Cô Năm Phỉ
Đi phỏng vấn cô Kim Cương, được nghe nhiều về cô Năm Phỉ và được nhìn thấy bức ảnh thật đặc biệt này. Một tờ báo lớn của Pháp đưa một người phụ nữ Việt Nam nhỏ bé lên trang nhất trong một số báo năm năm 1931, ngay khi Việt Nam còn là thuộc địa của họ. Nay ghi lại vài dòng kẻo trôi mất cái cảm xúc hôm nay.
Người trong ảnh, đang đứng trên chiếc máy bay là cô Năm Phỉ (1908-1954) là người con thứ tư trong một gia đình có 11 người con. Thân phụ của cô tên Công, vốn là một kỹ sư, nhất định phải có đủ 10 người con mới thôi. Nên các con của ông lần lượt có tên để ghép với tên ông thành “Công Thành Danh Toại Phỉ Chí Nam Nhi Bia Truyền Tạc Để”. Hai Thành, Ba Danh, Tư Toại, tới cô là Năm Phỉ. Người thứ Bảy tuy là nữ, nhưng vẫn mang tên Nam. Đó chính là NSND Bảy Nam, về sau sẽ trở thành thân mẫu của cô Kim Cương.
Nhìn cách đặt tên của ông kỹ sư tên Công, ta biết ông là người nguyên tắc đến thế nào. Đời ông ghét nhất là con hát. Nên khi cô Năm Phỉ bày tỏ sự yêu thích dành cho cải lương, loại hình nghệ thuật hãy còn ở giai đoạn sơ khai, ông bắt cô chọn: một là bỏ hát, hai là ra khỏi nhà đừng bao giờ trở lại.
Cô bé mới mười mấy tuổi đầu chọn hát, bước chân vào con đường rày đây mai đó, ngủ trên ghe trong đình. Sau này, cha cô cấm tiệt người thân trong nhà nhắc đến cái tên Năm Phỉ trước mặt ông. Phải đến khi ông mất, cô mới được về nhà. Cô quỳ bên linh cữu, nói lời xin lỗi muộn màng.
Xin lỗi, nhưng… không hối hận. Vì số phận đã lựa chọn cô làm một ngôi sao, là nghệ sĩ tiền phong vĩ đại của cải lương. Ở Mỹ Tho có ông Hai Cu mê hát. Ông cho con trai là Hai Giỏi đi học hát cải lương để làm nghệ sĩ. Thấy con trai và cô Năm Phỉ hát cặp với nhau quá hợp, ông bán hết gia sản lập gánh hát. Hai nghệ sĩ yêu nhau từ trên sân khấu tới ngoài đời. Trong một đêm diễn, Hai Giỏi đột quỵ, chết trên sân khấu khi mới hơn 20 tuổi.
Góa bụa từ sớm, cô Năm Phỉ tiếp tục cuộc đời lang bạt qua các gánh hát cho tới khi tìm thấy bến đỗ nơi đoàn Phước Cương. Ông Phước Cương là dân tây học, sinh viên y khoa học tới năm hai thì bỏ vì tin nghệ thuật chữa được nhiều bệnh hơn y học. Ông mang Năm Phỉ và các nghệ sĩ sang dự Hội Chợ Thuộc Địa Paris 1931 tổ chức tại Bois de Vincennes, Paris, Pháp. Cô Năm Phỉ với vai diễn “Xử án Bàng Quý Phi” làm dân Pháp say mê. Cô nhận được bốn huy chương, được thưởng cả ngàn lượng vàng, được một hãng máy bay nhờ chụp hình (ngày nay ta gọi là… đại sứ thương hiệu) và tấm hình đó lên trang nhất của một tờ báo ảnh nổi tiếng. Cô Kim Cương nói: “cô Năm Phỉ hát tiếng Việt, tây không hiểu gì, nhưng vẫn… khóc như mưa”.
Nhiều bài báo thời đó kể cô Năm Phỉ diễn hay tới mức dù nhân vật đang bị xử trảm, nhiều khán giả vẫn thương và la lớn… xin tha cho cô.
Cô hát tiếng Việt thần sầu nhưng… không biết chữ Việt. Khi qua đời ở tuổi 48, cô vẫn là một người mù chữ. Nhưng chỉ cần người ta đọc tuồng một lần, cô liền ghi nhớ. Và cánh gà sân khấu giống như một cánh cổng thần kỳ giữa hai thế giới. Bước sang cánh cổng ấy, Năm Phỉ biến mất, chỉ còn lại nhân vật. Cô Kim Cương kể: “Má Năm làm công chúa ra công chúa, tướng cướp ra tướng cướp, thục nữ ra thục nữ mà điếm đàng ra điếm đàng”. Sau này, khi hỏi NSND Bảy Nam, mẹ của Kim Cương, ai là thần tượng trong đời làm nghệ thuật của bà, bà đáp ngay: “Năm Phỉ”.
Từ Paris về, ít lâu sau, cô Năm Phỉ và ông Phước Cương chia tay nhau. Vài năm sau, ông Phước Cương đi bước nữa với Bảy Nam, em ruột của cô. Nghe báo, cô cũng tan nát, nhưng sau khi em gái mình hạ sinh người con gái Kim Cương, cô Năm Phỉ thương như con ruột, một tay tận tình giảng dạy chỉ bảo. Biệt danh “kỳ nữ” Kim Cương chính là từ nghệ thuật cải lương mà ra, không phải từ kịch nói sau này. Chính cô Kim Cương xác nhận hôm nay.
Đang phong độ chín muồi, cô Năm Phỉ đột ngột qua đời ở tuổi 48 vì tai biến mạch máu não. Như người chồng đầu, cô chết tại rạp. Người sống trên sân khấu, thác cũng trên sân khấu. Ngày cô chết, cả miền nam bàng hoàng. Đám tang của cô, một người đàn ông vừa đờn vừa khóc bên linh cữu. Đó là nhạc sĩ Chín Trích, người đã đờn cho cô hát suốt hai chục năm. Đến ngày đem chôn, ông Chín Trích đập bể cây đờn, tuyên bố Năm Phỉ chết rồi ông không muốn đờn cho ai cả nữa. Người nhà cô Năm Phỉ khi hạ huyệt thì chôn luôn cây đờn gãy xuống mộ.
Khi đi phỏng vấn, cô Kim Cương lấy luôn hình cô Năm Phỉ trên bàn thờ mang theo. Cầm di ảnh của cô Năm Phỉ, tôi rưng rưng xúc động. Mong là mình sẽ có đủ năng lực để có thể kể lại những câu chuyện thật đẹp, thật đời và cũng thật buồn của Trăm Năm Sân Khấu. Vì đó cũng là trăm năm trong cõi người
Sưu tầm
________________
Đặng Hữu Phát gởi