Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 
Chuyện tình thời chiến tranh
 
 
 
Lời nói đầu:
 
“Đây là câu chuyện thật của chị tôi,
 
Cô giáo S. Trường Tiểu Học C.G và
 
Thiếu Úy T.B Thủy Quân Lục Chiến.
 
Bài viết này xin đề tặng cho 2 người
 
và cũng để hoài niệm một thời tuổi
 
trẻ Việt Nam trong chiến tranh”
 
(Người kể: Nguyễn thị Tự Tập)
 
*  *  *
 
Vâng, Câu chuyện ấy xảy ra vào thời kỳ chiến tranh đau thương khốc liệt.
 
Năm 1967, trong một đêm giao tranh giữa du kích quân và lính Nghĩa quân tại C.G, một trái lựu đạn đã bất ngờ rơi trúng vào nhà dân...
 
Ánh chớp như sấm sét ghê rợn giáng xuống đầu chúng tôi. Một tiếng nổ kinh hoàng! Rồi thì mái ngói vỡ toang cùng các thứ vật dụng trong nhà đổ sập xuống...
 
Trong phút giây hoảng loạn, trong tiếng súng đạn kinh hồn vẫn còn đang say mùi bắn giết bỗng nổi lên tiếng thét thất thanh của Chú tôi: “Trời ơi! cứu! cứu, cứu con gái tôi! trời ơi! chết! chết con gái tôi rồi....!”
 
Vâng, đó chính là cái đêm mà định mệnh đã chụp xuống cuộc đời chị tôi 1 màu đen tăm tối!
 
Chị không chết nhưng nguyên cánh tay trái của chị đã mất đi vĩnh viễn và 1 mảnh lựu đạn nhắm ngay vào lá phổi của chị, nằm nguyên ở đó như 1 kỷ vật nhức nhối mà đến chết vẫn phải còn mang theo.
 
Năm ấy chị tôi tròn 20 tuổi, xinh đẹp, dịu hiền với mối tình đầu đẹp như giấc mơ.
 
Người yêu của chị là lính (như phần lớn thanh niên thời ấy đều trở thành lính chiến) Anh là lính Hải quân, được tin dữ, Anh xin 48 giờ phép đặc biệt để tức tốc trở về bên chị, tiếp máu cho chị, túc trực ân cần chăm sóc chị trong bệnh viện với tất cả tình yêu chân thành, tha thiết. Để rồi, khi hết phép, anh ngậm ngùi ra đi...
 
Mọi người ứa nước mắt mỗi khi nhìn chị nhưng chị lặng lẽ không khóc. Chị nhắm mắt lại, quay mặt vào tường để không nhìn thấy ai và cũng không muốn ai nhìn thấy mình.
 
Vết thương lành, rời bệnh viện chị trở về nhà và trở thành 1 người khác. Lúc chưa bị thương chị là 1 cô gái vui tươi, hòa mình, thân thiện với mọi người. Giờ thì chị lặng lẽ như chiếc bóng, ít tham gia vào sinh hoạt chung của gia đình và tránh mọi giao tiếp bên ngoài.
 
Từ nơi xa, người yêu chị liên tục gởi thư về. Lá thư đầu tiên Anh đề cập tới ngày cưới. Chị đọc thư xong ôm mặt khóc vùi. Lá thư thứ 2 chị không mở ra và cũng không khóc, lá thứ 3 lại đến và lá thứ 4, thứ 5... chị vẫn không mở ra, cứ thế, những lá thư xếp chồng lên nhau trên mặt bàn viết. Chị không khóc cũng không hồi âm... Rồi thì, những lá thư thưa dần, thưa dần theo những tháng ngày lặng lẽ, ảm đạm của chị tôi. Mọi người ái ngại nhưng không ai dám nói ra điều gì, lỡ sơ suất lại khiến cho chị đau buồn thêm.
 
