CHUYẾN VƯỢT BIÊN
của tàu SÔNG BÉ 12
Hơn 20 năm trước, nói đến Trần phước Hậu ở NSW là các đoàn thể chính trị hầu như đều biết và gần gũi ông rất nhiều. Ông là một người có tiếng tăm vang lừng vì là người Thuyền trưởng đã cướp tàu Sông Bé 12, trói gọn 3 tên cộng sản trên tàu, đem gần 200 đồng hương ra đi tìm tự do. Ông cũng lại là một trong những người điều hành tờ Việt Luận trong thời kỳ phôi thai như là một trong các cơ quan ngôn luận đầu tiên của người Việt tại Úc Châu.
Trước sự ra đi của một người tiền nhiệm, ban biên tập Việt Luận cảm thấy nên có đôi lời tường thuật về dĩ vãng oai hùng của người quá cố qua vụ cướp tàu Sông Bé 12 để ra đi từ Sài Gòn và đến thẳng Darwin vào cuối năm 1977.
Bài viết dưới đây là của ký giả kỳ cựu Phan Quân T.N, một người năm nay 90 tuổi và từng cộng tác với Ban Biên Tập của thời anh Trần phước Hậu làm chủ nhiệm. Bài viết nầy ghi lại những tâm tình mà ký giả Phan Quân có dịp trao đổi với Thuyền Trưởng Trần phước Hậu lúc còn sinh tiền, cũng như các Thuyền Phó Lữ ngọc Sơn ( bạn cùng khóa với P.xìcùn ) và Nguyễn văn Ai.
Sài Gòn 1977: Cột đèn biết đi, nó cũng… ra đi !
Người miền Nam từ xưa vốn chân thật, nghe cộng sản tuyên truyền với thủ đoạn o bế: "Dân miền Nam yêu nước chờ đón ngày thống nhất, nên hững hờ với cuộc di tản của quân dân cán chính của chính phủ VNCH".
Nhưng khi mà cái chính phủ bù nhìn "Lâm thời Cộng hòa Miền Nam VN" bị cộng sản miền Bắc âm thầm giải tán, người miền Nam mới rõ bộ mặt thật của "Cáo Hồ", khi sanh tiền y đã xảo trá tạo dựng những cơ sở, đặt người miền Nam điều hành và khi thành công thì cho… rã đám !
Từ năm 1977, mặt nạ cộng sản đã được người dân miền Nam kéo lột xuống. Những tên "nón cối" từ miền Bắc kéo vào đã tàn nhẫn quy chụp "ai ở miền Nam cũng đều là Ngụy quân". Dân miền Nam phẩn uất, phẩn nộ và một phong trào ra đi, công khai nhộn nhịp từ miền nam Bến Hải xuống đến mũi Cà Mau. Họ ra đi, không phải theo Mỹ hay theo "Ngụy quân, Ngụy quyền" mà họ ra đi tìm tự do cho chính họ. Đã có những người lao động thốt ra: "Cột đèn nếu đi được, nó cũng… ra đi".
Vốn là một chuyên viên về Hàng Hải thương thuyền, ông Trần phước Hậu, từng là Thuyền Trưởng cho nhiều công ty tư nhân trong ngành. Hầu như các hải cảng trong vùng Đông Nam Á và ngược lên miền Bắc đều có những con tàu do ông Hậu điều khiển đã ghé vào. Tuy không nằm trong guồng máy chính quyền miền Nam nhưng ông nhận thấy Cộng sản miền Bắc đối xử với bộ máy lãnh đạo miền Nam quá tàn tệ, vắt chanh bỏ vỏ. Ông cảm thấy một ngày nào đó, trong thân phận bé nhỏ của mình ở công ty quốc doanh, sẽ đến lượt mình chịu chung số phận dưới bàn tay của đảng và nhà nước.
Một đêm tâm tình
Trong một buổi tâm tình, ông Hậu nói:
- Ngày đó, trong đầu tôi có ý nghĩ ra đi, nhưng "một cây làm chẵng nên non", phải có bạn đồng hành ruột thịt. Ai bây giờ ? Người nào có thể tín cẩn được ? Lỡ gặp người sơ hở, đổ bể ra thì tù tội ngay lập tức.
