Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 

CHLOROQUINE: TỪ HY VỌNG ĐẾN NHỮNG HOÀI NGHI

 


Lời giới thiệu: Cách nay hơn tuần, nhân đọc trên Facebook của một người bạn học cũ giờ đây là bác sĩ y khoa tại La Baule có nói sơ qua về việc một cuộc thử nghiệm tại Marseille, nhưng sau đó mới được một vài người ở Mỹ bàn tán. Rồi sau đó là chuyện TT Trump hứa ẩu hứa tả rằng có loại thuốc mới dường như rất hữu hiệu, nhưng liền sau đó đã bị Bác sĩ Fauci chỉnh sửa ngay. Trong lúc tò mò tìm hiểu, mới thấy tờ Le Figaro có đăng nhiều bài viết liên quan mà đa số các tờ báo Anh ngữ đề cập đến. Do vậy, lần này xin được phép kể chuyện dựa theo những tin tức từ nước Pháp.  


Đó là tựa đề của một bài báo trên tờ Le Figaro, tờ nhật báo lâu đời nhất ở Pháp (xuất bản từ năm 1826) được phát hành ở thủ đô Ba Lê (Paris) và cũng là một trong những tờ báo lớn và uy tín nhất ở nước Pháp, cùng với hai tờ Le Monde và Libération. Bài viết của ký giả Cécile Thibert (Coronavirus: la chloroquine, de l’espoir et des doutes) nói đến việc loại thuốc Chloroquine, một thứ thuốc lâu đời để chống sốt rét, giờ đây đột nhiên được nói đến nhiều nhất và có một số người đề cao như là một niềm hy vọng lớn nhất để đối phó với cơn đại dịch CoVid-19 xuyên qua một vài trường hợp chữa trị từ một bệnh viện ở thành phố Marseille, miền nam nước Pháp. Nhưng cho đến nay tuyệt đại đa số các chuyên gia khoa học cũng như các bác sĩ và viên chức y tế công cộng đều chưa chấp nhận điều này, nếu không muốn nói là vẫn tỏ ý hoài nghi.


[Đối với những người Việt lớn tuổi, ắt hẳn nhiều người còn nhớ đến cái tên “ký-ninh” là phiên âm của chữ “quinine” theo tiếng Pháp để nói về một loại thuốc được xem như là “thuốc quý” để chữa trị sốt rét của thời xa xưa, cả trăm năm về trước, cho những người phải sống ở vùng rừng sâu nước độc và thiếu thốn những phương tiện về vệ sinh công cộng. Nó được khám phá gần 400 năm về trước, và được chiết xuất từ vỏ cây cinchona.


Cũng giống như tất cả mọi loại thuốc khác, cho dù có hữu hiệu và an toàn đến mấy, nó cũng có thể dẫn đến những phản ứng phụ, nhẹ thì là nhức đầu, ù tai, mắt mờ và đổ mồ hôi, còn nặng hơn thì có thể là điếc, làm giảm tiểu cầu (platelets) trong máu và tim đập thất thường. Đến năm 2006, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) đã không còn công nhận nó như là thuốc chính (first-line medicament) để chữa trị sốt rét. Trong một số trường hợp, thuốc quinine còn được dùng để chữa các chứng bệnh như lupus (một loại bệnh do hệ thống miễn nhiễm tự gây ra và khiến cơ thể bị viêm sưng và đau nhức) và bệnh thấp khớp, dĩ nhiên là phải có sự theo rõi kỹ lưỡng của bác sĩ kê toa để xem tiến triển của nó ra sao trên cơ thể bệnh nhân, vì nó có nhiều độc tố mà hai quả thận trong cơ thể cần phải sàng lọc. Quinine cũng là một chất được dùng trong nước uống loại “tonic water” hoặc nước ngọt giải khát như Diet Snapple.


Chloroquine cũng là một loại thuốc tương tự để chữa sốt rét, được khám phá từ năm 1934 bởi khoa học gia của Ý là Hans Andersag. Nó được tổ chức WHO đặt trong Danh sách Những Loại Thuốc Thiết Yếu, tức là những loại thuốc cần dùng trong hệ thống y tế được xem là an toàn và hữu hiệu nhất. Ngoài ra nó cũng rất rẻ. Vì có chứa nhiều độc tố khác, nên nó dễ khiến bệnh nhân gặp nguy hiểm nếu uống quá liều lượng. Một dạng biến thể của nó là hydroxy-chloroquine tương đối nhẹ hơn về độc tố, và đang được nói đến rất nhiều hiện nay trong việc đối phó với bệnh dịch CoVid-19.]


