Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
CHUYỆN KỂ TRONG GIẤC MƠ



(Chân thành cảm ơn "Ó Biển" Lê Chiếu, Phi Đoàn Hải Âu 227/ Không Đoàn Chiến Thuật 84/Sư Đoàn 4KQ, phi công trực thăng Vệ Binh Quốc Gia , Tiểu Bang Pennsylvania, đã bổ sung chi tiết về ngành hoa tiêu trực thăng của Không Lực Hoa Kỳ )
 
"Hình như đường Đồng Khánh nhỏ hơn nhiều so với thuở xưa. Ngày đó, tuy xe cộ dập dìu, người qua, kẻ lại không ngớt, nhưng cũng không "ngộp thở" như bây giờ. Dưới ánh đèn điện đủ màu, đủ kiểu, người bộ hành là những hình dáng mờ ảo, chập chờn sau làn khói xe, tạo cảm giác như họ đang đi trong lãng đãng khói sương. Tôi cảm thấy mình lạc lõng trong dòng người xuôi ngược. Mọi thứ âm thanh đều vang vọng một cách mơ hồ và...rất xa vắng!  Đang ngước mắt nhìn ngôi nhà cao tầng, vốn là một trong những nhà hàng sang trọng và khá nổi tiếng của Chợ Lớn trước đây, thì có người vỗ vai tôi, kèm theo một giọng nói quen thuộc:
- Về hồi nào vậy? Sao không ghé qua cậu mợ? Đi đâu đây?!
 
Tôi quay lại, ngẩn người nhìn cậu Ba trong bộ sắc phục Cảnh Sát của thời Việt Nam Cộng Hòa, chưa kịp trả lời, thì cậu Ba đã dồn dập hỏi tiếp:
- Thằng Hai mày về một mình hay có vợ con đi theo? Đang ở đâu vậy?
- Thưa cậu, con về một mình và đang ở nhà một người bạn trong cư xá Yên Đổ.
- Ở chơi bao lâu? Hay là... về chỗ cậu mợ đi!
 
Tôi nhìn cậu Ba, nói là chỉ về thăm Sài Gòn vài ngày thôi, rồi tò mò nhìn bộ sắc phục trên người của cậu. Trước mặt tôi là người nhân viên Cảnh Sát kiêm thư ký đánh máy kỳ cựu của Trung Tâm Huấn Luyện Cảnh Sát Dã Chiến ở Đà Lạt. Cậu Ba được biệt phái về làm việc tại Nha Cảnh Sát Đô Thành với cấp bậc đồng hóa, phó Thẩm Sát Viên thượng hạng, tương đương với Thượng Sĩ của bên Quân Đội. Cậu Ba vừa nghe tôi nói, vừa đốt thuốc, trầm ngâm nhìn qua phía ngã tư đường, nơi có ngọn đèn năm bóng vừa bật sáng.
 
Thấy vậy, tôi hỏi:
- Cậu đang lo nghĩ chuyện gì phải không?

Cậu Ba thả khói, rồi trả lời trong tiếng thở dài:
- Lo thì không. Nghĩ thì có. Nghĩ lung lắm! Không lúc nào ngơi suốt hơn 50 năm qua!
- Chuyện gì vậy cậu?

Cậu Ba không trả lời mà hỏi ngược lại tôi:
- Mày đoán thử coi tao đang nghĩ về cái gì khi đứng tại chỗ này?
- Con hiểu rồi! Cậu đang nhớ tới Trung tá Luận, "sếp" cũ của cậu chứ gì!?
- Đúng vậy! Nhưng không phải chỉ có ổng! Còn những người kia và chuyện không may đó nữa.
 
Tôi biết cậu Ba muốn nói tới chuyện gì và "những người kia" là ai. Đã hơn nửa thế kỷ qua rồi, nhưng trong ký ức của Quân và Dân miền nam Việt Nam, hình ảnh của những nạn nhân nằm gục trên vũng máu; sau vụ trực thăng bắn lầm ở trường Phước Đức hồi năm Mậu Thân, vẫn hằn nét trong đầu của rất nhiều người. Báo chí quốc nội cũng như trên thế giới, đặc biệt là giới truyền thông tại Hoa Kỳ, tha hồ loan tin "giựt gân" hoặc thêu dệt đủ chuyện về việc bắn lầm lịch sử trong ngày 2/6/1968 đó; nhứt là tin đồn về việc CIA "gài độ" để giúp Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu loại trừ vây cánh của Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ.
 
Không có gì khôi hài hơn tin đồn đảo chánh mà báo chí lúc đó thổi phồng một cách vô lý. Vậy mà cũng có khối người tin, khiến cho đám thân cộng, bọn phản chiến và thiên tả tha hồ núp bóng báo chí để tuyên truyền và khai thác sự nhẹ dạ của người dân để gây hoang mang trong dư luận. Thời đó, vô tình hay cố ý mà không thấy có tờ báo nào phân tích việc dùng cảnh sát để đảo chánh là một việc làm bất khả thi.
 