Trung tâm chỉnh hình Saigon làm tặng cho chị 1 cánh tay giả vì thế khi ra ngoài chị có thể mang nó vào và có thể tự mình đi xe đạp. Ống tay áo che dấu cánh tay giả nên ít người nhận ra. Chị đạp xe thong thả, 2 bàn tay đặt lên ghi đông xe như 1 cô gái bình thường. Từ sau ngày bị nạn, trang phục của chị tôi đặc biệt thay đổi màu. Chị đã bỏ hẳn những bộ cánh tươi thắm của 1 thời thiếu nữ để mặc toàn những chiếc áo đen như thiếu phụ để tang chồng. Màu đen điểm trang cho gương mặt chị vốn đã đẹp càng thêm đẹp não nùng với một nét thơ man mác, một nét duyên u ẩn đến lạ kỳ. Chị thường đạp xe lui tới những nơi mà người ta cũng mặc áo đen như chị đó là Tu Viện của các soeurs dòng Mến Thánh Giá Cái Mơn...
 
Thời gian dần trôi, vết thương trên thân thể đã quen và vết thương lòng chừng như đã bớt đau. Năm 1969, Chị tôi bắt đầu vào nghề giáo. Ty giáo dục ưu ái cấp sự vụ lịnh cho chị về dạy trong 1 trường tiểu học ở quê nhà.
 
Thế là từ ấy, ngôi trường dần dần tạo nên cho chị 1 niềm vui sống... nhưng màu đen thì vẫn còn đó, vẫn là tà áo đen ngaỳ hai buổi đến trường.
 
Yêu nghề, yêu trẻ, đặc biệt là yêu các em học trò côi cút, khó nghèo, chị đã dùng 1 phần lương cô giáo để bù đắp cho những mảnh đời trẻ thơ bất hạnh qua những bộ quần áo mới, bút mực sách vỡ và cả tiền bánh sáng mỗi ngày.... Học trò rất yêu cô và đồng nghiệp ai cũng mến thương “cô giáo áo đen”! Ông Hiệu Trưởng, một thầy giáo già, có lần trong buổi họp nhà trường đã cao hứng đọc lên mấy câu thơ:
 
“Cô giáo trường tôi với cánh tay còn lại.
 
Vẫn lật hàng ngàn trang sách vở.
 
Vẫn phê hàng vạn điểm học trò.
 
Như đóa hoa trong thời chinh chiến.
 
Nở buổi ban mai bom đạn tơi bời.
 
Cô giáo trường tôi với cánh tay còn lại.
 
Vẫn góp bàn tay tô điểm cuộc đời...”.
 
Một tràng pháo tay nồng nhiệt nổi lên như niềm vui trong trẻo vang vọng cả sân trường. Lần đầu tiên mọi người nhìn thấy cô giáo áo đen nở một nụ cười hạnh phúc.
 
Những năm ấy, tình hình chiến sự càng lúc càng sôi động. Hỏa châu thắp sáng những đêm tối đầy bất trắc. Đạn pháo kích nổ vang trong thành thị và tiếng oanh tạc cơ gầm rú thả bom đáp trả. Những cuộc hành quân truy kích và những cánh quân về ngang thôn xóm nghỉ ngơi dăm ba ngày để rồi tiếp tục lên đường đi chinh chiến.
 
Mùa đông năm 1970, Một đoàn lính Thủy Quân lục chiến dừng chân ghé lại quê tôi. Lều bạt dựng tạm trên những cánh đồng vừa mới gặt còn thơm mùi rạ mới. Những chiếc võng dù giăng mắc rải rác bên những rặng dừa xanh rợp bóng và ngay cả bên hàng hiên yên ả của khu dân cư... Đó đây trong thôn xóm, trên con phố chợ, những anh lính trẻ dạo chơi, cười nói bông đùa với các cô thôn nữ... Nhóm khác ngồi trong quán nhỏ nhậu nhẹt tưng bừng với rượu ba xị đế và mấy con khô nướng thơm lừng như món quà tự thưởng sau những ngày hành quân gian khổ, sống chết khôn lường... Lặng lẽ hơn, có anh lính ngồi trong quán cà phê, trầm tư trong khói thuốc, nghe nhạc hoặc viết thư cho gia đình hay cho người yêu bé nhỏ.
 
