Cộng Nghiệp & Biệt Nghiệp
Nghiệp, thói quen, huân tập tạo thành,
Nghiệp chi phối tất cả chúng sinh.
Nghiệp sở trụ trên mọi chúng sinh,
Không chúng sinh, nghiệp vô sở trụ.
*
Biệt nghiệp, ảnh hưởng tới cá nhân,
Đồng nghiệp, ảnh hưởng tới tập thể.
Thiện nghiệp, ác nghiệp, thiện ác chung,
Nghiệp riêng, nghiệp chung, đồng nghiệp chủng.
*
Biệt nghiệp, tiệm nghiệp, vọng kiến tâm,
Nghiệp vô sắc tướng, vô bản lai.
Nghiệp riêng, nghiệp chung, tương quan nghiệp,
Tâm chuyển, nghiệp chuyển, thế giới chuyển.
*
Cá nghiệp, thành phần của cộng nghiệp,
Những biệt nghiệp ảnh hưởng đồng nghiệp.
Cộng nghiệp chi phối những cá nghiệp,
Nghiệp lực hấp dẫn đồng biệt nghiệp.
*
Nghiệp do ý sinh niệm phân biệt,
An phận thủ thường, cầu bất đắc,
Nhẫn nhục, chịu đựng cũng bất an.
Khoái lạc đau khổ, quán vô thường.
*
Minh tâm xúc cảnh bất sinh nghiệp,
Tâm an tịnh, nghiệp ý an bình.
Quán ngũ uẩn không, thân bất hoại,
Phá chấp ngã, nghiệp sở trụ đâu?
Pháp luận
“Một lần đức Phật ở trong thất trên núi Linh Thứu trong lúc có nhiều đoàn khất sĩ đi thiền hành gần đó. Một nhóm khất sĩ đi cùng thầy Xá Lợi Phất. Một nhóm khác đi cùng thầy Mục Kiền Liên. Một nhóm khác đi cùng thầy Ca Diếp. Đoàn khác đi cùng thầy A Na Luật. Đoàn khác đi cùng thầy Phú Lâu Na. Đoàn khác đi cùng thầy Ưu Ba Ly. Đoàn khác đi theo thầy Đề Bà Đạt Đa. Lúc này Phật hỏi các thầy đang ở bên cạnh, Này các thầy, những thầy đi theo thầy Xá Lợi Phất là những thầy có trí tuệ lớn, những thầy đi theo thầy Mục Kiền Liên là những thầy có đại thần thông, những thầy đi theo thầy Ca Diếp là những thầy ưa tu hạnh đầu đà, còn những thầy đi theo thầy Đề Bà Đạt Đa là những thầy trong tâm vẫn còn ác dục. Phật tiếp: Ai cùng đi theo người nào là đã có cái nghiệp chung với người đó. Các thầy đi theo thầy Xá Lợi Phất là có nghiệp chung với thầy đó về trí tuệ. Các thầy đi theo thầy Mục Kiền Liên là có nghiệp chung với thầy đó về thần thông. Cho tới các thầy đi theo thầy Đề Bà Đạt Đa cùng có nghiệp chung về tâm vẫn còn ác dục. Các nghiệp chung đó có từ quá khứ, hiện tại và vị lai cứ theo nhau không rời. Đó là cộng nghiệp của các thầy thời xưa.”
Đại khái, nghiệp theo nghĩa bóng, có trọng lực, sức hút, hấp dẫn lẫn nhau.
Dựa theo lối giải thích của Đức Phật ở trên thì “ai cùng đi theo người nào là đã có cái nghiệp chung với người đó.” Hay diễn tả rõ ràng hơn - ai cùng đi theo biệt nghiệp người nào là đã có cái nghiệp chung với người đó. Thiện đi theo thiện. Ác đi theo ác. Ngưu tầm ngưu mã tầm mã. Đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu. Hữu duyên năng tương ngộ, vô duyên bất tương phùng.
Đức Phật giải thích cho các thầy đang đi theo mình, “những thầy đi theo thầy Xá Lợi Phất là những thầy có trí tuệ lớn, những thầy đi theo thầy Mục Kiền Liên là những thầy có đại thần thông, những thầy đi theo thầy Ca Diếp là những thầy ưa tu hạnh đầu đà, còn những thầy đi theo thầy Đề Bà Đạt Đa là những thầy trong tâm vẫn còn ác dục.”
