Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
CÓ MỘT PHIÊN TOÀ GỌI TÊN CÔNG LÝ

 
Ngày 17/8/1928, cách đây tròn 95 năm, Tòa Đại hình Cần Thơ mở phiên toà khiến dư luận Nam kỳ lục tỉnh rúng động.

Ra trước vành móng ngựa là ba người trong một gia đình: Biện Toại, em ruột là Út Trong, con út là Tiểu Tá, cùng là dân Phong Thạnh, Giá Rai, Bạc Liêu (vùng hoang vu đó vào hồi nẳm,xứ mình kêu là Nọc Nạn).

Tội danh bị truy cứu rất nặng, coi bộ “hết thuốc chữa”: chống đối chính quyền và dùng bạo lực giết hại nhân viên công quyền (nạn nhăn là ông cò Tournier người Pháp).

Chánh án De Rozario ngồi ghế xét xử, công tố là Moreau, đều dân Tây hết ráo. Cặp đôi Tây lông này xử vụ cảnh sát Pháp bị đâm chết, suy theo kiểu An-na-mít “phủ bênh phủ, huyện bênh huyện”, nếu không mình ên Biện Toại thì cũng hai mạng trong gia đình dính án tử hình, giá chót cũng tù rục xương hay đi Côn Lôn cả đám, dư luận lục tỉnh không ai không nghĩ vậy.
 
VÌ ĐÂU NÊN NỖI ?

Một đêm đầu năm 1928, anh em nhà Biện Toại họp lại, làm lễ lạy vong hồn tổ tiên, sau đó rưng rưng nước mắt, quỳ xuống lạy mẹ già đã tám mươi, xin được báo hiếu lần chót.

Họ trích máu ăn thề, quyết ăn thua đủ với chính quyền sở tại lăm le cướp đất. Họ bốc thăm để vong linh tổ tiên chỉ định ai sẽ là người hy sinh đầu tiên. 

Cô em gái Út Trong rút được thăm. Anh em không nỡ, yêu cầu bốc lại. Lần thứ hai, Út Trong vẫn trúng thăm. Út nói, “Ông bà biểu rồi đó, để em liều chết một phen”. Lần này anh em ngậm ngùi không cản nữa.

Nguyên nhân sâu xa, nói nào ngay, nghe thiệt là uất ức: đám chức sắc ở Phong Thạnh ăn tiền của một điền chủ người Hoa nên tìm cách o ép, buộc gia đình Biện Toại rời khỏi mảnh đất bao đời tổ tiên để lại (đã cấp bằng khoán tạm cho Tám Luông là cha ruột Biện Toại), để cướp đất giao cho điền chủ Bang Tắc.

Gia đình Biện Toại phản kháng quyết liệt nên chính quyền bắn tiếng sẽ cho lính xuống lấy đất. Nhà Biện Toại họp nhau lại tế sống mẹ già, thề phản kháng “chịu chơi” với chính quyền đến cùng.
 
ĐẪM MÁU

Rạng sáng 16/2/1928, hai viên cảnh sát Tournier và Bouzou cùng bốn lính mã tà từ thị xã Bạc Liêu xuống Phong Thạnh để kiểm tra thu lúa, nhưng thực ra là để “dẹp loạn chống đối” theo yêu cầu của chính quyền sở tại. Họ lớn tiếng đòi gia đình Biện Toại phải đong lúa (tức nộp tô) trên miếng đất đã có bằng khoán của cha mình.

Nhà Biện Toại dễ gì mắc mưu chính quyền, vì đong lúa cho họ tức là thừa nhận đất không phải của mình, sau này đưa ra toà sẽ mệt đó đa.

Út Trong bước ra yêu cầu cảnh sát đong lúa phải có biên nhận, nhưng Tournier không chịu. Cô Út lập tức rút ra cây dao nhỏ cắt ngón tay nhỏ máu ròng ròng vào đống lúa cao ngất, lúa ở Nọc Nạn là “lúa máu” của tổ tiên Biện Toại dễ gì thu ? 

Cò Tournier thấy Út Trong cầm dao nên lấy báng súng đập lên đầu cô Út khiến cô ngất đi.