Ngay chiều hôm dừng quân, đang khi thơ thẩn dạo chơi trong làng, nhằm giờ tan học, Thiếu úy TB bắt gặp 1 tà áo đen giữa một đàn học sinh từ cổng trường túa ra như đàn bướm trắng chấp chới bay. Anh bàng hoàng nhìn thấy khuôn mặt cô giáo trẻ xinh đẹp như một bông hoa tím u ẩn nỗi niềm riêng. Cô đi giữa đàn em thơ tíu tít, có em nắm lấy tay cô, có em ngước mặt lên kể lể điều gì đó khiến cô mỉm cười xoa đầu... Một sức hút lạ thường bắt anh phải theo gót chân cô... Nhà cô giáo cách xa trường độ 400m, dọc theo lối nhỏ một bên là dòng sông, một bên là khu vườn dừa xanh ngát. Chiều xuống êm đềm. Gió sông mát cả tâm hồn. Tà áo đen tung bay, tung bay cùng với làn tóc chấm ngang vai đang đùa vui theo gió cuốn. Vô tình không biết có một người lính đi theo mình, cô giáo vẫn hồn nhiên bước đi về tới tận nhà. Khi xoay người lại để đóng cửa rào, cô chợt bắt gặp bên kia đường một người lính Thủy Quân lục chiến tần ngần đứng đó như đang lạc bước... Nhưng việc ấy không để lại 1 điều gì khác trong tâm trí cô bởi lẽ thỉnh thoảng vẫn có 1 đoàn quân ghé ngang qua làng và các anh lính vẫn thường đi loanh quanh đây đó.
 
Ngày hôm sau là Chúa Nhật. Buổi sáng cô gái đi nhà thờ dự lễ mi sa. Khi tan lễ cô trở về nhà, vẫn trên con đường ven sông vắng vẻ, yên bình. Mặt trời buổi sáng ửng hồng trên rặng dừa phía đông. Cô gái vừa đi vừa bâng quơ nhìn chiếc bóng của mình đổ dài lên phía trước, bất chợt cô nhận ra có một cái bóng thứ hai của ai đó. Tự dưng cô quay lại nhìn thì thấy một quân nhân dáng hình cao lớn đang bước theo sau. Cô bỗng nhớ lại hình như đó là anh lính chiều hôm qua mà cô đã nhìn thấy trước cửa nhà. Cô không nhìn rõ gương mặt anh, chỉ thoáng thấy đôi mắt sáng nổi bật trên khuôn mặt dày dạn nét phong sương và một mái tóc bỗng mà những cuộc hành quân dài ngày nên chưa kịp hớt ngắn. Tâm trí cô giáo trẻ chợt dấy lên một cảm giác lúng túng pha lẫn chút linh cảm mơ hồ, bất an... Cô vội vã bước đi, không dám nhìn ra sau nữa. Trên mặt đường không còn thấy chiếc bóng người quân nhân tiến lên, có lẽ anh ta đi chậm lại hoặc đã quay đi hướng khác.
 
Ngày hôm sau Thứ Hai, Cô giáo lại đến trường mà không biết rằng anh lính ấy ngồi trong quán nước trước cổng trường chờ cho đến giờ tan học để theo gót chân cô đi về trên lối nhỏ...
 
Thiếu úy T.B, một anh chàng Thủy Quân Lục Chiến kiêu bạt đã từng đặt chân lên 4 vùng chiến thuật, một chàng trai gan lỳ biết bao lần xông pha trong lửa đạn, ngạo nghễ giữa tử sinh, một nam nhân hào hoa bao phen từng trải chốn tình trường... Thế mà giờ đây bên cạnh một dòng sông hiền hòa trôi chảy anh bỗng đắm đuối, lụy tình một cô giáo miền quê!
 