Cái tên của thuốc Chloroquine được lan truyền tại nhiều nơi trên thế giới trong những tuần lễ vừa qua cho đến khi nó lọt đến tai của Donald Trump thì mới được mọi người chú ý đến nhiều hơn do bởi những lời ca tụng có phần quá lố mà ông đưa ra trong một cuộc họp báo vào thứ Năm tuần trước. Theo lời của TT Trump, và nhiều người ủng hộ thi nhau phát tán những lời khen ngợi này loạn xạ trên nhiều diễn đàn truyền thông sau đó, loại thuốc chữa trị sốt rét rẻ tiền đã có từ lâu đời này bỗng nhiên được xem như là một loại “thần dược” để có thể chữa trị bệnh sưng phổi gây ra từ con coronavirus, một loại dịch bệnh được đặt tên chính thức là SARS-CoV-2, nhằm phân biệt với bệnh SARS đầu tiên cũng do một loại coronavirus khác vào năm 2002-2003, và lần này được gọi tắt là CoVid-19 (do bởi nó xuất phát vào cuối năm 2019 bên Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc ở Trung Cộng.)


Gọi là “thần dược” vì những kết quả ban đầu của nó dường như có phần khả quan nên một số chính trị gia tên tuổi ở Pháp đã không ngần ngại ca ngợi và kêu gọi là hãy nên cho sử dụng nó một cách rộng rãi để chữa trị cho tất cả các bệnh nhân đang bị lây nhiễm tràn lan tại các nước Âu Châu như Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha, Thuỵ Sĩ v.v. Trường hợp điển hình là ông Christian Estrosi, thị trưởng của thành phố Nice nổi tiếng ở miền nam nước Pháp, là người được xác nhận có dương tính với coronavirus, đã bắn một mẩu tuýt trên mạng Twitter để ca ngợi về sự hiệu quả của loại thuốc này và còn yêu cầu là hãy nên đem ra dùng cho các bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện CHU của thành phố Nice. (Xin mở một dấu ngoặc để nói đến hai loại trung tâm y tế lớn tại Pháp, thường gọi là CHR, Centre Hospitalier Regional, tức là những bệnh viện đa khoa hàng đầu cho một thành phố lớn, thường là tỉnh lỵ của một vùng ở nước Pháp, và CHU, Centre Hospitalier Universitaire, là một bệnh viện đa khoa tương tự nhưng đi kèm với trường đại học Y khoa của vùng đó. Tại đây, vị bác sĩ trưởng một ngành nào đó trong bệnh viện cũng là vị giáo sư trưởng ban môn học tương tự tại Đại học Y Khoa.)


Nội dung mẩu tuýt của ông Estrosi nói rằng ông rất hài lòng và mong mỏi rằng bệnh viện CHU ở Nice hãy thiết lập một chương trình điều trị theo đúng quy trình của Giáo sư Bác sĩ Didier Raoult với sự đồng ý của thân nhân trong gia đình của các bệnh nhân. Rồi từ đó, chương trình điều trị kiểu này có thể được nới rộng ra sau này để áp dụng trên toàn thành phố . . .

Sau đó là đến ông Julien Aubert, dân biểu đại diện vùng Vaucluse và thuộc đảng Cộng Hoà phe bảo thủ ở Pháp, đã gửi một bức thư lên TT Emmanuel Macron để hỏi thăm về chiến lược y tế đối phó với dịch bệnh coronavirus hiện nay. Ông ca ngợi chính sách tự cô lập dân chúng Pháp hãy ở trong nhà, đừng đi ra ngoài và tụ tập đông người trên đường phố để làm giảm nguy cơ lây nhiễm rất nhanh của cơn đại dịch. Tuy nhiên ông cho rằng không ai biết hậu quả của chính sách này nếu kéo dài trong nhiều tuần lễ sẽ ảnh hưởng tệ hại ra sao trên nhiều mặt, về kinh tế cũng như quyền tự do và tâm trạng bình thường của người dân. Sau đó ông đặt 3 câu hỏi trong đó có việc điều trị dịch bệnh này bằng thuốc Chloroquine.


