Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 


Chùa Vĩnh Nghiêm



Chùa Vĩnh Nghiêm là một trong số những ngôi chùa có cấu trúc hiện đại trước 1975. Chùa tọa lạc tại trung tâm Quận 3 trên đường Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa hiện nay), được xây dựng bằng bê tông cốt thép do kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng thiết kế tọa lạc trên mảnh đất rộng để khách thập phương thuận tiện chiêm bái.


Bảo tháp 7 tầng xây bằng đá trong khuôn viên chùa Vĩnh Nghiêm  

Kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng

Danh tiếng kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng được biết đến với nhiều công trình trùng tu và xây mới, chủ yếu là các chùa tại Việt Nam. Ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, di cư vào Nam, theo học Trường Cao đẳng Kiến trúc ở Đà Lạt và sau đó là Sài Gòn. Ông từng làm việc cho Sở Bảo tồn Cổ tích Quốc Gia tại Hà Nội, sau khi vào Nam ông vừa đi làm vừa tiếp tục theo đuổi ngành kiến trúc, và làm việc tại Viện Khảo Cổ Sài Gòn chuyên về kiến trúc và mỹ thuật cổ truyền cho đến 1974, ông rời Sài Gòn và định cư tại Pháp. Có thể điểm qua những công trình tiêu biểu của ông như sau:

Giai đoạn 1950-1955

Trùng tu Trấn Ba Đình ở Đền Ngọc Sơn và tu sửa Đền Lý Quốc Sư (hợp tác với kiến trúc sư Nguyễn Gia Đức); tu sửa Đền Tú Uyên, đền Voi Phục và đền Quan Thánh ở Hà Nội; dựng lại cầu Thê Húc năm 1953; lập họa đồ và trùng tu Chùa Một Cột năm 1955 sau khi Liên Hoa Đài bị phá sập năm 1954.

Giai đoạn từ 1955-1975

Xây dựng Chùa Xá Lợi năm 1958; xây Đền thờ và Bảo tàng Kalong Chàm ở Phan Rí năm 1960; Chùa Vĩnh Nghiêm, Sài Gòn 1964-1971; Chùa An Quốc trong Cư xá sĩ quan Chí Hòa, Sài Gòn năm 1972-1975; Viện Đại học Vạn Hạnh; thiết kế trùng tu Đền thờ Nguyễn Huỳnh Đức ở thị xã Tân An; nới rộng thêm Bảo tàng Quốc gia Việt Nam ở Sài Gòn (nay là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam), Viện Bảo tàng Huế và Bảo tàng Chàm ở Đà Nẵng; Miếu Bà Chúa Xứ trên núi Sam, Châu Đốc năm 1973-1975 hợp tác với kiến trúc sư Huỳnh Kim Mãng. Công trình Chùa Bà Chúa Xứ là công trình cuối cùng của ông tại miền Nam mà ông không ở lại để dự lễ khánh thành khi biết cục diện chiến trường thay đổi, ông cùng gia đình di cư sang Pháp trước khi chính biến Tháng 4/1975 xảy ra.


Kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng (ngồi) tại Paris năm 1996 (Ảnh: Internet)

Giai đoạn sau 1975

Chùa Quan  Âm tại Paris đường Champigny sur Marne, Pháp; Chùa Tịnh Tâm tại Sèvres, ngoại ô Paris; Liên Hoa đài tại Làng Mai ở Pháp; Việt Nam Phật Quốc Tự, Bồ Đề Đạo Tràng, Lâm Tỳ Ni ở Ấn Độ.

