Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh

 

Chuyện Việt Nam ngày Thứ hai 06 tháng 5 năm 2024


Quê Hương tổng hợp

CSVN trong tiến trình cuối: nội bộ ăn thịt lẫn nhau!

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2024/05/downloadfile.jpg

Kayla Ng 

Nhà báo David Hutt, mới đây viết trên tờ Asia Sentinel rằng nỗ lực tưởng chừng đáng khen nhằm diệt tham nhũng của Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN), nay đã trở thành những trò ăn thịt lẫn nhau thật cay đắng. Mà hình ảnh mới nhất là chuyện Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nhân vật hiếm hoi có vẻ là có năng lực nhất trong số quan lại cầm đầu CSVN, vừa bị buộc nghỉ hưu.

Quả vậy, mọi thứ trong nội bộ đảng, nay là một tiến trình rõ ràng: con thú nào quyền lực nhất, sẽ ăn thịt đồng loại để chiếm chỗ. Vào cuối năm 2015, ngay trước Đại hội XII của CSVN, ông Nguyễn Phú Trọng đã hất ông thủ tướng hai nhiệm kỳ Nguyễn Tấn Dũng, để ngồi vào ghế tổng bí thư đảng. Đổi lại là một cam kết ngầm: Dũng sẽ không bị truy tố vì những sai phạm, để rút khỏi chính trường hoàn toàn một cách êm thắm.

Bây giờ, khi Đại hội XIV đang đến gần, các phe phái trong Ba Đình đã biến các quy tắc đạo đức cán bộ thành vũ khí, và không ngừng đẩy những người từng là lãnh đạo của phe chính phủ sang một bên. Những đảng viên bị phát hiện tham nhũng hoặc có tư tưởng sai lệch bị đưa vào thanh trừng. Kể từ năm 2016, hàng ngàn đảng viên đã bị loại bỏ. Theo thống kê của BBC, năm ngoái, 459 cán bộ đảng đã bị kỷ luật vì cái gọi là “tham nhũng.”

Ông Nguyễn Phú Trọng hiện đã 80 tuổi và sức khỏe ngày càng yếu đi vì bệnh tật, sắp nghỉ hưu sau ba nhiệm kỳ năm năm lãnh đạo CSVN.
Những diễn biến của Ba Đình lúc này cho thấy một sự đồng thuận đang hình thành qua việc “thịt” từng phần, từng người đang được định hướng vào các vị trí lãnh đạo theo ý Tổng Trọng, bộ trưởng Bộ Công An Tô Lâm và các đàn em của mình đã dọn đường xong, cho Lâm lên nắm quyền lãnh đạo Đảng.

Những quan chức cấp cao của CSVN được lựa chọn như Nguyễn Tấn Dũng: từ chức hay phải đối mặt với những hình phạt khắc nghiệt hơn. Chọn phương án một, đã có những nhân vật tưởng chừng sẽ vào vị trí cao nhất của CSVN là phó thủ tướng Vũ Đức Đam, phó thủ tướng Phạm Bình Minh, chủ tịch nước kiêm cựu thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; người kế nhiệm ông Phúc làm chủ tịch nước -Võ Văn Thưởng và mới nhất là Vương Đình Huệ, chủ tịch Quốc Hội Việt Nam.

Tất cả những người này đều bị cáo buộc chung một kiểu tội danh là “không giám sát cấp dưới” đã trục lợi từ các kế hoạch tham nhũng. Cũng không có nỗ lực nào chứng minh rằng những người lãnh đạo này biết về hành vi xấu của cấp dưới.

Ông Vương Đình Huệ từng được coi là ứng cử viên hàng đầu cho chức vụ cao nhất của đảng/nhà nước, tổng bí thư Đảng CSVN. Nhưng đòn ăn thịt nhau của nội bộ cộng sản, đối với ông Huệ dường như sát ván nhất, bằng cách công khai làm cho hoen ố hình ảnh bởi những hành vi tham nhũng mà cháu trai và trợ lý lâu năm của ông, cũng như loạt các mối quan hệ ngoài luồng được đồn thổi.

Các nhà phân tích về chính trị Việt Nam có xu hướng coi những vụ cách chức này là sự mở rộng của chiến dịch kéo dài sáu năm của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhằm thanh trừng đảng viên, tách khỏi “những thành phần tham nhũng.”