Trong bức thư được ký tên cùng với 6 vị dân biểu khác, ông Aubert đặt câu hỏi vì sao một bác sĩ tài giỏi nổi tiếng như Giáo sư Didier Raoult, giám đốc Viện nghiên cứu về Bệnh truyền nhiễm tại Marseille, lại không phải là người đứng đầu của một hội đồng khoa học gồm các chuyên gia để cố vấn chính phủ Pháp về vấn nạn này. (Ông Raoult thật ra có được bổ nhiệm vào hội đồng khoa học này nhưng vài ngày sau đó đã tự ý xin rút tên ra khỏi.)


Liên quan đến việc điều trị dịch bệnh Covid-19 bằng thuốc chloroquine, các vị dân biểu này còn viết trong thư rằng họ không hiểu vì sao chính phủ nước Pháp còn chưa lấy quyết định sử dụng vũ khí này một cách rộng lớn? Họ cho rằng ngay cả tại hai nước Phi Châu cựu thuộc địa của Pháp là Tunisie và Maroc, chính quyền sở tại cũng vừa mới quyết định chấp nhận đem ra áp dụng. Và cuối cùng họ đã có phần cay đắng và mỉa mai để hỏi rằng “Phải chăng chúng ta (người dân Pháp) là những người cuối cùng đứng ra quyết định cách chống trả hữu hiệu đối với chứng bệnh này?”, trước khi chất vấn TT Macron rằng nước Pháp hiện nay còn dự trữ số lượng thuốc chloroquine đến mức nào để có thể chăm sóc cho mọi bệnh nhân.


Cũng trên tờ Le Figaro, một ký giả khác là Tanguy Berthemet cũng có một bài tường thuật về việc người dân và các giới chức tại các nước Phi Châu đang đổ xô đi mua thuốc chloroquine để dự trữ, tương tự như người dân tại một số thành phố lớn ở Hoa Kỳ đã đổ xô đi mua khẩu trang, thuốc rửa tay khử trùng và nhiều hàng hoá hết sạch trên các quầy của các đại siêu thị trong những tuần lễ trước đây.


Chỉ trong có vài ngày, hầu hết các tiệm thuốc tây ở Phi Châu đều hết sạch loại thuốc này. Gần như rất hiếm hoi để tìm đâu ra được một vài vỉ thuốc chloroquine tại những nước thuộc vùng phía Tây của Phi Châu, đặc biệt ở những nước như Burkina Faso, Senegal cũng như ở phía Trung của lục địa này như Cameroun.


Theo một cuộc nghiên cứu của Coraf (tức là coronavirus tại Phi Châu), rõ ràng là những thông tin phát tán trên các trang mạng xã hội lập lại những lời xác quyết của Giáo sư Didier Raoult rằng thuốc này có thể chống lại siêu vi khuẩn này, đã là động lực chính khiến cho mọi người ùn ùn đổ xô đi tìm mua nó về dự trữ. Việc chính quyền nước Maroc quyết định mua lại toàn bộ cổ phiếu của công ty Sanofi (là nơi sản xuất thuốc này) tại thành phố Casablanca, rồi sau đó là lời ca ngợi của TT Trump về sự hữu hiệu của nó lại càng đẩy mạnh hơn sự thôi thúc của nhiều người.


Tại thành phố Ouagagoudou là thủ đô của nước Burkina Faso, khi bản tin về bà Marie-Rose Compaoré là Phó Chủ tịch của Quốc hội trở thành nạn nhân đầu tiên bị tử vong vì Covid-19, sự hoảng loạn bắt đầu tràn lan trong dân chúng. Đứng trước nhu cầu gia tăng mạnh như vậy, các viện bào chế và nhà thương tại đây cũng như ở nước Senegal đang tìm đủ cách để thu mua cho đầy đủ số lượng cần thiết hầu tránh cảnh dân chúng có thể quá hoảng hốt và sẵn sàng chạy đi mua những loại thuốc này trên những thị trường chợ đen vốn thường có những loại thuốc giả cũng nguy hại không kém.


