CỘNG SẢN Ở ĐÂU THÌ CŨNG THẾ
LGT: Cách đây năm năm, ngày 13 tháng 7 năm 2017, Lưu Hiểu Ba đã qua đời tại một bệnh viện ở Trầm Dương (Shengang) tỉnh Liêu Ninh (Liaoning), do bị ung thư gan.
Như chúng ta đã biết. giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 2010 được trao cho nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba (Li xiaobo) người đang bị nhà cầm quyền Trung Cộng giam tù. Ông là người nổi tiếng với các câu nói: “Lên tiếng trình bày quan điểm chính trị không phải là một cái tội”, và “Đối lập với nhà nước không có nghĩa là muốn lật đổ chính quyền”.
Cũng như tất cả các nhà cầm quyền cộng sản khác, Trung Cộng đã biểu lộ thái độ bất mãn đối với việc Ủy Ban chấm giải Nobel đã trao giải Nobel Hòa Bình cho ông Lưu Hiểu Ba.
“Nạn nhân đầu tiên” mà nhà cầm quyền Trung Cộng “ra tay” là bà Liu Xia, vợ của ông Lưu Hiểu Ba. Theo tin của một tổ chức Nhân Quyền có trụ sở tại Hoa Kỳ, nhà cầm quyền Trung Cộng đã “quản thúc tại gia” bà Liu Xia.
Cách đây 47 năm, năm 1975, giải Nobel Hòa Bình cũng đã được trao cho nhà tranh đấu bất bạo động là Tiến sĩ Vật lý học Andrei Sakharov của Liên Xô. Vợ của ông là bà Elena Bonner đã thay chồng tới Olso nhận giải thưởng, khi trở về đã bị nhà cầm quyền Liên Xô (lúc đó) tìm mọi cách làm khó dễ. Điều này cho thấy ĐẢNG CỘNG SẢN Ở ĐÂU THÌ CŨNG THẾ!
Và “CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN KHÔNG THỂ THAY ĐỔI MÀ PHẢI THAY THẾ”.
Chúng tôi xin đăng tải bài “Phỏng vấn Andrei Sakharov” do ký giả Vịt Trời thực hiện.
Ký giả Vịt Trời là một trong những bút hiệu của nhà văn Nguyễn Thiếu Nhẫn. Đây là một loạt bài được viết theo lối fiction nhưng tất cả các sự kiện đều y cứ vào tài liệu. Do đó, bài viết chứa đựng rất nhiều sự thật
Sau đây là nội dung bài phỏng vấn Tiến sĩ Andrei Sakharov, giải Nobel Hòa Bình năm 1975:
***
Năm 1975, giải Nobel Hòa bình đã lọt vào tay Andrei Dmitrievich Sakharov, một nhà vật lý học của Liên Xô. Ông đã góp phần đắc lực trong việc chế tạo thành công quả bom nguyên tử và bom khinh khí đầu tiên của Liên Xô.
Có điều gì mâu thuẫn trong việc này? Không có điều gì mâu thuẫn cả. Vì cho tới năm 1975 là năm Andrei Sakharov nhận giải thưởng Nobel Hòa bình, ông đã nhiều năm liên tục đấu tranh cho nền hòa bình của thế giới và sự tự do tư tưởng ở Liên Xô.
Nhờ phương pháp Quantum Leap, ký giả Vịt Trời đã gặp được Sakharov và phỏng vấn ông.
Sau đây là băng ghi âm nguyên văn cuộc phỏng vấn:
-Ký giả Vịt Trời (KGVT): Xin kính chào Viện sĩ Andrei Sakharov. Tôi là ký giả Vịt Trời của tuần báo Tiếng Dân, xuất bản tại San Jose, California.
-Sakharov: Chào ông ký giả. Ông đến từ Mỹ? Sao ông không có được màu da của các ông Tổng thống Mỹ nhỉ. Ông là người thuộc sắc dân nào?
-KGVT: Thưa Viện sĩ, tôi là người Việt Nam sinh sống ở miền Nam trước 1975. Bây giờ tôi đang sinh sống ở Mỹ dưới danh nghĩa người Việt tỵ nạn Cộng Sản.
-Sakharov: Tôi hiểu rồi. Năm tôi được giải Nobel Hòa bình cũng là năm miền Nam của ông bị Cộng sản cưỡng chiếm. Tôi rất thông cảm với dân tộc ông. Nào, ông ký giả muốn phỏng vấn gì ở tôi?
