Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh




 
CON SÓNG CỦA TÂM THỨC
 
Quang Minh
 
 
Sóng có khi ồn ào mà có khi lặng lẽ, sóng có lúc dữ dội mà có lúc dịu êm. Nhưng vốn dĩ con sóng chỉ là trạng thái của nước, mà tính nước vốn là yên ắng, là tĩnh lặng. Và dòng Tâm thức cũng như con sóng. Nên gọi là con sóng của Tâm thức. 
 
 
Vạn vật hiện tượng trong Tâm có sinh ắt có diệt, có thành ắt có hoại, có khởi ắt có chấp, có buông ắt có tịnh, có xả ắt có an. Trong sự biến hóa của Tâm thức thì những vọng niệm khởi lên đều chung thủy không có chỗ sinh cũng không có chỗ diệt. Ai mà nói diệt vọng niệm hay chặn vọng niệm thì người đó chưa hiểu đạo. Đạo phải là thông suốt không ngăn ngại, không vướng mắc, không khởi tâm chặn hay diệt trừ vọng niệm vì ngay trong ý đó cũng đã là một vọng niệm rồi. 

Khi tư lương việc ác thì đó là vọng niệm ác. Vậy tư lương việc thiện có phải là chân niệm không? Xin thưa đó không phải là chân niệm mà đó cũng là một vọng niệm, mà là vọng niệm thiện. Và chân niệm là không tư lương việc ác hay việc thiện. Khởi nên suy nghĩ, khởi nên một ý nghĩ cho dù thiện hay ác cũng đều là vọng. Nếu biết vọng niệm mà không theo đó là chân. Như vậy biết vọng không theo chính là chân niệm cũng gọi là Chánh Niệm. 

Tâm thức ta tựa sóng biển muôn trùng khơi, cứ vỗ bờ ngày đêm, con sóng cuộn từng cơn. Quay cuồng vỗ vào " bờ cát" là niệm trần, niệm cảnh, niệm tài, niệm danh, niệm sắc, niệm thực, niệm thùy, niệm tình, niệm nghĩa, niệm nhân, niệm ác, niệm thiện...mà khiến " con sóng" của Tâm thức không khi nào được yên. Có lúc sóng vỗ nhẹ là lúc thư thái mà có lúc sóng vỗ ầm âm đó là khi lửa lòng thiêu đốt Tâm trí cuồng quay. 

Đã là con sóng thì có lúc này lúc khác, lúc dữ dội mà có khi dịu êm, có lúc ồn ào mà có khi lặng lẽ nhưng thể sóng cũng là do nước mà thành. Và bản chất của nước là yên bình và tĩnh lặng, thanh an và dịu êm. Cũng như vậy,"sóng" tâm thức khởi là do "vọng niệm trần lao" cứ thôi thúc bởi lửa lòng Tham, sân, si. Hãy dập tắt ngọn lửa lòng Thâm, sân, si bằng cách cho nước "chân niệm" vào, mà " chân niệm" là " biết vọng không theo" để vọng tự sinh ắt tự diệt, tự thành ắt tự hoại...mà không khởi tâm tác ý và thông qua sự quán thực tướng các pháp để biệt vọng niệm mà không chấp không theo, chứ không phải bằng con đường tư lương nghĩ suy. 

Có người nói Tâm thức là hư vọng, đó không phải chân tâm, vậy cũng như nói " con sóng không phải nước",  thì ta biết điều đó là không đúng. Sóng hình thành từ nước, là biến thể của nước tạo ra, kỳ thực cũng là nước mà thôi. Nếu không tư lương, không vọng niệm, nghĩ suy, không chấp niệm thì ngay lúc đó tâm thức sẽ quay về với "bản tánh nước tĩnh lặng, yên bình". Hãy để những gì trong lòng cuốn ra biển, về đại dương sâu thẳm của Tâm thức, để ta thấy được sự rộng lớn Tâm hồn. Để bao phiền muộn sầu não, khổ lụy chìm vào đại dương sâu thẳm, và không còn gì ngoài một hình bóng hư ảo giữa trần gian. Tâm hồn rộng lớn tựa biển khởi, dung chứa bao hàm tất cả không ngăn ngại. Và đạo chính là sự rộng lớn của Đại Dương Tâm hồn.