Hiện nay, tình hình lây nhiễm tại các nước vùng Phi Châu tương đối không lên cao (với đa số các nước chỉ có vài chục hoặc vài trăm người bị nhiễm) so với mức nguy hiểm như ở Âu Châu và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn lo ngại rằng một khi cơn dịch bệnh lan truyền sang vùng này, nó có thể tăng vọt mau lẹ như những nơi khác, và nhiều phần là sẽ dẫn đến những con số tử vong cao hơn rất nhiều do bởi nhiều yếu tố bất lợi vì đa số các nước ở Phi Châu đều nghèo đói, thiếu thốn nhiều phương tiện về vệ sinh công cộng như nước sạch, và đời sống dân chúng theo tập quán quây quần có lẽ chưa quen biết với những quy định tự cách ly.


Trong bối cảnh có phần căng thẳng và bi quan đó, người ta có thể hiểu vì sao mà nhiều người, kể cả một số các viên chức hữu trách, dễ có khuynh hướng sẵn sàng lao vào bất cứ phương pháp điều trị nào miễn là nó có vẻ hứa hẹn. Tuy nhiên, trong lãnh vực y khoa, có lẽ điều tốt nhất là đừng nên tự tin và vui mừng với kết quả chiến thắng quá sớm, bởi vì không ai biết được vận mệnh con người sẽ ra sao mỗi khi gặp phải những cơn bệnh quỷ quái hoặc hiểm nghèo. Chính vì vậy mà Bác sĩ Thierry Vial, giám đốc trung tâm giám sát về dược phẩm tại Lyon, đã đưa ra lời nhắc nhở rằng: “Hiện nay, chưa có một bằng chứng nào về tính hiệu quả của thuốc này đối với cơn dịch bệnh, trong vấn đề phòng chống hoặc ngay cả trong vấn đề điều trị.”


Với những kết quả sơ khởi được tường thuật trong những ngày qua, Bác sĩ Vial giải thích tiếp: “Chúng ta chỉ mới có được một số thông tin rất sơ khởi tuy rằng nó khiến chúng ta phấn khởi để đi tiếp bằng những cuộc thử nghiệm lâm sàng, nhưng những kết quả sơ khởi đó không đủ để có thể đem ra dùng như là phương cách điều trị chính thống đối với những người đang bệnh nặng.


Một vị đồng nghiệp của ông là Giáo sư Bernard Bégaud thuộc Phân khoa Dược của Đại học Bordeaux cũng đưa ra lời nhận định tương tự: “Khi đứng trước nhu cầu cấp bách, bao giờ người ta cũng dễ nảy sinh những ý định muốn đốt giai đoạn. Tuy nhiên, chúng ta không thể đưa ra một phương cách chữa trị như vậy mà không dựa trên một nền tảng vững chắc, nhất là khi thuốc chloroquine không phải là một loại thuốc vô hại.”


(Theo diễn đàn truyền thông The Paper đặt trụ sở tại Shanghai (Thượng Hải), một phụ nữ cư ngụ tại Vũ Hán vì nghĩ rằng mình có thể đã bị nhiễm Covid-19 nên bèn uống một liều lượng khá cao thuốc hydroxy-chloroquine, và sau đó đã bị thiệt mạng vì tim ngừng đập.)

 
Hầu như tất cả các nhà khoa học và các bác sĩ ở Pháp cũng như trên thế giới đều lựa chọn con đường cẩn thận và chắc ăn, chỉ riêng có một người. Đó là Giáo sư Didier Raoult, giám đốc viện nghiên cứu về bệnh dịch tại Marseille, một bác sĩ chuyên gia nổi tiếng trên thế giới về cách trị bệnh sốt rét cũng như nhiều loại dịch bệnh khác bằng loại thuốc này. Ông thường ca ngợi về những công dụng hữu hiệu của thuốc chloroquine và một loại biến thể của nó bớt độc tố hơn là hydroxy-chloroquine, trái ngược với các viên chức chính quyền về y tế công cộng không có ý định đem ra thử nghiệm.


CUỘC NGHIÊN CỨU CỦA GIÁO SƯ DIDIER RAOULT


Trong một đoạn phim video, Bác sĩ Raoult giải thích rằng ông đã điều trị cho khoảng 4,000 bệnh nhân bằng thuốc chloroquine trong vòng 25 năm qua. Đối với vấn đề làm sao kiểm soát sự tác hại của các độc tố trong thuốc này, Bác sĩ Raoult nói rằng: “Việc tìm hiểu những rủi ro về độc tố cho một loại thuốc đã được dùng từ hơn 60 năm qua chắc chắn là dễ dàng hơn việc tìm hiểu những rủi ro đối với một loại thuốc mới chưa bao giờ được thử nghiệm.”


