COI PHỤ NỮ ĐÁ BANH
Mặc dầu mù tịt về football, tôi không bỏ sót một trận nào trong giải vô địch bóng tròn phụ nữ thế giới (2023 Women’s World Cup. WWC) vừa chấm dứt, với trận chung kết gay cấn giữa Anh và Tây Ban Nha. Bởi vì cầu thủ phụ nữ duyên dáng hơn…đàn ông, và đá banh cũng đẹp hơn đàn ông. Fair-play hơn, ít thô bạo hơn, ít cá nhân chủ nghĩa hơn.
Sau mỗi trận đá, các cô bên thắng cuộc không quên tới an ủi bên thua cuộc đang ngồi khóc.
Những người ủng hộ, rất nhiệt thành, nhưng thân thiện, tươi cười. Chưa thấy hooligans sau những trận banh phụ nữ.
Trong bài về WWC 2019 (link đính kèm cuối bài), tôi nghĩ, hơn là những trận đá banh, đó những vũ điệu valse trên sân cỏ xanh biếc.
Có một cái gì đó gần với nghệ thuật.
KỶ LỤC
Chắc chắn tôi không phải là trường hợp hiếm hoi của những tín đồ mới quy y túc cầu phụ nữ.
Túc cầu, hay bóng tròn, ngày nay ở VN gọi là bóng đá, người Mỹ gọi là soccer, để phân biệt với trò chơi football của họ, trong khi Âu Châu vẫn trung thành với chữ football của người Anh đặt cho môn thể thao, do chính họ sáng tạo ra, ngày nay là trò chơi phổ thông nhất trên thế giới.
Số người theo dõi phụ nữ đá banh lần này bỏ xa World Cup 2019, đã là một kỷ lục.
Trên 75.000 khán giả tới coi trận đá mở màn. Gần 12 triệu người Úc ngồi trước TV theo dõi đội banh chủ nhà thua Anh trong trận bán kết. Thêm vào số người coi trên smart phones, computers, các mạng xã hội, số khán giả lên tới 17 triệu, trên… 25 triệu dân số của nước Úc. Chưa kể hàng trăm triệu khán giả năm châu.
Xa rồi những trận đá banh của đàn bà trên một bãi hoang tỉnh lẻ, với vài chục khán giả, với các ông vừa coi vừa diễu cợt, như coi một màn kịch diễu dở.
Xa rồi quan điểm của đàn ông, cách đây không lâu, về thể thao phụ nữ. Thí dụ Pierre de Coubertin, (1896-1925), cha đẻ của Thế Vận Hội, chống việc đàn bà tham dự các cuộc thi đua thể thao, nói nếu để đàn bà tham dự, phải xây tường chung quanh, cấm khán giả đực rựa, bởi vì đàn ông đến coi phụ nữ tranh tài không phải vì thể thao.
Phải chờ tới 1900, phụ nữ mới được dự Thế Vận Hội, nhưng chỉ trong 2 môn là tennis và golf.
Phụ nữ Anh đã đá banh từ cuối thế kỷ 19, nhưng từ 1921 tới 1927, Hiệp hội Túc cầu Anh cấm các cuộc tranh đua chính thức của cầu thủ phụ nữ. Tại Pháp, trận đấu chính thức đầu tiên giữa phụ nữ, do Hiệp hội Túc Cầu Phụ Nữ tổ chức năm 1921 cũng là một phản ứng trước sự cấm đoán của đàn ông.
30.000 DOLLARS
Liên đoàn Bóng Đá Thế Giới (FIFA) lần này (2023) có một quyết định rất hay là tất cả những cầu thủ tham dự World Cup, dù bị loại ngay từ vòng đầu, đều được tiền thưởng 30.000 dollars. Sau đó, tiền thưởng tăng nếu vào những vòng sau.
Đó là một quyết định rất hay, vì cầu thủ bóng tròn phụ nữ lãnh lương thấp, nhiều khi lương hàng năm không bằng lợi tức một ngày của những cao thủ đực rựa như Messi, Neymar, Mbappé, Benjema, nhất là ở những xứ nghèo.
Hoa Kỳ là xứ duy nhất tiền thưởng dành cho phụ nữ ngang với nam giới, nhờ sự tranh đấu của các nữ cầu thủ hàng đầu, như Alex Morgan, Megan Rapinoe. Rappinoe cũng là người tranh đấu không ngừng cho nữ quyền.
30.000 dollars là một số tiền đáng kể đối với những người vừa đi làm, vừa đá banh. Hy vọng số tiền đó tới tay các cô trong hội tuyển Việt-Nam, thay vì rơi vào tay các… cố vấn thể thao tháp tùng, theo phong tục VN.
