Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh




 
CÒN GÌ NỮA ĐÂU, MỘT VÌ SAO LẺ LOI
 
                                                                   
 
1. Tôi đoán trước rằng khi đọc bài này, mà tôi chỉ gửi riêng cho những người còn yêu thương T.T Trump, quý bạn (cũng như những quý nương, gần xa, đã nói chuyện với tôi qua điện thoại, trong nước mắt đầy vơi và nỗi tuyệt vọng mênh mông) có thể sẽ không hài lòng, hoặc tệ hơn, “mắng” tôi là ba phải, là thay lòng đổi dạ, nghĩa là đã bán linh hồn cho quỷ Mephistopheles, như Dr. Faust trong truyền thuyết Đức, thời Trung Cổ. Hoặc gần hơn, như PTT Mike Pence, trong buổi kiểm phiếu cử tri đoàn ngày 6 tháng 1 vừa rồi, tại Thượng Viện. Quỷ dữ, bây giờ, là Bi-Đen Lú Lẫn, Kamala Dâm Đãng, lũ DemoK-Rats Bỉ Ổi, Fake News Thổ Tả, toa rập với bọn GOP Rino Trở Cờ Khốn Nạn. Tôi biết chứ. Nhưng tôi vẫn viết, vẫn nói, với mục đích để quý bạn và tôi cùng nhau nhìn thẳng vào thực tại phũ phàng và sự thật trần truồng, bằng cặp mắt mở to, ráo hoảnh, và tâm hồn bình an, thanh thản. Và nhất là để tự an ủi, trước những bất công, gian trá, và phản bội mà thần tượng Trump phải hứng chịu, cho đến giây phút cuối, qua suốt bốn năm. Để bỏ đi, không thấy, không nghe, không nói, những tin tức mang tính lạc quan tếu, do phe ta chế ra, đăng đầy trên Mạng, cốt kiếm phiếu like, với những tựa đề giật gân, hoặc thêm mắm dậm muối, mà thực chất trống trơn, rỗng tuếch. Để tránh không xây ảo vọng trên những lâu đài cát, mà một cơn gió vô tình sẽ thổi bay đi, như lá mùa thu, cùng với vô vàn tiếc nuối, qua giọng hát rã rời của Edith Piaf, hay Juliette Greco, trong bài “Les feuilles mortes”: Les feuilles mortes se ramassent à la pelle / Les souvenirs et les regrets aussi / Et le vent du nord les emporte / Dans la nuit froide de l'oubli... (Những chiếc lá chết được gom lại bằng xẻng / Những kỷ niệm và tiếc nuối cũng thế / Và cơn gió bắc mang đi hết / Trong đêm lạnh của lãng quên...)
 
       Qua đó, tôi muốn nói, trong chính trường, chiến trường, hay thương trường, thắng bại là lẽ thường tình. Trước khi đắc cử tổng thống năm 2016, thương gia Trump đã lên xuống mấy bận, để rồi, về sau, đạt được thành quả cố định, vững vàng. Cuộc đời của các danh nhân, trong lịch sử hơn 300 năm của Mỹ, như Washington, Lincoln, và trong lịch sử cận đại thế giới, như Churchill, Ngô Đình Diệm, v.v... cũng có những lúc thăng trầm, có những lúc vinh quang, và có những lúc bị thử thách, khó khăn, nhưng cuối cùng những vĩ nhân ấy cũng vượt qua hết gian nan và cũng đều lưu danh thiên cổ. Quả vậy, thành bại không luận anh hùng: Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Bình Trọng, Nguyễn Thái Học, Phạm Hồng Thái, Phan Đình Phùng, Bùi Thị Xuân... của riêng đất nước Việt Nam ta là những ví dụ hùng hồn nhất.
 
