Võ sư Lê Sáng không bao giờ đề cập đến quyền cước của môn phái mà ông chỉ nhấn mạnh đến tinh thần của nó. Ông nói nhiều đến điều gọi là “cách mạng tâm thân” để giữ vững tinh thần anh em chúng tôi và để hướng về tương lai. Võ sư thường nhấn mạnh: “Ở trong tù, đói khát như thế này thì làm sao gia đình thỏa mãn nhu cầu cho chúng ta được. Phải biết sống về tinh thần. Thực phẩm chỉ là phụ đệm”.
Dĩ nhiên, chúng tôi hiểu rằng nói thì dễ nhưng làm rất khó. Nhưng nhìn dáng dấp ông lúc nào cũng vững chãi, đường bệ, với hàm râu dài, nụ cười rất tươi, đôi mắt sáng quắc, ăn nói không thừa, không thiếu, giọng nói mạnh, sang sảng nhưng ôn tồn, lịch sự ngay cả khi trả lời những câu hỏi rất thiếu giáo dục của bọn cán bộ trại giam, chúng tôi vững tin ở cách rèn luyện tinh thần mà ông thường chỉ dạy cho anh em trẻ chúng tôi.
Võ sư Lê Sáng là người rất uyên bác về thơ đường luật. Có nhiều buổi tối ông ngâm thơ Đường luật cho chúng tôi nghe, nhưng anh em thích nhất là khi ông ngâm bài “Hồ Trường”. Nhiều anh em, đã không tránh được ngậm ngùi mỗi lần nghe ông ngâm bài thơ này. Ông cũng ít kể chuyện, nhưng khi nghe ông kể chuyện võ hiệp của Kim Dung hay kể về bộ truyện Tàu Tam Quốc Chí, anh em trong buồng giam theo dõi một cách hào hứng, có thể quên đói và quên hẳn cảnh tù đày.
Sống trong môi trường bị giam hãm như vậy, mỗi hành động của những tù nhân nổi tiếng trong buồng giam 14 khu ED đều bị chú ý. Chẳng hạn như cứ vào mỗi buổi sáng, vị phó đại sứ Nam Hàn sửa lại bộ quần áo tù cho chỉnh tề, rồi ông bước lại chiếu nằm của ông Phan Huy Quát, bắt tay vị cựu thủ tướng này, cúi gập đầu xuống để chào và sau đó hai người mới thăm hỏi sức khỏe của nhau. Võ sư Lê Sáng nói với chúng tôi: “May mà trong cảnh nhiễu nhương hỗn tạp, giậu đổ bìm leo này, trong buồng giam vẫn còn có được những hình ảnh đẹp đẽ của nền văn minh”.
Khi chúng tôi bị chuyển lên trại Hàm Tân Z-30C vào những tháng đầu của năm 1977, đám vệ binh giải giao thường dùng dây xích cứ 5 người một rồi khóa vào chân ghế ngồi trên những chiếc xe đò.
“Xâu” đầu tiên được đưa lên xe gồm những người mà tôi còn nhớ rõ, đó là Võ sư Lê Sáng, ông Phan Bá Cầm, nhà báo Lâm Tường Dũ, Đoàn Bá Phụ (cựu trung úy Nhảy Dù) và tôi. Lên đến trại Hàm Tân, chúng tôi và Võ sư Lê Sáng vẫn được phân phối vào một trại lao động. Sau khi ở Hàm Tân Z-30C được vài tháng thì võ sư Lê Sáng bị dẫn vào nhà kỷ luật và bị cùm lần thứ nhất trong đời tù chỉ vì ông có bộ râu dài.
Viên cán bộ an ninh trại cho gọi thợ hớt tóc (cũng là mấy anh em tù cải tạo) đến. Võ sư Lê Sáng ôn tồn: “Cán bộ muốn cạo thì xin cứ thi hành, nhưng tôi không vi phạm nội qui của trại, cán bộ nên nhớ như thế nhé”. Ông đứng im lặng như một gốc cây, mắt sáng quắc nhìn thẳng vào mặt Tý. Nhưng khi thợ hớt tóc vừa đến gần ông, thì Tý gọi giật lại: “Thôi. Cứ để cho anh ấy để râu, nhưng đem cùm xem có chịu cạo râu không”. Võ sư Lê Sáng bị cùm hai tuần lễ, nhưng kể từ sau đó, không ai trong trại giam còn để ý gì đến râu tóc của võ sư Lê Sáng nữa.
Khó khăn thứ hai của Chưởng môn Việt võ đạo là do chính tiếng tăm của ông. Không hiểu nhóm công an vũ trang chuyên canh gác tù ở các bãi lao động bàn tán với nhau như thế nào, mà không một tên nào dám đi gần ông. Tại bãi lao động, một tù cải tạo phải đứng cách xa lính canh 5 thước, khi phải báo cáo xin đi tiểu tiện, nhưng, riêng võ sư Lê Sáng phải đứng cách vệ binh 10 thước. Biết được điều đó, nên võ sư Lê Sáng rất thận trọng trong đi đứng tại bãi lao động để tránh hiểu lầm. Một lần, buổi sáng tập họp trước cổng trại giam để xuất trại đi lao động, võ sư Lê Sáng bị kêu ở lại trại để “làm việc”. Buổi trưa khi lao động về, chúng tôi túm lại hỏi ông xem có chuyện gì, nhưng ông chỉ cười và nói : “Chẳng có chuyện gì cả. Vài học trò cũ của tôi từ Bắc vào thăm”.
