Câu chuyện mà chúng tôi sắp kể sau đây là câu chuyện về một “chuyến tàu đêm” không bao giờ về đến bến của một người bạn của chúng tôi và câu chuyện vẫn ám ảnh họ không nguôi cho đến bây giờ.
Câu chuyện bắt đầu bằng một chuyến du lịch của vợ chồng người bạn (LN) đi Côn Đảo hồi đầu tháng 10/2017. Anh kể, vợ anh là một người vốn khá nhạy với điều mà người ta hay gọi là “âm khí”. Ở đâu có “nó” là người vợ đều có thể cảm nhận được ngay và thường có cảm giác rất sợ hãi.
Khu resort nơi họ ở tại Côn Đảo rất đẹp, là một trong các resorts nổi tiếng ở đó. Nhưng không hiểu sao, hoàn toàn chỉ bằng cảm tính, người vợ có một cảm giác không yên trong thời gian nghỉ ngơi ở đây, cái cảm giác lành lạnh như lúc nào cũng có những đôi mắt vô hình nhìn mình từ đằng sau.
Mặc dù khu resort rất đẹp, nhưng hai đêm liền người vợ không tài nào ngủ được. Cảm giác sợ hãi, lành lạnh sống lưng khiến người vợ không tài nào nhắm mắt được dù ở bên cạnh người nhà. Người vợ luôn có cảm giác như có những ánh mắt vô hình cùa ai đó từ cõi âm đang nhìn mình chăm chú khiến người vợ có cảm giác nổi gai ốc và cứ phải quay lại nhìn sau lưng mình, rồi nhìn về những góc phòng.
Thậm chí, sáng hôm sau, khi ở phòng resort một mình, không chịu nổi sự sợ hãi vì cảm giác rất nhiều “người lạ” cũng đang hiện diện ở trong phòng, người vợ đã phải chạy ra ngoài dù ở ngoài nắng đã lên cao và thời tiết rất nóng. Một cảm giác rất lạ mà người vợ chưa bao giờ thấy dù đã từng đi nhiều nơi, ngủ một mình ở những nhà công vụ hoang vắng, xa khu dân cư.
Ngày cuối cùng, khi mọi người trong nhóm tour xuống phòng ăn để ăn bữa sang, một cô bạn trẻ đi cùng kể cho người vợ nghe: “Hồi tối em hết hồn chị ơi. Em đang xếp đồ vô valy để hôm nay về, tự nhiên linh tính mach bảo, em nhìn qua tấm kính (resort nơi mọi người ở là những ngôi nhà có vách ngăn các phòng bằng kính) thì thấy một người đàn ông đứng nhìn em. Ông mặc sơ-mi màu nâu, tay dài cài khuy, đeo cà vạt. Em hét lên: Anh ơi, có ai trong phòng. Chồng em chạy ra thì không thấy chi cả. Ảnh nói làm sao trong nhà mà có người lạ được, có lẽ em thấy cái chi đó rồi tưởng tượng ra thôi. Tuy vậy, chồng em cũng muốn yên tâm nên gọi bảo vệ lên cùng để đi quanh ngôi nhà và ngoài vườn nhưng vẫn không thấy ai cả”.
Côn Đảo
*****
Câu chuyện tưởng sẽ đi vào quên lãng theo thời gian, nếu như hai vợ chồng anh ấy không post hình đi chơi đảo của mình lên mạng, và sau đó, tình cờ có một người, một phụ nữ hoàn toàn không quen biết (tên là HN – đang sinh sống tại hải ngoại) vào comment, viết rằng nơi ấy rất đẹp nhưng cô không thể sống ở đó được vì bị một nỗi ám ảnh rất lớn: cha của cô là một Cảnh Sát dưới chế độ VNCH, một trong những công chức, quân nhân sống và làm việc trên đảo trước năm 1975, đã bị nhà cầm quyền cộng sản hành hình vào một đêm tối ở nơi ấy.
Nghe vậy, người vợ cảm thấy rợn người, nổi da gà và ngay lập tức chợt nhớ lại cái cảm giác xốn xang ớn lạnh và không yên ổn những ngày ở resort Côn Đảo.
