Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 
CÓ MỘT NGÔI SAO SÁNG BÊN CẠNH ĐỨC PHẬT



 


 
*****


Đức Thế Tôn trong suốt cuộc đời hoằng hóa thường di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác, đôi khi cùng với đại chúng mấy ngàn vị. Ta có thể hình dung cuộc lên đường vĩ đại, từng chiếc bóng một nối tiếp như cơn sóng vàng cuồn cuộn suốt mấy dặm đường... Giáo Hội của Đức Tôn Sư được nổi tiếng thời bấy giờ là quy củ, trật tự và trang nghiêm nhất. Đó là nhờ Chư Tăng có một kỷ luật tinh thần tự giác rất cao, đồng thời cũng do nhờ Tôn giả Xá-Lợi-Phất biết tổ chức, sắp xếp, hướng dẫn. Rõ ràng không phải làng mạc, thị trấn, thành phố nào cũng có thể có chỗ dừng chân tạm trú cho mấy ngàn vị tỳ-khưu! Và không phải xóm cư dân nào cũng có khả năng cúng dường vật thực cho chừng ấy Tăng chúng đi trì bình!

Mỗi lần ra đi như vậy, đại tín nữ Visàkhà là người phát tâm cúng dường. Rồi Tôn giả Xá-Lợi-Phất ước lượng khả năng bộ hành của Đức Phật và Tăng chúng để khoảng chiều tối là có nơi để tạm trú qua đêm. Sáng hôm sau sẽ đi theo lộ trình nào có thể đủ vật thực, cũng phải được tính toán kỹ càng. Và bao giờ Tôn giả Xá-Lợi-Phất cũng là vị tỳ-khưu đi trong toán cuối cùng với các vị sư già yếu hoặc những người ốm bệnh. Ngài như là một người mẹ hiền với đàn con dại cần được chăm sóc. Sẽ có rất nhiều vị tỳ-khưu bị bạo bệnh hoặc quá yếu đuối phải rớt lại dọc đường. Tôn giả Xá-Lợi-Phất, một số tỳ-khưu và sa-di trẻ trung, năng động, tháo vát sẽ cáng đáng tất cả mọi trường hợp phát sanh.

Một lần nọ, cũng vì những lý do kể trên mà Tôn giả Xá-Lợi-Phất đã đến nơi rất khuya, lúc mọi người đã tịnh chỉ cả. Tịnh thất của Ngài có người đã choáng chỗ, và họ còn chiếm luôn tất cả mọi hành lang, mọi cội cây! Tôn giả lúc này đã già, lại đường xa mệt nhọc, cái thân ấy cần được nghỉ ngơi, nhưng tìm khắp chẳng còn một chỗ nào. Thế là Tôn giả phải ra ngoài trời, cột một tấm y tạm che sương, trải tọa cụ lên đất rồi ngồi kiết già suốt đêm. Sáng hôm sau, chuyện đến tai Đức Phật do tỳ-khưu La-Hầu-La kể lại * * *

Lần nọ, tại thành Devadaha Đức Đạo Sư và Tăng chúng đi vào làng, vào các rừng cây để nghỉ trưa. Khi đi ngang một mái vòm bằng lá cây đan nhau thật im mát, gần bên một cánh đồng, Đức Thế Tôn thấy Tôn giả Xá-Lợi-Phất đang ngồi an tĩnh, trú sâu vào thiền định. Đức Phật đã nói chuyện với một số vị tỳ-khưu đi bên cạnh:

- Các thầy có thấy không? Khi không còn bận rộn với công việc, Xá-Lợi-Phất thường tìm chỗ yên vắng để tĩnh cư. Dưới vòm mái che kia, Xá-Lợi-Phất như đang trú ở cõi trời Aviha thanh tịnh. Hãy lấy Xá-Lợi-Phất mà làm gương!

Vào buổi chiều, Đức Thế Tôn lại đem Tôn giả Xá-Lợi-Phất ra mà nói chuyện nữa:

- Xá-Lợi-Phất là người am hiểu tinh tường các giai đoạn từ đạo đến quả, từ tầng Thánh thấp nhất cho đến tầng Thánh cao nhất. Xá-Lợi-Phất có trí tuệ tiềm tàng thâm sâu không chỉ ở nơi bốn tuệ phân tích mà thôi đâu.

Nếu có kẻ hằng nói về một người, rằng là người ấy đã đi đến chỗ thông suốt, hoàn toàn về mọi đức hạnh, an trú vào các cõi tâm cao thượng, giải thoát và giải thoát tri kiến cao thượng thì người ấy là Xá-Lợi-Phất chứ không thể là ai khác!

Nếu có kẻ hằng nói rằng họ là đứa con thật sự của Như Lai, hiểu thông giáo lý của Như Lai, thực hành tuyệt hảo giáo lý của Như Lai, xứng đáng làm người "thừa tự" Pháp Bảo thì kẻ ấy đúng là Xá-Lợi-Phất, chớ không còn ai khác nữa!

Này các thầy tỳ-khưu! Như Lai tuyên bố với tất cả sự trân trọng rằng, người mà có thể lăn bánh xe Pháp gần giống với Như Lai thì chẳng có ai ngoài Xá-Lợi-Phất! Các thầy hãy suy gẫm những điều mà Như Lai đã nói hôm nay!


