Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
CON THÚI



Nó tên là con Thúi chứ không phải là con Thuý, như tên một cô bé học trò trong  truyện của Duyên Anh - hay nếu đồng hóa chữ  y (dài) thành i  (ngắn)  như ông nhà văn Nguyễn Ngu Í đề xướng thì càng sai nữa.
 
Con Thúi là con ở giữ bò nhà tôi, trong những năm tôi học tiểu học và cả khi lên trung học. Khi nó đến nhà tôi, một con bé đâu khoảng mười, mười một tuổi, nước da xanh mướt, tóc tai bùi nhùi nhớp nháp. Tôi đi học về thấy nó đứng dưới bếp nấu cơm cùng mẹ tôi.
 
Thấy con bé lạ, nên tôi hỏi mẹ:
 
- Con ni là con mô ri?
 

 
Mẹ đáp:
 
- Nó là con ở mới của nhà mình đó, tau mới thuê nó về giữ bò và phụ việc, nó ở dưới “đầm” ấy.
 
Tôi quay nhìn con bé, cười hỏi:
 
- Mi tên chi?
 
- Tên Thúi.
 
Tôi nghe lạ hỏi lại:
 
- Tên chi?
 
- Thúi.
 
Tôi buộc miệng.
 
- Tên chi mà kỳ, mới nói lên nghe thúi hoắc.
 
Mẹ tôi cười, con Thúi cũng cười. Nó ngước mặt lên nhìn tôi, đôi mắt của nó đầy nước mắt và hàng lông mi sụp xuống. Con nầy bị “nheo” mắt rồi đây. Ở dưới Đồng Rạ, dưới “đầm”, ai cũng bị bịnh này.
 
Nó nhỏ hơn tôi một, hai tuổi gì đó nên nó thường kêu tụi tôi - chị Khiêm là chị hai, anh Giảng là anh tư, và tôi là anh năm.
 
Hàng ngày nó giữ bò, hốt phân, quơ củi. Khi về nhà thì rút rơm cho bò ăn, rồi vào bếp nấu cơm phụ mẹ tôi, rồi rữa chén…Nghĩa là nó làm không hở tay.
 
 Ở nhà quê mà, hết mẹ tôi sai vặt, đến chị hai tôi sai. Còn tôi, thì có con Thúi giúp việc rồi nên tôi không còn giữ bò nữa. Mẹ tôi mướn nó giữ bò thế tôi, để tôi có thời gian học bài, vì tôi đã học lên lớp nhất trường tiểu học rồi, tôi cần có thì giờ học để cuối năm thi đậu vào trường công lập quận lỵ nữa chứ.
 
Con Thúi cũng siêng năng lắm, nó làm đủ thứ chuyện mà không bao giờ than vãn điều gì. Ngồi ăn cơm chung với gia đình tôi, nó thường ngồi gần nồi cơm, cho nên có bổn phận phải bới cơm cho mọi người. Nghĩa là thường phải bới luôn tay, khi thì mẹ tôi đưa chén bới, rồi tới cha tôi, đến tôi, đến chị hai…Khi nào mọi người đang ăn còn cơm trong chén, nó mới “và” được mấy miếng cơm vào miệng. Nhiều lúc đang và cơm, nó phải bỏ chén cơm xuống  để xới cơm nếu có người đưa chén. Cũng thật tội nghiệp. Nhưng lúc đó tôi còn quá nhỏ, không biết làm gì thêm về tình thương những người dưới mình, cứ tưởng chuyện đó cũng bình thường thôi.
 
Tôi ít nói chuyện với con Thúi, chỉ thường sai vặt nó.
 
“Thúi, mi ra xách nước đổ đầy trong lu cho tau tắm. Thúi, mi ra rút rơm cho bò ăn đi. Thúi, sao heo kêu quá vậy, mi vô bếp lấy nồi cám heo múc cho nó ăn đi…”. Nghĩa là đủ thứ chuyện, không cần biết nó đang làm gì, nhưng thấy cái gì cần là tôi sai.
 
Nói vậy chứ tôi cũng thương nó, khi đi hái trộm ổi bên vườn ông Nhẫn hay vườn ông bảy Bung, tôi cũng đem về cho nó một vài trái. Tôi quăng trái ổi vào góc bếp rồi nói trổng không, “cho mi nề”, thế là nó lượm trái ổi, rửa qua quít rồi nhai ăn ngon lành.
 