       2. Trường hợp T.T Trump, tôi mạo muội nghĩ rằng mọi việc đã xong, và nếu trong vài ngày tới không có biến động lớn, mệnh số đã an bài, dù chúng ta muốn hay không muốn, dù ông chưa lên tiếng nhận thua. “Thế sự thăng trầm quân mạc vấn”, nhà thơ Cao Bá Quát, cách đây hai thế kỷ, đã từng than thở: chuyện đời lên xuống, bạn chớ hỏi làm chi. Và Les jeux sont faits (1947), “cuộc chơi đã chấm dứt”, theo tựa đề một “tiểu thuyết” phảng phất mùi hiện sinh của Jean-Paul Sartre. Ngày 20 tháng 1 sắp tới, Donald Trump sẽ là một cựu tổng thống và, tôi dám cả quyết, sẽ được lịch sử xem là một trong những tổng thống vĩ đại nhất của Hoa Kỳ, nếu không muốn nói của thế giới, cùng với Washington, Lincoln, và Roosevelt.
 
       T.T Trump đã được hàng triệu người dân thương mến và bầu chọn, nhưng thất cử bởi sự gian lận, với những bằng cớ quá rõ ràng, của đối phương, bởi sự phản bội từ một số đồng đảng GOP và cộng sự viên dưới quyền. Mới đây, còn bị mụ phù thủy Nancy Pest và bè đảng chơi trò luận tội (impeachment) dơ dáy và tiểu nhân (với sự đồng thuận của 10 dân biểu Rino), mặc dù ông hứa sẽ chuyển trao quyền hành “một cách êm thắm” và đúng ngày. Lại còn bị lũ truyền thông độc tài và bẩn thỉu Big Tech bịt miệng, trả thù. Tất cả những điều này làm tôi nhớ đến số phận, nghiệt ngã hơn, của một anh hùng ngã ngựa khác, trong cả hai nghĩa bóng và đen: Napoléon I.
 
        Đúng thế. Không phải một Napoléon hoàng đế quyền uy và tướng lãnh tài ba, đánh Nam dẹp Bắc, “xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài yên”, mà vó ngựa một thời làm rung chuyển toàn cõi Âu Châu. Còn lại, giờ đây, chỉ là một bại tướng mang tên Napoléon, sau trận Waterloo (18/6/1815), và một tù binh của đế quốc Anh, trong nhà giam Longwood, trên hòn đảo Sainte-Hélène, chơi vơi giữa Nam Đại Tây Dương, nơi mà ông mất sáu năm sau (1821), hưởng thọ 51 tuổi, do căn bệnh ung thư dạ dày, giữa cô đơn muôn trùng. Bị tước hết danh vị (hoàng đế và đại tướng), bị gọi trống trơn bằng cái tên gia đình từ đảo Corse, Buonaparte, bị tên chủ đảo (governor) kiêm chủ ngục Hudson Lowe đối xử tàn nhẫn, toa rập với viên bác sĩ gian ác Antommarchi ‒chỉ cho uống thuốc trị táo bón, những lần ông lên cơn đau bụng dữ dội. Bị giam riêng, cách ly với vài thuộc tướng cũng bị bắt tại Waterloo. Bị vợ người Áo là Marie-Louise (đã sinh cho ông một thái tử, tức Roi de Rome, tức Napoléon II) bỏ rơi, không bao giờ đến thăm để cho cha gặp con thơ. Và tàn nhẫn hơn, Marie-Louise đã nghe lời vua cha, trở về cố quốc, và với sự sắp xếp của hai nhà ngoại giao Metternich (Áo) và Talleyrand (Pháp), kết hôn với hầu tước Neipperg, một trong những kẻ thù không đội trời chung của chồng mình.
 
