Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
CHUYỆN CUỐI NĂM
 
“Ngày nào Việt Nam tang tóc, đời ta chim xa bầy. Nặng nề xoải đôi cánh bay, thiên đường càng xa vời quá. Là thời thuyền ghe chết đuối, biển sóng gió tơi bời. Nhận chìm đời không tiếng than, ước mơ cuốn theo nghiệt oan … Bầu trời nghìn năm bao la, đời vẫn cứ lao tù. Người vì tự do cứ đi, đi hoài dù không hề tới. Nhờ còn vòng tay nhân ái, ta mới đến bến bờ. Gục đầu dằn nỗi đắng cay, cố dắt díu nhau về đây …”

Thật vậy, như lời nhạc Bước Chân Việt Nam, của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và Trúc Hồ, bước chân Việt Nam đã in dấu khắp nơi trên địa cầu. Và rồi cuộc sống cũng đã nở hoa, “những bông hoa xinh tươi, nở giữa chốn nhân ái bao la“!

Câu chuyện “Chuyện Cuối Năm”, khi đã gần nửa thế kỷ sau, là đôi chuyện buồn vui; cuối năm mình cùng nhìn lại một đoạn thời gian đã qua, và ước mong một ngày mai trên quê nhà lại sáng ánh ban mai như ngày nào!

***
 
Thời gian chừng như mỗi ngày qua đi một nhanh hơn. Hay là, chỉ có những người cao tuổi mới thấy nó nhanh hơn, vì mình đang du hành theo vòng đời, và khi vòng đời đã bắt đầu quay trút xuống. Mới nắng hạ nóng bức đó, thì lại thấy lá úa đỏ và trong gió loáng thoáng hơi thở của Thu. Cảnh sắc bốn mùa nơi đây khác biệt rõ ra. Lá mùa thu đẹp lắm, nhưng cũng chóng tàn lắm! Thu sang cho lá úa tàn, lá vàng rơi rụng. Thu đi cho lá vàng bay, lá đổ muôn chiều.

Và rồi, quay đi, ngó lại… thì thấy đã là tháng 12. Tháng 12 đến, ngày nối nhau bay vụt qua, theo gió của những cơn bão lúc chuyển mùa. Không mấy chốc, hàng cây đổi màu lá đã trơ trụi cành, như khi Xuân Diệu viết “Đây Mùa Thu Tới” để tặng Nhất Linh:

Hơn một loài hoa đã rụng cành
Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh;
Những luồng run rẩy rung rinh lá...
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh.
 
Đối với những người đang nhận đất nước tạm cư là quê hương thứ hai của mình, thì có nhiều chuyện cuối năm lắm; chuyện bên quê nhà, rồi thêm chuyện tại quê hương thứ hai. Ngay tại tỉnh bang này, năm nay có rất nhiều sự kiện khác biệt. Đầu năm thì lạnh giá; nhiều thành phố nằm trong luồng khí lạnh từ cực Bắc thổi qua, nhiệt độ hạ xuống đến trừ 45 độ. Hết lạnh, sang mùa hè thì nóng, nóng đến gần 50 độ C. Hơi nóng gây thêm nạn cháy rừng dữ dội; gần haingàn đám cháy, trong đó có nguyên một làng đã bị thiêu hũy. Cháy từ tháng 6, sang cuối tháng 10 vẫn còn gần haitrăm khu rừng đang đỏ lửa. Khi lửa rừng được dập tắt xong, gần támngàn cây số vuông đã bị thiêu rụi. Tiếp ngay theo đó là các trận bão lụt kinh hoàng; đã gây thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử của tỉnh bang. Tổn thất đến 2 tỷ đồng, 15 ngàn người đã phải bỏ nhà cửa, đất vườn,nông trại,… để chạy lánh nạn; có hơn nửa triệu gia cầm bị chết.

Tại các quốc gia văn minh, bão lụt là do thiên tai và người dân được chính phủ tận tâm, nhanh chóng cứu trợ.

