Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 

CHUYỆN Ở QUÊ NHÀ
 
 
Một người Mỹ trầm lặng sống trên đồi Buông
 
Ông  Robert PodunaVac hay ngồi bệt trước hiên nhà nhìn ra khu đồi trước mặt, nơi đó có vạt rừng keo và cau chính ông tạo dựng nên. Dáng ngồi và khuôn mặt bình thản của Robert gợi cho người ta cảm giác ông đã thuộc về nơi này từ lâu lắm…

Ông mặc một chiếc áo lam của người Phật tử, tay cầm tràng hạt, mắt chăm chú nhìn lên tượng Phật bà Quán Thế Âm tỏa hào quang điện chấp chóa trên tường. Ông đang đắm chìm trong một cảnh giới không thể quấy rầy.
 
Vì tôi yêu em…

Nhà ông ở trên đỉnh đồi Buông, thuộc một xã miền núi hẻo lánh của Quảng Nam – xã Tam Lãnh (huyện Phú Ninh). Tại sao một chuyên gia phần mềm của một công ty lớn ở Washington, lại từ bỏ tất cả để đi làm nông dân ở chốn rừng núi này, thật khó giải thích. Mỗi người nói mỗi kiểu, riêng Nguyễn Bích Giang, cô gái đầu của người phụ nữ sắp là vợ Robert, giải thích hơi lạ: “Kiếp trước ổng nợ mẹ em nên kiếp này ổng phải trả”..

Giang nói: “Ổng từ bỏ quê hương, tiện nghi, tiền bạc, thậm chí bỏ cả đạo gốc (Robert đã cải đạo Tin Lành sang đạo Phật) để theo mẹ em, một phụ nữ đã có một đời chồng, ba đứa con, nghèo xơ xác làm nghề rửa bát thuê. Ổng sống chung với mẹ, nhưng tối ai ngủ giường nấy, ổng ngủ một mình, còn mẹ ngủ với em. Ông hy sinh tất cả vì mẹ mà không đòi hỏi điều gì cả”. Bà Lữ Hà Thy Nhơn (1969), vợ của Robert, cũng thú thật như vậy: “Robert bị tai nạn giao thông dẫn đến đau cột sống, không thể ân ái vợ chồng được…” Bà Nhơn cũng tiết lộ, Robert coi điều đó là một thiệt thòi cho bà, thỉnh thoảng ông đưa bà cả chục ngàn đô và khuyên bà nên đi chơi đâu đó. Nhưng bà chối từ. Bà không muốn phụ ông, một người bà coi như đấng cứu nạn của đời mình.

Robert đã biến cô lọ lem Thy Nhơn nghèo xác xơ thành một “công chúa” ở đất Tam Lãnh này. Ngày trước bà Nhơn chỉ có một túp lều dưới chân đồi, trong đó ngoài cái giường tre không còn gì nữa cả. Robert đã sắm cho gia đình bà từ… cuộn giấy vệ sinh sắm lên. Ông bỏ tiền đổ đất nền lên cao và dựng lên đó một ngôi nhà khang trang thuộc loại nhất nhì của Tam Lãnh bây giờ. Ông chuộc lại toàn bộ đất đai (3ha) mà ngày trước vì túng thiếu mẹ bà đã bán, và dựng lên đó một trang trại với rừng keo, cau xanh ngát, với hàng trăm con gà, vịt, bồ câu… Ba đứa con bà được ông sắm sửa từ cái áo, cái quần, ông đi hỏi vợ cho cậu con trai giữa và chuẩn bị làm đám cưới cho cô con gái đầu của vợ, Nguyễn Bích Giang. Ông làm tất cả những điều đó, với số tiền chi ra bằng gia tài một người giàu có ở Quảng Nam để được gì? “Nhiều khi tôi cũng thắc mắc như vậy, nhưng ông chỉ nói đơn giản, vì tôi yêu em”, bà Nhơn kể.
 
