Chuyện Tử Sinh
Đằng nào thì mình cũng đã hiện diện ở trên trái đất này rồi. Nếu nói như ai đó rằng mình “đầu thai nhầm thế kỷ” thì cũng chẳng thay đổi được cái đã lầm ấy và cũng chẳng làm cho cuộc đời mình tốt đẹp hơn. Mình không biết mình từ đâu tới đây, chỉ có điều chắc chắn là mình sẽ chết như bao tỷ người khác. Cái chết chưa đến, nên mình có thể tìm hiểu về nó và xét xem sau khi chết rồi chuyện gì sẽ xẩy ra để biết đâu mình sẽ đỡ hoang mang sợ sệt khi chết và sẽ không bị “đầu thai nhầm,” nghĩa là mình có thể hướng đến nơi mình muốn đến. Chuyện tử sinh được nhiều tài liệu, kinh sách nói tới. Tôi có đọc qua một số tài liệu về đạo Phật liên quan đến vấn đề này nên nay xin “túm” lại để bạn nào ngại đọc sách có thể xem phớt qua cho biết vấn đề. Đây chỉ là một mớ hiểu biết, chẳng phải một bài biên khảo nên sẽ không có tài liệu tham chiếu chi cả, nhớ đến đâu viết đến đấy để các bạn xem chơi trong lúc rảnh rỗi mà thôi.
Cái Chết
Có lẽ ai cũng đồng ý rằng con người gồm hai phần: phần hữu hình tức là cái xác thân này và phần vô hình tức cái thần thức hay nói nôm na là cái hồn hay linh hồn. Làm người ai cũng phải chết nhưng khi nào chết thì ít ai biết trước được. Ta chưa chết nên chưa biết cái chết ra sao, nhưng căn cứ vào lời Phật dạy và lời của các vị đã đắc pháp thì ta cũng có thể hiểu được phần nào.
Thông thường chết được xem là sự chấm dứt các hoạt động của một sinh vật, là sự ngừng vĩnh viễn mọi hoạt động sống. Khi một người không còn hít thở được nữa, tim ngừng đập, mất ý thức, mắt không còn phản xạ với ánh sáng v.v. thì ta cho rằng người đó đã chết. Đó là cái chết lâm sàng tức cái chết của thân xác, phần hữu hình. Cái xác này theo thời gian sẽ bị phân hủy và các chất vô cơ, hữu cơ tạo ra nó sẽ biến hóa trong trời đất. Sự tan rã của thân xác tức tứ đại (đất, nước, gió, lửa) được mô tả một cách tỉ mỉ trong cuốn “Tử Thư Tây Tạng”, đọc khá là khó hiểu và…khó nhớ!
Có người cho rằng chết là hết nhưng cũng có người đặt câu hỏi: Thế còn phần tinh thần, cái gọi là thần thức hay thần hồn đó sẽ sao? Nó có chết không?
Về điểm này đạo Phật cho rằng chết không phải là hết mà thần thức của chúng ta sẽ tái sinh vào một trong sáu nẻo luân hồi. Chết là sự kiện bắt đầu từ lúc con người ngưng thở cho đến khi thần thức hay thần hồn của hắn ra khỏi xác, để rồi lại tái sinh làm trời, người, thần, súc sanh, ngạ quỷ hay tội phạm trong địa ngục.
Cái thân xác vốn vô thường, vô ngã như mọi thứ trên đời này. Vô thường là biến đổi theo thời gian, nay vầy mai khác. Vô ngã là do nhân duyên hợp thành, đủ duyên thì còn, hết duyên thì chết, thì diệt. Cái hồn cũng vậy, cũng tùy duyên mà tiến hoá nhưng nó chỉ tồn tại trước khi con người đắc quả A La Hán tức quả thánh thứ tư (cao nhất) của Thanh Văn thừa. Khi đắc quả A La Hán rồi thì cái hồn đó đi về đâu? Nó sẽ tan vào Tâm tựa như sóng biển khi chạm vào bờ sẽ tan thành nước, hoà vào biển vậy.
