiếp tế” ra vùng “tự do” mà có lương thực, thực phẩm nuôi cán bộ, quân đội, nuôi Đảng, chứ không thì “cách mạng” sống bằng gì? Xe thồ lũ lượt lên Điện Biên Phủ là của Dân, sức Dân cả chứ, Đảng chỉ có… lời kêu gọi!

Miền Nam những năm “đánh Mỹ” vẫn kinh tế tự do nên chắc mới có nguồn cung cấp cho “Mặt trận dân tộc giải phóng” và quân miền Bắc vào chứ. Nghe bài “Sóc Bom Bo” thì biết: 

… “Cách mạng cần gạo nhiều để đánh Mỹ,

Sóc Bom Bo sẵn có cối chày đây,

Người Bom Bo sẵn có đôi bàn tay…

Người chưa ngơi đã sẵn có người thay,

Cối gạo vơi đi và rồi gạo lại đầy” ...

Gạo của Dân, sức của Dân mới có dồi dào để dâng cho cách mạng đấy ạ. Đảng, “Cách mạng” nhờ Dân mà sống sót, thành công…

Bây giờ nghĩ xem “cách mạng” đối với Dân thế nào, nhất là các Dân tộc Tây Nguyên? 

Ôn lại chuyện thời kỳ chiến tranh để biết những nỗi khổ của dân tộc, để thương nhau hơn; biết lòng Dân, biết sức Dân đã hy sinh để biết ơn Nhân Dân, thương Dân hơn và bớt làm khổ Dân đi. Nhất là biết những chuyện TA tự làm khổ TA để mà kinh hãi, để đừng thêm những chuyện vô minh vào trang sử của thời đại văn minh.


11/10/2023

Mạc Văn Trang


_____________


tle8464953 gởi