“Âm thanh” của sự trầm lặng

Robert về quả đồi này được bốn năm. Cả xã hầu như không ai nói được tiếng Anh (trừ vợ ông), ông không biết tiếng Việt. Vì vậy Robert có lẽ là người ít nói nhất của Tam Lãnh. Mỗi khi khách đến nhà, vợ ông huyên thuyên, còn ông theo thói quen ra ngồi bệt trước hiên nhà, hút thuốc và nhìn ra rừng. Bà Nhơn nói, Robert không thích ồn ào, mỗi khi đi đâu, ông đều khuyên nên chọn chỗ yên tĩnh…

Robert ít nói nhưng không hề lãnh đạm với mọi người. Do nhà có chăn nuôi nên hay thuê phụ nữ chung quanh đến thái chuối cây để làm thức ăn cho chúng. Những ngày đầu thấy bà con ngồi bệt xuống đất làm việc, ông lẳng lặng lấy xe máy chạy 30km đường núi xuống Tam Kỳ (tỉnh lỵ của Quảng Nam) mua một lô ghế nhựa nhỏ đem về cho bà con ngồi. Những nông dân đến làm thuê cho ông, ông không nói chuyện với ai nhưng không hề quên ai. Có lần một người đang làm bị ốm phải nghỉ. Thấy anh ta không đến, ông hỏi vợ rồi vào lấy mấy trăm ngàn đồng đưa vợ bảo đem đến cho anh ta uống thuốc. Qua trường mẫu giáo thôn thấy bàn ghế các em xập xệ, ông làm thinh về lấy mấy triệu đồng qua cho trường để sửa chữa. Một lần nghe bà con định tu sửa lại cái miếu thôn, ông đưa tiền cho bà con mua vật liệu và đích thân đi mua sơn về bỏ hai ngày lụi cụi sơn lại miếu. Các cụ bô lão trong thôn sững sờ.
 
Chốn về của kẻ độc hành

Bà Thy Nhơn lớn lên trên những mảnh rừng và một gia đình đông con luôn thiếu ăn. Bà đi học và sau này trở thành cô giáo dạy ngoại ngữ của một trường tiểu học tại địa phương. Vài năm sau, Thy Nhơn lập gia đình với một người đàn ông. Trong những ngày hạnh phúc ngắn ngủi, lần lượt hai đứa con nối tiếp nhau ra đời. Nhưng rồi, cuộc mưu sinh khốn khó bủa vây, kinh tế gia đình chỉ dựa vào đồng lương giáo viên ít ỏi của bà không đủ trang trải. Trước cảnh túng bấn, người chồng đã bội bạc ra đi, bỏ lại bà cùng hai đứa con thơ và người mẹ già phải chăm lo.

Bà Nhơn đành phải gửi các con thơ dại cho người mẹ già, một mình vào Saigon tìm việc làm. Nơi đất khách quê người, một thân một mình, nhưng bà không từ nan bất cứ công việc gì để kiếm được đồng tiền lương thiện. Vừa làm, vừa luyện thêm vốn tiếng Anh đã sẵn có của mình. Mãi cho tới năm 2000, khi vốn liếng tiếng Anh kha khá, bà bắt đầu nghĩ tới chuyện kiếm thêm thu nhập bằng cách dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Cũng từ công việc mới mẻ này, bà gặp Robert Podunavac. Từ những giây phút đầu gặp gỡ họ đã dành tình cảm cho nhau, duyên phận run rủi để cho họ tìm thấy nhau giữa hơn 6 tỉ người trên trái đất.

Còn về phần Robert Podunavac, cuộc đời ông cũng đầy những thăng trầm và thua thiệt trong tình yêu. Người đàn ông đến từ bên kia bờ đại dương kể, mình vốn là một lập trình viên máy tính tài năng và cũng là một người yêu thiên nhiên tha thiết. Cả thời trai trẻ, ông đã làm được nhiều điều cống hiến cho môi trường. Trước khi sang Việt Nam vào năm 2001, ông đã từng qua nhiều nước như: Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines để thực hiện nhiều đề án, đồng thời tìm cách lãng quên những đớn đau của cuộc đời. Robert tâm sự: “Tôi thành đạt trong công việc song chuyện gia đình lại là một nỗi đau nhói tận tâm can. Người vợ đầu tiên của tôi sớm ly dị vì không dung hòa được quan điểm sống. Đến Hàn Quốc sống gần 11 năm, tôi lại lập gia đình cùng một người phụ nữ bản địa. Nhưng cũng chẳng được bao lâu, cô ta lại sa chân vào con đường nghiện ngập, rượu chè, khiến hôn nhân đổ vỡ”.

