Coi Chừng Không Còn Đường Nào
Để Chạy
“Nếu có ai muốn từ bỏ quốc tịch Hoa Kỳ một cách chính thức để có thể gia nhập quốc tịch các nước độc tài cộng sản hay những nơi quá khích về tôn giáo… Thì tôi sẵn sàng giúp điền đơn hay giúp đóng tiền lệ phí nộp đơn, một cách hợp pháp…”
Người viết thường tự nhắc nhở chính mình và dạy con cái trong nhà phải ý thức rằng, chúng ta không thể xem đất nước Hoa Kỳ như chỗ để mình lợi dụng sống qua ngày, để chỉ ăn bám mà không đóng góp, hoặc chỉ để hưởng thụ vật chất mà lại không góp phần bảo vệ, vun bồi cho tốt hơn, giống như căn nhà của riêng mình.
Để làm sáng tỏ ý niệm đó, tôi xin phép thu gọn đất nước Hoa Kỳ nhỏ lại như căn nhà của một gia đình, để mạo muội nêu ra một câu hỏi rằng: Nếu chúng ta từng hoan nghênh ai đó vào tá túc trong nhà của mình lâu dài, nhưng họ chẳng bao giờ quan tâm đến nhà cửa của chúng ta. Trái lại họ chỉ lợi dụng để lén lút bòn rút tài sản của chúng ta hầu chuyển đi hay gởi về một nơi nào khác. Khi họ cần giúp đỡ thì nhờ cậy chúng ta, nhưng cứ xem chúng ta như người xa lạ hay kẻ thù của họ… Đối với loại người như thế thì chúng ta sẽ nghĩ về họ như thế nào?
Người Việt Nam gọi đó là những kẻ “ăn cháo đái bát”, người Mỹ gọi đó là “cắn luôn bàn tay người đút thức ăn cho mình” (bite the hand that feeds you)
Nếu có ai nghĩ rằng Hoa Kỳ không xứng đáng là nơi để họ có thể sinh sống, thì tại sao họ không quay về cái nơi họ từng bỏ ra đi? Ngoài ra, họ cũng có thể xin “tỵ nạn Hoa Kỳ” tại các nước độc tài cộng sản như Bắc Hàn, Trung Cộng, Cu Ba và Việt Nam hoặc những nơi quá khích về tôn giáo. Dĩ nhiên ra khỏi nước Mỹ thì rất dễ dàng, tuy nhiên nếu có ai muốn từ bỏ quốc tịch Hoa Kỳ một cách chính thức để có thể gia nhập quốc tịch của những nơi vừa nêu… Thì tôi sẵn sàng giúp điền đơn hay giúp đóng tiền lệ phí nộp đơn một cách hợp pháp. Tôi nói thật, không đùa. Xin giữ bài viết này của tôi để làm bằng chứng.
Chúng tôi thường xuyên nhắc nhở những thành viên trong gia đình mình rằng:
1. Một công dân Hoa Kỳ lương thiện và khôn ngoan, sẽ không ngại phê bình hay lên án những sai quấy của Tổng Thống hay chính phủ Mỹ, nhưng chúng ta sẽ không ngu xuẩn đến độ đứng ở vị trí cùa kẻ thù nước Mỹ để vô cớ hay điên cuồng lên án Tổng Thống và chính phủ của mình.
2. Một công dân Hoa Kỳ lương thiện và khôn ngoan, không thể xúc phạm quốc kỳ Hoa Kỳ, bằng cách xé, đốt hay giẫm đạp dưới chân, để bày tỏ sự tức giận Tổng Thống hay chính phủ. Thái độ đó là sự xúc phạm đối với những người đã và đang hy sinh để bảo vệ nước Mỹ. Cho dù quốc kỳ chỉ là một miếng vải vô tri, nhưng là biểu tượng thiêng liêng của nước Mỹ. Tôi không tin có ai mất dạy đến độ mang hình ông bà cha mẹ mình ra xé, đốt hay giẫm đạp dưới chân, chỉ vì tức giận anh chị em mình. Hãy để kẻ thù nước Mỹ làm điều đó nếu họ muốn, còn chúng ta là công dân Mỹ thì chớ nên dại dột làm như thế.
