Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
CHUYỆN CÁI TÊN


CHUYỆN 1
 
Hồi thời đó (thời 1975, bây giờ chắc khác !) muốn đi đâu ra khỏi vùng mình cư ngụ, người dân phải xin giấy giới thiệu của chánh quyền nơi cư ngụ, lận lưng đi đường mới an toàn bởi vì từ điểm A (nơi mình ở) đến điểm B (nơi mình muốn đến) mình có thể bị xét hỏi bởi chánh quyền nơi mình đi qua ! Chưa hết ! Đến nơi (điểm B) mình phải trình giấy giới thiệu để chánh quyền đóng dấu chứng nhận "có đến", sau đó khi trở về nơi cư ngụ mình phải trả giấy giới thiệu lại cho chánh quyền điểm A để chứng minh rằng mình đã trở về! So với thời "Ngụy" – cái thời mà muốn đi đâu cứ… xách đít đi rồi có trở về hay không trở về chẳng có… con ma nào thắc mắc ! – thì nói "Miền Nam được giải phóng" thiệt tình quá ư là vô lý và hài hước !
 
Một chị bạn tên Trần Ngọc Nữ xin giấy giới thiệu để đi từ Gia Định về Tây Ninh thăm gia đình. Đến hẹn, chị lại văn phòng Ủy Ban Nhân Dân quận lấy giấy giới thiệu. Thấy trên giấy đề "Trần Thị Nữ", chị không chịu nên phản đối:
 
“Tôi tên Trần Ngọc Nữ, anh phải đề Trần Ngọc Nữ cho hạp với các giấy tờ khác, chớ anh sửa Trần Thị Nữ đâu có được!”
 
Anh chàng cán bộ đội nón cối nghiêng nghiêng (Lạ lắm: làm việc trong văn phòng mà vẫn đội nón và nón cối của họ không bao giờ vừa với cái đầu nên lúc nào cũng thấy… xiêng xiêng xéo xéo!) ngồi sau bàn viết đầy hồ sơ giấy tờ - người đã trao văn bản cho chị Nữ - hất hàm hỏi:
 
“Chị là đàn ông hay đàn bà, hả?”
 
Thấy chị Nữ làm thinh, anh ta nói tiếp:
 
“Chị là đàn bà phải lót chữ THỊ chớ!”
 
Chị Nữ bực mình nói lớn:
 
“Tôi không biết! Tôi tên Ngọc Nữ anh phải để Ngọc Nữ chớ anh sửa ngang xương vậy đâu có được!”
 
Nghe to tiếng, một người từ phòng bên trong bước ra hỏi:
 
“Gì thế?”
 
Thấy cha nầy có vẻ… xếp nên chị Nữ phân trần. Nghe xong, anh ta nói:
 
“Chị nầy có lý ! Đồng chí làm như thế là sai ! Làm lại văn bản khác với đúng tên trong giấy tờ của chị nầy rồi mang vào tôi ký tên !”
 
Một lúc sau, "đồng chí đội nón cối" trao giấy giới thiệu cho chị Nữ mà nói một cách hằn học:
 
“Nè! Tôi sửa theo ý của chị rồi đó ! Đi ra đường, người ta tưởng chị là đàn ông, thây kệ chị à !”
 
Chuyện nầy do chị Nữ kể lại rồi chấm câu: “Khùng quá !”


 
____________________________

 
 
CHUYỆN 2
 
Hồi trước 1975, đi lính gọi là đi "quân dịch". Sau 1975, cũng là đi lính nhưng được gọi bằng một mỹ từ "đi làm nghĩa vụ quân sự". Gì chớ hai từ "nghĩa vụ" nó… gài con người ta vào công việc gì đó với một sự hãnh diện cao cả chớ không phải bó buộc hạ cấp như "dịch" trong quân dịch. Ở đây, phải công nhận mấy thằng cha cách mạng… xào nấu từ ngữ rất "đỉnh cao trí tuệ"!
 
Sau 1975, một hôm có ba tên bộ đội nhận chuông nhà tôi. Con gái tôi chạy ra. Họ nói:
 
"Chúng tôi là phường đội đến gọi anh Võ Hoài Thanh đi họp để chuẩn bị làm nghĩa vụ quân sự".
 
Con gái tôi nói:
 
“Tôi là Võ Hoài Thanh đây!”
 
Họ ngạc nhiên:
 
“Thế… chị không phải là đàn ông à? Lạ nhỉ!”
 
Chuyện nầy tôi nhớ tới bây giờ có lẽ tại vì nó tếu không chịu được !

 
 _____________________________
 
 
CHUYỆN 3 :
 
Chị Odile là người Việt nhưng nhờ có dân Tây nên vào cuối 1975 chị lo giấy tờ để "hồi hương" nghĩa là trở về cái xứ Pháp của chỉ. Khi chỉ góp hồ sơ ở Nguyễn Du, người cán bộ nói:
 
"Ngày mai chị đến đây, tôi sẽ gọi tên từng người để trả lại hồ sơ đã cứu xét".
 
Hôm sau, chị Odile trở lại ngồi đợi gọi tên mình. Đợi cả ngày không nghe gọi. Rồi hôm sau nữa, chị lại đến ngồi đợi. Chị thấy những người góp hồ sơ sau chị được gọi lại lãnh nên chị "làm gan" chen vào gặp cán bộ để khiếu nại. Cán bộ hỏi:
 
“Chị tên gì?”
 
Trả lời:
 
“Odile”.
 
Cán bộ dò trong cuốn sổ rồi trả lời:
 
"Không có".
 
Anh ta thấy chị Odile nhăn mặt muốn khóc bèn đẩy cho chị tờ giấy và cây viết:
 
“Chị viết tên chị vào đây. Viết cho rõ tôi xem nào!”
 
Chị viết bằng chữ hoa loại chữ in. Cán bộ nghiêng đầu đọc rồi la lên:
 
“O đi le mà chị cứ nói chị tên Ô gì gì nên tìm không ra!”
 
Rồi hắn đưa cuốn sổ cho chị xem, ngón tay chỉ chỉ:
 
“Đây nầy: O ĐI LE đây nầy ! Cả ngày nay tôi gọi rát cả họng mà có thấy ai đâu?”
 
Hắn tìm trong chồng hồ sơ lấy ra một cái trao cho chị Odile, mỉm cười:
 
“Nhớ nhé: O ĐI LE chớ không phải Ô gì gì đâu !”
 
Chị Odile ôm hồ sơ đi ra, bực mình đến độ quên nói tiếng Cám ơn !
 
TIỂU TỬ

_________________


Đặng Hữu Phát gởi