Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 
Cô bé tên Tròn ngày đó…
 
 


Một trong số những nạn nhân chiến tranh ông tình cờ gặp là cô bé tên Nguyễn thị Tròn 12 tuổi. Đó quả là định mệnh. Ông Burrows kể rằng trong suốt thời gian 6 năm ở Sài Gòn, ông thả bộ qua các đường phố không biết bao nhiêu lần. Thế rồi năm 1968, một hôm khi đi bộ ngang khuôn viên Hội Hồng Thập Tự, ông nhìn thấy hai đứa bé chơi xích đu, một đứa ngồi, một đứa đẩy. Đi gần lại bên ngoài hàng rào, ông nhìn kỹ hơn thì thấy hai thân hình bé nhỏ lắc lư, nhưng cả hai đứa đều bị cụt mất một chân, và đứa đứng đẩy chiếc xích đu là Tròn.

Tròn bị cụt chân phải chỉ mấy tháng trước đó vào tháng 10 năm 1967. Cô bé quê có tính tò mò Nguyễn thị Tròn đội nón lá rời nhà đi lang thang vào rừng kiếm củi, một vùng thuộc mật khu Dương Minh Châu của Việt Cộng và được quy định là vùng oanh kích tự do. Một trực thăng võ trang của quân đội Mỹ bay ngang, xạ thủ đại liên trông thấy chiếc nón lá di động liền lia ngay một tràng. Tròn bị trúng đạn ở chân phải dưới đầu gối, phải cưa.


Tự nhận mình là người có bản tính phiêu lưu mạo hiểm, Larry Burrows quan niệm việc Hoa Kỳ hỗ trợ cho Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu chống cộng sản miền Bắc là hợp đạo đức. Cách làm việc tỉ mỉ cẩn trọng yêu nghề của ông đã ghi lại được những bức ảnh gây ấn tượng chấn động của cuộc chiến. Nhưng Burrows cũng biết toàn bộ câu chuyện về cuộc chiến kinh hoàng đó không thể được tìm thấy trong một hố cá nhân sũng nước đỏ quạch của miền cao nguyên trong mùa mưa, và hàng trăm trận giao tranh khiêm tốn diễn ra lẻ tẻ và hàng ngàn nạn nhân khốn khổ.


Đứa bé cụt chân hồn nhiên vui đùa kia gợi cho ông một sự chú ý đặc biệt. Ông muốn biết câu chuyện. Thế là ông cùng với người thông dịch vào gặp Tròn để hỏi chuyện. Nghe Tròn kể xong, Burrows tỏ vẻ xúc động. Ông nghĩ nếu ông có thể diễn đạt được sự mất mát đau khổ qua đôi mắt của Tròn thì điều đó cũng nói lên những mất mát to lớn của người dân Việt Nam phải chịu trong 25 năm qua. Khoảng một tháng sau, phóng viên nhiếp ảnh 41 tuổi Larry Burrows tìm đường đến ấp An Điền nghèo xơ xác thuộc quận Bến Cát, tỉnh Bình Dương, cách khoảng 40km về phía bắc của Sài Gòn. Và thế là một tình bạn không tưởng bắt đầu giữa một trong những phóng viên từng trải nhất trong cuộc chiến Việt Nam và một đứa trẻ bị thương tật vì chiến tranh.

Kể từ đó, Larry Burrows đến thăm gia đình Tròn nhiều lần trong năm 1968, theo dõi và ghi chép lại từng bước và từng giai đoạn phục hồi chức năng của Tròn: lắp chân giả sơ khởi, tập đi bộ và tập cưỡi xe đạp, trở lại trường học và làm việc phụ giúp cha mẹ, lựa rau bên cạnh căn chòi xiêu vẹo của gia đình được dựng tạm bợ bằng những tấm nhôm hay ván mỏng, những tấm bìa giấy cứng, và mái tôn.

Phóng sự bằng hình của Larry Burrows in trong số tạp chí LIFE đó dài hơn 12 trang với lời chú thích của chính ông. Với tấm hình chụp lúc Tròn được đo cái chân cụt để làm khuôn chân giả, Larry viết lời chú thích: “Thử chiếc chân gỗ lần đầu tiên, Tròn tỏ vẻ sợ. Em dựa đầu vào một cây cột khi người thợ tạo một cái chân gỗ cho em và ngồi xuống để người thợ đặt một khuôn thạch cao vào cái chân cụt của em. Xong Tròn chống đôi nạng đứng lên và cố giữ thăng bằng; em cắn môi dưới lại để lấy can đảm khi phải rời đôi nạng để đi với cái chân giả lần đầu. Tôi sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc đó. Những giọt nước mắt lăn ra trên má tôi; tôi chớp nhanh để khỏi bỏ lỡ dịp nhìn thấy niềm vui và sự phấn khích của em.”

