Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 

CÓ MỘT ANH HÙNG CỦA NƯỚC PHÁP HỌC TẠI TRƯỜNG TA 

 
 

Nhắc đến tên Roland Garros, người ta thường nghĩ đến Giải vô địch Quần vợt quốc tế của Pháp (Championat de France International de Tennis) - giải quần vợt đầu tiên và danh giá nhất nước Pháp, khởi tranh từ năm 1891, chỉ 18 năm sau khi môn thể thao này ra đời.
 
Đến năm 1928, một sân vận động được xây dựng ở Paris, mang tên người phi công anh hùng trong Thế chiến I là Roland Garros. Kể từ đó, tên gọi của giải rút ngắn thành Giải Roland Garros.
 
Eugène Adrien Roland Georges Garros (1888 - 1918) sinh tại đảo Réunion, theo cha mẹ sang Sài Gòn sinh sống từ lúc 4 tuổi tại ngôi nhà số 117 đại lộ Charner (nay là đường Nguyễn Huệ). Cha của Garros mở văn phòng luật sư, tham gia viết báo (trong đó có tờ Le Courrier de Saigon danh tiếng), viết sách khảo cứu xứ Nam kỳ và đến năm 1904 thì sáng lập tờ Le Moniteur des Provinces (Nhựt tỉnh báo). Còn Garros trở thành cậu học sinh của Collège de Chasseloup Laubat (trường Lê Quý Đôn ngày nay) suốt những năm tiểu học và năm đầu trung học. Đến năm 1910, gia đình gửi Garros về Pháp để thuận lợi hơn cho việc học luật, nối tiếp sự nghiệp của cha.
 
Không ngờ, chàng trai Roland Garros nhanh chóng nổi tiếng ở lĩnh vực thể thao chuyên nghiệp, từ một cua-rơ xe đạp vô địch đến vận động viên bóng đá và quần vợt… Ngay thời điểm trào lưu chơi máy bay dấy lên trong giới trẻ châu Âu như một môn thể thao mạo hiểm, Garros đã sang Mỹ để học hỏi và chinh phục những chuyến bay kỷ lục, trong đó có chuyến bay đầu tiên vượt Địa Trung Hải và đạt tới độ cao 3.950m (1913).
 
Thế chiến I bùng nổ (1914), Garros trở thành phi công quân sự, tham gia nhiều trận không chiến và nổi tiếng vì bắn hạ ít nhất 4 máy bay của Đức.
 
Năm 1915, trong một phi vụ đánh bom ở Bỉ, máy bay của ông bị bắn rơi. Ông đã nhảy dù, tiêu hủy máy bay để bảo vệ bí mật công nghệ quân sự, rồi bị bắt và giải về Đức làm tù binh chiến tranh. Tháng 02 năm 1918, ông vượt ngục, trốn đến Hà Lan, đi tàu qua Anh rồi trở về Pháp để tiếp tục chiến đấu như một người hùng.
 
Trung úy phi công Roland Garros đã có chuyến bay cuối cùng vào tháng 10 năm 1918, một ngày trước sinh nhật tuổi 30, một tháng trước ngày chấm dứt chiến tranh. Máy bay ông bị bắn rơi trong một trận không chiến.
 
Nước Pháp thương tiếc và ghi nhớ công ơn Roland Garros bằng nhiều tượng đài và công trình công cộng, trong đó có sân vận động và giải quần vợt danh giá mang tên ông - người phi công anh hùng.
 
Ở đảo Réunion nơi ông sinh thành, con đường gia đình ông ở là đường Roland Garros, phi trường chính ở đảo Réunion hiện cũng mang tên Roland Garros. Ở Sài Gòn - nơi ông trải qua thời niên thiếu, cũng có đường Roland Garros (nay là đường Thủ Khoa Huân).
 

____________


Đỗ Hứng gởi