Anh em nhà Biện Toại nhào đến, trên tay đã sẵn giáo mác gậy gộc. Tournier lên đạn bắn ngay ngực Mười Chức (em Biện Toại). Dù trúng đạn nhưng Mười Chức vẫn ráng đâm lút lưỡi mác vô bụng Tournier trước khi gục chết. Tournier tắt thở ngày hôm sau tại nhà thương Bạc Liêu. Nhà Biện Toại hôm đó thiệt mạng bốn người trong vụ xô xát.
 
RA TOÀ

Vụ án gây xôn xao báo giới Sài Gòn với tên gọi “Vụ án đồng Nọc Nạn” (người lục tỉnh gọi chệch ra thành Nọc Nạng).

Thay vì a dua với cảnh sát để tố khổ nông dân, không ít ký giả Sài Gòn tìm về Nọc Nạng tìm hiểu rõ sự tình viết bài đăng lên nhựt trình. Đặc biệt có ký giả Lê Trung Nghĩa của tờ “La Tribune Indochinoise” (Diễn đàn Đông Dương) thuyết phục được hai trạng sư lừng danh lúc đó là Tricon và Zevaco biện hộ miễn phí cho những người nông dân.
 
CÔNG LÝ

Tại toà, công tố viên Moreau, đọc hồ sơ nhuyễn nhừ rồi phát pháo làm phía bị hại (chính quyền) tím mặt: Bị cáo (tức gia đình Biện Toại) bị những kẻ “không có trái tim” (hommes sans coeur) đè đầu cưỡi cổ, và đề nghị mức án nhẹ nhất có thể.

Trạng sư Tricon phân tích, cội rễ của vụ án nằm ở “chính sách đất đai xa rời thực tế và quyền lợi của nông dân.”. Trước toà, ông nói một câu bất hủ: “Non pas de la force du mousqueton, mais de la dictature du coeur” (tạm dịch: “Không thể có sức mạnh tuyệt đối dựa trên súng đạn, mà phải là quyền lực tuyệt đối của trái tim”).

Phía bị hại phản bác, viện dẫn yếu tố “thi hành công vụ” của nạn nhân, đòi Toà phạt bị cáo tử hình. Chánh án De Rozario đanh thép bác bỏ với lập luận, “thi hành công vụ” chỉ được coi là chính đáng khi làm đúng với lẽ phải, công lý mà thôi. 
Phiên toà căng thẳng kéo dài từ sáng đến chiều tối.

Khi Chánh án De Rozario bước ra tuyên án thì chèn ơi, cả phòng xử bùng nổ khi phán quyết nghe rất đã cái lỗ tai: toà tuyên tha bổng cho các bị cáo.

Báo giới Sài Gòn bàn tán sôi nổi suốt cả tháng sau đó. “Vụ án đồng Nọc Nạn” được đưa vô sách giáo khoa cho con nít học như biểu tượng sáng ngời của công lý, dĩ nhiên là sách giáo khoa của một nền giáo dục khai phóng. “Công lý” có lẽ là khái niệm mà sắp nhỏ chưa hiểu được, nhưng chuyện ông toà thương dân chắc rất khó phai trong đầu óc non nớt của chúng.
 
VĨ THANH

Việt Nam ta là đất nước mà quyền tư hữu đất đai luôn được xem như tài sản lớn nhất của người nông dân.
Trải qua bao thế hệ, từ ông bà chúng ta cho đến tận ngày nay, sự căng thẳng giữa chính quyền với người nông dân về đất đai là điều khó tránh khỏi, trong đó cách hành xử của chính quyền quyết định phản ứng của những người nông dân.

Ngày nay, khi nhớ đến một “vụ án Nọc Nạn 2” xảy ra cách đây chưa lâu tại một xứ có tên gọi Đồng Tâm, cũng chính quyền kiếm cớ “thu hồi đất”nông dân, cũng có mã tà thiệt mạng, cũng có dân đen ra toà nhưng lãnh đến hai án tử, người viết không khỏi ngậm ngùi nhớ về phiên toà “gọi tên công lý” cách đây gần trăm năm. 

Là một luật sư thấp cổ bé họng, cảm thấy lực bất tòng tâm trong việc giúp đỡ dân oan mất đất nên chỉ biết viết nên bài này và ngửa mặt lên trời than: “Ngày xưa đất nước ta từng tồn tại một thứ xa xỉ có tên Công Lý”.
 
Lâm, người chép sử Saigon

________________


Hoang Nguyen gởi