* * *


Đức Thế Tôn lúc này đã già yếu nên đôi khi thuyết pháp Ngài chỉ nói tóm tắt, cô đọng; thế là Tôn giả Xá-Lợi-Phất được chỉ định thuyết lại một cách rộng rãi, giải thích và triển khai đề tài cho đại chúng dễ lãnh hội. Sau đó, lúc nào Tôn giả cũng được Đức Thế Tôn tán thán bằng cách này hay bằng cách khác.

- Này các thầy tỳ-khưu! Quả thật là Xá-Lợi-Phất rất am tường Pháp Bảo, thấu hiểu Pháp Bảo một cách chính xác và rốt ráo.

Nếu Như Lai cật vấn ông ta về Pháp trong một ngày bằng bao nhiêu câu hỏi và bằng bao nhiêu đoản ngôn khác nhau thì Xá-Lợi-Phất cũng có thể đáp lại trong thời gian một ngày bằng những câu trả lời, bằng những đoản ngôn khác nhau, chẳng thua gì Như Lai.

Nếu Như Lai cật vấn ông ta trong một đêm, một ngày, hai đêm, hai ngày, cho chí bảy đêm, bảy ngày thì Xá-Lợi-Phất cũng có thể giải vấn bằng một thời gian tương tự như thế mà ngữ ngôn, đoản ngôn vẫn trôi chảy lưu loát, không hề vấp váp, không hề ngập ngừng!

Vậy thì những điều mà Xá-Lợi-Phất đã giảng nói, hoặc chi tiết, hoặc triển khai chi tiết các thầy cứ như thế thọ trì, vì nó cũng đồng với Như Lai thuyết vậy.

Có lẽ vì quá ưu ái, bằng lòng về người đệ tử hoàn hảo này nên Đức Thế Tôn lại còn đem ra những ưu điểm khác nữa:

- Các thấy có biết không? Xá-Lợi-Phất lại còn có đầy đủ năm thiện xảo khác nữa. Chính nhờ năm thiện xảo ấy mà ông ta có thể chuyển Pháp luân một cách vô ngại. Khi Xá-Lợi-Phất lăn bánh xe Pháp thì trên thế gian này, dầu là Ma quân, Chư Thiên, Phạm Thiên hay Bà la môn ngoại giáo cũng khó có thể phá rối, làm đảo điên hay tạo nên chướng ngại được. Năm thiện xảo ấy là gì? Một là biết rõ đâu là lợi ích cao thượng, hai là rành rẽ về phương pháp giáo huấn, ba là luôn luôn có biện pháp đúng đắn, bốn là biết tùy thời, năm là biết tùy cơ! Ngay chính Như Lai cũng chỉ có năm thiện xảo ấy mà thôi, không hơn, không khác!

Khi lời tán thán ấy đến tai Tôn giả Xá-Lợi-Phất, Ngài mỉm cười nói với chúng tỳ-khưu rằng:

- Đức Thế Tôn nói rất đúng! Tuy nhiên, các vị có biết không? Ngọn đèn và mặt trời đều có đủ năm tính chất giống nhau: cháy bởi nhiên liệu, sức nóng, làm khô hơi nước, sát trùng, tỏa ánh sáng! Nhưng ngọn đèn thì làm sao so sánh được với mặt trời? Công hạnh và trí tuệ của Đức Thế Tôn đã trải qua hai mươi bốn vị Phật Tổ, các vị phải biết như vậy!

Tôn giả Đại Ca-Diếp lại thường dạy các đệ tử:

- Các người thường nên tìm đến Tôn giả Xá-Lợi-Phất mà nghe Pháp. Sau khi nghe Tôn giả ấy thuyết rồi, các ngươi sẽ cảm thấy như vừa được ăn uống những thức ăn thượng vị, vi diệu cho cái lỗ tai và cho cả đầu óc của các ngươi đấy!

Đôi khi Đức Thế Tôn ca ngợi Tôn giả Xá-Lợi-Phất chung với Tôn giả Đại Mục-Kiền-Liên:

- Hãy thân cận, hợp tác và học hỏi nơi hai ông Xá-Lợi-Phất và Mục-Kiền-Liên. Họ là những Sa môn thông thái và là những người có lòng từ quảng đại, không mệt mỏi dìu dắt tất cả chúng sanh. Xá-Lợi-Phất như một người mẹ hiền, cho con sanh mạng, vóc dáng, mặt mũi; còn Mục-Kiền-Liên giống như bà vú, có bổn phận chăm sóc, nâng niu, bồng bế, dưỡng dục cho trẻ mau khôn lớn! Hai người nhưng chỉ là một. Ngoại trừ vài trường hợp đặc biệt, Xá-Lợi-Phất hướng dẫn đệ tử đến quả vị A-La-Hán còn đa phần ông ta chỉ hướng dẫn đến Nhập Lưu, và ba quả Thánh sau cùng là bổn phận của bà vú nuôi Mục-Kiền-Liên vậy.

Này các thầy tỳ-khưu! Đấy là tất cả những lý do tại sao trong Tăng chúng có rất nhiều thầy thường ôm ấp nguyện vọng, lý tưởng trở thành một Xá-Lợi-Phất hay một Mục-Kiền-Liên. Và quả đúng là vậy, Xá-Lợi-Phất và Mục-Kiền-Liên là khuôn thước bằng vàng, là biểu tượng bằng ngọc, tốt đẹp nhất, thù thắng nhất cho tất cả các thầy học hỏi, noi theo.


* * *Nguồn trích từ MỘT CUỘC ĐỜI, MỘT NGÔI SAO

TRUYỆN NGÀI XÁ LỢI PHẤT

Minh Đức Triều Tâm Ảnh


Hoang Nguyen gởi