Ngược lại, đã có không ít lý luận cho rằng toàn thể các "quan" lớn trong ngành Cảnh Sát; từ cấp cảnh sát trưởng trở lên, đều có gốc quân đội, cho nên họ am tường việc điều động nhân lực và phối hợp hỏa lực khi tác chiến. Chưa kể tới việc khi tham gia đảo chánh, họ còn có thể nhận được sự ủng hộ triệt để của những quân nhân cùng phe phái, hay bạn bè có chức quyền trong giới Kaki.
 
- Con nhớ lúc đó báo chí theo dõi sát nút về chuyện này. Khi qua Mỹ, con cũng có đọc lại tin tức và tài liệu của mấy hãng thông tấn như AP, Reuter; cùng với hồi ký của vài cựu quân nhân Việt Nam và Hoa Kỳ, cộng với phóng sự của mấy tay phóng viên báo chí của Mỹ thời đó, nên con...
- Toàn là thứ cà chớn, chứ cái ngữ đó mà là báo chí con mẹ gì!
 
Cậu Ba ngắt lời tôi, rồi nói tiếp:
- Chưa kể cha nội Weyang còn "đồ" thêm bằng câu: "...Bắn lầm thường là ban đêm, còn đây là giữa ban ngày..." để ám chỉ tới cái tin thanh toán nhau giữa hai thế lực tại Sài Gòn. Làm tới cấp tướng mà ăn nói bá láp như thằng cha Weyang đó, thì thiệt là...bậy hết chỗ nói! Bắn lầm thì cần chó gì đêm hay ngày! Nói như vậy, chỉ tổ cho đám phản chiến thêu dệt thêm đủ điều. Mà toàn là những chuyện bất lợi cho phe Quốc Gia của mình không hà! Điển hình nhứt là thằng cha nhà văn tự nhận mình thiên tả là John Prados. Sau hơn 40 năm mà cha này còn dám ghi trong sách của mình là Đại Tá Trần Văn Hai, Chỉ Huy Trưởng binh chủng Biệt Động Quân, đã lái chiếc trực thăng "định mệnh" đó.
 
Thiệt đúng là ...thầy chạy! Thời Đệ Nhứt Cộng Hòa, ông Diệm chỉ phải lo đương đầu với Việt Cộng và các đảng phái bảo thủ, mà cũng đủ để ổng ngất ngư. Đến thời Đệ Nhị Cộng Hòa, thì ông Thiệu bị tấn công bởi nào là bọn thiên tả, đám phản chiến, bọn đối lập kiểu thành phần thứ ba; rồi nào là tranh chấp trong nội bộ của Quân Đội, cộng thêm chiến tranh chống bọn Cộng Sản xâm lược, chưa nói tới chuyện phải đấu trí với thằng bạn có "bàn tay lông lá" nữa! Tội nghiệp cho ông Thiệu gì đâu!
 
- Trong những thập niên 50 và 60, miền Nam không thiếu những gương mặt có khả năng chấp chánh, nhứt là những vị trong nhóm "Nhân sĩ tự do và tiến bộ" như Trần Văn Văn, Phan Khắc Sửu, Bác Sĩ Nguyễn Lưu Viên và những chính khách chống cộng hàng đầu, điển hình như Bác Sĩ Phan Huy Quát. Họ rất nổi bật trên chính trường và đều là những nhân vật sáng giá! Nhưng không hiểu sao, chẳng có ông nào thành lập được nội các đủ mạnh hoặc được đồng minh Hoa Kỳ hậu thuẫn!
 
- Lúc đó, Mỹ ủng hộ việc chọn dân nhà binh để lãnh đạo miền Nam Việt Nam, là vì mấy ông bên dân sự- mặc dù có tài- nhưng lại không đủ cương quyết trong những quyết định cứng rắn, táo bạo khi cần thiết. Về điểm này, thì bên quân sự thích hợp hơn. Nhà binh mà! Kỷ luật và tinh thần phục vụ là đặc tính nổi bật của Quân Đội. Hơn nữa, Hội Đồng Tướng Lãnh vẫn là tập thể vững mạnh nhứt trong thời điểm rối rắm lúc bấy giờ.
 
Do đó, nếu mấy ổng không chọn ông Thiệu và ông Kỳ thì chọn ai? Một mặt thì không ai chịu ngồi trên "ghế nóng", mặt khác thì không có ông tướng nào muốn trở thành chánh trị gia chuyên nghiệp.Vì ngay sau khi triệt xong ông Diệm, các tướng già đều lần lượt "giã từ vũ khí", bằng cách này hay cách khác! Những người còn có chút thực quyền trong tay thì cảm thấy mình không thích hợp với cương vị lãnh đạo cả nước.
 
Ngoài ra, mới hôm nào mấy ông tướng già còn chỉ huy đàn em mang cấp Tá, nhưng chỉ một sớm một chiều, nhóm "Trẻ" đó đã lên Tướng. Những tướng trẻ này rất hăng hái trong việc vừa chống cộng, vừa ổn định tình hình quốc gia, mà phong độ của họ thì ...khỏi chê! Đặc biệt là ông tướng tàu bay Nguyễn Cao Kỳ. Ông ta nói là làm!
 
