Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
CON NGƯỜI CHỈ SỢ CÔ HỒN CÁC ĐẢNG SỐNG MÀ THÔI
 



Hôm nay, ngày 1/8 dương lịch cũng là ngày mùng 4 tháng 7 âm lịch, tức là cửa ngục đã mở cho ma quỷ lên trần gian.
 
Rằm tháng bảy là tiết Trung Nguyên (Trung ngươn). Tam Nguyên, nghĩa là ba cái khởi thủy bắt đầu.
 
Tam nguyên trong các ngày sau: rằm tháng giêng là "thượng nguyên", rằm tháng bảy là "trung nguyên", rằm tháng mười gọi là "hạ nguyên".
 
Thời gian là một cái mà con người chưa bao giờ tác động được. Cứ bốn mùa tám tiết Xuân Hạ Thu Đông đi qua, tháng giêng qua thời tháng chạp tới.
 
Trong Trời Đất quay cuồng, con người nhỏ xíu đứng giữa vũ trụ càn khôn biến chuyển không ai cưỡng lại được; hết xuân hạ thu đông thì mùa xuân trở lại, theo vòng tròn.
 
Tiết trung nguyên rằm tháng 7 có truyền thuyết là tiết “Trung Nguyên phổ độ”, là 鬼月 quỷ nguyệt tức tháng của ma, là tháng của vong hồn người chết.
 
Bắt đầu từ ngày mùng 2 tháng 7 âm lịch thì Diêm Vương ở âm phủ mở cửa 鬼門關 Quỷ Môn Quan để ma quỷ sẽ túa ra tứ phương.
 
Hồn có con cháu thờ phượng thì về nhà hưởng đồ cúng, cô hồn thì đi lòng vòng, không nơi nào chứa nên phải tìm thức ăn, thành ra trong tháng bảy người ta bày ra lệ cúng cô hồn, đem đồ ra ngoài lộ ngoài đường mà cúng để họ không phá phách.
 
Cô hồn nhận bánh trái nhang đèn của dương trần cúng kiếng và đến sau 12 giờ đêm ngày 14/7 âm lịch thì kết thúc và các ma quỷ phải quay lại âm phủ.
 
Thuật ngữ ”cô hồn” (孤魂) nghĩa là hồn người chết vô thừa nhận, không ai cúng vái.
 
Ta có 12 loại cô hồn 
 
Bao gồm: 
 
1.Lụy triều đế chúa (Vua chết vì phản loạn,đảo chánh)
2. Quan tướng vương triều và Oai tướng phản thần.
3. Bá quận danh thần.
4. Bạch ốc thư sinh.
5. Xuất trần thượng sĩ (tức là hàng tu sĩ chỉ nói suông lời Phật dạy, không thực hành pháp và còn bị vướng mắc một cái gì đó)
6. Huyền môn đạo sĩ
7. Thương gia lữ khách và kẻ buôn tảo bán tần
8. Chiến sĩ trận vong.
9. Sản phụ bất hạnh (lúc thai sản mất cả mẹ lẫn con)
10. Khuyết tật thiếu tu
11. Cung phi mỹ nữ và hạng buôn hương bán phấn
12. Tù nhân tử tội
 
Ông bà xưa có “Văn tế thập loại chúng sanh” vầy:
 
“Thương thay thập loại chúng sanh 
Hồn đơn phách chiếc linh đinh quê người! 
Hương lửa đã không nơi nương tựa 
Hồn mồ côi lần lữa bấy niên 
Còn chi ai khá ai hèn 
Còn chi mà nói kẻ hiền người ngu”
 
Dựa vào tháng 7 âm lịch là "tháng âm", khi mà mưa gió nhiều nhứt trong năm, bão lụt tơi bời, rồi nắng nóng cũng bất ngờ làm âm khí xen lẫn dương khí bay ngút trời nên người xưa đã tưởng tượng ra "cô hồn" vượt địa ngục lên trần gian.
 
Rằm tháng 7 lại trùng với lễ Vu Lan Bồn của bên Phật giáo.
 
Vu Lan, tiếng Phạn gọi là Ullambana, có nghĩa là cái chậu cứu nạn treo ngược. Người Tàu thêm chữ “Bồn” là cái bát đựng thức ăn. Vu lan bồn là cái bình bát cứu nạn treo ngược vì hồn người chết thường bị treo ngược ở âm phủ.
 
Trong kinh Vu Lan Bồn, Phật dạy ông Mục Kiền Liên cách cứu mẹ thoát khỏi địa ngục.
 
Do có tích bổn địa,cộng với tích bên Phật, trùng với ngày mãn “an cư kiết hạ” của tăng ni nên rằm tháng 7 là ngày lễ lớn của Phật giáo Bắc Tông, rằm tháng 7 là Vu Lan báo hiếu.
 
Phật giáo Theravāda Nam Tông cũng tổ chức lễ rằm tháng bảy, nhưng không lớn, rình rang bằng bên Bắc Tông.
 
Cái trò Vu Lan cài bông hồng trắng hay đỏ rồi khóc lóc tùm lum là trò màu mè của ông Thích Nhất Hạnh bày ra sau này.
 
Các bạn đừng tham gia vào trò cài bông này vì nó là một hình thức phân biệt và không hề là cách báo hiếu của chúng sanh.
 
“Hiếu” là đạo của con người, dù sống hay chết vẫn hiếu, không cớ chi phân biệt hoa trắng hay đỏ, huống hồ Phật luôn xiển dương sự bình đẳng.
 
Bạn nghĩ sao trong buổi lễ mà nhìn bông là biết ai còn mẹ, ai mất mẹ, một sự không cân bằng về tâm lý của chúng sanh trong khi Phật dạy không hoài quá khứ, không mơ hồ tương lai,bản thân phải biết thực tại.
 