Có rất nhiều hình ảnh trong Chiến tranh Việt Nam gây được tác động mạnh. Một trong những hình có ảnh hưởng lâu dài nhất được công nhận trên toàn cầu trong thế kỷ 20 là tấm ảnh phóng viên Nick Út chụp bé Phan Thị Kim Phúc 9 tuổi chạy khỏa thân trên quốc lộ 1 ở Trảng Bàng vì bị phỏng bởi bom napalm. Tấm ảnh lịch sử này đã mang lại cho Nick Út giải thưởng Pulitzer năm 1972. Nơi Tròn bị trúng đạn khi đi mót củi cũng chỉ cách nơi Kim Phúc bị phỏng bom không đầy mười dặm.

Kim Phúc được cả thế giới chú ý và biết đến. May mắn hơn, vào năm 1992, Kim Phúc và chồng được bảo lãnh tị nạn chính trị ở Canada, trở thành một người mẹ, một đại sứ thiện chí của Liên Hiệp Quốc và một nhà hoạt động nêu bật cảnh ngộ của những đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Trong khi đó, Nguyễn thị Tròn, đứa bé gái trong những bức ảnh của Larry Burrows thì số phận ra sao? Để trả lời cho câu hỏi này, ký giả Gary Michael Jones của báo TIME lên đường đi Việt Nam tìm Nguyễn thị Tròn.

>

Nguyễn Thị Tròn đang dùng chiếc máy may mới, món quà quý giá do phóng viên nhiếp ảnh tạp chí LIFE Larry Burrows tặng năm 1969. (Larry Burrows—The LIFE Picture Collection/Getty images)

Gary kể, một hôm, từ Sài Gòn anh thuê xe đi về hướng đông bắc, ba giờ lái xe ngang qua Củ Chi, nơi có mạng lưới ngầm các đường hầm ẩn dùng làm căn cứ hoạt động của du kích Việt Cộng trong cuộc tấn công Tết Mậu Thân năm 1968. Lộ trình cũng ngang qua một bệnh viện của quân đội Hoa Kỳ, nơi mà Tròn được đưa đến cứu chữa sau khi em bị bắn gãy chân.

Điểm đến của Gary là xã Suối Đá thuộc huyện Dương Minh Châu tỉnh Tây Ninh, giáp biên giới phía nam của Campuchia. Vùng đất ở đây khô cằn cháy nắng, bằng phẳng và là vùng quê nông thôn trồng cao su, mía, đậu phộng, bắp, v.v. Rời quốc lộ 1, xe chạy khoảng một km xuống một con đường nện đất đỏ là đến nơi Tròn cư ngụ, một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ, gạch và bê tông. Ngôi nhà ở vừa là một quán chạp phô nhỏ với hàng hóa thưa thớt chất trên kệ gồm một số bánh kẹo, khoai tây chiên, các loại thuốc căn bản, văn phòng phẩm và nhu yếu phẩm hàng ngày.

Ngoài việc trông coi tiệm hàng xén, Tròn còn may vá, một công việc dính liền với cuộc đời. Có lẽ Tròn không muốn quên kỷ niệm với vị ân nhân mà Tròn luôn yêu kính tên Larry Burrows, người đã mua và đem đến tận nhà tặng cho Tròn một chiếc máy may đạp chân hiệu Singer năm 1968. Chiếc máy may đó Tròn dùng cho đến khi không còn có thể tìm đâu ra phụ tùng thay thế nữa vì nó đã bị ngưng sản xuất. Chiếc máy may mà Tròn dùng hiện giờ là loại mới, chạy bằng điện, được đặt ngay sau tấm cửa liếp hướng ra mặt đường. 


Tròn, cô bé 12 tuổi có hình trên bìa tạp chí LIFE năm xưa bây giờ đã là một phụ nữ luống tuổi với tia nhìn vời vợi xa xăm như hồi tưởng dĩ vãng. Bà ngồi ở một cái bàn làm bằng xi măng phía trước tiệm dưới bóng râm của một cây đa. Từ các nhánh cây đa vọng xuống tiếng gọi hè của những con ve sầu, trong khi dưới gốc cây, mấy con gà bươi loanh quanh các rễ bò ngoằn nghèo nổi u trên nền đất, làm cho nền nhà thấm nước vào mỗi mùa mưa.

