Chúng Ta Nên “Làm Sao Để Chế Phục Tâm Mình ?”
Trong Kinh Kim Cang, Tu Bồ Đề hỏi Thế Tôn: “Thiện nam tử, thiện nữ nhân, khi phát tâm A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, nên an trụ như thế nào? Nên chế phục tâm mình như thế nào?” Phật dạy:
“Nên an trụ như thế này, nên chế phục tâm mình như thế này.”
Chữ “chế phục” có nghĩa là cấm chỉ. Làm cho tâm không chạy loạn, chính là chế phục tâm mình.
Nói về việc phát Bồ Đề tâm, tâm này vốn có sẵn nơi mỗi người, ai ai cũng đều có, toàn bộ Đại Tạng Kinh chỉ nói về tâm này. Thế Tôn đêm ngắm sao mai, bỗng nhiên đại ngộ, thành đẳng chánh giác, Ngài than rằng: “Lạ thay! Tất cả chúng sanh, đều đầy đủ trí tuệ đức tướng của Như Lai, chỉ vì vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng đắc.”
Có thể thấy, mỗi người vốn dĩ đều là Phật, đều có đức tướng. Còn chúng ta bây giờ vẫn là chúng sanh, chỉ là vì có vọng tưởng chấp trước mà thôi. Cho nên Kinh Kim Cang bảo chúng ta phải chế phục tâm mình như vậy. Pháp Phật nói, chỉ cốt để con người nhận ra tâm này.
Kinh Lăng Nghiêm nói: “Các ngươi nên biết, tất cả chúng sanh, từ vô thủy đến nay, sanh tử tương tục, đều do không biết chân tâm thường trụ, thể tính thanh tịnh sáng suốt, mà dùng các vọng tưởng, tưởng này không thật, nên có luân chuyển.” Tổ Đạt Ma sang Tây, chỉ là trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật, ngay lập tức rõ ràng vô sự. Thiền sư Pháp Hải tham yết Lục Tổ, hỏi rằng: “Tức tâm tức Phật, xin Tổ chỉ dạy.” Tổ dạy: “Niệm trước không sanh tức là tâm, niệm sau không diệt tức là Phật.” “Thành tựu mọi tướng tức là tâm, rời xa mọi tướng tức là Phật.”
Thiền sư Trí Thông đọc Kinh Lăng Già khoảng ngàn lượt, không hiểu ba thân tứ trí, lễ Lục Tổ xin giải nghĩa. Tổ dạy: “Ba thân là: Thanh tịnh Pháp thân, là tánh của ông; Viên mãn Báo thân, là trí của ông;
Thiên bá ức Hóa thân, là hạnh của ông. Nếu rời bổn tánh mà nói riêng ba thân, thì gọi là hữu thân vô trí. Nếu ngộ ba thân không có tự tánh, thì gọi là tứ trí Bồ Đề.”
Mã Tổ nói: “Tức tâm tức Phật.” Ba đời chư Phật, các Tổ sư lịch đại, đều nói về tâm này. Chúng ta tu hành cũng tu tâm này, chúng sanh tạo nghiệp cũng do tâm này; tâm này chưa sáng tỏ, cho nên cần phải tu phải tạo, tạo Phật tạo chúng sanh, tất cả duy tâm sở tạo.
Tứ Thánh Lục Phàm Thập Pháp Giới, không ngoài một tâm. Tứ Thánh là Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn. Lục Phàm là Trời, Người, A Tu La, Súc Sanh, Ngạ Quỷ, Địa Ngục. Trong Mười Pháp Giới này, dưới Phật thì chín giới còn lại đều gọi là chúng sanh. Tứ Thánh không chịu luân hồi, Lục Phàm luân chuyển sanh tử, bất kể là Phật hay chúng sanh, đều do tâm tạo. Nếu người nhận ra tâm, đất rộng không tấc đất, vậy đâu còn mười pháp giới nữa?
Mười pháp giới đều từ một niệm sanh: Nhất thừa tùy duyên, vạn đức trang nghiêm, là Phật pháp giới; viên tu Lục độ, nhiếp hết vạn hạnh, là Bồ Tát pháp giới; thấy giới hạn nhân duyên, chứng lý thiên không, là Duyên Giác pháp giới; công thành Tứ đế, trở về Niết Bàn, là Thanh Văn pháp giới; rộng tu giới thiện, tạo nhân hữu lậu, là Thiên Nhân pháp giới; ái nhiễm không dứt, duy trì các duyên lành, là Nhân Đạo pháp giới; thuần chấp tâm thắng, thường mang sân hận tranh đấu, là A Tu La pháp giới; ái kiến làm gốc, tham lam làm nghiệp, là Súc Sanh pháp giới; tham dục không dứt, si tưởng hoành hành, là Ngạ Quỷ pháp giới; ngũ nghịch thập ác, phỉ báng pháp phá giới, là Địa Ngục pháp giới.
Vì mười pháp giới không rời một tâm, nên tất cả pháp tu đều là tu tâm. Tham thiền, niệm Phật, tụng kinh, lễ bái, công phu sáng tối, mọi hành vi chi tiết, đều là tu tâm. Tâm này không buông xuống được, nổi vô minh, ham ăn lười làm, v.v., thì sẽ đọa lạc. Trừ bỏ tập khí, chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, thì sẽ thăng tiến.
Tự tánh vốn dĩ là Phật, đừng vọng cầu, chỉ cần trừ bỏ các tập khí tham sân si, tự thấy bản tánh thanh tịnh, tùy duyên tự tại. Giống như lúa mì, sau khi xay thành bột, thì ngàn biến vạn hóa, có thể làm tương, làm mì, làm bánh bao, làm bánh chẻo, làm quẩy, làm bánh rán, đủ loại hình dáng, tùy bạn tạo tác.
Nếu biết đó là lúa mì, thì sẽ không bị các hiện tượng như bánh bao, bánh chẻo, quẩy làm mê hoặc. Bánh bao, màn thầu, hai tên một thực, đừng đến phương Bắc không nhận ra màn thầu, đến phương Nam không nhận ra bánh bao. Nói đi nói lại, vẫn là quét sạch tập khí, thì có thể chế phục tâm mình. Đi đứng nằm ngồi, động tịnh nhàn bận, không khởi tâm động niệm, chính là chế phục tâm mình. Nhận ra tâm là bột mì, khắp mọi nơi không gì không phải bột mì, thì không xa đạo là mấy.
H.T Hư Vân
_________________
Hoang Nguyen gởi