Tuy nhiên, theo luật Vật lý từ trường, nam châm – cùng cực đối kháng nhau. Khác cực hấp dẫn nhau.
“Like poles repel each other and unlike poles attract each other.”
Khó mà tìm được người tri kỷ tri bỉ, cùng sở thích, đồng biệt nghiệp, trên đời. Nhưng nếu tìm ra được, thì người đó không phải là bạn ta, mà chính là kẻ thù của ta.
Cũng như đi tìm được người phối ngẫu, đồng biệt, đồng cộng nghiệp, để ăn đời ở kiếp, là chuyện không tưởng.
Mong cầu gặp đặng người đồng tâm đồng tình với ta. Người cùng đồng biệt nghiệp, đồng nghiệp, đồng duyên để cùng được xe tơ kết tóc, sống với nhau lâu dài ở đời. Đó cũng như đi tìm lông rùa, sừng thỏ.
Cầu bất khả đắc. Cầu một đàng ứng một nẻo.
Trái lại, kẻ mà ta đang sống đời, chính là kẻ oan gia, nợ nần, oán tăng hội khổ, khắc khẩu, khắc mệnh, khắc tính tình lại có mãnh lực hấp dẫn nhau, bởi nghiệp quả, trả vay.
Ghét quả nào được quả đó. Không cầu cũng ‘bị được.’
Cho nên, chúng ta thử cầu nghèo, cầu khó, cầu xui, cầu bệnh, cầu khổ, cầu thi rớt, cầu chết, cầu lấy người mình ghét, xem thế nào?
Vị kỷ hay vị tha?
Trong tình yêu, khi ta yêu thích người nào. Thật ra là ta tự yêu ta. Khi người nào đó yêu ta, thật ra, họ chỉ yêu chính họ. Hậu hôn nhân đã chứng minh chân lý này.
“Tình chỉ đẹp khi còn giang dở,
Đời mất vui khi đã vẹn câu thề.”
Tình yêu, ái dục chỉ là những trạng thái vị kỷ của tham sân si.
Nếu, hai người cùng yêu lẫn nhau. Hừm! Cả hai tự yêu lẫn mình, hay tự mỗi mình yêu cả hai?
Đây chính là một công án thiền, đồng nghiệp yêu – vị tha - nhưng khác biệt nghiệp yêu – vị kỷ.
Dĩ nhiên, những suy luận trên đây không nhất thiết tuyệt đối, mà chỉ là như thị tri kiến.
Đúng sai
Khi ta đúng mà người khen ta đúng. Đó là bạn ta.
Khi ta quấy mà người khen ta phải. Đó là nịnh ta.
Khi ta sai mà người nói ta sai. Đó là thầy ta.
Khi ta đúng mà người nói ta sai. Đó chính là vợ ta.
Cho nên khi vợ ta chê ta – dại nhà dại chợ, ăn cơm nhà vác ngà voi, không khôn ngoan, giàu có hơn chồng người khác. Có nghĩa là ta đúng – vợ ta sai – đấy. Bởi vì, vợ người khác cũng chê bai chồng của họ như vậy.
Tào Tháo dạy: Phàm việc quốc gia đại sự cứ về nhà hỏi vợ. Vợ dạy một đường ta làm một nẻo thì chắc chắn sẽ đại công cáo thành.
Nhất Vợ, nhì trời. Trời là thứ, mà còn biết tất cả mọi chuyện trên trời dưới đất. Huống chi là nhất vợ.
Chồng phải biết cung cúc tận tụy trung thành phục vụ vợ, đi thưa, về dạ. Đó gọi là oan gia đồng biệt nghiệp vọng kiến, cho đến khi được vợ trả tự do, cho giải thoát. Cho nên, thời đại bây giờ, nhất là ở Tây, ở Mỹ, làm chồng chưa chắc là sung sướng.
Thiện ác thuận nghịch?
Theo như câu chuyện – như thị ngã văn – kể trên. Rất tiếc, các thầy đang đi theo Đức Phật lúc đó, lại không dám hỏi Đức Thế Tôn:
Vậy thì chúng con đang đi theo Đức Thế Tôn bây giờ, thì biệt nghiệp và cộng nghiệm như thế nào?
