Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh

 
 
Chuyện thời bao cấp
 
 
Thời tôi đi học ở Sài Gòn sau năm 1975, mỗi tháng được mua 15 ký lương thực, gồm có gạo, bo bo, mì sợi, bột mì và một số nhu yếu phẩm như kem đánh răng, đường…theo giá “cung cấp” của nhà nước, lâu lâu được bốc thăm trúng được cái vỏ xe đạp, đem ra chợ bán cũng được vài chầu cà phê nghe nhạc Pháp Christophe.
 
Thời đi học, khổ một điều là không biết sao lúc nào cũng nghe đói bụng thèm ăn, mới ăn xong một chút lại nghe đói nữa, tối nằm ngủ mà cái bụng nó cứ kêu như cái ấm nước đang sôi. Mỗi lần về quê thăm nhà, ăn 7, 8 chén cơm mà vẫn còn thòm thèm. Nhiều khi ăn nhiều đến nỗi bà già tưởng thằng con bị...ma nhập.
 
Mấy đứa bạn học dân miền Tây nhà có nhiều lúa gạo, mỗi lần về quê xách lên vài ký gạo trắng, thoát được cái trạm Tân Hương ở Mỹ Tho là hú hồn, tối đó chúng tôi được một bữa cơm bằng gạo nàng thơm trắng tinh với con khô cá sặc nướng, ngon không thể tưởng.
 
Cơm tập thể của trường được chia thành từng mâm, mỗi mâm 4 người, gồm một thau bo bo trộn cơm, một thau canh rau muống “toàn quốc”, một dĩa rau muống xào tỏi hoặc dĩa cá trích kho. Có một bữa kia, 4 đứa chúng tôi lãnh mâm cơm ra, có một thằng vừa ngồi xuống liền móc “gươm” ra “chiến đấu” (lúc đó thường gọi đũa muỗng là gươm). Nó nhìn thấy miếng tỏi cháy trong dĩa rau muống xào, liền gắp cho vào miệng đớp, vừa nhai nhai miếng tỏi, tôi thấy cái mặt của nó nhăn như khỉ ăn ớt, rồi lật đật chạy ra trước sân ói ra. Lát nó vào, thấy nước mắt nước mũi tùm lum, tôi hỏi nó có sao hông. Nó trả lời, hình như tao ăn nhầm miếng cứt mà tưởng là miếng tỏi cháy, nó hôi rình chịu không nổi. Thì ra do rau muống tưới “phân bắc nguyên chất” theo cách trồng của bộ đội, lại không rửa sạch nên còn sót lại. Tôi liền đưa cho nó một bụm “xuyên tâm liên” uống vào để ngừa...đau bụng nhưng không ăn thua. Báo hại tối hôm đó nó bị tào tháo rượt cả đêm, sáng hôm sau mặt mày bơ phờ như mất sổ gạo. Từ đó tôi nghe ớn ớn cái món rau muống của trường nấu, nhưng không ăn rau muống thì biết ăn gì, đành phải ăn nhưng né mấy miếng “tỏi cháy”.
 
Gần cổng trường tôi có chị Năm bán gánh bún riêu lề đường ngon lắm, xế chiều đi bộ ngang qua gánh bún riêu này, nghe cái mùi của nồi nước riêu cua đồng sực vào lỗ mũi là trái kế trong cổ họng cứ chạy lên chạy xuống. Sinh viên chúng tôi là khách hàng thường xuyên của gánh bún riêu chị Năm nên chị thuộc tên từng đứa. Có lần trong túi tôi chỉ còn 1 đồng, trong khi tô bún riêu là 2 đồng, thèm quá chịu hổng nổi, tôi bèn hỏi chị Năm có bán bún riêu “không người lái” không? tức là chỉ cần nước và rau muống chẻ, khỏi bún, khỏi cua đồng gì hết. Chị suy nghĩ một chút rồi kêu tui ngồi xuống chỉ múc cho. Vậy mà ngon, chỉ cần húp nước riêu cua nóng hổi thêm nhúm rau muống chẻ đủ êm cái bụng. Từ đó chị Năm có thêm loại bún riêu “không người lái” dành cho sinh viên giá 1 đồng một tô. Nhờ vậy chúng tôi thường mang theo bịch cơm nguội, kêu tô bún riêu “không người lái” bỏ cơm nguội vào ăn ngon lành. Có hôm chị Năm thấy tội nghiệp nên múc tặng thêm miếng cua đồng giá không đổi. Chị Năm bún riêu thiệt tốt bụng nên sinh viên nào cũng mến, đứa nào lỡ ăn thiếu cũng mang tiền ra trả cho chị. Đúng là người Sài Gòn dù buôn gánh bán bưng, tấm lòng vẫn luôn hào sảng, rộng rãi.
 