Chùa Vĩnh Nghiêm và ý nghĩa chỉnh trang đô thị

Việc xây dựng Chùa Vĩnh Nghiêm có một ý nghĩa lớn về chỉnh trang đô thị cũng như góp phần phát triển Phật giáo tại Sài Gòn. Quy hoạch đô thị Sài Gòn của Pháp trước đó, chú trọng nhiều đến các công trình Công giáo. Một trong những công trình tôn giáo có từ thời Pháp bước chân vào Sài Gòn, rồi sau đó mở rộng kiến tạo đô thị tại trung tâm Quận 1 là Nhà thờ Đức Bà, có trung tâm công viên, và bao quanh bởi các công sở quan trọng. Để cân bằng các công trình tôn giáo và chỉnh trang đô thị Sài Gòn sau khi Pháp thua trận rút quân khỏi Việt Nam, chính quyền đương thời bắt đầu nghĩ đến dành một mảnh đất rất lớn xây cất Việt Nam Quốc Tự trên đường Trần Quốc Toản thuộc Quận 10. Mặc dầu, quận 10 được xem là nội thành nhưng khu trung tâm đô thị sầm uất nhất là Quận 1 và Quận 3. Đất công tại Quận 1 không còn, nhà cửa mọc lên san sát và nhất là không thể phá vỡ quy hoạch đã hình thành trước đó.

Khi đó, Chủ tịch Uỷ ban Hành pháp Trung ương Sài Gòn là tướng Nguyễn Cao Kỳ đã ủng hộ Nha Kiến thiết Đô thành Sài Gòn thiết lập đồ án xây Chùa Vĩnh Nghiêm, giao cho kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng thiết kế. Về mặt kiến trúc, ông được nhắc đến là người đầu tiên dùng vật liệu hiện đại bê tông để thực hiện một công trình mang nét kiến trúc truyền thống Việt Nam. Đây cũng được xem là công trình đầu tay và cũng nổi bật nhất, giá trị nhất, tiêu biểu nhất của ông. Công trình này xây dựng từ năm 1964 đến năm 1971 mới xong về cơ bản toà Phật Điện, toà Bảo Tháp và cổng Tam Quan. Đây là ngôi chùa có quy mô vào loại lớn nhất ở Sài Gòn, khuôn viên trên 6000 mét vuông.

Sở dĩ chùa mang tên Vĩnh Nghiêm nguyên do là ngày xưa từ thời nhà Trần ở tỉnh Bắc Giang ngoài Bắc đã hình thành một Tùng Lâm viện (tức Chùa Vĩnh Nghiêm). Bao quanh chùa là ngã 3 sông, phía Lục Đầu Giang – Kiếp Bạc có cửa ngõ đi vào rừng núi Yên Tử. Một tấm bia chùa dựng viết:  “Ðức Tổ Điều Ngự (tức Trần Nhân Tông) khi mở Tùng Lâm này, mở cả chợ chùa. Các vị vương thân quốc thích và khách thập phương đã phát tâm tậu nhiều ruộng cúng cho chùa, gồm cả ruộng trong xã và ruộng ở các hạt khác nữa”. Trải qua nhiều đời trụ trì, chùa vẫn tồn tại đến ngày nay.

Hiệp định Genève 1954 chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp trên bán đảo Đông Dương, chia cắt 2 miền, một số nhà sư miền Bắc di cư vào Nam trong đó có Hoà thượng Thích Tâm Giác, Thích Thanh Kiểm và các Tăng, Ni mong muốn có một chùa Vĩnh Nghiêm mới trên đất Sài Gòn để làm nơi tu hành truyền bá Phật pháp. Chùa Vĩnh Nghiêm được xây dựng đáp ứng nguyện vọng của các Tăng, Ni. Hoà Thượng Thích Tâm Giác   lên làm trụ trì đời đầu đến năm 1973 thì viên tịch trao lại chức trụ trì đời thứ 2 cho Hoà thượng Thích Thanh Kiểm. Chùa Vĩnh Nghiêm trong giai đoạn này đã hoàn thành đầy đủ các công trình, xứng đáng là một trong những ngôi chùa lớn nhất Sài Gòn. Tăng, Ni Phật tử tu đạo càng đông, thu hút khách thập phương hằng ngày đến viếng thăm chiêm bái.