Ở tuổi 62, Tròn có dáng vóc thon thả, mái tóc đen lượn sóng của bà chỉ chớm điểm bạc, được buộc thành đuôi ngựa. Bà mặc quần ống rộng màu đen và áo cánh ngắn tay in hoa, một loại y phục rất thực dụng và phổ thông của phụ nữ miền quê Việt Nam. Không lập gia đình, bà sống với Chi, cô cháu gái 30 tuổi năng động có gương mặt và nụ cười tỏa sáng dưới chiếc nón lá. Chi là người đã vui vẻ chào và đãi khách đến viếng thăm bằng nước dừa tươi mát lạnh.

Tròn nhẫn nại kể cho khách nghe chuyện đời mình. Thuở nhỏ, Tròn sống với cha mẹ, một người chị, một người em gái và một đứa em trai trong khu Tam Giác Sắt, một phạm vi rộng 120 dặm vuông được biết đến trong cuộc chiến là một mật khu an toàn của Việt Cộng. Cách Sài Gòn khoảng 25 dặm về phía bắc, vị trí chiến lược quan trọng của khu Tam Giác Sắt khiến cho nơi đây thường xảy ra nhiều trận đánh,hậu quả là các thôn xóm dân cư bị phá hủy. Gia đình Tròn phải di tản đến xã An Điền, gần một căn cứ quân sự thuộc quân đội quốc gia tại Lai Khê và cũng là tổng hành dinh của Sư đoàn 1 Bộ binh Hoa Kỳ. Bằng một giọng nói trầm thấp như thầm thì và bằng những cử chỉ chậm chạp như đo lường tính toán, Tròn kể: “Gia đình tôi rất nghèo. Mỗi ngày cha tôi đi rừng kiếm củi để bán trong làng. Mẹ tôi thì làm thuê, bất cứ ai thuê làm việc gì thì mẹ tôi làm việc ấy. Chúng tôi sống qua ngày. Mặc dù các làng trong khu vực nằm dưới sự kiểm soát của phe Quốc Gia vào ban ngày, tình hình kém an ninh sau khi trời tối vì Việt Cộng di chuyển xâm nhập trà trộn trong dân, dễ gây ra sự nhầm lẫn. Trong vùng đó có hai khu vực. Khu giải phóng thuộc về Cộng Sản, khu Quốc Gia, do Việt Nam Cộng Hòa kiểm soát. Người dân phân chia theo hai phe. Một ngày nọ, lính Quốc Gia cho biết chúng tôi có thể đi vào vùng giải phóng để gặp người thân. Thế là tôi cùng hai đứa bạn vào rừng kiếm củi. Một đứa bạn đi xe đạp, tôi và đứa kia lót tót chạy theo sau. Vừa đi được một lúc thì tôi nghe tiếng một bà nào đó la ‘Trực thăng tới! Chạy mau đi!’ Thế là chúng tôi chạy quay trở lại. Đang chạy định kiếm gốc cây để núp thì tôi bị bắn trúng chân nên quỵ xuống. Một đứa bạn bị bắn trúng bụng, nhưng sau đó cũng được bệnh viện Mỹ chữa lành.” Tạp chí LIFE có tường thuật rằng lúc đó có một người đàn ông đang gom chất củi lên một chiếc xe bò thì bị trúng đạn bắn từ trực thăng và đã chết.


Trong khi mẹ của Tròn là cụ bà Nguyễn thị Xuân 87 tuổi nằm đong đưa trên chiếc võng giăng gần đó, Tròn tiếp tục kể: “Lúc đầu tôi không cảm giác đau, chỉ cảm giác cái chân bị tê. Do sống trong vùng xôi đậu bị Việt Cộng tuyên truyền là người Mỹ tàn ác lắm, tôi cố đứng lên để chạy tiếp nhưng không được. Chân tôi lặc lìa không cử động được nữa rồi. Tôi sợ quá nên kêu ‘Má ơi Má’ và khóc òa lên. Trực thăng Mỹ có lẽ biết là họ đã bắn lầm cho nên họ đáp xuống đất, bồng chúng tôi lên trực thăng và chở tới bệnh viện. Tới lúc đó tôi mới cảm thấy đau, đau lắm. Tôi không biết làm sao cho hết đau nên tôi đá vào người lính Mỹ đang chăm sóc tôi.”