Thêm nữa, tất cả đệ tử đang theo Đức Thế Tôn, bởi vì có thầy Đề Bà Đạt Đa tâm còn ác dục đi theo Đức Phật, là những thầy trong tâm còn chút ác dục?
Xin Đức Phật nhủ lòng từ bi ban pháp cho chúng con.
‘Thiện đi theo thiện. Ác đi theo ác’ chỉ là thực tế một chiều. Chiều trái ngược, rất thực tế, ‘ác đi theo thiện. Thiện đi theo ác.’
Cho nên, những thầy đi theo thầy Đề Bà Đạt Đa, chưa hẳn là trong tâm họ vẫn còn ác dục. Ngay cả, Đề Bà Đạt Đa cũng chưa hẳn có biệt nghiệp ác dục, mà có thể ngược lại.
Đây chính là một công án rất quan trọng mà ít có ai thuyết minh.
Nhờ có, thầy Đề Bà Đạt Đa diễn xuất kép độc, ác bồ tát, mà công việc hoành pháp của Đức Thế Tôn viên diệu. Những hành động ác dục của thầy Đề Bà Đạt Đa không vọng động được Đức Phật vì ngài đã tuyệt đối giác ngộ. Thầy Đề Bà Đạt Đa trong quá khứ đã giác ngộ, vị lai sẽ tái giác ngộ. Không lẽ nào, bấy giờ, bổng chốc, trong một kiếp mà thầy trở nên độc ác?
Thầy Đề Bà Đạt Đa trong kiếp đó thay vì là ác nhân, ngài lại chính là ‘ân nhân’ của Đức Thế Tôn. Ngài là thử thách của Đức Thế Tôn. Thầy Đề Bà Đạt Đa là phản ảnh của biệt nghiệp và cộng nghiệp. Những hành động ác trược, những thử thách, ganh đua, tỵ hiềm của thầy Đề Bà Đạt Đa đối với Đức Phật, đã tự nó chứng minh đặc tính viên mãn của Đức Thế Tôn. Ngài đã được ấn chứng, vượt qua thử thách, và đã thật sự đạt vô thượng chánh đẳng chánh giác như Ngài đã tuyên bố – kim cương bất hoại.
Như chúng ta đã từng thấy, nhiều người tự xưng mình là chân tu đắc đạo, từ bi hỷ xả. Nhưng khi bị chất vấn, chỉ trích, không đối đáp được – bất thần, thịnh nộ, nổi sân si, mắt lộ hung quang, biến sắc, trở thành hung dử, nói lời thô tục – lòi đuôi chồn tinh.
Một mình thầy Đề Bà Đạt Đa còn giá trị hơn đám cao đồ, đệ tử cung cúc tận tụy đi theo Đức Phật – bảo gì cũng cả tin, nói gì cũng cung kính nghe theo, và thuộc lòng, ghi nhớ như vẹt. Mặc dù, đa số không hiểu, chưa thông, nhưng không ai dám hỏi Đức Phật tại sao, hay xin Đức Phật giải thích rõ ràng hơn. Vì sợ mang tội bất kính với Đức Phật, hay hổ thẹn, lòi cái ngu muội, kém trí tuệ tu hành trước mọi người.
Thầy dạy mà trò không hiểu – một là trò độn căn – hay thầy dạy dở.
Đức Thế Tôn đã dư biết, chúng sinh tuy đồng căn nhưng tâm trí bất đồng. Bởi vì, ‘pháp trường’ của Ngài hồi đó không có những lớp biệt nghiệp riêng – cho từng trình độ từ tiểu học, trung học, đại học, tới vô học – đồng cọng nghiệp học hỏi, tự do suy luận, vô lậu như bây giờ.
Đức Phật cũng đã biết những hội chứng cả nể, vô minh, trung ngu nầy của các thầy. Cho nên, thỉnh thoảng, Ngài đã gởi những cao đồ, cũng cho phép họ, dẫn theo các thầy kém trí tuệ, cùng nhau đi hỏi thăm sức khỏe của Duy Ma Cật. Đức Thế Tôn ngầm gián tiếp, nhờ Duy Ma Cật chỉ điểm thêm phật pháp cho các thầy. Đa số, các thầy rất thích được đi thăm Duy Ma Cật, vì họ có thể hỏi pháp thoải mái, mà còn lại được Duy Ma Cật cho coi xiệc – biểu diễn thần thông, biến hóa – như đi xem ciné, kịch nghệ, bây giờ vậy.