Sau nhiều ngày tháng sau đó, ông Hậu đã thăm dò, thử thách và dĩ nhiên là chỉ tiếp xúc với các đồng nghiệp hải hành, nhất là những chuyên viên nắm các phần vụ quan trọng, từng ra khơi nhiều chuyến… Người gần ông nhất lúc đó là anh Lữ ngọc Sơn, người ra trường sau ông 2 năm và từng nắm chức vụ Thuyền Phó. Anh Sơn cũng vừa thổ lộ với ông là trong chuyến hải hành đến cảng Hải Phòng, anh đã nhìn thấy bộ mặt thật của xã hội miền Bắc. Anh kể là, khi nhìn thấy thủy thủ đoàn của thương thuyền miền Nam có y trang sang trọng, tàu bè bóng loáng đẹp đẻ, những anh em công nhân bến cảng, nhất là những anh em "cửu vạn" đã thì thầm với anh: "Chúng tôi tưởng các anh ra giải phóng cho chúng tôi mới phải chứ".
Anh Sơn nhìn lại những người phu khuân vác áo quần tả tơi, rách rưới. Qua hỏi thăm thì anh được biết là họ kiếm đủ cơm ăn cho vợ con là may lắm rồi, nói gì đến áo quần lành lặn ! Hồi già Hồ còn sống, ông ta luôn luôn nhắc nhở dân miền Bắc mau sớm "giải phóng miền Nam", cứu dân Nam qua cảnh đói rách, kiềm kẹp của Mỹ Ngụy !
Sau khi tìm được "Tri kỷ, Tri Bỉ", ông Hậu trao cho anh Sơn kiếm những bạn "đồng thuyền". Người thứ ba được liên kết cũng là một đồng nghiệp, anh Nguyễn văn Ai, một người nhu mì, kín đáo, hiện đang sống tại Úc. Xưa Lưu-Quan-Trương đào viên kết nghĩa, nay thì Trần-Lữ-Nguyễn "hải hành kết nghĩa", quyết tâm vào một ngày đẹp trời nào đó phải đến được bến bờ Tự Do !
Gần ngày chót, ngày khởi sự ra khơi, cả ba lại có thêm một "đồng chí" ruột thịt là anh Nguyễn phú Thiệu, người đáng lẽ nắm phần vụ cơ khí của tàu Trường Xuân, nhưng tình nguyện tiếp sức trong chuyến đi nầy.
Ngày ra khơi
Dưới đây là lời tường thuật của anh Lữ ngọc Sơn, người có thể nói là Tham Mưu Trưởng, cánh tay mặt của Thuyền Trưởng Trần phước Hậu:
- …Tôi chịu trách nhiệm với anh Hậu phần "rỉ tai" những anh em thuyền viên (équipage) gồm trên 20 người. Cái khó và điều lo ngại nhất của tôi cũng như anh Hậu là lỡ trong anh em vì "tình trạng gia đình", cha mẹ già ngại sóng gió hoặc con thơ sợ biển cả hải hùng, hay số đông bạn trẻ chưa lập gia đình, đang có người yêu… Cảnh ngộ mọi người khác nhau, phải thảo luận riêng rẽ. Bên cạnh đó, nếu không kín đáo bảo mật, rất dễ bị lộ. Thời điểm đó, tôi và anh Hậu sút đến 5,7 ký lô vì lo ngại !
Chợt nhớ lại người xưa có câu: "Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên". Ôi thôi, sao đúng thế ! Chắc có Trời thương nên mọi người đúng ngày, đúng giờ đã đến "điểm hẹn" vào đêm tối trời ngày 7 tháng 11 năm 1977, ngay bải sau Vũng Tàu. Tuy có một số người lỡ hẹn, nhưng rồi tàu cũng ra khơi xuông xẻ. Trừ những anh em thuyền viên trẻ chưa lập gia đình, nói chung các bạn có gia đình đều ra đi khá đầy đủ.
Cho mấy chú cộng sản… vô rọ !
Trở lại vụ ra khơi. Khi ấy tàu Sông Bé 12 rời Kho 5 Khánh Hội trực chỉ Vũng Tàu với nhiệm vụ có thể ra Trung đón hàng từ Cao nguyên xuống Nha Trang, Cam Ranh hoặc cửa Phan Rí.
Vừa ra khỏi Nhà Bè, trên dòng sông Lòng Tảo vào khoảng 1 giờ trua, nhà bếp bưng lên một bữa ăn khá linh đình, có các món nhậu và một vò rượu nếp than thịnh soạn. Ông Hậu lên tiếng mời các anh em điều hành, thuyền phó v,v… ngồi vài bàn nhậu. Tổng cộng có khoảng 7,8 người. Sau đó 2,3 người "trong tổ chức" tự cáo biệt ra điều hành tàu, còn lại ông Thuyền trưởng và 3 cán bộ cộng sản, những người sẽ là vật "tế thần" của vụ cướp tàu.