Chính vì được sự ủng hộ bất ngờ của Mỹ, mà tướng Kỳ đã "lên gân" và mạnh tay dẹp loạn tại miền Trung, khi thẳng thừng đối đầu với Thượng Tọa Thích Trí Quang; bằng cách bật đèn xanh cho Đại tá Nguyễn Ngọc Loan tóm ông sư này từ ngoài Huế, rồi đem vào Sài Gòn cho ngồi chơi xơi nước trong Dưỡng Đường Duy Tân.
 
Không phải tự nhiên mà Mỹ nó chọn ông Thiệu làm Quốc Trưởng và ông Kỳ làm Thủ Tướng đâu! Hai cái ghế này, ai lại không thèm muốn! Nhưng chính khách của bên dân sự thì "không đủ nội lực", còn mấy ông tướng "cách mạng" lớp thì đã lớn tuổi, lớp lại sắp hết thời; cũng có nghĩa là chậm chạp, thiếu nhạy bén trong việc thực hiện các phương sách chính trị, vốn là yếu tố tối cần thiết trong giai đoạn chuyển biến sau cuộc đảo chánh ông Diệm. Họ lại là những người thân Pháp, nên càng không thích hợp với đường lối, chủ trương và sinh hoạt chính trị kiểu "sôi nổi một cách chụp giựt" của Hoa Kỳ.
 
- Nếu như vậy, thì có đúng là ông Kỳ chịu nhượng bộ và đứng chung liên danh bầu cử Tổng Thống với ông Thiệu, là do áp lực của phía Hoa Kỳ không cậu?
- Không hẳn như vậy! Ông Kỳ lúc đó còn rất trẻ, lại nắm cả một quân chủng trong tay và đang ngồi trên ghế Thủ Tướng. Dễ gì ổng chịu nhượng bộ! Cậu nhớ là lúc đó giới tướng lãnh cũng "nhức đầu" dữ lắm! Vì họ bị Mỹ thường xuyên làm áp lực. Chiến cuộc thì đang leo thang. Nội tình miền Nam rối rắm hơn bao giờ hết về cả chính trị, xã hội, lẫn tôn giáo trong suốt 2 năm trời đảo chánh rồi chỉnh lý liên tục.
 
Sau cùng, không biết ai là người đưa ra giải pháp đem Đại Tá Nguyễn Ngọc Loan, vốn là đàn em thân cận của ông Kỳ, từ bên Không Quân qua nắm ngành Cảnh Sát. Tuy không mạnh bằng lực lượng quân sự, nhưng tới cuối năm 1966, thì Cảnh Sát Quốc Gia đã là một bộ phận tối quan trọng trong việc trị an ở hậu phương, với 2 Biệt Đoàn Cảnh Sát Dã Chiến; quân số tương đương với 2 trung đoàn, tính theo cấp số của bên Quân Đội.
 
Số lượng nhân sự đó cũng khá đủ để hoạt động tại thủ đô Sài Gòn và yểm trợ cho các Bộ Chỉ Huy CSQG trên khắp 4 Vùng Chiến Thuật. Có Hoa Kỳ hậu thuẫn, lại có thêm đàn em đứng đầu cả một lực lượng bán quân sự gồm 70 ngàn người trên toàn quốc như vậy, thì ông Kỳ còn mong gì hơn!  Vã lại, chính vì được quyền đưa đàn em vào nắm những "mỏ vàng" trong Chợ Lớn, cho nên tướng Kỳ mới chịu nhượng bộ Hội Đồng Tướng Lãnh để đứng chung liên danh với ông Thiệu hồi bầu cử Tổng Thống năm 1967. Rõ ràng như vậy ai mà không biết!?
 
- Nhưng trong trận Tết Mậu Thân, vì sao Biệt Động Quân đang giao chiến với Việt cộng trong Chợ Lớn, mà lại có mặt hầu hết các "sếp" lớn nhứt của cả ngành Cảnh Sát?
- Thằng Hai mày thiệt là khờ quá! Khi nói tới Chợ Lớn là người ta nghĩ ngay tới những khu vực sầm uất tại mấy con đường Đồng Khánh, Khổng Tử, Tổng Đốc Phương, Hồng Bàng và Nguyễn Trãi. Khu vực này là trái tim của Chợ Lớn, mà Chợ Lớn lại là thủ phủ của cộng đồng người Việt gốc Hoa trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Cho nên, giới Cảnh Sát cũng như Biệt Khu Thủ Đô và cả hệ thống chỉ huy của Đô Thành Sài Gòn, đều "nhiệt tình lo lắng" cho an nguy của Chợ Lớn.
 
