Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
Chút Còn Lại Trong Lòng Người Lính trận

 
Tôi không sinh ra ở Tây Ninh, nhưng tôi đã có thể chết ở Tây Ninh, chết vì Tây Ninh, nhiều lần. Chữ chết hiểu theo nghĩa đen, chính xác, bởi vì tôi đến Tây Ninh với tư cách một người lính tác chiến trong những năm sống mái mất còn cuối cùng của cuộc chiến, mà tính chất ác liệt, kể cả về quân số tham chiến cũng như kỷ thuật chiến tranh đã lên đến mức cao nhất ở khắp các mặt trận. Với tôi, Tây Ninh như một quê hương thứ hai, một nơi chốn tràn ngập kỷ niệm, thấp thoáng niềm vui và giọng cười của tuổi thanh xuân và đầy ắp những ngậm ngùi của chia lìa, mất mát.
 
Tôi đến Tây Ninh lần đầu vào buổi sáng tinh mơ của một ngày đầu năm 1972. Đoàn convoy (đoàn xe) từ Phú Hòa Đông, Hậu Nghĩa đã di chuyển trong đêm để giữ tính cách bất ngờ, bí mật của cuộc hành quân. Tuyến xuất phát là rừng cao su Trà Võ. Tôi là một người lính mới được thuyên chuyển từ miền Trung vào. Người thiếu úy phụ tá đã chỉ vào phóng đố hành quân, có đánh dấu mục tiêu vừa cười vừa nói: “Ông coi chừng, lộ trình ngắn thế này nhưng không dễ nuốt đâu. Vùng mình sẽ qua là Rừng Sáu Mẫu, có khu Đám Lá Tối Trời ghê gớm lắm, máu của anh em mình đã đổ không biết bao nhiêu ở đây.”
 
Lời cảnh cáo của bạn tôi không sai, Tây Ninh đã đón tôi không mấy dịu dàng. Mưa pháo đủ loại đã dập nhiều đợt lên đầu chúng tôi ngay ngày đầu tiên. Rồi đột kích đêm, rồi xung phong tràn ngập trong những ngày sau đó, đoạn đường ba cây số đơn vị tôi phải gỡ trong bốn ngày mới ló đầu ra được con lộ nhỏ giữa rừng cao su Cầu Khởi, và người lính chưa kịp thở, và tôi chưa kịp nhìn Tây Ninh, đoàn convoy lại xúc lên và thả về một mặt trận khác ở Phú Thứ, Bình Dương.
 
Tôi bước xuống Tây Ninh ở bìa rừng cao su Trà Võ với những âu lo và trách nhiệm. Tôi rời Tây Ninh giữa bạt ngàn rừng cao su Cầu Khởi với một cõi lòng u uẩn, ngậm ngùi vì biết rằng hơn ba chục anh em tôi đang lăn lộn, đau đớn ở đâu đó trong các quân y viện lớn nhỏ và một số tương tự như thế đang ngủ yên trong những tấm poncho, cô đơn và lạnh lẽo trong các nhà vĩnh biệt.
 
Tôi không biết gì nhiều về Tây Ninh trong lần gặp gỡ đầu tiên này. Hôm đổ quân ở Trà Võ, hình như thấp thoáng phía xa bên trái quốc lộ là giòng sông Vàm Cỏ đang uể oải thức dậy. Hình như phố nhỏ đang rục rịch trở mình cho một ngày mới. Hình như khu chợ chồm hổm đã bắt đầu xôn xao tiếng nói cười. Hình như có những chiếc xe bò lọc cọc chở hàng bông từ các vườn ra lộ. Hình như quán cà phê đã mở cửa với những người khách ngồi gác chân lên ghế, đổ ly cà phê xây chừng ra đĩa vừa thổi vừa húp. Hình như có những đôi mắt nai buồn buồn của các nữ sinh Gò Dầu đang đứng sau các cánh cửa mở hé nhìn theo bóng những người lính đang lao về phía trước…
 
Tôi không nhớ được điều gì chắc chắn. Giờ đổ quân, đủ thứ liên lạc truyền tin léo nhéo trong máy. Tôi nhận lệnh: “Hướng ba giờ, bung rộng con cái, tàng hình.” Tôi hò hét lại những điều tương tự và chính tôi cũng phải tàng hình. Tôi không có nhiều thì giờ. Xin lỗi Tây Ninh, tôi không kịp nhìn bạn nhưng xin chào bạn, bạn đã đón tôi bằng những kinh hoàng và tiễn tôi với nhiều tang tóc nhưng tôi không trách bạn.
 