Hai anh Thuyền phó Lữ ngọc Sơn và Nguyễn văn Ai cho biết:
- Chúng tôi không có ý hại họ, trừ trường hợp họ chống cự và nổ súng trước…
Ông Nguyễn văn Ai tiếp:
- Họ đã bị chúng tôi "bỏ thuốc ngủ" vào rượu nếp than, lại được "Đại ca Hậu" cụng ly thân thiết, hết ly nầy đến ly khác nên các chú "bất tỉnh" luôn. Khi các chú nầy về chầu Tuy lý Vương, anh em chúng tôi chẳng còn khó nhọc cho lắm. Thừng và dây kẽm được dùng để trói gô các chú lại. Để cho chắc ăn, chúng tôi lại nhồi vô miệng các chú vải vụn, vòng thêm một đường dây sắt, cột miệng các chú. Nói chung, cả ba chú bị trói cả mồm miệng chân tay, khi tỉnh dậy cũng không cựa quậy gì được. Chúng tôi sau đó còn thay phiên nhau canh gác 24/24 với súng ống sẵn sàng nổ.
Điều mừng là khi họ tỉnh giấc, biết bị "gài bẫy" nhưng vì lo sợ cho tính mạng nên không có ý chống cự. Thuyền trưởng Trần phước Hậu ôn tồn nói cho họ biết rằng, vì họ là người của đảng và nhà nước, nên các anh em buộc phải có hành động này. Ông Hậu còn "tâm lý chiến" khi nói rằng, nếu trong ba người ai thích quay về hàng ngũ với ông và các anh em thì khi đến bến bờ Tự Do, ông sẽ đứng ra bảo đảm cho họ trước nhà chức trách địa phương.
Cần biết trong 3 cán bộ đó, chỉ có một là đảng viên cộng sản, được gửi đến tàu Sông Bé 12 và nắm phần quản trị. Tay nầy không có chuyên môn nào, riêng hai tên kia thì có chuyên môn và lại thuộc diện "con ông cháu cha". Khi khám phòng của tay chuyên viên radio thì tìm thấy một khẩu K54 và hai cây CKC. Những súng này liền được trao cho các anh em để canh gác tù binh.
Ban điều hành cũng phập phồng lo ngại là khi tàu chưa ra khỏi cửa Cần Giờ, lỡ gặp tàu tuần duyên thì giải quyết sao đây ? Thuyền trưởng Hậu trả lời thật nhanh:
- Nếu họ lên tàu, chia quân "đánh úp" tàu họ rồi bắt tàu họ theo ra hải phận…
Anh Hậu thở dài và chậm rãi nói tiếp
- Nếu như thế thì chỉ có 20 anh em chúng ta ra đi được, còn những người chậm đến điểm hẹn, số phận đành chịu hẩm hiu…
Nhưng nhờ Trời, không có chuyện đó xảy ra…
Về vấn đề lương thực thì các thuyền viên và những người tháp tùng đều tự lo, tự mang. Một số lương thực thặng dư cho thủy thủ đoàn đã được mang lên mà 3 tay cán bộ không hề hay biết.
M/S Sông Bé and Crew
Cập bến Pulau Tanga
Lênh đênh trên biển Nam Hải 3 ngày đêm, tàu Sông Bé 12 ghé đảo Pulau Tanga. Do quyết định trước khi ra đi là chỉ chọn xứ Úc Đại Lợi để xin được tị nạn chính trị nên Thuyền trưởng Trần phước Hậu không có ý kéo dài thời gian phiêu lưu. Nhận thấy đảo nầy quá nghèo mà phương tiện tiếp tế dầu mở ít có hy vọng, ông đề nghị với anh em rút ván ra khơi.
Nhưng một số người Việt trên đảo cho biết có một ông Giáo sư từng tham gia trong chính phủ Nguyễn Khánh với chức vụ Thứ trưởng và nay làm chức đại diện cho người tị nạn. Ông Trần phước Hậu liền đến thăm. Giáo sư Nguyễn hoàng Cương khuyên ông Hậu nên tiếp tục cuộc hành trình. Khi nghe tin con tàu sẽ trực chỉ nước Úc, 8 thanh niên xin được tháp tùng.
Giáo sư Cương, sau khi được định cư ở Úc cũng có dịp chung sống với người viết dưới mái nhà Việt Luận. Nhưng tờ báo lúc ấy không còn thuộc sự quản nhiệm của ông Trần phước Hậu mà đã qua tay ông Gia Du.