-KGVT: Thưa Viện sĩ, ông có thể nói những gì ông muốn nói về ông và cuộc đời tranh đấu của ông.
-Sakharov: Thế thì có lẽ chúng ta nên bắt đầu từ ngày 21-5-1921, là ngày tôi sinh ra đời. Tôi tên Andrei Dmitrievich Sakharov, sinh ở Moscow trong một gia đình trí thức.Tôi lớn lên dưới thời đại Stalin. Đó là một thời kỳ độc tài và hà khắc. Người dân gần như chẳng có chút tự do dân chủ nào cả. Trong gia đình tôi có cả thảy 9 người liên hệ gần xa đã từng bị bắt giam và
buộc tội là “kẻ thù của nhân dân.” Riêng cha tôi là một giáo sư vật lý học, may mắn không bị bắt bớ gì. Nhờ đó tôi được học hành đầy đủ.
-KGVT: Thưa Viện sĩ, chắc là ông học về Vật lý học?
-Sakharov: Vâng. Tôi học Khoa Vật lý tại Đại học Moscow. Năm 1942 tôi tốt nghiệp sớm lúc 21 tuổi. Năm đó Đức Quốc Xã đang xâm lăng Liên Xô. Hầu hết các trường đại học ở Moscow di tản về miền Đông. Ra trường tôi được tuyển vào một nhà máy chế tạo vũ khí ở vùng Volga. Năm 1945, chiến tranh chấm dứt, tôi trở về Moscow, tiếp tục theo đuổi việc nghiên cứu Vật lý học và lập gia đình.
-KGVT: Thưa Viện sĩ, thế ông bắt đầu tham gia chương trình chế tạo bom nguyên tử vào lúc nào ạ?
-Sakharov: Năm 1948. Năm đó tôi được tuyển chọn trong số các nhà Vật lý học xuất sắc và trưng dụng vào nhóm các khoa học gia nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử và sau đó là bom khinh khí. Đây là một chương trình tối mật. Một trong những người mà tôi làm việc dưới quyền lúc ấy là Kourchatov, một nhà vật lý nguyên tử hàng đầu của Liên Xô lúc ấy. Vì tham gia một chương trình tối mật như vậy nên tôi gần như bị cắt đứt với cuộc sống xã hội bên ngoài, được sự bảo vệ cũng như phải chịu sự kiểm soát gắt gao của cơ quan an ninh.
-KGVT: Thưa Viện sĩ, Liên Xô chế tạo thành công bom khinh khí vào năm nào, và ông có biết rằng một số tin tức kỹ thuật mà Liên Xô có được là do các gián điệp đánh cắp từ Mỹ?
-Sakharov: Ngày 22-8-1953, Liên Xô thử nghiệm thành công quả bom khinh khí, tức bom H đầu tiên. Lúc ấy chúng tôi cũng không biết gì về chuyện các tin tức kỹ thuật hoặc tài liệu liên quan đến bom khinh khí được tình báo Liên Xô đánh cắp của Mỹ. Chúng tôi mỗi người làm việc theo nhiệm vụ của mình. Ngay cả người thân trong gia đình cũng không biết chúng tôi làm việc gì và ở đâu. Ba tháng sau khi Liên Xô cho nổ thành công trái bom khinh khí đầu tiên, tôi chính thức trở thành Viện sĩ Viện Hàn Lâm Khoa học Liên Xô mặc dù lúc đó tôi mới có 32 tuổi và đại đa số các đồng viện khác đầu tóc đã bạc phơ.
-KGVT: Thưa Viện sĩ, thế đoạn đường tranh đấu của Viện sĩ bắt đầu từ lúc nào ạ?
-Sakharov: Dưới thời Nikita Khruschev nắm quyền. Năm 1957, tôi đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Liên Xô đừng tiếp tục thử nghiệm các loại bom nguyên tử hoặc khinh khí để tránh làm ô nhiễm bầu khí quyển. Nhưng tôi đã nhận được lời trách cứ của chính Khruschev cho biết rằng những quyết định thử hay không thử các loại vũ khí này là quyết định của điện Kremlin chứ điều đó không liên quan gì đến các khoa học gia. Cũng trong năm đó, tôi kêu gọi Liên Xô không nên sử dụng các loại vũ khí có tác dụng sát hại hàng loạt này. Sau đó tôi bắt đầu những cuộc tranh đấu chống lại việc thi hành một chính sách độc tài, đảng trị. Tôi chống lại việc Khruschev chủ trương đưa trí thức vào làm việc tại các xí nghiệp hoặc các nông trường núp dưới chiêu bài học tập tinh thần vô sản. Đặc biệt năm 1966, sau khi hai nhà văn Liên Xô là Yuri Daniel và Sinyavsky bị bắt giam với tội “phỉ báng nhà nước Liên Xô,” tôi đã cùng một số trí thức khác viết thư cho Tổng Bí thư Brezhnev tố cáo rằng đây là “một sự tái lập chính sách đàn áp giống như thời kỳ Stalin.” Tôi cho rằng đây là một điều tai hại lớn cho đất
nước.