Bạn không muốn vậy đâu, phải không? Tôi hiểu bạn mà, chín mươi phần trăm người Tây Ninh ăn chay trường, một con kiến còn không dám giết nói gì đến sinh mạng con người. Nội cái cách bạn đặT tên cho các địa danh thôi, tôi cũng đủ hiểu bạn hiền lành chơn chất như thế nào, khiêm tốn tình nghĩa như thế nào. Thiện Ngôn: một lời ác còn không dám nói huống gì việc ác. Hiếu Thiện: ngỗ nghịch, dữ dằn hãy đi chỗ khác chơi, tên đất đã nhắc nhở với mọi người như vậy mà. Khiêm Hạnh… Tôi chịu bạn lắm Tây Ninh, ai mà khéo chọn cho bạn những cái tên hay hết chỗ chê. Ðiều quan trọng hơn là các bạn không chỉ đặt tên cho vui mà các bạn đã sống và hành xử theo những mẫu mực như thế, tôi tin chắn điều đó và thật lòng ngưỡng phục bạn. Xin được làm một người bạn của Tây Ninh, của Thiện Ngôn, Hiếu Thiện, Khiêm Hạnh…
 
Hãy lấy quốc lộ 15 là xương sườn, lấy Gò Dầu Hạ và Thị xã Tây Ninh là điểm chuẩn để mường tượng ra toàn cảnh Tây Ninh. Khi chiến tranh chưa bùng lớn, nhu cầu chiến thật chưa đòi hỏi phải thành lập thêm tỉnh Hậu Nghĩa, Tây Ninh bắt đầu từ Trảng Bàng với những hàng cây thốt nốt cao vút và những tô bánh canh lòng heo nổi tiếng. Rồi Tây Ninh phải đứt ruột cắt Trãng Bàng cho Hậu Nghĩa, để chỉ còn lại các quận Hiếu Thiện, Khiêm Hạnh, Bến Cầu, Phú Khương và Châu Thành.
 
Từ Gò Dầu Hạ, rẽ vào con đường đất đỏ bên phải, qua Suối Cao, căn cứ Đinh Bộ Lĩnh đến Khiêm Hạnh. Tiếp tục đi nữa sẽ tới Truông Mít, Ngã Ba Đất Sét. Từ đó, nếu rẽ phải qua Suối Ông Hùng, Bến Củi, Cổng Đen đến Dầu Tiếng. Nếu đi thẳng sẽ băng ngang một rừng cao su hun hút vắng tanh đến Cầu Khởi, đồn Bắc Tiến ra Chà Là. Tại đây, nếu quẹo phải sẽ qua Suối Đá, Núi Bà Đen. Nếu đi thẳng sẽ về Long Hoa, Toà Thánh.
 
Cũng từ Gó Dầu Hạ, nếu quẹo trái theo Quốc Lộ 1 sẽ lên Trà Cao, Gò Dầu Thượng tiếp tục qua biên giới. Suốt một dọc dài mút mù bên trái giòng sông Vàm Cỏ là những bưng biền xa tắp dẫn đến các mật khu Ba Thu, Mỏ Vẹt. Các căn cứ Trà Cú, Bến Kéo như một hành lang thép bảo vệ thủy lộ dẫn về Tây Ninh.
 
Từ châu thành Tây Ninh, qua chiếc cầu nhỏ phân chia khu hành chánh và khu thương mãi, nếu quẹo phải sẽ qua Cầy Xiên, Trãng Sụp, Trại Bí. Nếu đi thẳng băng ngang con phố chính, đường sẽ nhỏ lại và dẫn đến Trãng Lớn, Cao Xá, qua bến phà Phước Tân và đi lên nữa. Tất cả các ngã đường này đều dẫn đến vùng núi rừng biên giới với một dọc các căn cứ biên phòng heo hút và bất an: Thiện Ngôn, Bạch Đằng, Lạc Long, Hưng Đạo.
 
Tây Ninh chỉ có vậy, mỗi địa danh tôi nhắc đến đều đã có lần, hay nhiều lần, là bãi chiến trường. Chốn địa đầu giới tuyến này phải thường xuyên đối phó với một lực lượng lớn đối phương lúc nào cũng rình rập ở các an toàn khu bên kia biên giới. Tây Ninh có nhiều mật khu với một lực lượng xâm lược hùng hậu cùng một hệ thống tiếp tế, tiếp liệu được tổ chức qui mô và hoàn chỉnh. Tây Ninh như một cái gai chiến lược cần phải xóa đi và đã nhiều lần phải hứng chịu những trận đòn thù trí mạng trong sách lược xâm lăng của đối phương nên nó phải trải mình ra chống đỡ, phải đổ máu ra để sống còn, để bảo vệ cho từng người dân, từng tất đất của tổ quốc, của quê hương.
 
Tây Ninh khốn khó nhưng hào hùng. Tây Ninh khổ đau mà kiêu hãnh. Tôi cũng kiêu hãnh vì Tây Ninh, kiêu hãnh được góp máu với Tây Ninh. Thời gian lặn lội trên các chiến trường đủ để tôi quen với Tây Ninh, quen lắm. Tôi có thể cầm địa bàn lên chỉ đến chỗ nào có thể lấy nước giữa rừng cao su Cầu Khởi. Tôi có thể nhìn bản đồ vẽ một lộ trình khô ráo giữa đồng bưng lầy lội Trà Cú, Phước Chỉ. Tôi có thể đứng bất cứ chỗ nào ở Tây Ninh gọi pháo binh bắn hiệu quả mà không cần trái khói điều chỉnh. Người Tây Ninh tin là qua cơn khói lửa sẽ đến ngày mở Hội Long Hoa trong hòa bình, an lạc. Tôi muốn góp phần cho cái ngày vui đó.


________________


Đặng Hữu Phát gởi