Chúng ta được Hiến Pháp Hoa Kỳ bảo vệ sự tự do bày tỏ chính kiến, sự bất mãn nào đó, ngay cả những “bất mãn” không chính đáng… Nhưng chúng ta không thể đập phá nhà cửa, hành hung những người không cùng suy nghĩ như mình. Luật pháp và chính sách để vận hành nước Mỹ, phải được bàn luận, hình thành trong tự do dân chủ và trong sáng tại Quốc Hội, chứ không thể giải quyết ngoài đường phố. Các nước cộng sản hay độc tài mới đáng nhận lãnh sự phẩn nộ của người dân giống như thế, chứ nước Mỹ tự do, dân chủ, thì không thể giải quyết những bất đồng bằng các loại bạo động.
3. Một công dân Hòa Kỳ lương thiện và khôn ngoan, nếu muốn chứng tỏ mình biết tôn trong quyền lợi của người khác thì cũng phải biết xem trọng quyền lợi đất nước mình. Một Tổng Thống hay chính phủ biết đặt quyền lợi tối thượng cho đất nước mà mình được cử tri giao trách nhiệm lãnh đạo, thì có gì sai? Không ai cấm chúng ta bày tỏ lòng nhân đạo với những người đến từ quốc gia khác, nhưng điều đó phải hợp pháp, hợp lý và có trật tự, giống như cựu Tổng Thống Clinton và Obama từng khẳng định:
Hoa Kỳ không phải là cái chợ trời để ai muốn vào thì cứ xé rào hay phá cổng mà vào. Người khôn ngoan sẽ không ngu xuẩn đến độ rước giặc vào nhà bằng cách mở toang cửa biên giới, hầu hy vọng đạt được danh vọng cá nhân, quyền lợi của đảng phái mà bất chấp quyền lợi hay sự an nguy của đất nước mình.Một công dân Hoa Kỳ lương thiện và khôn ngoan, sẽ không xem bất kỳ một cá nhân nào như thể thần thánh như thể họ có quyền ngồi xổm trên luật pháp, hoặc điên cuồng ủng hộ một đảng đảng phái mà mình có bằng chứng là họ chỉ xem quyền lợi của đảng họ trọng, còn đất nước Hoa Kỳ là thứ yếu. Chúng ta sẽ không im lặng đứng nhìn những kẻ xem thường sự sống còn của nước Mỹ. Chúng ta phải can đảm chống đối và dùng lá phiểu để tẩy chay những kẻ cố tình san bằng những gì đã được hiến pháp Hoa Kỳ vạch rõ, mà những nhiệm kỳ của các Tổng Thống hay chính phủ vì dân đã bảo vệ mấy trăm năm qua.
4. Một công dân Hoa Kỳ lương thiện và khôn ngoan, sẽ không ủng hộ hay a tòng với những kẻ tìm cách loại bỏ những giá trị căn bản của nước Mỹ. Ai nhận mình là Cơ Đốc Nhân tuyệt đối không ủng hộ những giới dân cử nào cố tình cho những kẻ vô thần, hay những tôn giáo quá khích được cơ hội tràn vào đất nước mình, để rồi cùng tìm cách sửa đổi luật, cấm mọi người cầu nguyện với Thiên Chúa ở trường học và các nơi công cộng. Chúng ta không thể dễ dãi đến độ ngu khờ khi họ bày tỏ đức tin của họ thì được, còn chúng ta thì lại mất cái quyền thiêng liêng đó. Tại sao chúng ta có thể im lặng trước những kẻ tìm cách ngăn cản chúng ta bày tỏ đức tin với Thiên Chúa? Tại sao chúng ta lại bày ra hay tham dự vào những vụ bỏ phiếu để loại trừ ý niệm “one Nation under God” qua lời bày tỏ sự trung thành với Hoa Kỳ được ghi trong bản “The Pledge of Allegiance to the Flag”. Có phải chúng ta đã trở thành những kẻ dại khờ, chỉ vì muốn chìu ý những kẻ muốn triệt hạ nước Mỹ để mình khỏi bị mang tiếng là kỳ thị đức tin của người ta?