Trước khi thần thức lìa khỏi xác, người hấp hối có cơ hội để thấy tịch quang của pháp thân và- ngay khi hồn lìa khỏi xác- thần thức lại có cơ hội thấy tịch quang một lần nữa trước khi trở thành hương linh mang thân trung ấm.
Sự Tái Sinh
Sau khi lìa khỏi xác, thần thức có thể đến thẳng cõi khác hoặc mang thân trung ấm một thời gian rồi sau đó mới nhập vào các cõi khác tựa như người vượt biên tạm thời phải ở hải đảo trước khi được một nước nào đó chấp nhận cho nhập cư lâu dài.
Thân trung ấm này có thể đi xuyên qua tường vách và di chuyển đến bất cứ nơi nào nó muốn ngoại trừ tử cung của phụ nữ và đạo tràng của Thánh chúng. Hương linh trong thân trung ấm cũng bị nghiệp lực chi phối và tiến triển qua hai giai đoạn: trung ấm pháp tính và trung ấm tái sinh.
Giai đoạn trung ấm pháp tính, kéo dài khoảng 14 ngày. Trong giai đoạn này, hương linh có thể được chư Phật cùng Thánh chúng hiện đến tiếp dẫn, đồng thời cũng có thể bị các cõi khác thấp kém hơn chiêu cảm.
Tiếp đến là giai đoạn trung ấm tái sinh. Trong giai đoạn này hương linh sẽ phải theo nghiệp để trở lại luân hồi.
Hương linh sẽ tái sinh vào cõi do nghiệp của người đó đã làm trong quá khứ và đặc biệt là vào lúc lâm chung quyết định.
Nếu phạm trọng tội, như giết cha, giết mẹ, chia rẽ chư tăng…mà khi chết lại không gặp duyên may đặc biệt nào thì sẽ bị đọa ngay vào địa ngục. Nếu lúc lâm chung chúng ta có một tâm nguyện mãnh liệt nào đó thì chúng ta sẽ tái sinh vào cõi phù hợp với tâm nguyện ấy. Những người có một thói quen kiên cố hay một đam mê mãnh liệt thì sẽ tái sinh vào cõi phù hợp với thói quen hoặc đam mê ấy. Những người chẳng có đam mê hay thói quen đặc biệt nào thì sẽ theo tích lũy nghiệp để tái sinh, đại khái là: người làm việc thiện nhiều có thể lên cõi trời; người hiền lương thường tái sinh làm người trở lại; kẻ giận dữ hay gây gỗ dễ thành a-tu-la; người si mê, trộm cắp sẽ thành súc sinh; kẻ tham lam, ích kỷ sẽ thành ngạ quỷ và kẻ độc ác sẽ bị đọa vào địa ngục.
Từ Chuyện Tử Sinh Rút Ra Được gì?
Nếu quan niệm rằng chết là hết thì chẳng còn gì để nói nhưng nếu cho rằng sẽ có cuộc sống mới sau khi chết thì sự hiểu biết về cái chết cùng sự tái sinh sẽ rất hữu ích và có thể giúp ta hướng đến một đời sống mới tốt đẹp hơn. Tương lai của chúng ta phần lớn do chúng ta quyết định.
Có người cho rằng cuộc sống như hiện tại là tốt rồi, kiếp sau được như hiện tại hay hơn kém một tí cũng OK. Có người cho rằng cuộc sống hiện tại vất vả quá, phải lo lắng nhiều, lo kiếm tiền, lo nhà cửa, lo cho gia đình con cái v.v., nếu được lên cõi trời chắc là khá hơn! Cũng có người cho rằng còn trong sinh tử luân hồi là còn khổ, chi bằng vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi là tốt nhất. Nếu cho rằng chết là hết rồi cứ thế làm bậy, cướp của giết người, miễn là mình sung sướng thì chắc chắn cánh cửa địa ngục sẽ mở để đón những người này ngay trong hiện tại hoặc trong tương lai.