Thì ra, đi theo Phật, ở với Phật, đôi khi cũng gò bó, khuôn khổ, và nhàm chán; đi ra ngoài, chắc chắn vui thú, tự do, và tự tại hơn. Bụt nhà, cộng nghiệp, không linh thiêng. Bụt người, biệt nghiệp, linh thiêng hơn.
Đức Thế Tôn cũng đã từng nói – đừng vội tin những gì ta nói, hay bất gì ai nói, mà phải tự mình kiểm chứng, thực nghiệm, và nhìn những gì ta làm, họ làm, rồi mới thật tin.
Thầy Đề Bà Đạt Đa đã hành động đúng theo tôn chỉ của Đức Thể Tôn. Thầy Đề Bà Đạt Đa đã không vội tin, mà thầy đã kiểm chứng, thử thách, ganh đua với Đức Thế Tôn. Thầy Đề Bà Đạt Đa không cần phải đi đâu xa, không cần phải học thêm pháp từ Duy Ma Cật. Thầy không cần luyện thần thông, vì thầy đã đang học pháp môn vô thượng, ‘đối chứng biện pháp thượng thừa,’ từ Đức Phật.
Tuy nhiên, vì thầy Đề Bà Đạt Đa đóng vai gian ác quá xuất thần, nên thầy tưởng thầy ác thật, hành động thật ác, như thật. Đó chính là cái biệt nghiệp mà thầy tự tạo cho mình, khác với cái diệt nghiệp của Đức Thế Tôn. Tuy cả hai cũng cùng ‘đồng chuyên nghiệp giác ngộ’ trong quá khứ.
Thầy Đề Bà Đạt Đa cũng như tất cả chúng sinh, kể cả nhân sinh, đều chỉ là nạn nhân của đồng cộng nghiệp và đặc biệt nghiệp, vô sắc tướng, vô thường, vọng tưởng của chúng sinh trong cõi tam giới mà thôi.
Công án cho chúng ta là Đức Thế Tôn và thầy Đề Bà Đạt Đa có nhận thấy những cộng nghiệp, và biệt nghiệp này lúc đó không?
Nhận thấy thì tại sao không thuyết? Không nhận thấy thì tại sao không nhận thấy?
Rất tiếc, đã không ai cầu pháp đó, cho nên, Đức Phật không thuyết pháp đó, cho những kẻ vô duyên đó.
Biệt nghiệp bất đồng, tuy đồng cộng nghiệp
Tóm lại, rất nhiều người trên đời có biệt nghiệp thiện, tâm tánh hiền lành. Vậy mà họ không những phải bị chia mất cái tốt của họ cho người khác. Đồng thời, họ còn phải bị gánh vác những nghiệp ác của người khác tạo ra. Thậm chí, họ còn phải trả cái cộng nghiệp xấu mà họ không vay của những kẻ khác vay. Đây chính là những công án nan giải. Đời quả thật là bất công?
Cho nên, thiện nghiệp chưa chắc đã gặt thiện quả. Ác nghiệp chưa chắc đã gặt ác quả. Đa số, đồng nghiệp tương khắc. Khác nghiệp tương hợp. Đây là những trường hợp rất thực tế, rất khó phản biện, trừ khi ngoan cố, giải thích một cách ngụy biện như chúng ta từng thấy từ những ‘cao nhân.’
Nghiệp sĩ
Con người sinh ra có thể vì nghiệp dĩ trả vay. Cho nên, chúng nhân sanh sinh trên đời, không phải muốn làm gì thì làm, muốn sống thế nào thì sống. Ngay cả muốn ‘an phận thủ thường’ cũng không đặng.
Dĩ nhiên, đây cũng là công án nan giải. Bởi vì thế mà chúng nhân sinh ‘sáng tác’ ra tôn giáo thần quyền để hy vọng được phù hộ, hay cứu rỗi.
Đức Thế Tôn từ bỏ quyền uy, danh vọng, vinh hoa phú quý đi tầm đạo cứu khổ. Ngài cam sống cô độc, vô gia cư, giữa cảnh màng trời chiếu đất, không phải với mục đích, được tôn kính như một vị giáo chủ ban phước họa cho chúng sinh.