Điều này cho thấy tại sao lúc Biệt Động Quân đang càn quét bọn Việt cộng trong quận 5, thì các cấp chỉ huy đầu não của Biệt Khu Thủ Đô, Tổng Nha Cảnh Sát, kể cả ông Bác sĩ Đô Trưởng Đô Thành Sài Gòn, đều có mặt ngay tại khu vực đang giao tranh. Đừng quên! Ngay đầu thế kỷ 20, Chợ Lớn đã là nơi trú ngụ của chừng 20 ngàn người Hoa. Họ sinh hoạt theo từng bang hội, kiêm đại diện cho từng sắc tộc. Nổi bật nhứt là nhóm của những người Hẹ, Tiều ( Triều Châu ), Quảng Đông, Hải Nam và Phúc Kiến.
 
Cho tới năm Mậu Thân, thì con số đã lên tới 300 ngàn trong tổng số gần 2 triệu Hoa kiều sinh sống trên toàn quốc. Nói Chợ Lớn là thủ phủ của Hoa kiều cũng có cái lý của nó! Vì đó là nơi tập trung các Bang Hội của cộng đồng người Hoa, mà nhóm nào cũng có hội quán, trường học và bệnh viện nằm chung trong một khu vực. Họ nắm trong tay hầu hết các sinh hoạt của ngành thương mại; do đó đã tạo ảnh hưởng sâu rộng trên nền kinh tế của miền Nam Việt Nam, đặc biệt là trong lãnh vực buôn bán sỉ và xuất nhập khẩu. Chợ Lớn cũng là nơi tập trung các "Vua"! Nào là vua ngân hàng, vua gạo, vua sắt vụn, vua vải sợi, cho tới vua xăng dầu, vua hóa chất, vua ve chai...v/v...
 
- Con hiểu rồi! Chắc chắn phải có ai đó nhờ mấy ông "Bạn Dân" lưu tâm tới sự an nguy của những Hoa kiều hạng gộc và cơ ngơi của họ trong Chợ Lớn nên...
- Đúng vậy! Chợ Lớn là linh hồn của toàn thể Hoa kiều ở miền Nam Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là nơi tập trung tất cả mọi giao dịch với Cộng đồng Hoa kiều trên thế giới, đặc biệt là tại Đông Nam Á Châu. Vậy thì giới thương gia Hoa kiều không thể không lo lắng cho biểu tượng của sự thịnh vượng lẫn quyền lực của họ, tức là Chợ Lớn, có nguy cơ bị tàn phá vì chiến cuộc.
 
Thử nghĩ đi! Thời đó, chỉ một bộ mạt chược làm bằng ngà voi đã trị giá 200,000$ VN, tức là bằng giá của hơn 20 lượng vàng rồi! Mà tại các trung tâm du hí, ăn chơi của Chợ Lớn, thì mạt chược chỉ là thứ...trung bình! Có thấm vào đâu so với những món...báu vật "hấp dẫn" khác được giữ kín tại những cao lâu, tửu điếm, kiêm khách sạn hạng sang kiểu "Nhứt Dạ Đế Vương" khá nổi tiếng như Đồng Khánh, Soái Kình Lâm, Ngọc Lan Đình, Ái Huê, Bát Đạt, Đại La Thiên... chẳng hạn. Chưa nói tới những bệnh viện bề thế và tân tiến như BV Triều Châu, BV Sùng Chính, BV Hùng Vương ...cũng cần phải được bảo vệ hay tránh thiệt hại một cách tối đa. Nếu Chợ Lớn bị đổ nát, tan hoang, thì gầy dựng lại từ đống gạch vụn là cả một vấn đề.
 
Còn nữa! Vì sao trong số các "quan" lớn của ngành Cảnh Sát có mặt tại trường Phước Đức, chỉ có ông cò quận 5, mà không có mấy ông cảnh sát trưởng của các quận 6, 7, 8 quanh vùng? Đó là vì quận 5 chính là nơi tập trung toàn bộ đầu não của các bang hội, là trung tâm văn hóa, giáo dục và kinh thương của người Hoa Kiều. Có thể nói,  Quận 5 là "thủ đô" của Chợ Lớn, cũng giống như Sài Gòn đối với chúng ta vậy!
 
Ngoài ra, dư luận chỉ bị cái tin nhảm là mấy ông tướng "thanh toán nội bộ của nhau" lôi cuốn, cho nên không ai chịu hiểu là trong kế hoạch hành quân, Trung Tá Đào Bá Phước LĐT/ LĐ 5 BĐQ, có nói tới việc phải xin Biệt Khu Thủ Đô cho pháo binh và trực thăng vỏ trang nã đạn vào nhà hàng Soái Kình Lâm, để giải tỏa áp lực của địch. Khi Chợ Lớn bị du kích Việt Cộng đột nhập, rồi chiến cuộc xảy ra; là mấy tay thương gia Hoa Kiều hoảng hốt nhắn gọi lung tung, làm cho mấy ông cò trong Chợ Lớn và Đô Thành Sài Gòn, cũng như cả Bộ Chỉ Huy của Cảnh Sát Quốc Gia cũng quýnh lên.
 