Nó đi ở nhà tôi, hàng năm mẹ tôi may cho nó đâu hai cặp đồ (áo quần), trả cho cha nó mấy ang gạo, thế thôi. Nhà nó nghèo lắm, cha nó mẹ nó cũng bị “nheo” như nó. Nhà nghèo quá làm không đủ ăn nên cha mẹ nó phải cho nó đi ở đợ
 
Con Thúi ở nhà tôi đâu mấy năm, cũng quen chân quen tay lắm rồi, nên cha mẹ, anh chị em tôi cũng thương nó như người nhà. Mãi đến mấy năm sau, quê tôi mất an ninh phải tản cư xuống thị xã, nó mới trở về lại nhà nó. Lúc đó, gia đình tôi bỏ quê rồi, không còn ruộng, không còn bò, thì nuôi “con ở” làm chi, mà đâu có gạo cơm dư thừa để mà nuôi nó nữa chứ.
 
*
 
Có một chuyện cũng vui vui xin kể ra đây.
 
Đó là năm anh Giảng tôi ra học ngoài Đà Nẵng. Cuối tuần ảnh đi xe đò về thăm nhà, chiếc xe Phi Long đang ngon trớn chạy trên quốc lộ 1, sắp đến Tam Kỳ, thì anh lơ xe vỗ vỗ vào thùng xe, nói lớn:
 
- Bị giải phóng đón đường rồi bà con ơi. Tụi tôi phải dừng xe lại thôi, để họ kiểm soát.
 
Lời thông báo của người lơ xe như một tiếng sét đánh ngang tai, ai cũng giật mình lo sợ. Tiếng mọi người trên xe ồn ào nổi lên, chết cha rồi, làm sao đây, làm sao? làm sao?.
 
Giai đoạn này mấy ông “giải phóng” hay tìm những nơi vắng vẻ trên đường quốc lộ 1, đắp mô để ngăn chặn xe đò ngừng lại. Họ thu tiền và bắt giữ người, coi thử có sĩ quan quân đội, viên chức chính quyền hay cảnh sát quốc gia đi trên xe không? Nếu có thì bắt dẫn đi.
 
Anh Giảng tôi là học trò, nhưng cũng rất sợ, vì đây là lần đầu tiên gặp cảnh giải phóng chận đường, nên ai cũng lo sợ.
 
“Giải phóng” lấy những khúc gỗ lớn bỏ lăn lóc trên đường để chặn xe đứng lại. Có lẽ cánh xe đò thường gặp cảnh này nên họ thấy cảnh “đắp mô” là họ báo động ngay. Ai có giấy tờ liên quan đến chính quyền đều tìm cách cất dấu hay xé bỏ. Những anh lính mặc quân phục thì lo cuống cuồng, mặc bộ đồ “trây di” trên mình thì không còn chối cải vào đâu được nữa, bị bắt dẫn đi là cái chắc.
 
Tất cả mọi người đều xuống xe, mặt ai cũng không còn một chút máu. Trong một lùm tre rậm, có khoảng ba người đàn ông bận đồ đen, cầm súng AK dương ngang, trong thế tác chiến.
 
Một người ra dáng chỉ huy, bước lại gần đám dân:
 
- Mấy cô bác thông cảm, tụi tôi là lực lượng giải phóng miền Nam…
 
Quảng cáo cho Giải phóng miền Nam một hồi, rồi họ ra lệnh cho mọi người trình giấy tờ. Ai cũng lấy căn cước cầm tay để  đưa cho giải phóng xét.
 
Ai giấy tờ  mà bị nghi ngờ thì họ bắt đứng qua một bên, nhất là đàn ông con trai. Những thanh niên dù bận đồ dân sự  cũng bị họ xem xét kỷ lưỡng, như tìm dưới nhượng chân, có bị chai sần không, nếu chai sần thì họ nghi là đi lính, phải mang “bót đờ sô” thường xuyên nên bị chai…Với mánh này, họ bắt khá nhiều thanh niên.
 