Nhưng bối cảnh lúc này, chính Tổng Trọng đang mắc kẹt trong chiến dịch “đốt lò” mà ông đề xướng. Vào lúc này, sau hơn 13 năm lãnh đạo đảng, tổng bí thư cao tuổi Nguyễn Phú Trọng đã bị cái gọi là cánh quyền lực nhất, nhân danh “tính đảng” cô lập – cay đắng hơn, ông chính là người có thể phải vào thế, buộc phải ủng hộ Bộ Trưởng Tô Lâm kế nhiệm chức tổng bí thư khi Đại Hội XIV họp vàoTháng Giêng năm 2026, nếu như không muốn chính mình rồi cũng bị ăn thịt.

Carl Thayer, chuyên gia về chính trị Việt Nam ở Úc, đánh giá “Chiến dịch chống tham nhũng của Trọng và trọng tâm vào trách nhiệm giải trình đã mở ra cánh cửa cho phe cứng rắn trong đảng hạ bệ các ủy viên Bộ Chính Trị hiện tại, qua đó dọn đường cho những người cứng rắn này đảm nhiệm chức vụ cao hơn tại đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ mười bốn.”

Theo nhà báo Việt Nam Diên Luông, viết trên Nikkei Asia vào cuối Tháng Ba, “Các phe phái trong Đảng CS có thành trì trong các cơ quan quốc phòng, an ninh và tư tưởng của đất nước đã trỗi dậy kể từ năm 2016. Điều này đã đưa đất nước vào quỹ đạo kiểm soát hà khắc xã hội dân sự và diễn ngôn công khai trên phương tiện truyền thông chính thống và không gian mạng.”

Nhà phân tích Zachary Abuza nói với Đài Á Châu Tự Do ngày 24 Tháng Tư rằng, “điều khiến Huệ sụp đổ là chính trị quyền lực và tham vọng,” và Tô Lâm, con thú ăn thịt có nanh vuốt hàng đầu của Việt Nam, đang “có quyền điều tra to lớn để xây dựng những vụ án sâu rộng vào các giao dịch kinh doanh và đời sống cá nhân của các đối thủ.”

Được BBC phỏng vấn, David Hutt nói thêm rằng “Công an đang dần nắm quyền. Đây không phải là điều tốt đối với người dân Việt Nam… Tôi lo ngại về điều gì sẽ xảy ra sau đại hội Đảng năm 2026 nếu cuộc thanh trừng tiếp tục. Nhất là những người có thể leo lên đỉnh cao quyền lực như ông Tô Lâm không phải là những người trong sạch.”

Sự gia tăng quyền lực của cánh công an trong đảng, cũng gây lo ngại, cả những tác động dây chuyền đối với nền kinh tế Việt Nam cũng như sự đàn áp các ý kiến chính trị. Từ năm ngoái, rõ ràng là các quan chức cộng sản cấp cao, đặc biệt là những người được giao nhiệm vụ giải ngân vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn, đã trở nên cực kỳ miễn cưỡng trong việc chấp nhận rủi ro, vì cũng không muốn bị ăn thịt trong móng vuốt của bộ công an. Thật sự, tiến trình ăn thịt lẫn nhau trong nội bộ Ba Đình đã lên đến đỉnh cao.

VNCS: Ngân hàng Nhà nước đã bán khoảng 700 triệu USD để hạ nhiệt tỷ giá

RFA
06/5/2024

Ngân hàng Nhà nước đã bán khoảng 700 triệu USD để hạ nhiệt tỷ giá

Nhân viên ngân hàng ở Hà Nội đang đếm các đồng đô la Mỹ (HMH) 

https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể đã bán 500 đến 700 triệu USD để hạ nhiệt tỷ giá.

Truyền thông loan tin trong ngày 6/5 dựa theo Báo cáo vĩ mô tiền tệ được thực hiện bởi WiResearch (WiGroup).

Theo WiGroup sau động thái trên của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do và thị trường ngân hàng từ ngày 3/5 đã có dấu hiệu hạ nhiệt.