Đó có lẽ là quyết định hay duy nhất của FIFA, sau nhiều tai tiếng, thí dụ chuyện tổ chức World Cup đàn ông ở xứ dầu lửa Qtar.
Qtar không có truyền thống thể thao, nhiều trận đá banh phải thuê người tới coi.
Hàng ngàn nhân công, đa số là người Ấn, Pakistan chết trong các công trường xây cất vì làm việc trong những điều kiện cùng cực, với lương chết đói, dưới nắng nóng như lửa.
Chạy máy lạnh trong các vận động trường khổng lồ, tưới nước các bồn cỏ ở sa mạc, chuyên chở khán giả bằng máy bay, là những chuyện đóng góp hữu hiệu nhất cho đại hoạ tàn phá mội trường.
Qtar bỏ ra hàng tỷ dollars xây vận động trường, mua chuộc, đút lót các giới có thẩm quyền để dành quyền tổ chức World Cup. Với một mục đích chính trị không giấu giếm: tranh ngôi lãnh đạo các xứ Ả Rập với Arabie Saoudite (Saudi Arabia).
NGOẠI GIAO BÓNG TRÒN.
Football trở thành một võ khí ngoại giao.
Đứng ra tổ chức World Cup là coi mình là một cường quốc.
Arabie Saoudite, Qtar tung tiền dầu lửa mua các cầu thủ nổi danh, với hy vọng thế giới khi nói tới hai xứ này chỉ nói tới football, thay vì đề cập tới nhân quyền, tới những xã hội có luật lệ man rợ như thời Trung Cổ, tới chuyện ném đá tới chết đàn bà bị nghi là ngoại tình, tới việc bóc lột, đối xử dã man những người công nhân ngoại quốc, trong đó có các nô lệ người Việt. Hay giết ký giả đối lập, băm xác, cho vào hùng acide.
Sau World Cup của Qtar, Arabie saoudite bỏ ra những số tiền khổng lồ để mua các cầu thủ: 200 triệu dollars cho 2 năm với Benjema, Ronaldo, đề nghị 300 triệu cho Mbappé.
Túc cầu đã bị ô uế vì tiền, càng ô uế với dollars vô tận của các xứ dầu lửa, dư thừa tiền bạc trên trời rơi xuống, nhưng không có khả năng gì để thiên hạ nói tới mình hơn là mua cầu thủ, mua các lực sĩ, các tài danh của những nước nghèo.
Bên cạnh túc cầu đàn ông bị sa đoạ vì tiền, túc cầu phụ nữ vẫn còn giữ khuôn mặt bình thường của một môn thể thao bình dân.
Bên cạnh những cầu thủ phụ nữ stars hiếm hoi, với lợi tức trên dưới 400.000 dollars một năm (không bằng 1/10 lợi tức của các danh thủ đực rựa), hầu hết các cầu thủ phụ nữ vẫn chỉ có số lương đủ sống, đa số vừa đi làm vừa đá banh.
Đó là những người đá banh vì yêu nghề, yêu thể thao, yêu đồng đội.
Nhìn các cô VN nhỏ, thấp, chạy trên sân cỏ mông mênh (tại sao phụ nữ đá trên sân cùng kích thước với đàn ông, trong khi trong tennis chỉ đánh 3 sets, thay vì 5 ?), thấy tội nghiệp. Một mặt cầu cho các cô thắng, dù sao mình vẫn là người Việt; một mặt sợ các cô thắng, báo chí Đảng sẽ gáy, nhức đầu suốt vài chục năm, suốt thế kỷ.
VN thua Mỹ, báo VN lôi Thái Lan ra diễu cợt, nhục mạ, bởi vì VN chỉ thua ‘’đội banh giỏi nhất thế giới’’ 0-3, trong khi Thái Lan có lần bị Mỹ đá lọt lưới 9-0. Cái tự cao, cái nhu cầu ‘’tự sướng’’ của một dân tộc đầy mặc cảm nó lố bịch không cùng.
BẤT NGỜ
WWC 2023 chứng kiến một cuộc đảo lộn thứ bậc trong football phụ nữ.
Những đội bách chiến bách thắng như Hoa Kỳ, Ba Tây bị loại sớm. Đức thua nặng. Trước đây người ta định nghĩa: football là môn thể thao có 2 đội 11 cầu thủ, đấu trong 90 phút, và cuối cùng Đức sẽ thắng.
Đó là cái hấp dẫn trong sự bất ngờ của thể thao. Nhiều khi kết quả thay đổi vì một cú đá trệch 2 centimètres.