Mấy ông "sếp" đều vọt tới chỗ đang chạm súng để tận mắt quan sát và nắm vững tình hình, rồi cùng bàn bạc kế hoạch phối hợp tác chiến sao cho vẹn toàn; nghĩa là vừa tiêu diệt được Việt cộng, lại vừa giảm thiệt hại tối đa cho những cơ ngơi quan trọng, bề thế, không may đã trở thành mục tiêu cần phải thanh toán gấp trong vùng giao tranh.
 
Nhà hàng Soái Kình Lâm là một thí dụ điển hình. Chính vì mấy "sếp" lớn gom nhau lại bàn bạc để tìm biện pháp và kế hoạch hoàn hảo nhứt, cho nên tất cả những cận vệ của mấy ông "Bạn Dân" và các đệ tử mang máy của Trung Tá Đào Bá Phước, đều ở trong đại sảnh; hoặc giữ an ninh ở ngoài cổng trường, thay vì phải có mặt ngay sát bên cạnh cấp chỉ huy của họ tại bậc tam cấp của trường Phước Đức. Còn phóng viên báo chí lúc đó thường hay đưa tít giựt gân, nhứt là thổi phồng cái tin ô Thiệu "tiêu diệt" phe ông Kỳ.
 
Họ cố ý bỏ qua chi tiết là trực thăng vỏ trang được Đại tá Giám của Biệt Khu Thủ Đô gọi từ mặt trận. Không thể có chuyện ông Thiệu sắp xếp chương trình hành động vừa kín đáo vừa nhanh chóng ngay lúc mặt trận đang nóng bỏng như vậy được! Ngoài ra, sĩ quan liên lạc hành quân là người của Liên Đoàn 5 BĐQ. Vị sĩ quan Ba 3 đó ngồi ngay trên trực thăng và chỉ khi nào chính ông này đồng ý, thì pilot mới tác xạ.
 
Bọn báo chí thiên tả trong nước lẫn ngoại quốc là một đám cơ hội. Họ chờ dịp may hiếm có để suy diễn rồi tung tin đầy ác ý. Đúng là đổ dầu thêm lửa để các phe trong Quân Đội miền Nam thêm hận thù nhau!  Ông Thiệu ban hành chế độ kiểm duyệt chính là để hạn chế tin nhảm của đám báo chí chuyên môn "đâm sau lưng chiến sĩ" này đó!
 
- Thưa cậu, việc loan tin thất thiệt hay cố ý gây hoang mang dư luận của bọn thân cộng hay phản chiến thì ai cũng có đọc biết, nhưng chi tiết về vụ bắn lầm thì hình như cả báo chí ngoại quốc và của Mỹ cũng không rành thì phải!
- Có được phép công khai hóa đâu mà bên ngoài hòng biết được chi tiết! Đây là chuyện tối quan trọng. Chỉ có giới hữu trách và những chuyên viên kỹ thuật của Việt Nam, trong đó có Đại tá KQ Lê Văn Thảo, và các chuyên viên quân sự của phía Hoa Kỳ mới được giao phó trách nhiệm tìm ra nguyên nhân của vụ "bắn lầm". Do đó, chỉ có mấy ông "lớn" được đọc báo cáo chi tiết của cuộc điều tra này mà thôi.
 
Đại khái là một phái đoàn hỗn hợp Việt- Mỹ được cấp tốc thành lập. Họ đã tới Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn 5 BĐQ trong trường đua Phú Thọ, để phỏng vấn Đại Úy Tống Viết Lạc, sĩ quan Ban 3 của Tiểu Đoàn 30 BĐQ. Ông này là người đã có mặt trên chiếc trực thăng đó, cùng với viên đại úy cố vấn tên Evan. Phái đoàn đã gặp viên phi công gây tai nạn- một đại úy da màu của Lục Quân Hoa Kỳ- để hỏi thêm chi tiết. Sau đó, phi công của Ủy Ban Điều Tra bay thử trên chiếc trực thăng "tử thần" đó, để thu thập dữ kiện.
 
Sau cùng, họ đã đi đến kết luận là vì một lý do kỹ thuật chưa thể kiểm chứng, trực thăng đã bị trở ngại tác xạ ngay lần khai hỏa đầu tiên. Đến khi vòng lại để tác xạ lần thứ nhì, thì trái Rocket bị hụt tầm bắn nên mới gây ra tai họa. Phái đoàn hỗn hợp đã ngay sau đó đề nghị ngừng bay viên đại úy phi công gốc Lục Quân Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đề nghị này chỉ là hình thức! Vì ngay sau khi vừa xong cuộc thẩm tra, thì Hoa Kỳ đã vội vàng đưa viên đại úy phi công đó về nước để- theo lời họ nói- là tiếp tục cuộc điều tra và xét xử.
 