Vào ngày 21/2 vừa qua, khi được phỏng vấn bởi đài truyền hình ở Trung Cộng, giáo sư Raoult đã đề nghị các bác sĩ của Tầu là hãy thử dùng thuốc chloroquine vì “ít ra nó sẽ hữu hiệu trong việc ngăn chặn siêu vi khuẩn không xâm nhập vào các tế bào.” Bốn ngày sau đó, ông đi khoe với các sinh viên rằng những cuộc thử nghiệm ở Trung Cộng đã xác nhận kết quả hữu hiệu của nó.


Đến ngày 27/2, ba chuyên gia của Đại học Qingdao (Thanh Đảo) đưa ra một bài viết trên trang mạng BioScience Trends để nói rằng cả hai thứ thuốc chloroquine và hydroxy-chloroquine đều đã được đem thử nghiệm với hơn 100 bệnh nhân tại 10 nhà thương. Dù không đưa ra chi tiết về kết quả, những người này xác nhận rằng các phân tử thuốc này “đều có kết quả điều trị tốt hơn những thứ khác trong việc giảm nhẹ tình trạng sưng phổi, cũng như cải thiện những hình chụp về phổi . . . và rút ngắn lại thời gian bị bệnh.


Dĩ nhiên, cái kết luận đột ngột như vậy, nhất là không đưa ra những cuộc thử nghiệm khác mà các chuyên gia đã dựa vào đó, gây khó chịu và nghi ngờ cho các nhà khoa học khác muốn được phân tích nó một cách chi tiết hơn trước khi thẩm định về mức độ khả thi và hiệu nghiệm. Tuy nhiên, những thông tin như vậy cũng đủ cho các chuyên gia của Trung Cộng và Nam Hàn đề nghị là đem ra thử nghiệm ngay cho những bệnh nhân bị sưng phổi vì dịch bệnh Covid-19. Tại Pháp, những loại thuốc này đều không được giữ lại trong một cuộc nghiên cứu của Âu Châu áp dụng nhiều loại thuốc khác cũng có kết quả hứa hẹn.


Với Bác sĩ Raoult, ông không thèm quan tâm chuyện đó. Bởi vì ông đã xin được sự chấp thuận cho một cuộc nghiên cứu trên 24 bệnh nhân. Ông giải thích rằng cuộc nghiên cứu thử nghiệm này có 2 mục đích: thứ nhất là cải thiện tình hình những bệnh nhân đang trong tình trạng ngặt nghèo, và kế đến là thử tìm hiểu xem có thể giảm thiểu nhanh chóng thời gian mang bệnh hay không. Tại Trung Cộng, những kết quả thu lượm được cho thấy là người ta có thể rút ngắn thời gian lại còn có 4 ngày sau khi được dùng thuốc, tức là người bệnh chỉ còn mang nguy cơ lây nhiễm sang người khác trong 4 ngày, thay vì kéo dài hơn như trước kia. 


Vào ngày 17/3 vừa qua, Bác sĩ Raoult đã công bố một cuộc nghiên cứu của ông được đăng trong một tập san y học mà chủ bút là một trong những chuyên gia cộng tác với ông tại Marseille với nội dung nói rằng thuốc hydroxy-chloroquine có thể làm giảm tỉ lệ những người bị nhiễm dịch bệnh chỉ sau 6 ngày điều trị. Ông tự khen mình như sau: “Chỉ sau 6 ngày điều trị, trong số những bệnh nhân nào không dùng thuốc này, có đến 80% tiếp tục mang mầm lây nhiễm, trong khi với những người dùng thuốc này, tỉ lệ đó đã tụt xuống còn có 25%.”