“Theo thông tin từ các kênh của chúng tôi, Ngân hàng Nhà nước đã bán khoảng 500 - 700 triệu USD. Chúng tôi cho rằng, tỷ giá tăng mạnh chỉ là vấn đề lo ngại tạm thời và dự kiến sẽ hạ nhiệt trong quý II/2024”, các chuyên gia WiGroup nhận định trên tờ Đầu Tư.

Ngoài ra, các chuyên gia cho biết, nguyên nhân giúp giảm áp lực tỷ giá, cũng do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa xác định thời điểm cắt lãi suất lần đầu tiên trong năm 2024, nhưng đã giảm nhịp độ thắt chặt định lượng (được xem là động thái nới lỏng nhẹ).

Trước đó, tỷ giá đô tại thị trường Việt Nam tăng mạnh trong tháng 4/2024. 

Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc khối phân tích Công ty chứng khoán MB (MBS), đánh giá trên tờ VNBusiness rằng tỷ giá hiện đã ổn định sau hàng loạt các biện pháp của NHNN. "Nỗ lực mạnh mẽ của NHNN đã phần nào giải tỏa tâm lý thị trường, nhu cầu USD giảm nhẹ theo mùa vụ đã giúp tỷ giá ổn định trong tuần cuối của tháng 4. Tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 25.100 - 25.300 đồng/USD trong quý II năm nay nhờ sự ổn định của môi trường vĩ mô, là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm nay".

Theo WiGroup, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong quý I/2024 đã mất đà tăng tốc, giảm 15% so với quý trước, đạt 5,7%.

Tuy vậy, so với cùng kỳ, GDP quý đầu năm nay đã tăng hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020 - 2023. 

WiGroup cho rằng, bức tranh nền kinh tế sẽ tươi sáng hơn trong các quý sau, với con số ước tính quý II/2024 sẽ tăng 6% so với cùng kỳ và cả năm 2024 sẽ tăng trưởng 6,2%, dựa trên động lực bên trong nền kinh tế.

VNCS: Giá vàng miếng tại Việt Nam tăng kỷ lục sau khi Ngân hàng Nhà nước hủy đấu giá lần 3 

03/5/2024 

VOA Tiếng Việt 

Giá vàng miếng tại Việt Nam tăng mạnh trong ngày 3/5/2024, từ mức 85,3 triệu đồng/lượng tăng vọt lên 85,8 triệu đồng/lượng, sau khi thông tin hủy đấu thầu vàng miếng được công bố.

Giá vàng miếng tại Việt Nam tăng mạnh trong ngày 3/5/2024, từ mức 85,3 triệu đồng/lượng tăng vọt lên 85,8 triệu đồng/lượng, sau khi thông tin hủy đấu thầu vàng miếng được công bố. 

Giá vàng miếng tại Việt Nam hôm 3/5 tăng lên mức kỷ lục sau khi Ngân hàng Nhà nước hủy phiên đấu giá lần thứ 3, dự kiến diễn ra vào sáng cùng ngày, vì lý do chỉ có một doanh nghiệp đăng ký tham gia.

Đây là lần hủy đấu giá thứ 3 trong 4 lần Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức đấu thầu, bắt đầu từ ngày 22/4, với mục tiêu tăng nguồn cung cho thị trường giữa bối cảnh giá vàng tăng kỷ lục.

Giá vàng miếng SJC đã tăng mạnh trong ngày sau khi thông tin hủy đấu thầu vàng miếng được đưa ra, từ mức 85,3 triệu đồng/lượng tăng vọt lên 85,8 triệu đồng/lượng, là mức giá kỷ lục từ trước đến nay, theo Tuổi Trẻ và VnExpress.

Trước đó, NHNN cho biết phiên đấu giá ngày 3/5 dự kiến sẽ đưa ra đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC vào lúc 9 giờ ngày 3/5. Người mua có thể đấu giá để mua từ 1.400 đến 2.000 lượng, với giá khởi điểm là 82,9 triệu đồng (hơn 3.263 USD)/lượng.

Biện pháp can thiệp thị trường bằng cách đấu thầu vàng miếng được NHNN đưa ra sau 11 năm, kể từ phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được tổ chức vào năm 2013, giữa bối cảnh giá vàng tại Việt Nam liên tục tăng lên mức kỷ lục và chênh lệch quá cao so với thị trường thế giới.