-KGVT: Thưa Viện sĩ, nếu tôi nhớ không lầm, báo chí Tây phương nói nhiều đến ông kể từ năm 1968?
-Sakharov: Điều ấy có lẽ đúng. Năm 1968, tôi chống lại chủ trương can thiệp bằng quân sự, đưa quân chiếm đóng Tiệp Khắc của chính phủ Liên Xô. Cũng vào năm đó, tôi đưa ra một bản tham luận với tựa đề “Tiến bộ – Sống chung Hoà bình và Tự do tư tưởng.” Bản tham luận này được lén in ra ở Liên Xô. Trong bản tham luận đó, tôi đưa ra một viễn tượng là Liên
Xô sẽ sáng suốt liên kết bắt tay với Tây phương để cứu nhân loại khỏi họa diệt vong, tránh khỏi các thảm họa chiến tranh, đói kém và ô nhiễm môi trường sống. Trong tham luận này, tôi cũng nói đến một Liên Xô tự do, người dân không bị đàn áp.
-KGVT: Thưa Viện sĩ, thế những việc làm đó đã đem lại những hậu quả gì cho ông?
-Sakharov: Khi bản tham luận lọt vào tay các nước Tây phương, hệ thống truyền thông khai thác hết sức tận tình. Tên tuổi tôi bắt đầu xuất hiện trên báo chí và có một số người hoan nghênh, ngưỡng mộ. Nhưng ở Tây phương tôi nổi tiếng bao nhiêu thì trong nước tôi càng bị trù dập bấy nhiêu. Chính quyền Liên Xô coi tôi như một con người có hồ sơ không trong sạch, bị gạt ra khỏi các chức vụ lãnh đạo. Thậm chí tôi còn bị gạt ra khỏi các công trình nghiên cứu quan trọng. Đời tư tôi bị soi mói, theo dõi. Cũng vào thời kỳ đó, vợ tôi mất vì bị ung thư. Chúng tôi không có con.
–KGVT: Thưa Viện sĩ, còn các hoạt động của ông sau đó?
-Sakharov: Năm 1970, tôi lên tiếng chống lại thuyết di truyền của Trofim Lysenko, một viện sĩ trong Viện Hàn Lâm Khoa học Liên Xô. Theo tôi đây là một thuyết “di truyền ngụy trá” vì Lysenko cho rằng các đặc tính hấp thụ được qua ảnh hưởng của môi trường sống có thể được di truyền tới đời kế tiếp. Một ví dụ cụ thể, ông ta cho rằng con người sống trong chế độ cộng sản sẽ truyền lại những phẩm chất tốt cho con cái, và các trẻ con sinh ra dưới chế độ cộng sản sẽ có những phẩm chất tốt hơn các trẻ con sinh ra trong chế độ tư bản. Đó là một sự bợ đỡ trắng trợn và phản khoa học.
-KGVT: Thưa Viện sĩ, năm đó ông có lập một Ủy ban Nhân quyền?
-Sakharov: Vâng, năm 1970 tôi có góp phần thành lập Ủy ban Nhân quyền, một tổ chức đối lập với chính quyền về các chính sách đối ngoại và các vụ vi phạm nhân quyền. Chính trong hoạt động của ủy ban này, tôi đã có mặt theo dõi các phiên tòa xử những ai có những hoạt động chính trị chống lại Nhà nước. Trong một phiên tòa hồi tháng 10-1970, tôi gặp Elena Bonner, vợ sau của tôi. Bà ấy nhỏ hơn tôi hai tuổi, đã ly dị và có hai con. Năm sau, chúng tôi kết hôn với nhau. Elena có cha là người Armenian, một đảng viên nhưng bị thanh trừng và chết trong tù dưới thời Stalin. Mẹ Elena gốc Do Thái và cũng bị lưu đày trong một trại tập trung suốt 17 năm.
-KGVT: Thưa Viện sĩ, tại sao ông không có mặt ở Olso để lãnh giải Nobel năm 1975?