“Chúng ta về quê em sinh sống đi”, ông đề nghị bà Nhơn khi hai người đang ở Sài Gòn.
"Thế còn công việc của anh, về đó chúng ta lấy gì mà sống?”
“Tôi xin nghỉ việc công ty. Em đừng lo, tôi có điều kiện để em sống một đời không lo lắng”.
"Nhưng anh thích điều gì ở đó?”
“Tôi thích sự tĩnh lặng của nó”.

Ông về hôm trước, hôm sau bà con đã thấy ông ra đồng. Nhà bà Nhơn có mấy sào lúa, từ cày cấy, tưới nước, gặt hái…ông tham gia hết. Với tiền bạc của mình ông dễ dàng trở thành một đại điền chủ của Quảng Nam. Nhưng không, ông chắt chiu từng hạt lúa trên đám ruộng của mình. Những trưa nắng như đổ lửa, bà con thấy ông đầu trần, vận mỗi cái quần đùi, lết bàn chân đi tới đi lui trên sân để đảo lúa cho khô. Ông phơi phóng, gìn giữ từng hạt lúa không phải cho mình vì ông chưa… ăn cơm được. Ngày ngày, khi gà trong thôn vừa gáy, ông đã dậy, vác cuốc ra đồi chăm lo rừng keo, rừng cau, dựng cây này lên, bón gốc cho cây kia. Đang làm, sực nhớ điều gì, ông tất tả chạy về. Ông lấy cái ô lúa mà vợ đong sẵn hú gọi gà, vịt, bồ câu đến để cho ăn. Có lần chuyên gia phần mềm Robert cho gà, vịt ăn đến suýt chết vì quá nhiều, con nào con nấy diều phồng lên cứng ngắc, đi không nổi. Từ đó, bà Nhơn phải đóng khẩu phần gà, vịt cho Robert…

Trang trại cho thu nhập bao nhiêu, Robert không cần biết. Điều Robert cần là được làm công việc của một nông dân. Robert ước ao được chết như một… nông dân, nghĩa là có cái mộ.

Một lần Robert về Mỹ, bà Nhơn im lặng kêu người xây một ngôi mộ cho ông bên cạnh cái trang trại với rừng cây, gà vịt mà ông tạo dựng nên. Khi trở lại biết chuyện này ông khóc nức nở vì cảm động: “Em đã giúp tôi toại nguyện một mong muốn lớn nhất của đời tôi. Cả đời này tôi mang ơn em”. Bên ngôi mộ mình, ông tâm sự đã từng có một người vợ, từng tha thiết mong những đứa con. Nhưng vợ ông ba lần mang thai, ba lần hỏng vì cô nghiện rượu. Ông ly dị vợ và sau đó bị tai nạn giao thông, chuyện có con coi như khép lại vĩnh viễn. Vì công việc ông sống nhiều nước, nhưng đi đâu ông cũng cô đơn, cũng thấy thiếu vắng. Chỉ có ở đây, ở đồi Buông này, mà ông hiểu theo tinh thần đạo Phật là buông xả tất cả, ông mới thấy lòng mình yên tĩnh.

Đêm đêm theo lời khuyên của bà Nhơn, Robert đem máy cassette ra mộ mình mở băng kinh Phật “cho ấm ngôi nhà mai sau”. Ông rất hay đi chùa. Đến đâu ông cũng cúi đầu lạy Phật thành kính. Mỗi ngày hai thời, ông mặc áo lam, cầm xâu chuỗi đứng niệm Phật. “A di đà Phật” là bốn tiếng Việt duy nhất mà ông thuộc và sử dụng hàng ngày.
 
 
 
Cô gái Ukraine “cãi lời” bố mẹ, vượt 8.000 km lấy chàng trai Việt
 
Bốn năm du học và 4 năm «theo chồng về dinh» giúp Sofia thuần thục, tự tin và trải nghiệm văn hóa Việt Nam, từ việc chăm sóc con, nấu nướng đến chuẩn bị các mâm cỗ theo tục lệ truyền thống ngày Tết,…
 
Chuyện tình đẹp của cặp chồng Việt vợ Ukraine
 
Buổi chiều cuối tuần, sau khi cho bé Alice ăn uống cẩn thận, Sofia cùng Phan Vũ Sơn lấy xe đẩy, đưa con gái xuống sảnh chung cư, đi dạo vài vòng. Cặp vợ chồng trẻ vui vẻ trò chuyện bằng tiếng Ukraine, thỉnh thoảng lại đưa ánh mắt nhìn nhau đầy trìu mến. Còn cô bé Alice thì thích thú cười tít vì được bố mẹ cho ra ngoài thay đổi không khí.