Nói chung, chúng ta tin rằng chết không phải là hết. Đức Phật có chỉ cho chúng ta những cỗ xe để có thể lên đó đến nơi mình muốn đến sau khi chết. Đó là ngũ thừa gồm: nhân thừa (tu theo ngũ giới để được làm người), thiên thừa (tu thập thiện để được lên các cõi trời), thanh văn thừa (tu theo tứ đế để đạt quả A La Hán), duyên giác thừa (tu theo thập nhị nhân duyên để đạt quả Bích Chi Phật), và bồ tát thừa (tu theo lục độ để thoát ly sinh tử và giúp những chúng sinh khác cũng thoát ly sinh tử như mình).
Người theo đạo Phật thường hiểu sự chết theo nghĩa khá tích cực. Đó là cơ hội để giải thoát khỏi sinh tử luân hồi hoặc là cơ hội để làm lại cuộc đời nghĩa là tái sinh làm người với hoàn cảnh tốt đẹp hơn hoặc tái sinh vào cõi khác an lành, sung sướng hơn như cõi trời, cõi Cực Lạc. Làm sao để giải thoát, để đến được các cõi ấy? Phải “tu” để chuyển nghiệp thôi!
Khi chết, chúng ta có cơ hội để thoát ly sinh tử hoặc làm lại cuộc đời.
Người tu thiền thì lúc lâm chung phải giữ tâm thanh tịnh để nhập Niết Bàn hoặc chứng Pháp Thân.
Những người khác phải tu tập để có được một tâm nguyện mãnh liệt rằng mình sẽ tái sinh vào một cõi nào đó.
Thí dụ người theo đạo Thiên Chúa thì phải thiết tha cầu mong sau khi chết sẽ được về với Chúa tức là lên Thiên Đàng hoặc người tu theo phép niệm Phật thì phải tin tưởng mãnh liệt là có cõi Cực Lạc và nguyện cầu được về Cực Lạc của đức Phật A Di Đà đồng thời phải niệm danh hiệu của Ngài để xin Ngài hiện đến đón mình vào lúc lâm chung.
Nghiệp là yếu tố quyết định cảnh giới chúng ta sẽ tái sinh trong đó cận tử nghiệp có vai trò ưu tiên, quan trọng. Cận tử nghiệp là những gì mình làm, nghĩ, nói và ao ước trong lúc lâm chung tức là cái tâm nguyện của người hấp hối. Do đó, một người không theo đạo Phật nhưng lúc lâm chung được thiện tri thức khuyên nên niệm danh hiệu A Di Đà Phật mà người ấy vui vẻ, tha thiết niệm Phật và cầu mong Ngài đón thì vẫn có thể được vãng sanh như thường!
Vì Phật A Di Đà có bổn nguyện là sẽ tiếp dẫn vong linh của người chết về cõi tịnh độ của Ngài, nên những người tu theo tịnh độ thường mời các thầy đến tụng kinh A Di Đà và đọc danh hiệu Phật A Di Đà cho người thân vào lúc lâm chung. Nếu vong linh của người chết phát được lòng tin muốn về Cực Lạc và vui vẻ niệm hồng danh của Phật A Di Đà liên tiếp 10 lần thì sẽ được Ngài tiếp dẫn.
Tuy nhiên, đối với người sắp chết ta nên tôn trọng ý muốn của họ. Nếu họ không tin Phật thì không nên khuyên người đó niệm Phật vì có thể họ sẽ tức giận và dễ sa vào 3 đường ác là súc sanh, ngạ quỉ và địa ngục. Chỉ nên khuyên họ đừng tham luyến tiền tài, danh vọng, người thân…để ra đi được thanh thản và hy vọng sẽ đến cõi lành.
Tóm lại, chết là cơ hội để thoát khỏi sinh tử luân hồi hoặc được tái sinh vào các cõi khác tốt hơn. Vì thế lúc còn sống nên có tâm nguyện hướng đến một cõi lành và sống đời lương thiện để tránh nghịch duyên.
Nam mô A Di Đà Phật
Nguyễn Tuấn
___________
Đỗ Hứng gởi