Ngược lại, tại Việt Nam, thiên tai gây nên bão lụt chỉ là nguyên nhân phụ.
Nguyên nhân chính là do con người. Người giết hại người! Những con người ấy chính là các quan chức Nhà Nước. Họđã tàn phá giang san, chặt cây phá rừng ồ ạt, bừa bãi… để mà kinh doanh trục lợi cho mình. Điển hình gần đây là vụ sạt đất chết người khi mưa lũ; tại khu thủy điện Rào Trăng 3, vào lúc 12 giờ ngày 12-10, tại Thừa Thiên, Huế.

Dân cứ chết!

Các quan chức cứ sống nhởn nhơ, sống phè phỡn và ngồi ăn trên đầu dân lành; ăn thịt bò dát vàng chỉ là chuyện nhỏ…

Có bão lụt thì… càng tốt!

Nhà Nước sẽ biến cơ nguy thành cơ hội. Quan chức tưng bừng kêu gọi cứu trợ. Đấy là cơ hội để ăn chia tiền quyên góp; nhất là nguồn đô la từ thiệntừ những người Việt ở hải ngoại. Những người Việt đó, trước đây đã từng bị Nhà nước nguyền rủa rất nặng lời, với những từ ngữ mà người có chút văn hóa không ai muốn lập lại. Sau này, đểvơ vét các nguồn lợi tức, đảng đã trơ trẽn mà gọi người Việt tỵ nạn cộng sản ở hải ngoại là “Việt Kiều”;… những người có khúc ruột dài nghìn dậm!

Đấy là những chuyện dài hàng năm ở VN, chuyện tương tự như nhau; có khác chăng là càng tệ hại, tang thương hơn và không sao kể hết được.

***
 
Một trong những niềm vui cuối năm trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, đó là quyển sách mới được phát hành, có tên là Còng Lưng Vẫn Gánh. Một tác phẩm chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Anh “Running On Empty”. Cũng như tên sách bằng Anh ngữ, tựa sách “Còng Lưng Vẫn Gánh” đã gợi nhắc hình ảnh: dù lưng đã còng vẫn ráng bước với đôi gánh nặng trên vai; một hình ảnh tận tụy với trách nhiệm,vì sự sống còn;vì sựcố gắnghoàn thành nhiệm vụ,dù trong tình trạng kiệt sức.

Hồi tháng Tám, năm 2020, trong các câu chuyện về non nước mình,có tựa đề là “Chuyện Mất. Chuyện Còn”; có một đoạn ngắn đã trích dịch từ Chương 6, trang 112, trong nguyên tác như sau:

" Tờ New York Times đã có một bài tường thuật rất là kinh hoàng: "Các nguồn tin chính thức của Philippines hôm nay cho biết rằng quân đội cộng sản Việt Nam đã giết 85 người tỵ nạn Việt Nam, trong đó có 45 trẻ em, khi thuyền đánh cá của họ mắc cạn ... trên một hòn đảo ở Biển Đông. ... 8 người may mắn sống sót sau vụ thảm sát ngày 22 tháng Sáu này và cuối cùng đến được nơi ẩn náu ở Philippines ... Tài liệu đáng tin cậy đã cho biết quân đội cộng sản Việt Nam đã nổ súng vào chiếc ghe của người tỵ nạn bằng súng cối, súng máy và các thứ vũ khí tự động."

Đoạn trích dịch bên trên chỉ là một trong các tài liệu lịch sử sống thực, rất thực, đã được ghi lại trong Running On Empty và Còng Lưng Vẫn Gánh.

***

Bây giờ, chỉ còn vài ngày ngắn ngủi sẽ sang năm 2022!
Như vậy, cho đến gần nửa thế kỷ sau, chuyện thuyền nhân, tài liệu về người tỵ nạn… vẫn còn được trân trọng ghi nhắc;cho thế hệ mai sau được biết, và nhớ về cái giá của tự do mà cha mẹ, ông bà đã phải trả. Tại VN hiện nay, Nhân quyền vẫn còn bị vùi dập trong rừng luật của bạo quyền cộng sản.Các bản án tù chính trị đã được tòa án viết sẵn…

Chuyện Việt Nam thì còn nhiều, và rất đau lòng khi mất cả quê hương!
Còng Lưng Vẫn Gánhlà quyển sách ghi lại giai đoạn đau thương của dân tộc Việt Nam, vì hai chữ tự do đã phải bỏ nước ra đi; cũng như để tri ân lòng nhân đạo của nhiều quốc gia trên thế giới, và nhất là để thấy sự vươn lên từ nhiều thế hệ của người Việt tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại, tại Canada.