 Nói một cách dễ hiểu hơn thì chuyện là như vầy: vị trí của trường Phước Đức tuy gần mục tiêu nhứt, nhưng cũng là an toàn nhứt! Cho nên, viên phi công đổi ý và được thượng cấp của anh ta chấp thuận cho bắn qua đầu đơn vị bạn. Bắn như vậy là làm cho "phe ta" lên tinh thần hơn. Ngay cả phi công lẫn xạ thủ cũng phấn chấn và tự tin, vì nếu địch khai hỏa bắn vào trực thăng thì sẽ dễ lộ vị trí súng phòng không hoặc súng cá nhân, tức là lộ cả vị trí dàn quân của chúng.
 
Huống chi, Soái Kình Lâm lại nằm trên trục Tây Nam/ Đông Bắc. Bắn từ Tây qua Đông thì chỉ là bắn vào mấy bức tường, vì Soái Kình Lâm có hình vuông góc, bao vòng góc đường Phùng Hưng và Đồng Khánh. Tất cả các cửa sổ và cửa cái đều hướng về phía Nam- là đường Khổng Tử- và phía Đông, tức là hướng về phía Sài Gòn. Cho nên, nếu trực thăng bắn từ phía Đông qua Tây, thì phi công bị chói nắng của ráng chiều mùa hè, còn phi cơ thì trở thành tấm bia để địch tha hồ ngắm bắn vì tốc độ bình phi khi tác xạ chỉ ở khoảng trên, dưới 100km/h! Viên phi công đó làm 3 vòng "Bank", tức bay 3 vòng quanh khu vực, không phải chỉ nhằm mục đích nhận rõ mục tiêu, mà còn để cân nhắc và chọn lựa phương hướng tác xạ.
 
- Hình như trong giới truyền thông lúc đó, không có ai quan tâm tới cuộc điều tra này cả. Con nhớ là đã không thấy báo chí trong nước loan tin, hoặc nêu thắc mắc gì về chuyện điều tra này đã đi tới đâu. Báo chí phương tây và của Mỹ cũng vậy. Họ chỉ khai thác tối đa vụ "thanh toán" giữa hai phe phái mà thôi!

- Chiến sự leo thang, cộng thêm tin hòa đàm Paris rồi bầu cử Tổng Thống tại Hoa Kỳ đã chiếm hết mọi tin tức thời sự, nên đâu còn bao nhiêu người quan tâm tới vụ " bắn lầm" này nữa! Còn đám báo chí, trong đó có bọn thiên tả, mặc dù chúng có tới ngay trường Phước Đức để nghe ngóng và lấy tin, thì cũng chỉ xớ rớ một lát là biến luôn.
 
Vã lại, chiến trận xảy ra cách đó không xa. Bọn họ "lạnh cẳng" nên chỉ hỏi qua loa, chiếu lệ rồi vọt mất tiêu!

Còn một lý do khác nữa! Đó là vì Trung tá Đào Bá Phước không muốn mất thì giờ với đám ký giả, nên ông đuổi khéo, bằng cách yêu cầu họ nếu muốn làm phóng sự, thì theo Lính tới ngay chỗ giao tranh để lấy tin tức.
 
Do đó, ngoài 2, 3 người là phóng viên chiến trường thứ thiệt không ngại ăn đạn; đã bám theo mấy người lính Biệt Động Quân để ghi hình hay thâu băng, đám còn lại toàn là dân chết nhát, nên đã vội vàng "di tản" ngay sau khi bị mời ra khỏi trường học. Bọn họ sau đó, chắc chắn đã lóng nhóng ở Continental, hay Caravelle để vừa nhấp rượu, vừa nghe kể lại, rồi ghi chép tin tức ngay tại bàn ăn về chuyện anh chàng pilot và quả rocket tai hại đó!
 
Điều đáng nói là viên phi công này không phải là tay "cừ khôi" trong nghề pilot trực thăng. Bởi vì rõ ràng là anh ta lính quýnh trong việc tác xạ và thiếu kinh nghiệm bay bổng mặc dù mang lon đại úy. Chiếc rocket bị ngắn tầm có lẽ là do anh chàng đại úy đó không nhìn vào "Chiếu Môn Thập Tự", tức cái dấu + trên màn ảnh tác xạ, mà chỉ chú tâm nhìn vào ống nhắm. Thêm vào đó, khi đảo phi cơ và làm vòng "Bank" sau cùng trước khi tác xạ, anh ta chưa kịp lấy thăng bằng cho con tàu, thì đã bấm cò, phóng chiếc rocket định mệnh đó.
 
- Nghĩa là ...
- Nghĩa là trực thăng còn đang chao nghiêng và đầu tàu còn chúi xuống, mà cặp mắt của phi công qua ống ngắm đã tập trung ngay trên mục tiêu, cộng thêm có lẽ còn đang lính quýnh- vì không biết có kẹt đạn như lần trước hay không-  nên anh ta nhấn nút, "phơ" luôn. May là par coup! Chứ nếu như anh chàng mất bình tĩnh hay hồi hộp quá, tuôn mẹ nó hết nguyên dàn 7 trái rocket, thì cả trường Phước Đức và mấy căn nhà bên cạnh ắt chỉ còn là đống gạch vụn mà thôi!
 
