Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
CHUYỆN TẮC-XI


Hai chuyện sau đây tôi nghe hai người khác nhau kể. “Tôi” trong câu chuyện là một trong hai vị ấy, không phải …tôi.

- 1-
 
Taxi tại Tokyo

Tôi tới phi trường Đông Kinh dưới cơn mưa tầm tã, may mà “tóm” được một chiếc tắc-xi hiếm hoi trong lúc đó.

Tôi biết đâu chừng gần một chục tiếng Nhật, học cấp tốc qua Internet trước khi du lịch xứ hoa anh đào, nhưng chỉ đủ để chào hỏi, cảm ơn, và xin lỗi; còn tiếng Anh thì cả tôi lẫn anh tài xế tắc-xi đều ấm ớ như nhau. Chúng tôi giao tiếp bằng tiếng tay. Tôi chìa ra mảnh giấy có ghi địa chỉ. Thời đó chưa có máy định vị như bây giờ. Anh tài xế cầm xem rồi gật đầu mấy cái tỏ vẻ hiểu.

Xe chạy. Trời tối sầm và vẫn mưa. Đang chạy ngon lành, đột nhiên anh tài xế thò tay tắt đồng hồ tính tiền. Chừng năm phút sau, anh ta bật đồng hồ, tiếp tục tính. Tôi ngạc nhiên, muốn hỏi mà ngay cả tiếng tay cũng không biết ra dấu cách nào, bèn nín thinh.

Tới nơi, anh tài xế bước xuống bấm chuông cửa căn nhà mà tôi muốn tới, chắc là muốn biết chắc đã đưa tôi tới đúng chỗ trước khi thả tôi xuống. May quá, bạn tôi ra mở cửa, chào hỏi rối rít rồi phụ anh tài xế mang hành lý của tôi vào.

Khi trả tiền, tôi nhờ bạn hỏi thăm về vụ tắt máy tính tiền một lúc rồi mở lại. Hai người xí xô xí vào vài câu rồi bạn tôi giải thích:
- Anh ta nói trời tối quá, hồi nãy ảnh chạy lố một đoạn, thay vì đi theo đường thẳng, anh ấy đã đi theo hình cánh cung nên xa hơn. Anh ta không thể để cho phải trả tiền nhiều hơn vì lỗi của anh ta nên tắt máy tính một lúc rồi mở lại.

Tôi nói cảm ơn và làm toán nhanh trong đầu, xong cho anh ta thêm 15% gọi là tiền nước, “puộc boa”, theo lối của người Quebec, nơi tôi sinh sống. Anh tài xế cúi đầu thật sâu tạ ơn nhưng không nhận, nói rằng “tục lệ” của tài xế tắc-xi là nhận lời cảm ơn và cảm ơn lại, nhưng không được phép nhận tiền thưởng.

Bạn tôi gật đầu xác nhận. Tôi đành phải cảm ơn qua cảm ơn lại lần nữa, rồi vào nhà.
Câu chuyện tắt máy tính tiền ám ảnh tôi mãi, buộc phải viết ra, không viết không được.

- 2 -
 
Taxi tại phi trường Hà Nội

Lần đầu tiên tôi tới Hà Nội, từ quốc gia tạm dung.
Phi trường bài trí hơi lộn xộn nhưng ít rác hơn tôi tưởng.
Đón tắc-xi hơi khó, có xếp hàng đấy, nhưng có nhiều người có lẽ là VIP, nhân vật quan trọng, từ đâu đó không biết, được nhân viên phi trường đưa tới cắt hàng, khiến tôi lại phải đợi.

Quan sát một lúc, tôi hiểu ra. Nhờ tờ giấy 5 đô, tôi cũng trở thành “VIP”, được một cậu dẫn tới xe ngay lập tức. Ra thế! Mẹ tôi vốn từ ngoài Bắc vào Nam bằng tàu há mồm, dạy tôi từ hồi còn nhỏ: “Đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn.” Tôi nhớ lời mẹ dạy và tôi sẽ phải bắt đầu khôn lớn trên đất mẹ từ đây.

Tôi đưa anh tài xế mảnh giấy ghi địa chỉ. Anh trả lời: “Vô tư!” rồi rồ ga chạy. Trời đẹp. Tôi mãi ngắm người ngắm cảnh, không để ý xe chạy bao lâu, nhưng khi xe ngừng, móc ví ra trả tiền, tôi hơi choáng người vì món tiền ấy không hề nhỏ. Tôi có cảm tưởng, với món tiền đó, tôi có thể đi xe từ Hà Nội ra tận Hải Phòng là ít nhất.

Thấy tôi hơi ngần ngừ, anh tài xế gõ gõ vào đồng hồ tính tiền, lừ mắt nhìn tôi. Tôi trả tiền xe và trả thêm tiền “boa” khi thấy anh tài xế có vẻ như không muốn mở “cốp” trả lại hành lý cho tôi.

Tôi thẩn thờ về nhà trọ. Hôm sau lửng thửng dạo chơi phố phường, tôi thấy nhiều chiếc máy bay lên xuống cách nơi tôi đứng một đoạn đường ngắn chừng ba bốn ô phố.

Tôi hỏi một em bé,
- Phi trường nào đấy?

Cậu bé trả lời đúng tên cái phi trường mà tôi vừa đáp hôm qua. Tôi hỏi thêm:
- Đi tắc-xi từ đó tới đây khoảng bao nhiêu tiền?

Cậu bé cười hóm:
- Cái đó còn tuỳ bác là người Hà Nội hay từ xa tới. Nếu gặp khách lạ, lái xe sẽ cho du lịch Hà Nội một hai vòng cho… khôn ra.

Nguyễn Hữu Nghĩa
2024-10-26

________________


Đặng Hữu Phát gởi