Sau khi nghe câu chuyện này, người vợ đã kết bạn với chị HN và hai người đã nói chuyện với nhau thật nhiều sau đó.
Và theo lời chị HN kể lại, một sự thật kinh hoàng từ từ được hé lộ: Sau khi Miền Nam Việt Nam bị cộng sản bắc việt cưỡng chiếm, những người từng làm việc cho chính quyền Miền Nam gồm công chức, quân đội, nhân viên làm ở trại tù đều bị cộng sản tập trung lại và bị nhốt. Con số này khoảng 70 người.
Côn Đảo
Đêm 23/12/1975, bọn cộng sản tại Côn Đảo đã đánh lừa gia đình các quân, cán, chính VNCH là sẽ đưa hơn 70 người gồm quân nhân, cảnh sát, viên chức chế độ cũ đã từng làm việc tại Côn Đảo lên tàu về Cần Thơ để “học tập cải tạo”. Thân nhân của họ nghe vậy thì chỉ biết hay vậy, và ngay sau đó 70 người bị bắt đưa đi và từ đó, mọi người cũng không được thông báo gì thêm sau đó.
Và rồi mãi mãi sau đó, không một người nào trong số 70 người ấy sống sót trở về với gia đình !!!
Sự thật về cái đêm khủng khiếp kinh hoàng đó, người thân của nhóm Quân, Cán, Chính VNCH này không ai hay biết và mọi bí mật có lẽ sẽ hoàn toàn bị chôn vùi theo năm tháng.
Mãi cho đến nhiều năm sau, có lẽ do Trời xui, Đất khiến, cái màn sương âm u và kinh hoàng che giấu cái chết oan khiên tức tưởi cùng một lúc 70 người đó được vén ra qua lời kể của một kẻ tâm thần, nửa điên nửa tỉnh, một trong những tên cộng sản man rợ mất hết nhân tính, đã ra tay hạ sát các anh, các chú bác này, là gã Tư Đ. trong một lần say xỉn đã “tự nhiên” cao hứng buột miệng kể ra.
Gã này còn kể lại rằng tất cả những người tù VNCH này bị đưa đến một khu rừng dương hoang vắng trên đảo, tất cả sau đó đều bị đập vào đầu, nhiều người chết ngay tại chỗ, nhưng cũng có nhiều người vẫn chưa chết hẳn, nhưng vẫn bị vùi sống xuống cái hố đã được bọn chúng đào sẵn. Khu nầy cách xa khu dân cư chính của đảo đến khoảng 10 cây số, một địa điểm hoàn toàn hoang vu vắng người, vô cùng tiện lợi cho mục đích của những kẻ sát nhân man rợ đầy thú tính.
Ngôi mộ tập thể có 10 bộ hài cốt của các quân, cán, chính VNCH bị cộng sản sát hại tại Côn Đảo được xây năm 2016
Nhiều năm nữa đi qua… Người thân của những người bị giết chết đau cái nỗi đau không nói được nên lời. Thân phận họ, những người thuộc “bên thua cuộc”, hoàn toàn là thân phận con sâu cái kiến, biết kêu oan ở đâu và kêu oan với ai khi những kẻ nắm quyền cũng chính là những kẻ sát nhân man rợ. Đâu đâu cũng là kẻ chiến thắng, mang quyền sinh sát người khác trong tay? Luật là của bên thắng cuộc, đương nhiên lẽ phải thuộc về họ!
Thế nhưng đất trời lại có những cách sắp đặt khác mà loài người sẽ không bao giờ hiểu được. Một dự án xây dựng một khu resort tại một địa điểm rất đẹp gần biển, vắng vẻ và xa vùng dân cư này được xây lên, và trong lúc đào đất, nhà thầu thi công xây dựng đã tìm thấy rất nhiều xương người trong một ngôi mộ tập thể khá lớn.