Chỉ vài giờ đồng hồ sau đó, bài nghiên cứu này đã được phát tán rộng rãi khắp nơi trên thế giới, tạo ra một làn sóng phấn khởi cho nhiều người. Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia và bác sĩ khác đã nhanh chóng vạch ra những giới hạn của nó. Họ cho rằng con số những bệnh nhân được thử nghiệm quá nhỏ nhoi (chỉ có 36 người), lại không có những dữ liệu quan trọng và cốt yếu (chẳng hạn như người ta không rõ là nồng độ siêu vi khuẩn trong cơ thể của 12 người trong số 16 bệnh nhân không dùng thuốc), không có tiêu chuẩn lựa chọn bệnh nhân một cách ngẫu nhiên, không có thử nghiệm so sánh với những bệnh nhân dùng thuốc placebo v.v. Có thể nói là không có một tiêu chuẩn nghiên cứu khoa học nào được tôn trọng lần này. Một bác sĩ chuyên khoa về bệnh dịch truyền nhiễm đã phê bình: “Phương pháp làm việc của cuộc nghiên cứu này thật quá tệ.” Và Tổng trưởng Olivier Véran của Bộ Y Tế Pháp cũng nhận định: “Không bao giờ có một quốc gia nào trên thế giới có thể cho phép một cuộc điều trị dựa trên một cuộc nghiên cứu như kiểu này.”


Để nhắc lại chuyện thuốc chloroquine không phải là một loại thuốc vô hại, vào ngày 17/3 vừa qua sau cuộc họp của nội các Pháp, bà Sibeth Ndiaye là nữ phát ngôn viên của TT Macron đã nhắc đến “một cuộc thử nghiệm lâm sàng đối với 24 bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 với những kết quả đầy hứa hẹn”. Nhưng liền sau đó bà liền đưa ra lời cảnh báo rất rõ ràng: “Tôi muốn tất cả mọi người phải lưu ý rằng, chớ có nên vội vã chạy đi mua loại thuốc hydroxy-chloroquine tại các tiệm thuốc tây. Thứ nhất là vì nếu quý vị uống quá liều lượng, quý vị sẽ gặp nhiều hậu quả tồi tệ, và sau đó là vì chúng ta hiện nay chưa có bằng chứng gì thuốc đó có công hiệu.


Một trong những khuyết điểm quan trọng của cuộc nghiên cứu của Bác sĩ Raoult: đó là nó không cho biết chút nào về tiến trình lâm sàng của các bệnh nhân. Cuộc nghiên cứu này chỉ nhằm chú ý đo lường số lượng các siêu vi khuẩn Covid-19 đang nằm trong mũi hoặc miệng của bệnh nhân. Bởi vì theo như lời giải thích của Giáo sư Mathieu Molimard là trưởng khoa dược của Đại học Bordeaux: “Vấn đề không phải chỉ là để chứng minh rằng thuốc này có công hiệu làm giảm bớt nồng độ siêu vi khuẩn trong người, bởi vì nó còn phải chứng minh kết quả hữu hiệu của nó ra sao đối với sức khoẻ của bệnh nhân. Liệu việc làm giảm bớt nồng độ siêu vi khuẩn trong mũi có ngăn cản đà tiến mạnh của dịch bệnh hay không?


Nói một cách đơn giản và bình dân, liệu việc đó (giảm bớt số lượng siêu vi khuẩn ở mũi có giúp cho bệnh nhân sớm khỏi bệnh hay không. Bởi vì cuộc nghiên cứu này cũng cho thấy một bệnh nhân được dùng thuốc này vào đêm trước khi chết cũng hết còn nhiễm siêu vi khuẩn nữa (nhưng rồi cũng đã chết). Vì thế nên yếu tố rút giảm bớt nồng độ siêu vi khuẩn trong mũi hay miệng có thể không nên là yếu tố quan trọng nhất để thẩm định mức độ hữu hiệu của loại thuốc này.


Để bổ túc điều này, Giáo sư Jean-Francois Timset, trưởng khoa hồi sức và bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viên Bichat ở Paris, giải thích: “Chúng ta biết rằng một số các bệnh nhân không còn có siêu vi khuẩn ở mũi và cổ họng, nhưng đồng thời họ cũng còn có siêu vi khuẩn ở trong phổi. Và toán các bác sĩ của Giáo sư Raoult đã không chịu thử nghiệm các tế bào ở trong phổi để nghiên cứu cho đầy đủ.”


Dẫu sao đi nữa, Tổng trưởng Y Tế Olivier Véran vào ngày thứ Bảy vừa qua đã tuyên bố rằng các chuyên gia sẽ cho thử nghiệm thuốc hydroxy-chloroquine ở một tầm mức rộng lớn hơn bởi nhiều đội ngũ chuyên gia tại Âu Châu. Và mọi người có thể chờ đợi những kết quả trong khoảng 2 tuần sau đó.