Sofia trắng, mái tóc vàng hoe và đôi mắt màu xanh long lanh, lúc nào cũng nở nụ cười rạng rỡ. Nàng dâu Việt đã quá quen với việc vài người xung quanh chú ý về mình mỗi khi xuất hiện trước đám đông. Sofia cùng chồng đến quán cà phê, mua loại cà phê sữa ưa thích. Từ khi sang Việt Nam, cô gái Ukraine đã mê thức uống phổ thông và không kém phần nổi tiếng này.
Nhiều năm trước, Sofia (hiện nay 28 tuổi, quốc tịch Ukraine) và Phan Vũ Sơn (30 tuổi, quê ở Nam Định) tình cờ quen nhau vì có chung một nhóm bạn. Đặc biệt, cả hai cùng học tại Đại học Tổng hợp Kiev (Ukraine). Sofia học khoa tiếng Việt, còn Sơn học  khoa Vật lý.

Lần đầu gặp nhau, Sơn và Sofia đều có ấn tượng tốt về nhau. Sofia thích chàng trai Việt vì sự ân cần, chu đáo, lãng mạn, còn Sơn thì bị thu hút bởi đôi mắt trong veo và ngoại hình xinh xắn của cô gái Ukraine. Biết Sofia đang học tiếng Việt và muốn tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, Sơn nhiệt tình giúp đỡ ngay.

Vì có nhiều điểm chung trong tính cách và quan niệm sống nên cả hai ngày càng có thiện cảm với nhau. Những lần đi chơi chung, các cuộc nói chuyện kéo dài cả tiếng đồng hồ khiến cặp đôi dần nảy sinh tình cảm. Hơn nửa năm sau, Sơn và Sofia chính thức thành đôi.

Với nhiều cặp ngoại quốc, sự khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ chính là rào cản, nhưng Sơn và Sofia thì ngược lại. Ngay từ đầu tiên họ đã có nhiều điểm chung. Sơn sinh ra và lớn lên ở Ukraine nên anh dễ dàng giao tiếp và thấu hiểu bạn gái. Còn Sofia được bạn trai hỗ trợ, hướng dẫn trong suốt thời gian học và tìm hiểu về văn hóa Việt Nam.

Sau hai năm, Sơn mạnh dạn ngỏ lời cầu hôn Sofia và nhận được cái gật đầu đồng ý từ bạn gái. Tuy nhiên, họ phải đối mặt với thử thách khi Sơn đi du học thạc sĩ (Master) ở Đức, còn Sofia sang học thạc sĩ tại Việt Nam. Chưa kể, thời gian cặp đôi yêu nhau và tính đến chuyện kết hôn, hai bên gia đình không hoàn toàn ủng hộ vì những khác biệt về phong tục, tập quán và khoảng cách. Thậm chí, Sofia còn «cãi lời» bố mẹ, bất chấp sự không ủng hộ từ gia đình để yêu chàng trai Việt. Và bằng tình yêu đích thực, họ đã vượt qua được «định kiến» để ở bên nhau.

Bốn năm yêu nhau, Sơn và Sofia tổ chức đám cưới sau khi cả hai cùng hoàn thành chương trình thạc sĩ ở Đức và Việt Nam. Hôn lễ của họ được tổ chức ở Kiev, sau đó ở Việt Nam (Nam Định).

Đám cưới ở Kiev của hai người được tổ chức nhỏ gọn với sự góp mặt của những người bạn ngoại quốc cùng đến chung vui. Trong bữa tiệc mừng và đầy hạnh phúc hôm đó, Sofia cùng dàn phù dâu mặc trang phục áo dài duyên dáng mà cô đã đặt ở Hà Nội rồi tiệm chuyển giùm sang Ukraine.