Anh ngồi đó uống từng ngụm cà phê đắng, trầm tư trong làn khói thuốc để rồi nguồn cảm hứng tuôn trào lên giấy trắng. Anh viết miên man như chìm sâu vào một cỏi mộng du... Chỉ đến khi tiếng trống trường vang lên báo giờ tan học, anh vội vã đút cuốn sổ tay vào túi áo trận bạc màu, vuốt lại mái tóc bồng bềnh và đứng lên xao xuyến đợi chờ...
 
Ngày một, ngày hai trôi qua... dân chúng trong khu phố nhỏ kháo nhau chuyện ông sĩ quan Thủy quân lục Chiến trồng cây si cô giáo, và, chính chị tôi cũng đã hiểu ra điều đó khi nhận ra buổi tan trường nào cũng có người ấy lặng lẽ nối gót theo sau, không suồng sã, không bâng quơ lấy 1 lời...
 
Đến ngày thứ bảy, (đúng một tuần lễ ngày đoàn quân dừng chân nơi xóm nhỏ). Khi Cô giáo đang ở trong lớp học trông chừng học sinh cắm cuối làm bài thì người lính đột ngột xuất hiện. Anh gõ nhẹ vào cửa lớp rồi đứng nghiêm chào cô giáo theo kiểu nhà binh. Ngỡ ngàng không kịp phản ứng, cô giáo ngồi sững sờ bất động. Người lính tự động bước vào, tiến đến bên cô, đặt lên bàn viết một tờ giấy học trò sạch sẽ, phẳng phiu trong đó là một bài thơ với tựa đề: NÓI VỚI TÀ ÁO MÀU ĐEN, được viết bằng nét chữ rõ, đẹp, mạnh mẽ và đầy cảm xúc. Anh lính nhìn cô giáo mỉm cười rồi khẽ nghiêng đầu quay bước.
 
Nói với tà áo màu đen
 
Ai dám bảo màu đen màu tang chế
 
Màu u buồn và màu của thê lương
 
Màu tăm tối như đêm dài tận thế
 
Như tương lai bị nghẽn lối ngăn đường
 
Riêng ta thấy chỉ 1 mình ta thấy
 
Màu đen cười, cười bằng mắt bằng môi
 
Màu đen reo trong gió lùa tóc rối
 
Màu u buồn màu áo của em tôi
 
Màu kín đáo như lời yêu chưa ngỏ
 
Màu bâng khuâng màu ấp ủ tình dài
 
Màu dẫn lối cho ta vào thương nhớ
 
Màu hoang đường như câu chuyện tương lai
 
Màu đen ơi ôi màu đen huyền hoặc
 
Hồn ta say theo tà áo em bay
 
Tình vỗ cánh ta nghe chừng chóng mặt
 
Không rượu nồng không ma túy mà say...
 
(Thiếu úy T.B )
 
Sau này chị tôi kể lại không biết tại sao khi đọc xong bài thơ ấy chị bỗng dưng khó thở, nước mắt trào ra... Chị đã cố ngăn mà không ngăn được... Cuối cùng chị cảm thấy rã rời và gục đầu trên bàn viết. Đám học trò nhớn nháo lo sợ, Em trưởng lớp chạy đi báo động với cô giáo lớp kế bên... Buổi dạy gián đoạn... Thầy Hiệu Trưởng cho người đưa chị tôi về bằng xe Honda.
 
Thiếu úy TB chỉ kịp nhìn thấy một chiếc xe chạy ra khỏi cổng trường, phía sau yên xe cô giáo áo đen úp mặt vào vai cô giáo bạn... Anh băn khoăn, lo sợ và khắc khoải mong cho đến sáng hôm sau là Chúa Nhật để đón gặp cô giáo ở trước cổng nhà thờ. Nhưng lòng chị tôi đang xao xuyến, bất an, Chị muốn trốn tránh người ấy, chị không đi lễ nhà thờ và chị định bụng sẽ xin nghỉ dạy một tuần để lánh mặt sang nhà Ngoại làng bên..
 
