Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
CỘI NGUỒN CỦA THAM - SÂN – SI


Ngày xưa có một ni cô sống rất thanh đạm trong một hang đá với vài vật dụng cá nhân. Mỗi buổi sáng, ni cô mang một cái bình bát đến ngôi làng gần đó để xin thức ăn dùng trong ngày và có rất nhiều thời gian để thiền, học tập và rao giảng những gì bà biết cho dân làng trong vùng.

Một buổi sáng sau khi đi khất thực về, ni cô phát hiện một cái lỗ rách trong cái áo choàng của mình. Đây không phải là lần đầu chuyện này xảy ra, vì trong hang nơi bà sống có rất nhiều chuột. Thế là ni cô đi tìm một miếng vải nhỏ để vá áo. Trong lúc vá áo, ni cô nghĩ nếu mình có một con mèo ắt hẳn sẽ không còn lũ chuột nữa. Thế là hôm sau khi cô hỏi xin dân làng một con mèo và họ đã cho bà một con mèo khôn ngoan có màu nâu hệt cái áo mà bà mặc.

Nhưng rồi con mèo cần sữa và cá, thế là sáng nào ni cô cũng hỏi xin dân làng thêm những thứ đó. Một buổi sáng nọ, ni cô nghĩ nếu mình có một con bò, bà sẽ không phải xin sữa cho con mèo và nó sẽ giúp bà đuổi chuột. Thế là ni cô bèn hỏi xin một trong các vị mạnh thường quân giàu có một con bò.

Khi đã có bò, ni cô phải có cỏ cho nó ăn. Và bà lại đi xin cỏ của dân làng để nuôi con bò lấy sữa cho con mèo bắt chuột, để lũ chuột không cắn áo của bà nữa.

Được vài ngày, ni cô nghĩ nếu bà có một cánh đồng của riêng mình, bà sẽ không còn phải làm phiền đến những dân làng nghèo khó mỗi ngày để có cỏ. Thế là bà tổ chức quyên góp để mua bãi cỏ bên cạnh, và lấy cỏ nuôi bò, có sữa cho mèo uống để bắt chuột.

Và hàng ngày, ni cô mất rất nhiều thời gian trên cánh đồng cỏ để vắt sữa bò. Do đó, ni cô lại nghĩ nếu mình có một chú bé giúp việc thì tốt biết mấy vì chú sẽ làm tất cả mọi thứ cho bà. Đáp lại, ni cô sẽ giảng dạy cho chú điều hay lẽ phải và dạy chữ cho chú. Dân làng bèn chọn một chú bé xuất thân từ gia đình nghèo khó để chăm nom đồng cỏ cho ni cô, để bà có sữa bò mà nuôi mèo.

Từ lúc đó, ni cô cũng nhận thấy dân làng bắt đầu né tránh bà. Họ sợ mỗi khi gặp bà sẽ lại yêu cầu một thứ gì đó. Ngay cả khi thấy một con bò nâu băng ngang đường họ cũng nghĩ đó là ni cô nên trốn vào nhà, thêm cài cửa đóng và buông rèm kín mít.

Một lần nọ, có một người dân làng đến hỏi ni cô chỉ dạy về thiền, bà đáp :

• Xin lỗi, để lúc khác nhé. Tôi đang bận lắm. Tôi phải kiểm tra túp lều đang xây cho chú bé, người đã giúp tôi chăm nom đồng cỏ để có cỏ cho bò ăn, có sữa cho mèo uống mà đuổi chuột không cho chúng cắn rách áo của tôi. - Nói đến đây, ni cô chợt chú ý đến những gì mình nói và nhận ra :"Cội nguồn của tham -sân-si chính là từ đây mà ra"

Thế là ni cô nhờ dân làng đến dỡ túp lều xuống, trả chú bé về với gia đình, trao lại cho dân làng con bò và cánh đồng, đồng thời tìm một gia đình nhận nuôi con mèo.

Vài hôm sau, ni cô trở lại với đời sống giản dị của mình chỉ với vài món vật dụng trong hang đá. Một buổi sáng, sau khi đi khất thực quanh làng về, ni cô chợt nhận ra lũ chuột đã cắn thủng một lỗ trên áo của bà. Và bà đã vui vẻ vá lại .

Qua câu chuyện, ta thấy rằng gốc rễ của tham – sân – si nhiều khi bắt đầu từ những điều tưởng chừng như rất nhỏ bé, rất chính đáng. Chỉ vì một cái áo bị chuột cắn, ni cô dần dần sa vào vòng xoáy của ham muốn, sở hữu, rồi buộc ràng trong những lo toan, bận rộn. Càng có nhiều, bà càng đánh mất sự an nhiên, tự tại, xa rời con đường tu hành thanh tịnh ban đầu.

Cho đến khi tỉnh ngộ, ni cô mới hiểu rằng hạnh phúc và bình yên không đến từ việc gom góp, tích lũy vật chất hay kiểm soát mọi thứ bên ngoài, mà chính là từ sự buông bỏ, biết đủ, quay về với đời sống đơn giản, thanh thoát.

Thông điệp câu chuyện gửi gắm là: Muốn thoát khổ, hãy quay về với tâm đơn thuần, buông xả, biết đủ và tỉnh giác trong từng suy nghĩ, hành động. Mọi khổ đau đều khởi sinh từ những mong cầu, dính mắc – dù rất nhỏ. Nếu ta không tỉnh, sẽ dễ rơi vào vòng xoáy luẩn quẩn, tự trói buộc chính mình

Sưu tầm

__________________


Hoang Nguyen gởi