CÓ PHƯỚC RỒI MỚI ĐƯỢC NGHỀ NGHIỆP NHƯ Ý
TA KHÔNG CÓ ĐƯỢC NGHỀ NGHIỆP MÌNH MONG MUỐN CŨNG BỞI VÌ THIẾU PHƯỚC
AI LÀ NGƯỜI MUỐN NGHỀ NÀO THÌ ĐƯỢC LÀM NGHỀ ĐÓ? PHẢI LÀ NGƯỜI CỰC KỲ CÓ PHƯỚC. VÌ PHƯỚC TRÀN ĐẦY NÊN HỌ VỪA GIỎI VỪA THÔNG MINH, VỪA SẴN TIỀN BẠC VỐN LIẾNG, HỌ MUỐN MỞ CỬA HÀNG NÀO LÀ MỞ CỬA HÀNG ĐÓ, MUỐN KINH DOANH NGÀNH NÀO LÀ KINH DOANH NGÀNH ĐÓ
GỐC RỄ CỦA ĐẠO PHẬT VÀ BAO NHIÊU ĐIỀU MÀU NHIỆM TRONG ĐẠO LÝ PHẬT DẠY ĐỀU NẰM HẾT TRONG BÁT CHÁNH ĐẠO.
VẬY MÀ RẤT NHIỀU NGƯỜI KHÔNG BIẾT, KHÔNG HIỂU, THẬM CHÍ KHÔNG THUỘC BÁT CHÁNH ĐẠO LÀ GÌ.
ĐIỀU NÀY CŨNG CHỨNG TỎ RẰNG CHÚNG TA ĐẾN VỚI ĐẠO PHẬT VẪN CÒN QUÁ HỜI HỢT.
Ví dụ một điểm đơn giản là sự liên quan giữa chánh Nghiệp và chánh Mạng.
CHÁNH MẠNG là một nghề nghiệp giúp nuôi sống bản thân, và vì có chữ “chánh” nên cái nghề đó buộc phải hiền lành chân chính, càng làm càng sinh phước, không tạo ác nghiệp. Chưa cần làm phước ở đâu xa, chỉ riêng nơi cái nghề của mình mà làm cho đúng thôi thì phước đã tràn đầy. Chánh Mạng là vậy.
Tuy nhiên, liệu có phải ai cũng chọn được một cái nghề như thế không?
Không hẳn. Ví dụ thấy người bác sĩ suốt đời tận tụy chữa bệnh hoặc người thầy giáo cặm cụi truyền dạy kiến thức, uốn nắn đạo đức cho học trò... ta thấy công việc này chắc là có phước và mình cũng muốn làm nghề đó. Nhưng không được, vì ta không có cái duyên đó. Hoặc thấy người cảnh sát rượt đuổi theo tên cướp trên đường phố, bay từ xe mình sang xe hắn, rồi ôm tên cướp quật xuống đường,... ta cũng muốn trở thành một anh hùng đi trừ gian diệt bạo. Nhưng ta có làm được không? Không được, vì mới thấy kẻ cướp là mình đã run rẩy lập cập nói không nên lời rồi.
Vì thế, dù nghề nghiệp tốt luôn tạo ra phước nhưng không phải ai cũng được nghề nghiệp như ý. Vậy ai là người muốn nghề nào thì được làm nghề đó? Phải là người cực kỳ có phước. Vì phước tràn đầy nên họ vừa giỏi vừa thông minh, vừa sẵn tiền bạc vốn liếng, họ muốn mở cửa hàng nào là mở cửa hàng đó, muốn kinh doanh ngành nào là kinh doanh ngành đó.
MÀ PHƯỚC LÀ GÌ ? LÀ CHÁNH NGHIỆP
Ai làm phước thật nhiều, hay nói cách khác là vun bồi chánh nghiệp cho dầy, thì người đó sẽ được nghề nghiệp chân chính như ý muốn. Chánh nghiệp đi trước, chánh mạng theo sau là vậy.
Có những người phải làm một nghề mà bản thân không thích lắm. Ví dụ người thợ cắt tóc tối ngày phải rờ đầu cắt tóc, họ nhìn người đứng bán hàng trang trí nội thất lại thấy rất thích, ước ao mình cũng có một cửa hàng như thế... nhưng có được không? Không, vì phước không đủ. Hoặc người phụ nữ gánh trên vai gánh rau nặng nề, đi ngang qua căn nhà mặt tiền thấy người ta bày hoa quả ra bán trước nhà thì nao lòng, ước gì mình cũng có một chỗ như vậy để không phải đi xa, không phải dầm mưa dãi nắng, chỉ cần ngồi nhà mà vẫn có khách đến mua... Nhưng có đổi được không? Không, vì phước chưa đủ.
Ta không có được nghề nghiệp mình mong muốn cũng bởi vì thiếu phước. Cho nên sự tương quan giữa chánh nghiệp và chánh mạng thật là chặt chẽ. Chánh nghiệp đi trước, chánh mạng sẽ theo sau - nghĩa là có phước rồi mới được nghề nghiệp như ý.
Như vậy, Bát Chánh Đạo được Đức Phật sắp xếp theo một logic cực kỳ chặt chẽ, chúng ta cứ suy nghiệm trong đời sống của mình rồi sẽ thấy...
ST
____________________
Hoang Nguyen gởi