Hôn lễ tiếp theo được tổ chức tại Nam Định – quê hương của bố Sơn. Sự kết hợp văn hóa giữa hai nước trong ngày trọng đại khiến cả hai vô cùng xúc động, hạnh phúc. Nhìn nụ cười rạng rỡ của Sofia trong ngày cưới, Sơn biết mọi khó khăn của Sofia đã được đền đáp xứng đáng. Chàng trai Việt tự nhủ sẽ cố gắng hơn nữa để bù đắp sự thiếu thốn về mặt tình cảm cho vợ khi phải sống xa quê gần 8.000 cây số.
 
Ghi nhớ văn hóa Việt từ gia đình chồng và qua những video “triệu view”
Vì đã từng học thạc sĩ tại Việt Nam nên cô gái Ukraine dễ dàng thích nghi với cuộc sống và văn hóa quê chồng. Tuy nhiên, có những điều nàng dâu ngoại quốc vẫn bỡ ngỡ. “Ví dụ ở Việt Nam, trước khi dùng bữa, con cháu phải mời ông bà, bố mẹ ăn cơm, còn ở nước ngoài thì không có thói quen đó. Sofia ban đầu khá ngạc nhiên nhưng chịu khó học hỏi, lắng nghe nên nhanh chóng hòa nhập được với lối sống và thói quen của người Việt”, Sơn kể.

Nhận thấy ẩm thực Việt rất phong phú, Sofia quyết tâm rèn luyện kỹ năng nấu nướng, chinh phục mẹ chồng bằng những món ăn ngon tự tay mình làm. Cô gái Ukraine cũng “lấy lòng” được gia đình nhà chồng khi hoàn thành tốt trọng trách của một nàng dâu trưởng. Mỗi dịp Tết, cô tự tin, vào bếp nấu các món ăn truyền thống như miến,  măng, chả giò, gỏi cuốn… Cô gói được cả bánh chưng nữa, rất đẹp, ai cũng tấm tắc khen ngợi.
Sau khi kết hôn, Sơn và Sofia quyết định về Việt Nam sinh sống.

Sơn luôn dành thời gian quan tâm tới vợ từ những điều nhỏ nhất. Khi hai vợ chồng chào đón cô con gái đầu lòng – bé Alice –  anh thường hỗ trợ vợ chăm sóc con, làm việc nhà,… Thỉnh thoảng, chàng trai Việt lại vào bếp nấu những món ăn Ukraine giúp vợ nguôi ngoai nỗi nhớ quê hương.

Hơn một năm nay, vợ chồng Sơn-Sofia còn có thêm niềm vui mới bằng việc quay video trên Tik Tok. Ban đầu, họ coi đó như một cách để giải trí, lưu lại kỷ niệm của hai vợ chồng và bé Alice. Tuy nhiên, những video của cặp chồng Việt vợ Ukraine đã nhận được nhiều sự yêu thích từ cộng đồng mạng, thu hút «triệu view» bởi sự hài hước, đáng yêu.

Mỗi buổi chiều, tranh thủ lúc rảnh rỗi, cả hai lại hào hứng “bắt trend”, quay những video ghi lại nhiều câu chuyện thú vị về cuộc sống. Thông qua mỗi clip, Sơn cũng lồng ghép các mẹo, kinh nghiệm và phong tục, thói quen của người Việt. Điều đó giúp Sofia học hỏi và ghi nhớ lối sống, cách ứng xử ở Việt Nam.

Hai tuần qua, Sơn và Sofia liên tục gọi điện cho gia đình vợ ở Kiev. Biết mẹ, hai em đã di tản sang Cộng hòa Czech, vợ chồng cô vẫn thấp thỏm không yên tâm khi ông bà nội và bố còn kẹt ở Kiev.

“Gia đình mình có 6 người, sống ở Kiev. Hiện tại, mẹ và em gái, em trai mình đã di tản sang Cộng hòa Czech, còn ông bà với bố vẫn còn bị kẹt ở lại cùng với mọi  tài sản ở đấy. Mình lo lắng quá “, Sofia nói.

Nghĩ đến cảnh quê hương bị tàn phá, tính mạng con người bị đe dọa, Sofia không cầm được nước mắt. Nhiều đêm, cô chẳng thể ngủ vì lo lắng cho sự an toàn của gia đình. Nàng dâu Việt bày tỏ mong muốn chiến sự sớm chấm dứt để Ukraine trở lại yên bình, xây dựng lại đất nước.
 
Đoàn Dự

______________


Đỗ Hứng gởi