-Sakharov: Khi tôi được giải Nobel, chính quyền Liên Xô không cho phép tôi đi Olso để lãnh giải. Do đó vợ tôi phải đến đấy để đọc diễn văn và thay tôi lãnh giải. Vì việc này, nhà tôi đã bị chính quyền và dư luận Liên Xô dưới sự lèo lái của chính quyền đả kích nặng nề. Chúng tôi gặp đầy dẫy khó khăn và kỳ thị trong cuộc sống. Năm 1980, tôi bị lưu đày ra vùng Gorky và bị cấm trở lại Moscow.
-KGVT: Thưa Viện sĩ, chuyện đó xảy ra như thế nào ạ?
-Sakharov: Ngày 22-1-1980, tôi đang di chuyển trong thành phố Moscow thì bị chận lại ở đường Leninsky Prospekt lúc 2 giờ chiều. Một nhân viên mật vụ ngồi vào trong xe tôi và ra lệnh cho xe chạy về văn phòng của một nhân viên Tư pháp cao cấp. Tại đây tôi được cho biết là vì những hành động chống lại Tổ quốc Liên Xô, tôi bị tước bỏ tất cả các huy chương và phần thưởng từ trước đến giờ, bị tước quyền sinh sống ở Moscow. Ngay sau đó, tôi được một phi cơ chở đến một thành phố trong vùng Gorky. Đây là một thành phố nhỏ, chuyên về kỹ nghệ quốc phòng, và không một ai được đến đó nếu không có giấy phép.
-KGVT: Thưa Viện sĩ, thế bà nhà có đi cùng với ông?
-Sakharov: Không. Chỉ có mình tôi được an trí ở đấy. Nhà tôi vẫn ở Moscow. Thỉnh thoảng bà ấy mới được đến thăm tôi. Đối với Tây phương, Elena là một người vợ từng chia ngọt xẻ bùi với tôi trong những năm gian khổ, nhưng đối với báo chí Liên Xô, bà ấy chỉ là hình ảnh của một gián điệp, hành động theo chỉ thị của Do Thái và CIA. Bà ấy đã chịu tất cả những vu khống và bôi lọ của báo chí chính quyền, bị đa số mọi người, kể cả hàng xóm láng giềng khinh bỉ và xa lánh. Tôi nói điều này để ông biết phần nào về sự tuyên truyền ở Liên Xô thời đó.
-KGVT: Thưa Viện sĩ, ông có thể kể ra một vài thí dụ?
-Sakharov: Có một lần Elena đi thăm tôi ở Gorky trở về bằng xe lửa. Một số hành khách trên xe biết được lai lịch của vợ tôi, chửi mắng Elena một cách thô lỗ và đòi đuổi vợ tôi xuống xe. Họ gọi người Trưởng xa tới, đòi cho tàu dừng lại để trục xuất vợ tôi. Có người bênh vực rằng vợ tôi đã mua vé và như vậy có quyền ngồi trên xe. Cuối cùng viên Trưởng xa phải thu xếp cho vợ tôi ngồi vào trong một toa riêng của nhân viên.
Một lần khác, hàng xóm có đứa con nhỏ bị đau, vợ tôi qua săn sóc. Hôm sau, khi biết được vợ tôi là ai, người hàng xóm ấy đã nói vào mặt Elena rằng: “Đồ điếm, tao thà để con tao chết hơn là để mày mó vào người con tao.” Còn không biết bao nhiêu là chuyện giống như vậy đã xảy ra.
-KGVT: Thưa Viện sĩ, có một thời gian bà nhà cũng bị lưu đày chung với ông? Tại sao lại như vậy?
-Sakharov: Câu chuyện như thế này: Một số công trình nghiên cứu và bài viết của tôi được sử dụng ở Tây phương. Họ trả tiền bản quyền cho tôi. Vợ tôi yêu cầu trả bằng loại tiền “tín phiếu tệ.” Với loại tiền này, chúng tôi có thể mua được đủ thứ tại các cửa hàng ở Liên Xô.
Nếu dùng đồng “rúp,” chỉ mua được các hàng hóa xấu và phải sắp hàng. Như vậy là gián tiếp xác nhận Liên Xô có hai loại tiền tệ, trong khi Bộ Tài chánh cho rằng ở Liên Xô chỉ có một loại tiền tệ duy nhất mà thôi, đó là đồng “rúp.” Vợ tôi bị đưa ra Tòa. Số tiền đó bị xuyên tạcm là do tình báo nước ngoài cung cấp. Mặc dù phiên tòa đó, vợ tôi thắng nhưng sau đó vẫn bị an trí cùng với tôi và không được trở lại Moscow trong 5 năm. Năm đó là năm 1983.