- Như vậy thì trái rocket bị trở ngại tác xạ, tức trái đầu tiên không rời ống phóng thì nằm trong ổ đạn bên kia, còn trái rocket "định mệnh" là từ ổ phóng thứ nhì đúng không cậu?
- Chứ còn gì nữa! Không xài được ổ phóng bên này thì còn nguyên dàn bên kia. Mà chưa chắc là trở ngại kỹ thuật! Vì có thể anh chàng hoa tiêu phụ, thay vì bật contact để bắn ROCKET, thì cha nội đó lại lại "vặn cổ" qua bên  chữ "GUN" không chừng! Nếu là như vậy, thì dù có bấm nút bắn cả chục lần cũng chẳng có trái đạn nào phụt ra khỏi dàn phóng. Ngoài ra, có người cho biết là đã nghe tiếng đại liên bắn sau khi rocket nổ, thì có lẽ đó là đại liên từ phi cơ bắn bồi trước khi con tàu lạng ra khỏi khu vực giao tranh.
 
Đây cũng là cách tác chiến của dân bay trực thăng vỏ trang khi lâm trận. Nói tóm lại, việc bắn lầm hiếm khi xảy ra, nhưng vẫn có thể là do những hoa tiêu chưa dạn dày kinh nghiệm, mất bình tĩnh, hoặc yếu tinh thần mà ra. Điều tiên quyết là phải bình tĩnh và thận trọng giữ chính xác đường thẳng từ mắt-  qua dấu chữ (+) trên ống nhắm, hoặc tập trung vào chữ thập (+) ghi bằng bút chì mỡ trên kính chắn gió- tới mục tiêu.
 
Nếu lằn thẳng đó bị lệch đi, dù chỉ một ly thôi, cũng có thể bị lạc mục tiêu một cách trầm trọng. Thêm một điều quan trọng nữa: đó là kinh nghiệm bay bổng của hoa tiêu trực thăng không định bằng cấp bậc. Trong ngành Lục Quân Phi Hành của Quân Đội Hoa Kỳ, các sĩ quan từ trung đội trưởng, đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng v.v... đều có bằng bay và hàng năm họ phải đạt một số giờ bay tối thiểu để giữ bằng và lãnh lương bay.
 
Tuy nhiên, nhiệm vụ chính của họ là lo về hành chánh, bảo trì, tiếp liệu vv... của đơn vị mình chịu trách nhiệm.  Còn chuyện "đánh đấm" bằng trực thăng phần lớn là do các Chief Warrant Officers (*) đảm nhiệm. Vậy thì viên đại úy phi công này chắc chắn không phải là  dân bay "chuyên nghiệp" so với mấy tay CWO từ cấp 1 tới cấp 4 trong ngành Lục Quân Phi Hành của Mỹ. Ông đại úy đó thiếu kinh nghiệm nên mới xảy ra cớ sự! Cũng có thể nói là phía Mỹ đã điều động nhân lực không đúng chuyên môn và phận sự, nên mới xảy ra chuyện không may như vậy!
 
- Cậu là "Bạn Dân" nhưng sao coi bộ rành chuyện bên Không Quân dữ đa!
- Thằng Hai mày đừng quên đây là cái tang lớn cho ngành Cảnh Sát và Biệt Động Quân! Còn sau Mậu Thân thì vụ bắn lầm này là đề tài bàn luận gần như công khai mỗi ngày, ở khắp mọi nơi, nhứt là tại Tổng Nha Cảnh Sát trên đường Trần Hưng Đạo. Mấy ông "sếp" của Không Quân lẫn Cảnh Sát Quốc Gia vẫn thường nhắc tới chuyện này. Cả năm sau vẫn chưa hết bàn tán.
 
Không tin, thì cứ hỏi mấy ông "Cò" còn sống bên Mỹ sẽ rõ. Còn ở đây thì mấy chục năm nay, mỗi lần kỷ niệm trận đánh trong Chợ Lớn hồi Tết Mậu Thân, là mấy ổng rủ nhau gom lại đây để cùng nhắc chuyện xưa. Cậu cũng thường "ké" xếp Luận đi theo nghe ngóng cho đỡ buồn nên mới gặp con là vậy đó!
- Vậy sẵn đây, con vô luôn trong đó với cậu để...
Cậu Ba lật đật chặn tôi ngay ngoài cổng của ngôi trường đang chìm trong màn tối:
- Không được đâu! Không có người lạ nào được tham gia cả. Cậu là đệ tử ruột của xếp Luận nên mới được phép lân la tới hóng chuyện. Mấy ổng tới đủ rồi kìa! Thôi, cậu vô nghe!..
 
 Nói xong, cậu Ba biến nhanh qua cổng sắt. Tôi cố bước theo, nhưng có một sức mạnh vô hình nào đó ghì chân tôi đứng tại chỗ. Từ trong màu đen thăm thẳm của sân trường, có tiếng của cậu Ba vọng lại:
 - Cậu đã nói là không được!   
- Khoan đã cậu! Cậu Ba...!
 