Đội đáng chiếm giải, hay ít nhất vào chung kết là Nhật.
Nhật đã đá bại Espagne (Spain) 4-0, dễ như đá với trẻ con, nhưng cuối cùng Nhật bị loại ở vòng bán kết, Espagne chiếm giải vô địch.
Nhật đáng chiếm giải, vì kỹ thuật cao, vì tinh thần đồng đội tuyệt hảo. Nhỏ con, nhưng khi họ nhận được banh, sẽ chuyển cho nhau mau lẹ, có phương pháp và hữu hiệu. Không một động tác nào thừa, không phí sức một cách vô bổ.
Nhật Bản đã chứng tỏ có thể trở thành một quốc gia thể thao hàng đầu, không cần phải có cầu thủ cao 2m50
RUBIALES...
Espagne trở thành vô địch thế giới, đáng lẽ phải là một hội lớn cho một dân tộc rất thích hội hè (tới Espagne, bạn sẽ sống với đủ loại hội hè vui nhộn quanh năm. Dân Tây Ban Nha biết hưởng thụ đời sống). Đáng lẽ phải là ngày hội lớn, nhưng ngày hội bị quên lãng, bởi vì cả nước, cả thế giới chỉ nói tới chuyện ông chủ tịch Hiệp hội Túc cầu Tây Ban Nha Rubiales ôm hôn miệng cô cầu thủ Hermoso trong lễ trao giải thưởng.
Cả nước, từ báo chí, chính trị gia, các bộ trưởng, các hội nhân quyền, các hội phụ nữ, các thể tháo gia và đa số dân đòi Rubiales từ chức, bởi vì, ở Âu Châu ngày nay, ôm hôn một phụ nữ không có sự thoả thuận của đương sự là một tội hình sự. Đã có 4 hội đoàn đưa Rubiales ra toà.
Khen một phụ nữ chân dài, ngực đẹp, với vẻ sàm sỡ, cũng là một tội bạo hành tình dục ở Âu Châu.
Rubiales, tới giờ này, chưa từ chức, chỉ xin lỗi đã có hành động đó một cách tự nhiên, trong một lúc vui mừng tột độ, không có ý gì xấu. Nhưng Rubiales cầm cự được bao lâu, khi các cầu thủ vừa quyết định sẽ không tham gia một trận đá nào, nếu Rubiales còn tại chức ?
Cùng với thể thao phụ nữ, nữ quyền cũng đã tiến một bước rất xa ở Âu Châu. Espagne, mặc dù không phải là quốc gia tiền tiến nhất, hiện là nước dẫn đầu về nữ quyền , về chính sách bảo vệ phụ nữ, nạn nhân của bạo hành, ở Âu Châu.
Pierre de Coubertin sống lại, chắc hết dám nói khơi khơi: nếu cho đàn bà tham dự thể thao, phải xây tường kín, cấm khán giả đàn ông bén mảng tới.
Có nhiều ông vẫn chưa hiểu là xã hội đã thay đổi, tương quan giữa đàn ông, đàn bà đã thay đổi, nhất là từ ngày có phong trào nữ quyền MeToo.
HỘP ĐÊM
Tại Pháp, Pierre Ménès, bình luận gia về bóng đá ăn khách nhất trên các đài truyền hình, vừa lãnh 2 tháng tù treo, về tội sờ soạng các cô bán hàng. Trước đó, Ménès đã bị sa thải, về nhà ngồi chơi xơi nước, và đang chờ ngày ra toà về ngôn ngữ, thái độ sàm sỡ với các cô đồng nghiệp.
Cách đây không lâu, Ménès nói, không ai phản đối : Đàn bà đá banh bởi vì xấu quá (trop moches), không thể đi nhẩy đầm ở các hộp đêm.
Xã hội, ít nhất là xã hội Tây Phương đã thay đổi.
Simone de Beauvoir, nhà văn tiên phong cho nữ quyền, viết trong Le Deuxième Sexe từ 1949 : On ne naît pas femme, on le devient (người ta không sinh ra là đàn bà, người ta trở thành đàn bà). Nghĩa là sở thích, thái độ, chọn lựa của đàn bà không phải từ bẩm sinh, nhưng được quy định bởi xã hội, giáo dục do đàn ông làm chủ.
Thế giới đã thay đổi.
Ngày nay phụ nữ có thể làm tất cả những nghề dành cho đàn ông. Sau World Cup, chắc chắn sẽ có nhiều cháu gái trả lời ‘’cầu thủ bóng đá’’, nếu được hỏi muốn làm gì sau này.
Paris, tháng 8/2023
Từ Thức
____________
Đặng Hữu Phát gởi