Hay tin, mẹ Tròn vội vã chạy đến khu cấm tìm con, thấy vết máu khô nên biết rằng đám trẻ bị bắn, biết đâu đã chết. Bà đến căn cứ quân đội Hoa Kỳ, nói chuyện với người thông dịch ở đó để xin giúp bà tìm con. Khuôn mặt da nhăn nheo của bà Xuân, mẹ Tròn, trở nên sống động khi kể chuyện, trong khi Tròn lắng nghe và rưng rưng nước mắt rồi quay mặt đi để che giấu nỗi buồn. Bà Xuân kể: “Họ (nhân viên trong căn cứ Mỹ ở Lai Khê) gọi hỏi khắp nơi thuộc căn cứ mà không tìm thấy tên con tôi. Nhưng họ nói có một bệnh viện mà họ chưa kiểm tra tại Củ Chi, bệnh viện quân đội Mỹ.”

Tròn kể, cố gắng nhớ lại những sự việc đã xảy ra đúng 50 năm trước: “Ở đó, tôi chỉ có một mình. Nhiều người đến hỏi tôi là ai, tới khu vực đó để làm gì. Tôi cố gắng trả lời dù tôi rất đau. Tôi chỉ muốn cơn đau chấm dứt ngay đi, nhưng họ cứ thẩm vấn tôi.”


Sau đó, khi tỉnh dậy trên giường bệnh và thấy khúc chân phải của mình đã biến đâu mất, Tròn khóc sướt mướt. Cụ Xuân nói: “Nó buồn lắm, tuyệt vọng, cứ khóc hoài. Nó nói thân phận nó nghèo hèn mà lại cụt chân thì cuộc đời tương lai sẽ ra sao. Tôi dỗ dành an ủi nó, hứa sẽ luôn luôn ở bên cạnh lo lắng cho nó.”
 

Nguyễn Thị Tròn ngồi trước máy may trong tiệm bán hàng xén nhỏ của mình ở xã Suối Đá thuộc huyện Dương Minh Châu tỉnh Tây Ninh năm 2017. (Gary Michael Jones)

Gary Jones kể: “Tròn lấy đưa cho chúng tôi xem một số những bức ảnh trong bài phóng sự của Larry Burrows đăng trên tạp chí LIFE. Trong số đó có một tấm cho thấy Tròn đang đùa vui với đám bạn, Tròn đóng vai trò của một người hề để che giấu nỗi buồn. Tấm hình có lời chú thích, ‘Cũng như đất nước của em, khi chiến tranh đã kết thúc, Tròn không bao giờ còn giống như trước nữa. Em phải cố làm những điều tốt nhất với thân thể khuyết tật của em. Ngay cả khi em chơi nhảy cò cò và bị mất thăng bằng té ngã, em cũng biến nó thành một trò đùa giễu cợt.’

Nhưng Tròn không thể đóng kịch mãi để lừa gạt chính mình nên đôi khi Tròn để cho nỗi buồn xuất hiện như một lối thoát tự nhiên của cảm xúc. Tròn nói: “Tôi sẽ ở với mẹ tôi cho đến ngày bà qua đời. Tôi chỉ có một chân. Tôi không thể làm gì hơn.” Khuyết tật, Tròn không dám nghĩ đến chuyện lập gia đình, có chồng, có con.

Mặc dù Tròn gọi Larry Burrows là người cha Mỹ kính yêu (với những trẻ em Việt Nam chưa hiểu biết xa xôi, tất cả người da trắng đơn giản đều được xem là người Mỹ), nhưng Burrows là người Anh, chào đời ở London vào năm 1926 với cái tên chính thức ghi trong giấy khai sinh là Henry (“Harry”) Frank Leslie Burrows. Harry rời trường lúc 16 tuổi để theo đuổi niềm đam mê nhiếp ảnh. Sau khi làm việc trong phòng tối cho tòa soạn báo Daily Express và công ty nhiếp ảnh Keystone, Harry gia nhập văn phòng tạp chí LIFE ở London với tư cách là một cậu bé để sai vặt kiêm người học việc. Burrows được mọi người gọi là Larry để tránh nhầm lẫn với một người khác tên Harry trong văn phòng. Thế là kể từ đó, Burrows đi vào con đường sự nghiệp với tên Larry Burrows.