Tuy nhiên, trong 4 phiên đấu thầu được tổ chức kể từ ngày 22/4, có đến 3 phiên bị hủy vì chỉ có một đơn vị duy nhất bỏ phiếu dự thầu. Lần duy nhất đấu thầu thành công là vào ngày 23/4, với 7 ngân hàng thương mại và 4 doanh nghiệp dự thầu, nhưng cũng chỉ bán được 3.400 lượng vàng trên tổng khối lượng chào thầu là 16.800 lượng vàng, tương đương với 20% số lượng vàng chào thầu, cho hai đơn vị là Công ty SJC và ACB.

Nguyên nhân thất bại của việc đấu thầu được cho là do quy định đấu thầu còn nhiều điều kiện chưa hợp lý, chưa đảm bảo được việc hạn chế rủi ro cho các tổ chức tham gia, VTC News dẫn nhận định của ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng, cho biết.

Một số chuyên gia được báo Lao Động dẫn lời cho rằng việc đấu thầu với quy định mua tối thiểu 1.400 lượng vàng SJC và chỉ được đấu giá bằng hoặc cao hơn là một rào cản đối với doanh nghiệp, đồng thời cho biết thêm rằng ngay cả hai đơn vị đấu thầu thành công 3.400 lượng vàng SJC cũng lỗ so với mức họ mua vào.

Ông Huỳnh Trùng Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, đề nghị NHNN xem xét điều chỉnh khối lượng đấu thầu tối thiểu khoảng 400 - 500 lượng để thu hút nhiều người tham gia đấu thầu, TTXVN cho biết thêm.

Theo ghi nhận từ truyền thông Việt Nam, sau khi NHNN đưa ra biện pháp can thiệp bằng cách đấu giá, giá vàng miếng trong nước trong những ngày gần đây rơi vào tình trạng “diễn biến ngược chiều” so với thế giới. Trong lúc giá vàng trên thế giới đang có xu hướng đi xuống, giá vàng miếng trong nước lại liên tục xác lập kỷ lục mới, khiến khoảng cách so với thế giới càng nới rộng.

VnExpress ghi nhận vào lúc 11 giờ 30 phút, theo giờ Hà Nội, giá vàng thế giới ở mức 2.305 USD/ounce, tương đương 70,7 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giá vàng miếng trong nước đã tăng lên 85,8 triệu/lượng, cao hơn 15 triệu đồng so với quốc tế. Trong khi đó, vàng nhẫn trong nước có mức chênh lệch 4-5 triệu đồng/lượng so với thế giới.

Bộ trưởng Quân Lực Pháp thăm Việt Nam, dự lễ kỷ niệm 70 năm trận Điện Biên Phủ

Minh Anh /RFI

04/5/2024

Đại sứ quán Pháp ngày 03/05/2024 cho biết theo lời mời của chính phủ Việt Nam, bộ trưởng Quân Lực Pháp Sébastien Lecornu sẽ đến thăm Việt Nam ngày 07/05/2024, dự lễ kỷ niệm 70 năm cuộc chiến Điện Biên Phủ. Đây là một chuyến thăm mang tính « lịch sử », theo đại sứ quán Pháp. 

Bộ trưởng Quân Lực Pháp Sébastien Lecornu dự họp nội các tại điện Elysée, Paris, Pháp, ngày 12/01/2024.

Bộ trưởng Quân Lực Pháp Sébastien Lecornu dự họp nội các tại điện Elysée, Paris, Pháp, ngày 12/01/2024. AP - Michel Euler 

Tháp tùng lãnh đạo Quốc Phòng Pháp có quốc vụ khanh bên cạnh bộ Quân Lực, phụ trách Cựu Chiến binh và Ký ức, bà Patricia Mirallès.

Trước khi tham dự buổi lễ chính thức, bộ trưởng Lecornu sẽ có cuộc gặp với thủ tướng Phạm Minh Chính, bộ trưởng Quốc Phòng Phan Văn Giang và Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Hoài Trung « để thảo luận về các vấn đề quyền chủ quyền, an ninh và quốc phòng ».

Theo thông cáo của đại sứ quán Pháp ở Hà Nội, nhân dịp này bộ trưởng Quốc Phòng hai nước sẽ ký kết một ý định thư nhằm tăng cường hợp tác đối tác trong lĩnh vực quốc phòng.