Đây còn là tài liệu lịch sử đã được Đại Học McGill (Quebec), Queen’s (Ontario) và Hội Sử Học về Di Trú của Canada (CIHS - The Canadian Immigration Historical Society),cho phép dịch sang tiếng Việt và lưu hành. Còng Lưng Vẫn Gánhcó ý nghĩa rất đặc biệt, không chỉ với người Việt Nam, mà với tất cả thế hệ người dân Canada và các quốc gia trong thế giới tự do; ở hiện tại và cho đến mai sau. Trong đó, có các tác giả của nguyên tác Running On Empty, cùng các cựu viên chức Cao Ủy Tỵ Nạn đã từng tham dự cứu trợ người tỵ nạn cộng sản; có đến sáuvị hiện đang ở tại Greater Vancouver này. Tất cả đều rất vui mừng chào đón quyển Còng Lưng Vẫn Gánh. Sau hơn 40 năm, nhờ hai quyển sách ấy mà nhiều thuyền nhân có được dịp gặp lại, và cảm ơn các vị đại diện cho Canada đã từng đến làm việc tại các trại tỵ nạn.

Càng thật xúc động khi biết thiện nguyện viên giúp hoàn thành quyển sách, gồm những người tuổi đời đã cao đến thế hệ thứ ba hãy còn rất trẻ. Và đây còn là thế hệ trẻ, lớn lên từ trong một chế độ có chánh sách trồng người thâm độc. Nhà nước đã tròng cột vòng khăn đỏ vào cổ tuổi thơ, để dẫn dắt thế hệ trẻ đi theo con đường của đảng.

Sự kiện này đã chứng minh rằng: chúng ta còn niềm tin nơi thế hệ trẻ!
Thật vậy: Hãy còn niềm tin nơi tuổi trẻ ở Việt Nam!
 
Trong bài Chuyện Trăm Năm, Phần 2, có đoạn kết là:

Trong thời miền Nam còn Sài Gòn, thời miền Nam mình còn tự do, trẻ em được lớn lên trong hồn nhiên và được theo học chương trình giáo dục nhân văn, nhân bản. Trên các đất nước tự do, nơi nhân quyền được tôn trọng, trẻ em không bị tròng cột cái ách "khăn đỏ" vào cổ, không bị nhồi sọ và tập tành gian dối, không bị xua đùa hát hò những giấc mơ lếu láo và kinh dị; đó là mơ gặp cái xác người đã chết mà chưa chôn, còn để nằm ở Ba Đình, hay tập tành nhún nhảy theo vòng cuồng mê của một hệ thống gọi là "giáo dục", thuộc kế hoạnh “trăm năm trồng người” để phục vụ cho Đảng và Nhà Nước.

Miền Bắc có triệu hạt giống đã trở thành cổ thụ, đến hơn 70 tuổi. Hạt giống gieo từ khi chiếm miền Nam, thành những thân cây, nay cũng đã già gần nửa thế kỷ. Hàng năm, Nhà Nước có hơn 20 triệu hạt giống mới!

“Chuyện trăm năm trồng người” quả là hiểm độc thật!
Thế nhưng, lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng: bạo quyền không thể nào hủy diệt được tất cả các phán đoán, lương tri của con người.

***
 
Chỉ vài ngày trước Giáng Sinh, hôm 21 tháng 12, khởi đầu câu chuyện cuối năm, tựa đề là “Có một Đêm Đông ở làng Dương Nội”, Kalynh Ngô đã phải cay đắng khi tâm tình:

“Nếu 80 năm trước, người thiếu phụ trong Đêm Đông của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đứng bên sông “ngẩn ngơ mong chồng”, thì 80 năm sau, trong những ngày cuối cùng của năm, giữa mùa Đông lạnh buốt ở thôn làng Dương Nội, miền Bắc Việt Nam, cũng có người phụ nữ ngày đêm mong ngóng được gặp chồng mình.

Nỗi mong ngóng ấy kéo dài suốt một năm nay. Bây giờ cô biết, cô phải chờ đến mười năm nữa để có được ngày sum họp trong mùa Giáng Sinh, giữa đêm Đông ở làng Dương Nội.