Thế nhưng vào lúc nửa đêm thứ bảy rạng sáng Chúa Nhật, đoàn quân được mật lênh điều đi nơi khác. Các lều bạt, quân trang, quân dụng được sắp xếp gọn gàng và nhanh chóng... Tiếng xe nhà binh nổ máy, từng chiếc, từng chiếc rầm rộ lên đường trong đêm vắng. Những chàng trai Thủy Quân Lục Chiến chen nhau đứng dựa vào thành xe, mắt nhìn về phía trước, mỗi người một ý nghỉ miên man...
 
Thời chiến tranh, biết nói gì hơn! Đường trường xa, những chuyến xe tiếp tục đưa những người lính đến những chiến trường đẩm máu. Biết có lần nào trở về chốn cũ? Dẩu sao cũng nói lời từ biệt và cám ơn một tuần lễ dưỡng quân nơi xóm nhỏ êm đềm...
 
Thiếu úy TB chợt nhớ đến một câu văn trong tập truyện của Duyên Anh: Giã biệt em và ngôi trường, Anh ra đi với nỗi buồn thơm ngát”.
 
Hình ảnh cô giáo với chiếc áo dài đen sẽ còn ở trong trái tim người lính cho đến khi nào?
 
Rồi sẽ có một tà áo xanh hay áo trắng ở trạm dừng quân nào đó tiếp tục đem đến cho anh một niềm hạnh phúc mới? Dẫu thoáng qua nhưng phút đam mê lãng mạn ấy chính dòng suối mơ tưới mát tâm hồn khô cháy của người lính trên những nẽo đường tàn khốc của chiến tranh mà nơi ấy giữa bom đạn vô tình, kẻ chinh nhân không thể hẹn ngày về....
 
50 năm đã trôi qua kể từ ngày ấy.
 
Chị tôi không còn trẻ nữa.
 
Giờ đây chị đã là một cô giáo già hưu trí, vẫn sống độc thân bên cạnh dòng sông cũ.
 
Đã hơn 70 tuổi rồi, đã ít nhiều hiểu được những uẩn khúc, éo le của cuộc đời...
 
Thỉnh thoảng nhắc lại chuyện xưa, chị mượn lời cổ nhân đã dạy: “Bất cứ ai có tình cảm, có lòng thương mến đối với mình thì đừng hỏi tại sao. Hãy mở lòng ra đón nhận.. Những người bạn đến hay đi qua đời ta đều để lại dấu ấn. Hãy học cách cám ơn họ, vì nhờ họ mà ta nếm hưởng được đủ hương vị của cuộc đời!”
 
Vâng, 50 năm đã trôi qua kể từ ngày ấy.
 
Thiếu úy TB kiêu dũng ngày nào giờ cũng đã trên dưới 80 …
 
Nếu anh còn sống sót sau cuộc chiến chinh, ước mong ở một nơi nào đó anh sống vui, sống đẹp với tuổi già thơ nhàn.
 
Nếu đọc được dòng chữ này anh khắc hiểu bài viết hôm nay chính là một hoài niệm để TẠ LÒNG XƯA CŨ!
 
Trước khi dừng bút, xin được nói thật lòng:
 
Thiếu úy TB, Anh làm thơ rất hay! Bài thơ tỏ tình của anh thật mãnh liệt, đáng yêu! nó nằm trong số những bài thơ tình tuyệt vời của thế kỷ 20 đấy! Vì thế mà chị tôi vẫn còn giữ mãi bài thơ ấy của anh cho đến tận hôm nay...!
 
 
Nguyễn thị Tự Tập
 
 
Đỗ Hứng gởi