Tại Điện Biên Phủ, Quốc vụ Khanh Mirallès được mời tham quan con đường ký ức lịch sử bằng ba thứ tiếng do Pháp và Việt Nam cùng chuẩn bị, và tham dự lễ chiếu sáng cầu Mường Thanh "với ánh sáng nghệ thuật do thành phố Lyon thực hiện".

Bộ trưởng Quân Lực Pháp cũng sẽ có buổi trao đổi với các cựu chiến binh Pháp và Việt Nam trong chuyến thăm các địa điểm chiến trận.

Thông cáo đại sứ quán Pháp nhắc lại, năm 2023, Việt Nam và Pháp đã có nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập bang giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược. Trong cuộc điện đàm ngày 20/10/2023, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ mong muốn thúc đẩy nhiều hơn quan hệ đối tác Pháp – Việt trong nhiều lĩnh vực như an ninh, quốc phòng, chống biến đối khí hậu và phát triển thông qua các công nghệ mới.

VNCS: Việt Nam mời Pháp dự lễ kỷ niệm 70 năm trận chiến Điện Biên Phủ  

04/5/2024 

AFP 

 
 

Việt Nam mời Pháp dự lễ kỷ niệm 70 năm trận chiến Điện Biên Phủ.

Việt Nam mời Pháp dự lễ kỷ niệm 70 năm trận chiến Điện Biên Phủ. 

Lần đầu tiên Pháp được mời đến dự lễ kỷ niệm trận Điện Biên Phủ, trận đánh dẫn đến thất bại của quân đội Pháp tại Việt Nam và đánh dấu sự hiện diện cuối cùng của nước này ở Đông Dương thuộc địa, hãng tin AFP dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Pháp cho biết hôm 3/5.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu sẽ đại diện cho Pháp dự lễ kỷ niệm 70 năm trận chiến Điện Biện Phủ được tổ chức vào tuần tới.

Bộ Quốc phòng Pháp cho biết hôm 3/5: “Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam mời Pháp đến dự lễ kỷ niệm này, một dấu hiệu thể hiện mong muốn xây dựng mối quan hệ cho tương lai”.

“Có một mong muốn chung là hai bên nên nhìn vào lịch sử Chiến tranh Đông Dương một cách sáng suốt và cởi mở”, Bộ Quốc phòng Pháp cho biết.

Cứ địa Điện Biên Phủ ở miền bắc Việt Nam là nơi diễn ra trận chiến lịch sử chống lại lực lượng cộng sản Việt Nam năm 1954, đánh dấu sự kết thúc của đế chế thực dân Pháp ở Đông Dương.

Sự thất thủ nhục nhã của quân Pháp ở thung lũng Điện Biên Phủ đã làm sứt mẻ uy tín của Paris và thúc đẩy các phong trào giành độc lập ở các thuộc địa khác.

Các bộ đội Việt Nam bao vây lực lượng Pháp - được trang bị vũ khí tối tân - và sử dụng pháo hạng nặng bắn vào lực lượng này.

Trận chiến ác liệt ở thung lũng hiểm trở, hẻo lánh này đã khiến hàng nghìn binh sĩ của cả hai bên thiệt mạng trong vòng chưa đầy hai tháng.

Bộ Quốc phòng Pháp cho biết ông Lecornu, người chuẩn bị tới Việt Nam vào ngày 4/5, sẽ đến viếng “các bộ đội Việt Nam đã hy sinh tại nghĩa trang quân đội Việt Nam” vào ngày 7/5.

Ông cũng sẽ tôn vinh ký ức của các chiến sĩ Pháp tại đài tưởng niệm Pháp ở Điện Biên Phủ.

Vào ngày 6/5, ông Lecornu sẽ gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang.

Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết vào tháng 3 rằng Pháp sẽ đưa hài cốt của sáu binh sĩ thiệt mạng ở trận Điện Biên Phủ về nước.