Trong một chừng mực nào đó, người ta có thể nói rằng việc cẩn trọng và chừng mực vẫn là điều tốt hơn là vội vã để tránh những sơ suất tai hại. Bởi vì giống như tất cả những loại thuốc trên đời, các thứ thuốc như chloroquine hoặc hydroxy-chloroquine cũng đều có những phản ứng phụ không tốt lành hoặc mong muốn. Tại Trung Cộng, sau gần một chục cuộc nghiên cứu lâm sàng về việc sử dụng thuốc hydroxy-chloroquine, các giới chức y tế đã phải siết chặt hơn nữa những quy định đòi hỏi cho việc dùng nó. Các bác sĩ tại đây không được kê toa thuốc này cho những phụ nữ đang mang thai, hoặc là những người đang có bệnh tim, bệnh thận hoặc viêm gan v.v. Một loại bệnh nhân cũng có nhiểu rủi ro với loại thuốc này, đó là những người đang dùng một loại thuốc trụ sinh là azithromycine. Trớ trêu thay, đây là loại thuốc mà toán nghiên cứu của Giáo sư Raoult đang muốn thử nghiệm với những bệnh nhân để cùng uống với thuốc hydroxy-chloroquine.


Riêng tại Hoa Kỳ, có nhiều người đã tung ra những mẩu tin thuộc loại “Tin Vui Cho Người Mỹ và Nhân Loại” để ca ngợi việc TT Trump đồng ý để cho cơ quan FDA cho phép thử nghiệm dùng một vài loại thuốc như Plaquenil và Remdesivir trong việc đối phó với coronavirus.


Trong bối cảnh TT Trump bị chỉ trích là đã lơ là và xem thường nguy cơ của dịch bệnh này trong nhiều tuần qua vì nhiều lý do (quá chủ quan, thiếu hiểu biết, không chịu nghe lời khuyến cáo của các viên chức y tế cao cấp, kể cả việc lo ngại báo động có thể tác hại về kinh tế v.v.) nên giờ đây các tay nhà báo bảo thủ bèn xoay qua ca tụng việc làm và cố gắng của TT Trump bằng cách đề cao những dự định này, trong khi tất cả các bác sĩ và giới chức y tế của Hoa Kỳ cũng như của cả thế giới đều biết rõ về nó từ lâu.


Chính vì thế mà Bác sĩ Anthony Fauci, người đứng đầu cơ quan y tế NIH của Hoa Kỳ và chuyên về bệnh truyền nhiễm, đã từng nhiều lần không ngần ngại “sửa lưng” TT Trump trong những cuộc họp báo lớn khi ông Trump thường nói đại theo kiểu tự ý của mình, bởi vì ông Fauci được xem như là chuyên gia số một hiện nay của Hoa Kỳ về bệnh dịch, và có lẽ ông không ngại việc mình có thể bị TT Trump quyết định sa thải sau đó. Bác sĩ Fauci giải thích rằng những kết quả được kể là “khả quan” đó (của Giáo sư Raoult tại Marseille) theo như câu hỏi của một phóng viên cũng chỉ là “anecdotal evidence”, tức là những bằng chứng lẻ tẻ được nghe kể lại, chứ chưa phải là những bằng chứng theo kiểu chính qui, tức là theo kiểu nghiên cứu lâm sàng với số lượng lớn để có thể rút ra kết luận vững chắc, vốn là tiêu chuẩn lâu đời rất đáng tin cậy của ngành y học Âu Mỹ. Ông Fauci là bác sĩ chuyên gia hàng đầu của Hoa Kỳ trong vai trò cố vấn cao cấp cho 6 đời tổng thống từ Reagan đến nay, với hơn 30 năm nghiên cứu và đối phó với đủ loại dịch bệnh hắc ám về virus như HIV, SARS, MERS, Ebola, Cúm Gia Cầm, Cúm Heo v.v. và dĩ nhiên là người dân tin tưởng vào ông hơn là cái “hunch”, cái “gut feeling”, cái cảm giác đầy lạc quan nhưng ẩu tả như TT Trump. 


MAI LOAN

Houston, Texas, ngày 24 tháng 3/2020


anhtuantaberd74@gmail.com


usaelection g
ởi