Ngày càng thành thạo với chiếc máy ảnh cùng với tính mạo hiểm, Larry Burrows hăng hái đi chụp ảnh mọi thứ mọi nơi, từ cuộc khủng hoảng kinh đào Suez, theo chụp mọi sinh hoạt của minh tinh màn bạc Pháp Brigitte Bardot khi Bardot sang thăm London, theo sát Ernest Hemingway trong chuyến đi Tây Ban Nha tham dự những người đấu bò vĩ đại nhất. Và năm 1962, Burrows đặt chân đến Sài Gòn. Mặc dù văn phòng tạp chí LIFE đặt trụ sở ở Hồng Kông thường cử các phóng viên nhiếp ảnh đi công tác luân phiên ở nhiều nơi khác nhau, bao gồm cả Thế vận hội Tokyo 1964, nhưng Larry Burrows đã trao con tim của mình cho Việt Nam mất rồi.

Cao, gầy, với mái tóc sẫm màu và cặp kính dày (bị quân đội Anh chê vì thị lực kém), ông trông một phần giống thần tượng điện ảnh Hollywood, một phần giống người khùng vì luôn luôn thích mày mò táy máy với đủ loại máy ảnh. Tuy là một người cô độc, nhưng với tuổi đời từng trải, danh tiếng về sự gan dạ liều lĩnh, phong thái lịch lãm, Larry Burrows trở thành một vai trò người cha đối với các nhiếp ảnh gia trẻ tuổi làm việc chung trên chiến trường Việt Nam.

Tròn nói gặp gỡ và quen biết ông Burrows là khoảnh khắc quan trọng nhất trong cuộc đời của Tròn. Ông đã thu xếp thời gian bận rộn để đến thăm Tròn mỗi tháng hoặc hai tháng. Với nét u sầu tan biến trên khuôn mặt, Tròn nói: “Ngay bây giờ, tôi vẫn có thể nhìn thấy hình ảnh của ông hiện ra rất rõ trong tâm trí tôi. Mỗi khi gặp tôi, ông mừng rỡ gọi tên tôi và bắt tay tôi. Tôi nhớ ông mặc loại áo khoác đặc biệtvới nhiều túi mà các phóng viên hay mặc. Tôi còn nhớ ông có mấy cái áo như vậy lận. Ông nói chuyện rất vui, luôn pha trò cho tôi cười và quên buồn. Lần nào đến thăm, ông cũng mang quà cho tôi và gia đình cha mẹ tôi. Nhận thấy gia đình tôi nghèo ở căn chòi xập xệ quá, ông mua vật liệu để xây dựng lại, mua tôn để sửa mái nhà bị dột.”

Larry Burrows có một đứa con gái tên Deborah, cũng bằng tuổi Tròn. Có lẽ khi nghĩ đến con đang sống đầy đủ trên một đất nước an bình, ông cảm thương cho hoàn cảnh của Tròn hơn nên ông giúp đỡ. Ông tiếp tục giữ sự liên lạc và giúp đỡ gia đình Tròn cho đến năm 1971 thì bặt tin luôn. Năm sau, vì công ăn việc làm, cha mẹ Tròn di chuyển cả gia đình về ấp Suối Đá thuộc huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Trên đường di chuyển, lính của trạm kiểm soát nghi chiếc máy may mà ông Burrows tặng cho Tròn là hàng ăn cắp và dọa tịch thu. Mẹ của Tròn phải lên Sài Gòn tìm đến văn phòng của tạp chí LIFE để định gặp ông Burrows và nhờ ông chứng nhận chủ quyền của chiếc máy may. Nhưng nhân viên ở đó báo tin cho bà biết là ông đã tử nạn máy bay.

Chiếc trực thăng chở một số các phóng viên nhiếp ảnh đến mặt trận Hạ Lào trong cuộc Hành Quân Lam Sơn 719 đã trúng đạn Cộng quân và rớt ngày 10 tháng 2 năm 1971. Larry Burrows, 44 tuổi, tử nạn cùng với các phóng viên quốc tế khác là Henri Huet của AP (Associated Press), Kent Potter của UPI (United Press International) và Keisaburo Shimamoto, một phóng viên cộng tác tự do cho báo Newsweek.

Hai năm sau khi người cha tinh thần mất, đến lượt người cha ruột của Tròn cũng qua đời sau một cơn bạo bịnh mà không có tiền chữa trị.Tròn đưa những ngón tay rờ hai tấm ảnh bọc nhựa của hai người cha kính yêu của mình. Hai hàng nước mắt tuôn rơi trên gương mặt buồn thảm, Tròn nghẹn ngào: “Tại sao họ phải chết?”

 Phan Hạnh

 (Theo TIME ngày 12-7-2017.)

Đặng Hữu Phát gỡi