Đối diện xéo xéo trường tôi là tiệm phở Tương Lai gần ngã sáu Chợ Lớn Nguyễn Tri Phương, mỗi lần đi ngang là cái mùi phở bốc ra nghe thèm muốn chết. Vậy mà suốt 4 năm học ở đây tôi chưa bao giờ dám ăn tô phở nào ở tiệm này, dù nhìn thấy nó mỗi ngày. Có lần thằng bạn tôi cắt cớ hỏi ông thầy người Bắc dạy môn Triết học Mác Lê Nin rằng : “Thưa thầy, thầy nói chủ nghĩa cộng sản là làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu, giờ em có nhu cầu muốn ăn tô phở Tương Lai, thì phải làm sao thưa thầy?”. Ông thầy không biết giải thích sao nên nói đại là : “đó là tương lai, khi nào nước ta lên đến chủ nghĩa cộng sản thì có, còn bây giờ chúng ta đang ở thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội nên nhu cầu của em chưa thể đáp ứng được”. Huề cả làng!
 
Ký túc xá chúng tôi gần ký túc xá của trường sư phạm mẫu giáo, bên đó toàn sinh viên nữ nên con trai bên tôi thường hay qua đó “giao lưu” tìm bạn gái. Có lần thằng bạn ở chung phòng nội trú kể chuyện nó đi chơi với nhỏ bạn bên sư phạm mẫu giáo, nghe cười muốn bể bụng. Bữa đó bạn tôi rủ nhỏ bạn bên trường sư phạm đi coi ca nhạc do nhóm “Ca khúc chính trị Sao Sáng và Sinco” trình diễn ở sân khấu ngoài trời trong Vườn Tao Đàn. Bạn tôi chỉ đủ tiền mua 2 cái vé “đứng” vào cửa (giá vé ngồi mắc hơn vé đứng), chỉ còn lại 1 đồng dằn túi, vừa đủ 2 ly chè đậu xanh. Nó và nhỏ bạn đứng coi ca nhạc một hồi thì cái bụng của nó kêu rột rột...đòi ăn. Trong túi chỉ còn 1 đồng không thể rủ nhỏ bạn đi ăn được nên nó đành chơi liều. Nó nói với nhỏ bạn là muốn đi toilet, kêu nhỏ đứng đó chờ chút. Nó dọt lẹ ra xe bánh mì mua nửa ổ bánh mì thịt hết 50 xu, đứng tại chỗ nhai ngấu nghiến, còn lại 50 xu, nó mua 2 trái bắp nấu, quay trở lại mời nhỏ đó một trái, nó một trái, cạp tiếp. Lúc nó quay lại, đã thấy nhỏ bạn cầm sẳn 2 bịch nước mía, cười cười mời nó một bịch. Nó kể: “bữa đó tao mời nhỏ bạn trái bắp nấu, nhỏ rất cảm động, còn khen tao chu đáo nữa”. Sau này, hai đứa nó thành vợ chồng, khi gặp lại, tôi có hỏi : “mày có kể cho bà xã nghe cái vụ lén đi ăn bánh mì thịt không?”. Nó trả lời tỉnh queo :”tao có kể cho bả nghe, nhưng bả không giận mà còn nói : “bữa đó em đi mua 2 bịch nước mía, dòm thấy anh đứng ngốn ổ bánh mì, thiệt tội nghiệp anh quá, sợ anh...mắc nghẹn”. Đúng là chuyện gì cũng không thể qua mắt được mấy bà. Bởi vậy ông nào lén đi ăn vụng, thế nào cũng bị lòi ra cho coi.
 