Pháp mong muốn tăng cường hợp tác với Hà Nội trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Việt Nam thắng Pháp trong trận Điện Biên Phủ đã dẫn đến sự chia cắt đất nước thành miền Bắc do cộng sản cai trị, đứng đầu là lãnh đạo cách mạng Hồ Chí Minh và một chế độ miền Nam thân Mỹ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ tạo tiền đề cho hai thập kỷ chiến tranh, cuối cùng kết thúc với thất bại của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam năm 1975 và thống nhất đất nước.

Việt Nam: Gần 500 người ngộ độc vì ăn bánh mì, Thủ tướng ra công điện, công an 'vào cuộc' 

03/5/2024 

VOA Tiếng Việt 

 
 

Có tới 487 người phải nhập viện sau khi ăn bánh mì thịt tại một tiệm bánh mì ở thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, Việt Nam, tính đến trưa ngày 3/5/2024.

Có tới 487 người phải nhập viện sau khi ăn bánh mì thịt tại một tiệm bánh mì ở thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, Việt Nam, tính đến trưa ngày 3/5/2024. 

Có tới 487 người phải nhập viện sau khi ăn bánh mì tại thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, tính đến trưa 3/5, khiến chính phủ phải ra công điện, Sở Y tế tỉnh phát công văn hỏa tốc yêu cầu các bệnh viện tăng cường nhân lực để điều trị cho các bệnh nhân, trong khi công an tiến hành lấy mẫu thức ăn để giám định và điều tra nguyên nhân.

Vụ ngộ độc bắt đầu xảy ra khi một số người nhập viện vào chiều 30/4 với triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn… sau khi ăn bánh mì tại tiệm bánh mì Băng. Đến sáng 1/5, khoảng 30-40 người khác nhập viện và số lượng này tăng lên hơn 70 ca vào chiều cùng ngày, Tuổi Trẻ dẫn lời Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, bà Võ Thị Ngọc Lắm, cho biết.

Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến trưa 3/5, đã có tổng cộng 487 ca nhập viện sau khi ăn bánh mì thịt của tiệm này.

Tiệm bánh mì Băng đã được yêu cầu ngưng hoạt động vào lúc 11 giờ ngày 1/5.

Theo UBND TP. Long Khánh, tiệm bánh mì Băng có quy mô phục vụ trên 1.000 ổ bánh mì/ngày (vào 2 buổi: sáng, chiều). Tiệm này thuộc diện bán hàng nhỏ lẻ, không thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Nguyên liệu, thực phẩm do tiệm tự chế biến từ nguồn nguyên liệu tự mua ở các cửa hàng nhỏ lẻ, không có hợp đồng mua nguyên liệu đầu vào dùng để chế biến, theo báo Thanh Niên.

Theo Sở Y tế Đồng Nai, cho đến nay, chưa có trường hợp tử vong, nhưng trong số 12 bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai có 2 ca tiên lượng rất nặng, phải thở máy kết hợp lọc máu. Ngoài ra, có 2 ca khác tiên lượng nặng, các ca còn lại đang được theo dõi sát. Hơn 300 ca đang điều trị tại các bệnh viện thì trong tình trạng tạm ổn, chưa có tình huống trở nặng xảy ra, Tuổi Trẻ đưa tin.

Vụ ngộ độc trên quy mô lớn đã khiến Sở Y tế tỉnh Đồng Nai phải ra công văn hỏa tốc vào chiều 2/5, yêu cầu các bệnh viện tăng cường nhân lực để điều trị kịp thời cho các nạn nhân.

Đồng thời, Sở Y tế cũng yêu cầu Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với các cơ quan liên quan để điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ ngộ độc và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Phó Thủ tướng Việt Nam Trần Lưu Quang hôm 3/5 cũng ký công điện yêu cầu các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm sau khi vụ ngộ độc quy mô lớn xảy ra ở Đồng Nai.

Lãnh đạo Việt Nam yêu cầu Bộ Y tế tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định, nghiên cứu xây dựng và sử dụng có hiệu quả hệ thống cảnh báo sự cố an toàn thực phẩm.

Theo thống kê, số vụ ngộ độc trên toàn quốc được ghi nhận trong năm 2023 là 125 vụ, làm trên 2.100 người bị ngộ độc và làm 28 người tử vong, có xu hướng gia tăng so với năm 2022, theo trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam.
 

Nam Việt / Saigon Nhỏ 

05/5/2024

______________


 

Đỗ Hứng gởi