Đỗ Thị Thu – vợ của Trịnh Bá Phương, tức “người nông dân nổi dậy” của làng Dương Nội vừa lãnh án 10 năm tù vì tội “… đấu tranh để được bầu cử tự do và người dân có cuộc sống văn minh hơn” như lời của Trịnh Bá Phương nói trước toà...”
 
Lịch sử là sự thật!
Chế độ cộng sản rất sợ hãi sự thật!
Đảng cộng sản Việt Nam đã gian manh xảo trá viết lại lịch sử của dân tộc. Đồng thời tìm các cách để bắt giam những người dám đấu tranh cho Nhân quyền, đòi hỏi quyền được tự do nói lên sự thật!

Trong đoạn Hậu Từ của bài “Đoan Trang hiên ngang đối mặt Sự Ác”, tác giả Phan Nhật Nam có viết:

Có một điều rất đáng buồn là cho tới bây giờ ai cũng thấy hình như có một sự nhân nhượng của quốc tế và Hoa Kỳ về sự trừng phạt chế tài đối với Cộng sản Việt Nam. Những lời tuyên bố gần đây về việc chính phủ Mỹ sử dụng Nhân Quyền như hòn đá tảng trong chính sách ngoại giao có giá trị gì không?

Người Mỹ, chính phủ Mỹ đã là thế, nhưng người Việt trong và ngoài nước không thể im lặng. Đúng như lời nhà văn Phạm Thị Hoài ở Đức đã cảnh cáo: “Nếu dân tộc này đã mất hết mọi phẩm giá cá nhân và chỉ còn là một đám đông vô hồn và hèn nhát. Vâng, nếu vậy thì dân tộc ấy xứng đáng diệt vong”. Người Việt trong và ngoài nước phải nhận ra rằng: Chế độ độc tài đưa ra bản án quá nặng đối với Đoan Trang chỉ là vì sợ hãi. Đảng “sợ dân chúng sẽ tiếp tục tranh đấu mạnh hơn”. Lời nói cuối cùng của Phạm Đoan Trang: “Mãi mãi các anh chị không xóa bỏ được tiếng xấu, độc tài, phi dân chủ, phản dân chủ. Vì con thú mãi mãi là con thú, nó không bao giờ có thể trở thành người được”…

***
 
Hôm nay đã vào tháng ngày cuối năm, mùa Lễ Giáng Sinh lại trở về với màu lá xanh và hình ảnh cây thông. Những loại cây không chịu đổi màu lá theo mùa, có lá quanh năm xanh tươi, mang ý nghĩa rất đặc biệt với con người. Cây thông vẫn giữ màu lá xanh cố hữu, dù trong khí hậu giá lạnh rất khắc nghiệt của mùa đông; đã được quý trọng và dùng trưng bày trong mùa Giáng Sinh, để đón mừng Thiên Chúa.

Còng Lưng Vẫn Gánh như những cây thông mới, được gieo trồng từ tháng 12 năm 2019, cuối năm nay đã vươn cao, đâm chồi cùng niềm tin. Niềm tin của những người đã còng lưng vẫn gánh. Những người nước ngoài xa lạ đã vì tình nhân loại, mà gánh gánh nặng người tỵ nạn. Những người Việt đã vì lý tưởng tự do, vì quyền được làm người của dân tộc, mà dấn thân gánh trách nhiệm đối đầu với bạo quyền.
 
Hãy còn đó, một thời để nhớ và không thể quên!
Người Việt mình đã phải còng lưng với những gánh tang thương bước đi tìm tự do!

“Ta thấm thía tử sinh, cuối bước nhục nhằn.
Ta níu ánh bình minh, giữa cơn tử sinh.”

Nhờ còn vòng tay nhân ái của thế giới tự do, ta mới đến bến bờ…
Và hãy còn đó những người còng lưng vẫn gánh; còn tiếng nói bất diệt của những tù nhân chính trị, như người tù Phạm Đoan Trang; còn tiếng nói kiên cường của mộtdân tộc không thể im lặng trước bạo quyền, một dân tộc không muốn bị diệt vong.
Những chồi thông xanh vẫn xanh, vẫn đang vươn tới dưới ánh ban mai!
 

Bùi Đức Tính

_____________



usaelection gởi