Thời bao cấp, bạn bè chúng tôi làm thêm đủ nghề để có chút tiền mua đồ ăn chống đói. Đứa thì bơm mực viết nguyên tử, đứa bơm ga hộp quẹt, đứa ép bọc nhựa bằng bằng ủi than con gà, đứa ghết ta lông vỏ xe đạp, lộn sên xe đạp, quấn thuốc lá điếu, đứa lanh lợi hơn thì mua lại nhu yếu phẩm của sinh viên bán kiếm lời. Những “nghề” này chỉ có trong thời bao cấp, giờ đây đã thất truyền.
 
Quân Nguyễn
 
 
Vài bài ngắn khác
 
Phan Hữu Tiếp
 
Ở miền nam thuở trước người ta chỉ nói tình hình, tình thế, tình trạng! Chứ chẳng ai mà nói tình huống! Người ta chỉ nói gia cảnh khó khăn đơn chiếc! Chẳng ai mà nói neo đơn!
 
Giải phóng lần đầu nghe nói đến từ tình huống cũng lạ tai! Nhưng cũng biết!!! Riêng đối với từ "neo đơn" cứ nghĩ rằng ai đó gửi đơn thưa mà vẫn neo không xử!
 
Trước đây người miền nam chỉ nói chăm nom, chăm sóc, chăm lo với mỗi trường hợp đảm trách! Không ai nói chăm bẵm khó nghe như hiện nay!!!
 
Cứ thử hình dung "cái vẻ mặt chăm bẵm" đó là sao? Có phải đầy căm ghét mà không cảm mến gì??Trái hẳn sự chăm sóc rõ ràng!
 
Nhu Do
 
 
TRẺ TRÂU là gì ?
 
Trong chương trình “ Bạn Muốn Hẹn Hò “có lần tôi nghe một thanh niên trạc tuổi 30 nói “ thời trẻ trâu tôi thường …” . Tôi thở dài — Trời ạ ! Dân Sài Gòn thì làm gì có thời trẻ trâu .Gọi là tuổi ấu thơ hay tuổi nhỏ…gì đó thì đúng hơn .
 
Trẻ trâu chỉ có ở vùng quê Miền Bắc. Lý do là thôn quê miền Bắc do thời tiết lạnh nên chỉ nuôi trâu chứ không thể nuôi bò , lại ít có đầm lầy nên chẳng nuôi trâu bầy được , nên thường nuôi một hai con để kéo cày ,( phía Bắc chỉ cày một con trâu mà phía Nam thường gọi là cày đỏi ) ,trẻ con sau buổi học thường lẻ trâu ra đồng nên gọi là Trẻ Trâu .Miền Trung khu nào có ruộng sình hay khu đầm lầy cũng nuôi trâu , nhưng trâu bầy vì “ ruộng sâu trâu nái “ mà , nên không nuôi một con , vì vậy do người lớn “ chận trâu “ , chỉ có đứa nhỏ chận bò .Nuôi trâu nhiều nhất là Miền Tây ( đồng bằng sông Cửu Long ) nhưng ở đây nuôi vài chục con , thậm chí hàng trăm …nhất là mùa nước nổi ,họ phải vượt nước đưa đàn trâu sang vùng khác nước cạn hơn , nên vùng này cũng không có trẻ trâu …
 
Như vậy dùng từ “trẻ trâu “ để chỉ thời thiếu nhi là không đúng .
 
Nhưng : điều không đúng mà cứ lập đi lập lại …nghe quen , và dĩ nhiên những thế hệ sau cho là đúng …nên cái không đúng thành cái đúng !
 
25/12/2022

Hoàng Thị
 
____________

 
Đỗ Hứng gởi