       3. Khác với người Á Châu thời quân chủ, như Nhật, Tàu, và Việt Nam, người Âu-Mỹ không có truyền thống tự kết liễu đời mình, khi thất trận. Trừ trong lịch sử, hoặc dã sử, của Rome, Hy Lạp, và kịch của Sophocle, Euripide, Shakespeare, và Racine. Viết đến đây, tôi lại nhớ về một người hùng trong cuộc chiến giữa Hán và Sở thời Cổ Đại Trung Hoa (256 BC). Đó là Hạng Võ, sinh năm 232 BC tại Hạ Tương (Giang Tô), có sức mạnh phi thường và võ nghệ cao cường, một mình một ngựa xông trận, giết chết hàng trăm địch quân. Cho đến trận Cai Hạ, ông bị quân Lưu Bang, quá đông, áp đảo, và vây chặt. Lúc ấy, trong lều đóng quân, ông và nàng quý phi Ngu Cơ cùng ngồi ngâm thơ, múa hát. Cạn chén ly bôi, họ nói cho nhau những lời vĩnh biệt. Rồi Ngu Cơ rút kiếm tự đâm vào ngực. Còn Hạng Võ, sau đó, bị dồn đến đường cùng, đến bờ sông Ô giang, bất ngờ gặp một người chèo đò, tình nguyện chở ông về Giang Đông –nơi ông và mười ngàn quân dân, năm xưa, đã đứng lên khởi nghĩa, xuất trận, lên đường diệt quân Hán. Hạng Võ từ chối, vì phải trở về một mình và xấu hổ với người quen biết tại đó. Ông tặng người chèo đò con tuấn mã, mà mình không nỡ giết. Và rút kiếm, tự đâm cổ quyên sinh, năm 202 BC, lúc tuổi vừa tròn 30, trong khi kỵ binh nhà Hán kịp đến nơi, xuống ngựa, tranh nhau xác của ông để lãnh giải thưởng.
 
       Chuyện Hạng Võ và Ngu Cơ đã làm tôi vô cùng cảm khái, vì tính chất bi hùng và lãng mạn của nó. Trong đó, có đủ cả: tuổi trẻ, chiến tranh, tình yêu, và nỗi chết không rời. Khiến tôi bỗng thấy lòng chùng xuống, ngậm ngùi. Còn hơn cả chuyện Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi, và chàng Tư Mã Giang Châu, một đêm nào, trong thuyền, đã nhỏ lệ xót thương cho số phận hẩm hiu của nàng ca kỹ về chiều, tàn phai hương sắc, trên sóng nước Tầm Dương thuở trước. Hơn cả Roméo và Juliette, Tristan và Iseult, Marc-Antoine và Cléopâtre... Hơn tất cả, ngoại trừ, Mỵ Châu và Trọng Thủy, mà tình yêu đắm say bị phôi pha bởi âm mưu chính trị và sự phản bội và chỉ được cứu rỗi qua hai cái chết bi thương.
 
       Dĩ nhiên, tôi không bao giờ muốn T.T Trump, thần tượng của tôi, xử sự, đúng hơn, tự xử, như những anh hùng đến trước ông. Nhưng, vốn thuộc nòi mộng mơ, lãng mạn kinh niên, bất trị, tôi ao ước được thấy ông bình thản chấp nhận mệnh số, gồm những vinh quang và bất công, những thành tựu và thất bại... mà cuộc đời đã trao cho ông, cũng như cho mọi người trên trần thế, trong những hoàn cảnh khác biệt nhau. Muốn thấy ông im lặng, và sẵn dịp bị lũ Big Tech khóa vĩnh viễn các tài khoản, không tuyên bố gì nữa. Thanh thản bàn giao quyền lực cho kẻ kế nhiệm, dù biết hắn và đồng bọn đã công khai và trắng trợn chơi cờ gian bạc lận.
 
        4. Rồi, còn điều này, mà tôi thích nhất. Tôi ao ước được thấy ông như Phạm Lãi, sau khi chủ soái Câu Tiễn, vua nước Việt, diệt được Ngô Phù Sai, và dựng lại cơ đồ, đã lặng lẽ lên thuyền, cùng với người đẹp Tây Thi, ra đi, về một cõi xa vời, mịt mùng sương khói, để lại những tiếc nhớ khôn nguôi trong lòng bao nhiêu thế hệ mai sau.
 
       Bao giờ thì Donald Trump, và Melania, người đẹp Slovenia bên dòng sông Danube mộng thơ, nắm tay nhau, cùng bước lên thuyền, như Phạm Lãi và Tây Thi của một thời xưa cũ?
 
Portland, 15/1/2021
 
Kim Thanh
 

usaelection gởi