Khác với những tôn giáo cầu xin cứu rỗi (Salvation) khác, Đức Phật chỉ dạy đạo giác ngộ (Enlightenment.) Ngài di mệnh, chúng đệ tử nên “tục diệm truyền đăng.” Tự mình noi theo quang minh trí tuệ Phật, tự tin vào mình mà đi, không nên dựa vào một vị giáo chủ nào cả.
Mỗi chúng ta là chân sư của chính ta, là chủ của nghiệp dĩ của chính ta.
Người Phật tử chân chính không lên chùa cầu lạy phật, với mục đích tham sân si – cầu xin Phật ban phước, cứu nạn, giàu có, khoẻ mạnh, hạnh phúc.
Vô úy, vô ưu, vô ngã là một trong những pháp môn của Đức Phật, là đạo pháp giúp ta diệt khổ, trong tinh thần Bi Trí Dũng.
Nghiệp Dĩ
Nghiệp dĩ bất công, đoạn trường khổ đau,
Đắng cay tủi nhục, cầu bất khả đắc.
Cung cúc tận tụy, không được tin dùng,
Tình nguyện cật lực, cho là tự chuyên.
*
Không dám hó hé, gán cho vô dụng,
Không dám đụng chạm, chúng không để yên.
Gần đất xa trời, công danh lận đận,
Suốt đời luẩn quẩn, giá áo túi cơm.
*
Mang thân bồ tát, chơi trò chúng sinh,
Thành bồ tát dốt, làm chúng sinh ngu.
Muốn sống tầm thường, cũng không sống được,
Muốn làm lợi ích, tiểu nhân ám hại.
*
Muốn thành thường nhân, cũng không toại ý,
Cúi đầu hèn mọn, cũng không yên thân.
Tu tâm dưỡng tánh, nhẫn nhục cam tâm,
Oan nghiệt từ đâu, sao không xả được?
*
Qua cơn sóng gió, ngỡ tạm yên thân,
Không ngờ bảo táp, phục ngầm đâu đây.
Nhân hại chỉ mệt, trời hại mới chết,
Khủng vô bố úy, bình tĩnh mà run.
*
Quán tự kiến tại, ngũ uẩn giai không,
Khổ đau vô thường, vô cầu vô ưu.
Nhân mong vô cầu, phẩm hạnh thanh cao,
Nghiệp đến nghiệp đi, vô thường vô ngã.
Kết luận
Tóm lại, cái biệt nghiệp và đồng nghiệp của một kiếp nhân sinh chỉ là vọng kiến, không phải là biệt nghiệp và cộng nghiệp của dòng nghiệp lực, luân hồi, vô thủy vô chung.
Thiện ác bất phân biệt như chúng ta vẫn thường thấy và đang sống với chúng hằng ngày. Thậm chí, trong ý thiện cũng đã có mầm ác hay ngược lại, trong vô thức.
Thiện ác chỉ là định kiến của nhân sinh đối với nhân sinh. Vũ trụ, tự nhiên, tự nó không thiện không ác, mà là bất nhị.
Thật tại, trong thiền định, Đức Phật đang thuyết cái pháp bất khả pháp đó, cái công án chưa giải thích đó, cho hiện tại chúng sinh.
Như thị tri kiến, như thị thính ngôn, như thị ngã văn, từ kim khẩu của Đức Phật. Trí tuệ cho tôi, thấy như vậy, nghe như vầy, viết như rứa, vì nó là từ kim khẩu của Đức Phật. Nhưng không phải, tôi phải cả tin như rứa.
Rứa thì tôi phải tin như răng?
Ghi Chú
Apriya-saôprayoga-du#kha. Cũng gọi Phi ái hội khổ, Oán tăng ố khổ, Bất tương ai tương phùng hội khổ. Khi gặp gỡ người mà mình oán ghét là khổ, 1 trong 8 cái khổ, 1 trong 5 khổ. Cứ theo kinh Phân biệt thánh đế trong Trung a hàm Q.7, khi thân tâm chúng sinh tiếp xúc với những trần cảnh mà mình không ưa thích thì sẽ dẫn đến khổ đau. Còn theo Đại thừa nghĩa chương quyển 3 thì có 2 loại Oán tăng hội khổ là nội và ngoại. Nội oán tăng hội khổ là quả báo trong 3 đường ác; ngoại oán tăng hội khổ là các duyên như dao, gậy... [X. kinh Đại bát niết bàn Q.12 (bản Bắc); kinh Tứ đế; luận Đại tì bà sa Q.78].