Chết là hết, chết là cái thứ bình đẳng nhứt trong đời người.
 
Dầu bạn giàu hay nghèo,bạn đi xe hơi hay đi bộ khi chết thì như nhau. Tức là tắt thở, thân xác ra tro bụi và không mang cái gì theo bên mình.
 
Sanh ký tử quy.
 
Chết là quy về miền ký ức, miền nhớ,miền thương, miền của ông bà tiên tổ, miền của Phật và Chúa gì đó.
 
Thành ra cúng tháng 7 là một thủ tục làm cho nó vui vui, dạng tôn giáo bày ra cho người sống đỡ áy náy lương tâm với người chết.
 
Đời vô thường,vô chừng. Là vì chưa kịp làm gì đó, chưa nói lời tử tế thì lăn ra chết, thành ra người còn sống thấy áy náy tinh thần.
 
Cúng kiếng cũng là hình thức, vì người chết có ăn uống gì được đâu.
 
Cúng là cho cô hồn sống ăn thì có vì cô hồn sống mới có khả năng phá phách xóm làng.
 
Nhưng không cúng cũng không được. Người VN mình Á Đông mà, quyến luyến tổ tiên ông bà dữ lắm.
 
Cúng cô hồn cũng vậy.
 
Chẳng thấy cô hồn các đảng thiệt hưởng đồ cúng đâu, chỉ thấy cô hồn sống giựt tưng bừng, đánh lộn, chửi nhau chí chóe.
 
Cúng cô hồn là một hình thức xoa dịu xã hội,tức là một dạng ‘bố thí” cho người lang thang, ăn xin, lỡ đường có cái ăn mà sống qua ngày thôi.
 
Cúng cô hồn cũng là dạng hối lộ cho đám phá làng phá xóm, đám đá cá lăn dưa, giang hồ vườn có cái nó ăn đặng bớt phá xóm làng.
 
Tất nhiên lũ này nó còn thở tốt.
 
Chết là hết. Người chết không biết nói, không đòi hỏi gì đâu các bạn à. Đôi khi chỉ một nén nhang là họ ấm lòng rồi.
 
Thực ra cúng cô hồn tháng 7 mà ồn ào, rầm rộ là người Tàu, chứ người Việt ít cúng lắm.
 
Người Tàu họ mần ăn lớn họ kiêng, họ tin dị đoan. Họ lại quan niệm chết thì hồn vía theo ra nhị tì mà ở, bàn thờ trong nhà không chứa ông bà. Nhà người Tàu có Môn Thần giữ cửa, hồn ma khó mà vào.
 
Người Việt thì quan niệm chết xong thì bàn thờ là nơi ông bà trú ngụ.
 
Đám giỗ của người Nam Kỳ lại có mâm đất đai cúng ngoài sân đặng cúng người lưu dân khai hoang xưa bỏ mình ngoài đồng, ngoài đường trong quá trình mở đất.
 
Thành ra Nam Kỳ cúng cô hồn rất nhỏ và có nơi không cúng vì đám giỗ nhà nào cũng đã “mời” rồi.
 
Với những bạn đạo Phật, cũng đừng để những hình thức của cúng kiến Vu Lan lậm vào cuộc sống của mình rồi ăn chay trường, siêng tụng kinh, gõ mõ, thả cá, chim phóng sanh đặng hy vọng "giảm" bớt tội nghiệp cho tổ tiên, tìm ra chữ hiếu với bản thân.
 
Đức Phật xưa sống đơn giản 
 
Ngài đã xuất gia ra khỏi cung đình, cất bước vô gió bụi của cuộc đời, tìm ra một phương pháp triết học giải thoát con người.
 
Đức Phật đưa ra bốn vấn đề thuộc triết học là:Nhân bản, Vô ngã, Từ bi, Bình đẳng.
 
Con người ai cũng có quyền sống,quyền tự do, quyền bình đẳng và hơn ai hết tự bản thân của mỗi cá nhân sẽ quyết định cuộc đời mình, đó là ý thức trong mỗi cái tôi của chúng sanh.
 
Đức Phật dạy rằng:
 
"Chỉ có ta làm điều tội lỗi,chỉ có ta tránh điều tội lỗi, chỉ có ta gội rửa cho ta. Trong sạch hay ô nhiễm là tự nơi ta, không ai có thể làm cho người khác trở nên trong sạch".
 
Thành ra bạn có cúng, có tụng kinh, có thả chim thả cá, có ăn chay mút mùa cũng đâu có tác động gì được tới tổ tiên mình ở thế giới nào đó.
 
Đạo Phật rất tiến bộ,hơn hai ngàn năm trước mà đã có quyền sống, quyền tự do, quyền bình đẳng, đâu cần tới cách mạng tử sản Pháp hay Huê Kỳ lập quốc mới có khái niệm này.
 
Với Đức Phật, con đường Bát Chánh Đạo, con đường Trung Đạo là con đường chơn lý của con người.
 
“Mấy lời tâm phúc ruột rà
Tương tri dường ấy mới là tương tri”
 
Thành ra tháng 7 về cũng như những tháng khác thôi,chỉ là mưa nhiều một chút.
 
Đừng mê tín cô hồn hay ma quỷ gì,đừng cúng kiếng gì hết,không đốt giấy tiền vàng bạc, không quăng bánh đầy đường.
 
Và nhớ tránh xa ba cái trò bông trắng,bông đỏ màu mè,không thực chất.
 
Chúng sanh an hòa từ trong tâm tưởng chứ không phải từ hình thức mê tín.
 
NGUYỄN GIA VIỆT

__________________


Hoang Nguyen gởi