Điều đáng nói là những người trong đội có nhiệm vụ di dời và mai táng hài cốt ra khỏi nơi đang xây dựng khu resort nói rằng các hộp sọ đều có vết nứt. Trong số những người thợ xây dựng này dĩ nhiên có người địa phương và họ đã nhận ra cặp chân giả của anh Sơn, con chú Chín Khương trên đảo. Khi đó, người ta mới bàng hoàng nhận ra đây là ngôi mộ chung của nhóm 70 người đã bị cộng sản lừa bắt đi “học tập” nhưng thật sự đã bị chúng thảm sát man rợ tại khu rừng dương này đêm hôm đó.
Sau đó, người ta mới dời đống xương này, đem chôn chung vào hai ngôi mộ bên đường, cách khu resort một đoạn …..
Ngôi mộ tập thể có 26 bộ hài cốt của các quân, cán, chính VNCH bị cộng sản sát hại tại Côn Đảo được xây năm 2015
Từ đó người dân ở Côn Đảo không khỏi kinh hoàng khi biết về số phận bi thảm của 70 người tù VNCH ở đảo năm xưa. Câu chuyện này đã giải đáp nỗi thắc mắc cho bà con trên đảo vì sao những người Quân, Cán, Chính VNCH bị cộng sản lừa bắt đưa đi Cần Thơ đều không có ai còn sống sót trở về. Ngay cả khi những người tù cuối cùng ở các trại tù lao động khổ sai tại miền Bắc đã trở về (1992) và đi H.O thì tin tức của những người tù ở Côn Đảo vẫn bặt tăm.
Biết rõ về câu chuyện này nhưng người dân trên đảo họ chỉ biết thì thào kể với nhau chứ không ai muốn nói ra vì sợ bị gây phiền phức. Nhưng bây giờ, người dân trên đảo chỉ cần nói ba từ “Chuyến tàu đêm” là những người già cả, những người dân sống lâu năm trên Côn Đảo đều hiểu ngay rằng đang nói về chuyện gì.
***
Được biết, năm 2015, chị TN là người đã phát tâm đứng ra vận động các nhà hảo tâm đóng góp để xây dựng ngôi mộ đầu tiên trong đó có 26 hài cốt. Tiếp đó, chị TN lại tiếp tục xây dựng ngôi mộ thứ hai có 10 bộ hài cốt. Những ngôi mộ đã được xây dựng tươm tất với chỗ đặt bát hương, hoa quả. Số tiền xây dựng mộ là từ những người dân sống ở Côn Đảo, hoặc là những người từng sống ở đây và nay đang sống khắp nơi trong và ngoài nước đóng góp.
Cũng từ đó, những năm qua, chị TN là người thường xuyên chăm sóc mộ phần để vong linh các bác, các chú đỡ tủi hờn, lạnh lẽo bởi tấm lòng nhân ái của chị TN và của những người thương cảm cho những người đã khuất mà đến đây thắp nhang.
Từ đó, những thông tin về hai ngôi mộ tập thể của những quân, cán, chính VNCH bị cộng sản thảm sát tại Côn Đảo đến tai những người quen biết hoặc họ hàng của vợ con những người đã mất.
Cho đến nay, đã có khoảng hơn 10 gia đình đã biết thông tin về ngôi mộ tập thể này. Như vậy vẫn còn lại rất nhiều những bác, những chú chưa được gia đình và người thân đến thắp hương cho ấm lòng. Thương thay, có lẽ giờ này họ vẫn tiếp tục đi tìm các bác các chú, còn các chú bác thì vẫn cứ mỏi mòn ngóng chờ ngày vợ con và thân nhân đến thăm cho vong linh đỡ buồn tủi.
Xin cùng nhau thắp một nén hương, một lời cầu nguyện cho những linh hồn xấu số, những người đã lên “chuyến tàu đêm” không bao giờ đến bến, đã uổng tử mà không được một lời từ giã vợ con và người thân trước lúc ra đi, được sớm siêu thoát khỏi những nỗi đau, oan khiên, nghiệt ngã của một kiếp người!
(Sài Gòn trong tôi/ Nguyễn Phúc An Sơn)
Đỗ Hứng gởi