Sau này, trong những lúc ngồi nói chuyện riêng tư vào những ngày nghỉ lao động, võ sư Lê Sáng cho biết là Hà Nội nghe tiếng ông, muốn vào thăm ông và cho người thử thách, nhưng ông từ chối vì, theo lời ông, “tôi học võ để rèn luyện tinh thần, không phải là để thi đấu, tôi là chưởng môn mà còn đi dương danh là một lỗi lầm với môn phái, tôi không làm điều ấy”.
Chúng tôi ở với nhau ở Hàm Tân Z-30C đến năm 1979 thì bị chuyển trại theo phương án 4 tức được lọc lựa ra và đưa vào danh sách “chết”, tức là danh sách không thể cải tạo được, và không bao giờ được xét tha theo quan điểm của trại giam. Thế là đang đêm chúng tôi lại bị gọi tên, bị xiềng đưa lên xe đò và đưa lên A-20 Xuân Phước, tức trại trừng giới.
Tôi đã viết khá nhiều điều về trại này, nên ở đây tôi chỉ nói đến hoàn cảnh của Chưởng môn Việt võ đạo khi bị đưa đến cái trại nổi tiếng khủng khiếp này trong suốt giai đoạn I, từ 1980 cho đến cuối 1988. Đến A-20 được 3 tháng thì Chưởng môn Vovinam Lê Sáng vào cùm ngay. Lần vào cùm này, không do bất cứ một lỗi lầm về nội qui của võ sư Lê Sáng, mà chỉ vì ông được sự kính nể và quí mến của anh em trong trại tù tập trung cải tạo, tù chính trị có án hay tù hình sự, ở cách ông cư xử và chia xẻ đói khổ với anh em, ở tinh thần vững chãi, để đối phó với mọi hoàn cảnh khó khăn cùng quẫn trong tù, ông cũng không hé ra một lời nào có thể làm hại đến người khác.
Trong bối cảnh này, bọn trại giam nhắm vào việc triệt hạ những thần tượng của tù cải tạo. Cũng chỉ vì thế mà Chưởng môn Việt võ đạo Lê Sáng vào cùm hết một năm. Khi ra khỏi nhà kỷ luật, sức khỏe của cụ có sa sút, nhưng giọng nói vẫn sang sảng và đôi mắt vẫn sáng quắc. Ra khỏi nhà kỷ luật hôm trước thì hôm sau ông đi lao động ngay. Võ sư Lê Sáng nói: “Ra ngoài cho khỏe”. Quả thật sức khỏe của võ sư Chưởng môn Vovinam phục hồi rất nhanh. Ông nói: “Vì khí trời”. Khi võ sư Lê Sáng về tiếp tục sinh hoạt ở đội lao động được vài tuần lễ, thì tôi cùng một số bạn khác vào nằm cùm mãi cho đến năm 1985, mới gặp lại võ sư Lê Sáng tại phân trại B của A-20 để chuẩn bị chuyển trại.
Trước Noel 1985, chúng tôi chuyển trại về Z-30A nằm trong phương án đặc biệt mà Hà Nội đã thỏa thuận với Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, đó là thỏa thuận về chương trình HO. Võ sư chưởng môn Việt Võ Đạo Lê Sáng được thả tại Z-30A, trước thời gian tôi cũng như một số anh em khác từng làm tờ Hợp Đoàn, tờ báo chui ở A-20 bị “điệu” về trại Phan Đăng Lưu để chờ ngày ra tòa. Nhưng cuối cùng, vụ án được hủy bỏ và chúng tôi được đưa trở lại Z-30A tiếp tục nằm trong nhà kỷ luật.
Năm 1988, tôi được thả về và ít lâu sau có đến tổ đường của Vovinam trên đường Sư Vạn Hạnh để thăm võ sư Chưởng môn. Lúc này, tổ đường Vovinam đã được củng cố. Các môn sinh người ngoại quốc từ Âu châu và các môn sinh Vovinam từ khắp Việt Nam đã lục tục kéo về để ra bái lạy Chưởng môn. Trong câu chuyện thăm hỏi tôi, ông cứ nhắc mãi đến “cách mạng tâm thân” và tính nhân bản của Việt võ đạo.
Bây giờ, cụ Lê Sáng đã ra người thiên cổ. Cụ thọ 91 tuổi. Trong bức hình chụp Võ sư Lê Sáng mà các bạn ở Việt Nam gởi cho, tôi thấy đôi mắt võ sư Chưởng môn Việt võ đạo vẫn sáng quắc như ngày nào.
Tôi viết những kỷ niệm trên với Võ sư Chưởng môn Việt võ đạo trong thời tù, để gọi là đại diện cho một số anh em cựu tù của trại Hàm Tân Z-30C, A-20 và Z-30A bái vọng cố quốc, để tiễn đưa cố võ sư Chưởng môn. Bởi trong những đêm tối ấy, ông vẫn như ngọn đèn sáng dẫn dắt tinh thần anh em chúng tôi. Cố võ sư Chưởng môn là một người cả đời hy sinh cho Việt võ đạo và đây cũng là lý do ông cụ không bao giờ lập gia đình.
Tuy nhiên, cụ có rất nhiều đứa con tinh thần, vì trong tù chúng tôi đều gọi Võ sư Chưởng môn Vovinam là bố, “Bố Lê Sáng”. Vả lại ngày nay, trên khắp thế giới, hàng chục ngàn môn sinh Vovinam cũng đang thổn thức, vì những mất mát không có gì bù đắp được cho môn phái, vì sự khuất bóng của Võ sư Chưởng môn.