Anh Giảng là con trai mới lớn, còn đi học, thế mà cũng bị “đứng qua một bên”…Cuối cùng thì ảnh cũng bị bắt đi theo đám thanh niên bị nghi ngờ đó…
 
Điểm bị chận khoảng giữa Kế Xuyên với Tháp Chàm Chiên Đàn. Đám giải phóng chỉa súng dẫn đám thanh niên khoảng gần mười người, dẫn xuống miệt dưới Kỳ Anh, tức xóm Đồng Rạ hay là “đầm” đó.
 
Đám thanh niên ai cũng lo lắng, nhưng bị bắt dẫn đi nên đành chịu trận. Anh Giảng tôi chắc cũng “té đái ra quần”. Qua những đoạn đường gập ghềnh khúc khuỷu, đến những trảng cát dài hun hút nóng nung người, rồi đến một xóm chài lơ thơ mấy ngôi nhà tranh, mới dừng lại.
 
Sau khi đám bị bắt khai lý lịch trích ngang trên một tờ giấy manh, đám bị bắt cũng được cho ăn cơm nắm với muối vừng, xong được cho nghỉ. Đến tối, họ nói, cần tập họp các anh lại để  học tập, sẽ có đồng chí lãnh đạo đến sinh hoạt.
 
Buổi tối đến, tất cả được dẫn vào trong một căn nhà tranh rộng hơn, đám bị bắt ngồi dưới đất, để nghe lãnh đạo thuyết trình.
 
Những người giải phóng vai đeo súng, đội nón tai bèo, áo quần đen, ra sinh hoạt trước. Họ chữi Mỹ Ngụy đủ thứ, rồi sau đó họ giới thiệu một lãnh đạo sẽ ra trao đổi với các anh về đường lối chính sách của cách mạng.
 
Người lãnh đạo này là một phụ nữ, anh Giảng nhìn kỷ thì sững sốt, đúng là “con Thúi đi ở nhà mình” mấy năm trước.
 
Trong bóng đèn dầu lờ mờ, con Thúi bận đồ đen, đội nón tai bèo, mang xắc cốt, ra nói “Tình hình thế giới và đường lối của Cách Mạng”. Anh Giảng phải cố dấu mặt vào chỗ tối nhất để con Thúi không nhận dạng. Con Thúi cũng biết “tràng giang đại hải” về những chuyện như ngụy là tay sai, Mỹ là tên sen đầm quốc tế…đủ cả. Nó nói cũng hai mươi phút mới xong. Bài nói của con Thúi “cách mạng” y như trên loa phóng thanh. Xong, nó vỗ tay trước rồi chào ra về.  Đám bị bắt được dẫn đến một ngôi nhà khác ngủ.
 
Anh Giảng nhà tôi phải một phen hú vía, may mà con Thúi không phát hiện ra anh, “kẻ thù giai cấp” của nó, có lẽ anh đi học xa nên ít ở nhà, ít tiếp xúc với nó, nên nó không biết, nếu nó phát hiện thì số phận của anh Giảng sẽ ra sao cũng không biết nữa!
 
Sáng hôm sau, đám bị bắt, một số được trả tự do vì họ không tham gia gì trong chính quyền hay quân đội, trong đó có anh Giảng tôi vì còn là học sinh. Còn số bị nghi ngờ thì phải ở lại.
 
Một lần nữa anh “hú vía”.
 
Khi về nhà, anh kể lại chuyện trên, tôi không tin nỗi, cả  nhà  cũng không ai tin nổi. Một con Thúi một chữ đập làm hai không có, mà chỉ có mấy năm theo cách mạng, nó đã giác ngộ và tiến bộ dữ vậy sao?.
 
Nghe anh Giảng kể lại như một truyện cổ tích khôi hài, cả nhà tôi cười ha hả.
 
Mấy năm sau, cũng mấy năm sau, mẹ tôi nghe tin từ xóm Đồng Rạ, của mấy người quen cũ, máy bay trực thăng đã bắn con Thúi chết phơi thây trên trảng cát. Nó chết đi tôi cũng thấy thương cảm vô cùng, chắc là nó chẳng biết gì, chỉ đi theo cách mạng theo lời dụ dỗ bùi tai thôi.
 
Cuối cùng thì cũng qua một đời của nó.
 
 
Trần Yên Hòa

________________


Đỗ Hứng gởi