Chùa Vĩnh Nghiêm mang nét kiến trúc hiện đại nhưng không làm mất vẻ tôn nghiêm (Nguồn: Manhhaiflickr)

Nét đẹp chùa Vĩnh Nghiêm

Điểm nổi bật của Chùa Vĩnh Nghiêm là ngôi tháp 7 tầng còn gọi là Tháp Quán Thế  Âm, cao 40 mét mái cong tao nhã nằm bên trái chánh điện, thu hút chú ý từ xa của du khách đi từ 2 hướng. Tháp này được xây trước 1975, sau này trong khuôn viên chùa xây thêm những bảo tháp khác làm nơi thờ phụng các hoà thượng trụ trì viên tịch. Chẳng hạn Tháp đá Vĩnh Nghiêm thờ Hoà thượng Thích Thanh Kiểm. Tháp được làm từ đá thiên nhiên cao 14 mét chia làm 7 tầng “thất cấp phù đồ”. Đây là một ngôi tháp dựa theo mô hình tháp Bút ở Hà Nội. Tuy được xây sau này, các hoạ tiết có độ nổi (dày) chạm khắc công phu, ngàn năm sau vẫn chưa mờ.  Pulau Bidong hòn đảo bao dung

Kiến trúc chùa hình chữ công, gồm cổng tam quan mái ngói đỏ uốn cong và tòa nhà trung tâm. Tòa nhà trung tâm có 2 tầng. Tầng trệt chia làm 2 phần: phần ngoài là một sảnh rộng làm chỗ cho khách đến chùa nghỉ chân, ở đó có phòng đọc sách; phần trong chia thành giảng đường, văn phòng và các phòng tăng … Từ đây, có 3 cầu thang rộng dẫn lên sân thượng phần ngoài và chánh điện phần trong. Góc bên phải sân thượng có gác chuông, treo một Đại Hồng Chung đường kính 1.8 mét do các Phật tử dòng Tào Động ở Nhật Bản tặng năm 1969 để cầu nguyện cho Việt Nam sớm hòa bình. Phần trong chánh điện to rộng cửa cao để lấy ánh sáng, nền cao hơn sân thượng, có tam cấp.

Chánh điện có kiến trúc kiểu chùa cổ miền Bắc với các góc mái uốn cong chồng diêm 2 lớp. Chính giữa nóc Phật điện gắn bánh xe pháp luân, các góc gắn hình đầu phượng. Phật điện gồm nhà Bái điện thờ Phật Thích Ca (ở giữa), Bồ Tát Văn Thù (bên trái) chủ về chân lý và Bồ Tát Phổ Hiền (bên phải) biểu thị cho trí tuệ. Nhà Bản điện thờ Phật A Di Đà và nhà Địa Tạng đường thờ Địa Tạng Bồ Tát.

Bái điện là nơi thờ Phật nguy nga với không gian rất rộng. Các cột, rui mè và mái ngói đều được đúc bằng bê-tông cốt sắt. Ở 2 phía hàng hiên, mỗi bên đặt một pho tượng Kim Cang bằng đồng khá lớn. Những công trình chạm khắc gỗ gồm bao lam tứ linh, bao lam cửu long và đặc biệt là các phù điêu chạm khắc các ngôi chùa danh tiếng ở trong nước và một số nước Châu Á. Những công trình này đều có giá trị cao về mặt nghệ thuật điêu khắc gỗ.

Tất cả các công trình chính của chùa đến nay vẫn bền chắc và có thêm vài toà bảo tháp mới xây sau này. Riêng cổng tam quan của chùa được di dời do mở rộng đường Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa) hồi năm 2005. Nhà chùa muốn giữ lại hiện trạng nguyên thuỷ của cổng tam quan nặng 120 tấn này không muốn phá bỏ xây mới. Và cũng trong năm này, kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng mất, thọ 85 tuổi tại Paris.


_____________



Đỗ Hứng gởi




 

 

Khuôn viên Chính điện nhìn từ tháp chuông (Nguồn: Manhhaiflickr)