Trong tiếng Anh có câu nói đáng cho chúng ta suy nghĩ: “Người ta sẽ không bao giờ thật sự hiểu thấu một vấn đề éo le nào đó, cho đến khi chuyện ấy xảy ra với chính họ”. (People will never truly understand something until it happens to them.)
Người viết tin rằng không một dân tộc nào trên thế giới có thể thấm thía về đời sống tha phương nơi xứ người cho bằng những dân tộc từng bị mất nước, trong đó có dân tộc Việt Nam.
Trong thời chiến tranh Việt Nam, một số người dân Hoa Kỳ với chiêu bài phản chiến đã biểu tình đòi hỏi chính phủ phải chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Họ đòi hỏi như thế cũng là dễ hiểu, bởi vì qua những sự tường trình về hình ảnh chiến đấu can trường của binh sĩ Hoa Kỳ và chiến sĩ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã bị bóp méo. Những cơ quan truyền thông thiếu lương thiện đã làm những điều có lợi cho bọn VC và khối cộng sản quốc tế. Kết quả sự hy sinh của trên dưới 58 ngàn binh sĩ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã trở nên vô nghĩa dưới con mắt của những người Mỹ “chống chiến tranh Việt Nam”. Hoa Kỳ “thua” một cuộc chiến, còn người Việt Nam phải mất trọn đất nước vào tay quân cộng sản kể từ ngày tan thương đó và bao nhiêu chia ly, tang tóc, liên tục xảy ra cho đến ngày nay.
Nhân dân Hoa Kỳ thật có phước vì họ được hưởng sự tự do đích thực mà khó có quốc gia nào có được. Cho nên cái câu “People will never truly understand something until it happens to them.”, có thể áp dụng cho người Mỹ với tình hình chính trị tại Hoa Kỳ hiện nay. Những người sinh ra và lớn lên tại nước Mỹ chưa có kinh nghiệm chạm trán với thực tế của những chia ly, tang tóc như người Việt Nam, cho nên nếu họ có ” take freedom for granted” là điều cũng dễ hiểu. Tiếc là trong hàng ngũ người Việt tỵ nạn có người đã chóng quên. Họ không còn ý thức vì sao họ có mặt tại Hoa Kỳ ngày hôm nay, và họ lại giống những người chuyên “take freedom for granted” tại xứ tự do này.
Tôi không ngại để nói rằng, bất cứ ai được sanh ra và trưởng thành tại quốc gia này hay được chính phủ Hoa Kỳ đón nhận vào đây sinh sống hợp pháp, thì những người đó thật sự may mắn và hạnh phúc, nếu không muốn nói họ là những người vô cùng có phước. Tại Hoa Kỳ người dân có nhiều sự tự do. Quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, tự do bày tỏ quan điểm chính trị và nhất là quyền tự do lập đảng đối lập với chính quyền. Tiếc là nhiều người không biết trân quý những thứ tự do đó và dường như họ đang đi tìm một “thế giới đại đồng”, một loại “xã hội chủ nghĩa” thiếu thực tế, là chiêu bài của kẻ cướp, mà nhiều nước từng kinh qua và đã quăng nó vào sọt rác lâu rồi.
Cựu Tổng Thống Hoa Kỳ Ronald Reagan từng nói: “Tin tưởng nhưng phải kiểm chứng và đừng e ngại nhìn nhận sự thật…” (Trust but verify; watch closely and don’t be afraid to see what you see)
Nếu chúng ta cứ tin vào một điều gì đó mà không kiểm chứng, hoặc không dám nhìn nhận một sự thật hiển nhiên, hoặc cứ cúi đầu tin vào màn ảnh TV hay các loại tin tức một chiều, và nếu chẳng may đất nước Hoa Kỳ lọt vào tay kẻ thù của nước Mỹ, thì mọi người nên coi chừng, chúng ta sẽ không còn đường nào để chạy, kể cả những kẻ hay những cơ quan truyền thông từng làm lợi cho kẻ thù nước Mỹ.
Huỳnh Quốc Bình
email: huynhq...@yahoo.com
_________________
usaelection gởi