Tôi giựt mình choàng dậy khi nghe tiếng vợ lay gọi:
- Anh! Mơ thấy gì mà mớ om sòm vậy?! Ác mộng hả?

Tôi nhìn nàng, nhưng không trả lời vì còn đang cố nhớ những gì đã trải qua trong giấc ngủ. Chắc là thần thái tôi còn mụ mẫm lắm nên thấy vậy, vợ tôi xuống giường:
- Anh uống miếng nước trà cho tỉnh táo nghe!
 
Vợ tôi nói xong là ra khỏi phòng, còn tôi ngồi thừ người, không ngớt suy nghĩ về những gì mình vừa mơ thấy. Là giấc ngủ mộng mị mà sao như chuyện thật của đời người! Có phải vì trong suốt thời gian nửa thế kỷ qua, cứ mỗi lần nhắc tới Tết Mậu Thân là tôi vẫn thường nghĩ ngợi về vụ "bắn lầm" lịch sử đó; nên sau bao nhiêu năm tháng, mớ suy nghĩ và hình ảnh trong đầu được bộ não ghi nhận, rồi tàng trữ vào một góc vào đó của bộ nhớ?
 
Như vậy thì trong số gần 100 tỷ tế bào thần kinh thì nhóm nào, hay loại nào đã góp phần tạo dựng một "bộ máy làm phim" thật đa dạng, trong đó nó có khả năng vừa là nhà sản xuất, vừa là đạo diễn kiêm soạn giả, đồng thời cũng là chuyên viên ráp nối, phó nhòm, rồi kiêm luôn cả phần hành của chuyên viên âm thanh và ánh sáng?
 
Giấc mơ tôi vừa trải qua phải chăng là "cuốn phim" do bộ não "phát hình" trong giấc ngủ; hay đây là sự tiếp xúc của tâm linh, trong đó chứa đựng những bí ẩn và oan khuất dằn dai của những hương linh chưa được siêu thoát?! Cho nên, phải chăng cách duy nhứt mà người đời trước có thể truyền tin, thông đạt, hoặc nhắn gởi cho hậu nhân, chỉ là qua những chuyện kể trong giấc mơ mà thôi?!
 
Vụ "bắn lầm" ở trường Phước Đức có thể không phải là một bí ẩn vì vẫn có cách lý giải chuyện không may đó, nhưng còn biết bao nhiêu câu hỏi liên quan tới kết cuộc bi thảm của toàn miền Nam Việt Nam, cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Đa số những người trong cuộc và cũng là nhân vật lịch sử- dân chính lẫn quân đội của nền Đệ Nhị Cộng Hòa-  đã ngậm hờn im lặng cho tới lúc lìa đời. Họ chẳng hề hở môi, hoặc nếu có, thì chỉ là tiếng thở dài của kẻ sĩ bất phùng thời khi nhận hết trách nhiệm về phần mình. Vị nào cũng kết luận một cách cay đắng là "Hãy để lịch sử và đời sau phán xét rồi luận công hay kết tội!"
 
Nhưng sau 45 năm, tại hải ngoại, chưa có một chút "ánh sáng" nào khả dĩ có thể giúp cho những người lưu vong hiểu được chuyện gì đã xảy ra cho cả 2 nền Cộng Hòa chân chính của miền Nam Việt Nam. Trong khi đó thì "lịch sử" của một nước Việt Nam "xạo hết chỗ nói" sẽ không bao giờ trung thực, bởi ai cũng biết tính cách lọc lừa của bọn phỉ quyền, vốn thường hay ngông cuồng khoe khoang thành tích, hay chỉ biết phục vụ cho Đảng và quan thầy Bắc Kinh của chúng.
 
Là định phận bởi Trời, hay do một ván cờ chính trị của thời cuộc, mà hai nền Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam đã phải cáo chung một cách tức tưởi?! Câu trả lời nằm ở đâu và phải hỏi ai đây?!

" Những người muôn năm cũ
 Hồn ở đâu bây giờ?!" (**)


HUY VĂN (HVC)
 
(*) CWO ( Chief Warrant Officer ) không có trong bảng cấp số của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
(**) Thơ Vũ Đình Liên
 
Nguồn tham khảo:

( Trích: ... Trong một bản tường trình gửi Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ có đoạn: "Họ (những con buôn người Hoa) chi phối giá cả từ trên xuống dưới. Vàng chẳng hạn, cứ mỗi tối họ điện thoại sang Hồng Kông để nắm giá rồi sáng hôm sau, họ thông báo giá vàng trong ngày cho tất cả những đầu mối ở Sài Gòn, Chợ Lớn và các tỉnh miền Tây. Phân bón cũng vậy, qua tin mật báo của cảm tình viên Tổng đoàn, trong 6 kho ở bến Chương Dương, bến Hàm Tử, bến Bình Đông hiện vẫn còn trên dưới 50 nghìn tấn nhưng trên thị trường, họ ra lệnh cho các đại lý chỉ bán nhỏ giọt vì họ nắm được thông tin là phân sẽ lên giá…)
 

________________


usaelection gởi