Bến Tự Do thứ 2
Nhắc lại những ngày ghé hải cảng Surabaya thuộc Nam Dương, ông Hậu đã ca tụng cách đối xử với nhóm tị nạn Sông Bé của nhà đương cuộc địa phương. Ngoài việc tiếp tế lương thực, dầu nhớt, nhà chức trách địa phương có ý đề nghị lên chính phủ Nam Dương tặng thưởng cho ban chỉ huy tàu Sông Bé 12 huy chương cao quý Anh Dũng Bội Tinh.
Sở dĩ có chuyện nầy vì trước đó ít năm, cộng sản Trung Quốc lợi dụng Hoa kiều sinh sống tại Nam Dương làm bàn đạp móc nối với đảng cộng sản Nam Dương trong mưu đồ nhuộm đỏ xứ nầy và sau đó là toàn vùng Đông Nam Á. Chính phủ Nam Dương tận diệt được họa cộng sản nên khi nghe một con tàu chống cộng từ Việt Nam ra đi, chính quyền Nam Dương rất tán đồng và ủng hộ.
Nóng lòng tới bến bờ tự do thứ thiệt là Úc Đại Lợi, ông Trần phước Hậu đã ngỏ lời cám ơn chính phủ cũng như người dân Nam Dương, sao đó nhổ neo trực chỉ xứ Kangaroo. Vì lo ngại là vùng biển từ Nam Dương đến Bắc Úc có nhiều bãi đá ngầm nên chính phủ Nam Dương đã điện báo cho chính phủ Úc biết là có một con tàu tị nạn Việt Nam đang trển đường sang tới.
Ba ngày sau, khi vào hải phận Úc, trên trời máy bay gầm gừ, trực thăng lượn sát, chung quanh thì tuần dương hạm, thủy phi cơ vây quanh chiếc tàu Sông Bé 12. Mọi người nhốn nháo khi được một tuần dương hạm ra lịnh: "Hãy theo tôi để tránh đá ngầm".
Thì ra hai chính phủ Nam Dương và Úc đã thảo luận để đón chiếc tàu và sẵn sàng mở cửa cho họ tị nạn. Chiếc tàu Hải Quân đã hướng dẫn cho chiếc tàu Sông Bé vào bến Darwin.
Đến Darwin, suốt nhiều ngày sau đó, ông Trần phước Hậu và ban điều hành đều lo ngại là hành động "cướp tàu" của mình rất có thể bị nhà cầm quyền CSVN đòi hỏi chính phủ Úc phải cho dẫn độ về nước để xét xử. Nhưng tại quốc hội liên bang, cả hai đảng Lao Động và Tự Do đều đồng ý là vì tình nhân đạo, nước Úc tiếp nhận tất cả số thuyền nhân trên tàu Sông Bé 12, gồm 181 người.
Sau đó chính phủ Úc đã trao lại chiếc tàu Sông Bé 12 cho nhà cầm quyền CSVN. Một toán cán bộ hải hành từ Hải Phòng đáp máy bay sang Úc để đưa con tàu về lại Sài Gòn. Vì đã có tì vết nên nhà cầm quyền liền đổi tên chiếc tàu, không còn dùng tên Sông Bé 12 nữa.
Riêng 3 tay cán bộ cộng sản cũng được đưa về nước. Nghe đâu tay đảng viên cốt cán đã bị đi học tập một thời gian khá dài !
Trên 20 năm trước, ngày còn chủ trương tờ Việt Luận với các bạn Lê văn Sanh, Trương minh Hoàng, Lê Quang, Gia Du, Lưu Dân, Hoàng Hải Vân… ông Trần phước Hậu luôn luôn hết sức khiêm nhượng mỗi khi có những buổi họp quan trọng. Ông thường nói:
- Nghề làm báo không phải là nghề của tôi. Mỗi đóng góp của quí anh giúp tôi có thêm kinh nghiệm để giữ vững tờ báo…
Mười năm qua ông Hậu đã rời hẳn xã hội doanh thương, ẩn mình tại gia để tu niệm. Ông qua đời trong im lặng nhưng tiếng tăm của Người Hùng Tàu Sông Bé 12 vẫn hiện hữu trong lòng lịch sữ tị nạn Úc Châu, nhất là gần 200 thuyền nhân đã được ông dìu dắt đến bờ tự do Úc Châu. Những người đó chắc không bao giờ quên cái tên Trần Phước Hậu !
____________
Đỗ Hứng gởi