-KGVT: Thưa Viện sĩ, ông không bị trục xuất ra khỏi Viện Hàn Lâm Khoa học Liên Xô?
-Sakharov: Không. Họ muốn lợi dụng tên tuổi tôi trong một số việc. Chẳng hạn việc tôi lên tiếng chống lại chương trình Star War của Mỹ. Khi được một số Thượng nghị sĩ Mỹ hỏi về số phận của tôi cuối năm 1983, Tổng Bí thư lúc đó là Yuri Andropov đã nói rằng tôi bị bệnh thần kinh và cần được chữa trị. Đó là cách thông thường của họ để cô lập những trí thức chống đối: tống vào nhà thương điên. Có một số bạn đồng viện ủng hộ tôi. Chẳng hạn ngày 3-7-1983, các viện sĩ Hàn lâm Khoa học Liên Xô lên tiếng ủng hộ tôi, gồm có Dorodnitsyne, Prokhorov, Scriabine và Tikhonov. Trong những người này, Prokhorov đã từng đoạt giải Nobel.
-KGVT: Thưa Viện sĩ, ông được ân xá vào năm nào?
-Sakharov: Tháng 12 năm 1986, Gorbachev gọi điện thoại cho tôi ở Gorky cho biết tôi có thể trở về Moscow sinh sống. Như vậy mặc nhiên ông ta xoá cái án lưu đày của tôi do Brezhnev áp đặt. Lúc ấy cả hai vợ chồng tôi đều bị bệnh tim. Năm 1986, Elena được sang Hoa Kỳ để chữa mắt và giải phẩu tim. Tháng 12-1988 tôi sang Hoa Kỳ để giải phẩu tim ở bệnh viện toàn khoa Massachusetts. Sau đó trở về Liên Xô. Nói chung từ khi Gorbachev lên cầm quyền, cuộc sống của người dân có dễ thở đôi chút.
-KGVT: Thưa Viện sĩ, ông nghĩ như thế nào về công cuộc đổi mới của Gorbachev?
-Sakharov: Chính tôi là người đầu tiên đã sử dụng chữ Glasnost rất lâu trước khi nó trở thành thông dụng dưới thời Gorbachev. Tôi đã mạnh dạn lên án tội ác của Stalin và kêu gọi phục hồi danh dự cho các nạn nhân hàng chục năm trước khi Gorbachev lên tiếng công khai về vấn đề này. Tôi đã lên tiếng chống lại cuộc xâm lăng Afghanistan ngay từ năm 1980 và việc này là giọt nước cuối cùng làm tràn đầy sự tức giận của chính quyền Liên Xô. Ngay sau đó tôi đã bị lưu đày. Tôi đã lên tiếng tranh đấu cho các sắc dân Tatars ở vùng Criméa, người Nga gốc Do Thái, việc tự do di cư ra nước ngoài, tự do tín ngưỡng. Gorbachev sau này đã xác nhận sự tranh đấu của tôi là đúng bằng chính những việc làm của ông ta.
-KGVT: Thưa Viện sĩ, sau khi trở lại Moscow ông có hoạt động gì về chính trị?
-Sakharov: Sau khi trở lại Moscow tôi ứng cử và đắc cử vào Quốc hội Liên Xô. Tôi đã từng nói rằng tôi trở lại Moscow và tiếp tục tranh đấu như trước khi bị lưu đày. Ngày 12-12-1989, tại Quốc hội Nga, tôi đã kêu gọi hủy bỏ điều 6 của Hiến pháp. Đó là điều luật xác định sự lãnh đạo độc đảng. Tôi kêu gọi một thể chế đa đảng. Nhưng phe Gorbachev đã đánh bại tôi
với tỉ lệ số phiếu là 1.138 chống và 839 thuận.
-KGVT: Thưa Viện sĩ, ông nghĩ như thế nào chế độ Cộng sản?
-Sakharov: Chủ nghĩa Cộng sản đã bị lịch sử vượt qua. Chế độ độc đảng sẽ bị đào thải. Tôi ủng hộ một thể chế dân chủ đa nguyên từ trước khi thể chế này được hình thành ở các nước thuộc Liên Xô. Chủ nghĩa Cộng sản sẽ bị đánh bại trên toàn thế giới, kể cả nước Việt Nam của ông. Chắc ông cũng nghĩ như thế?
-KGVT: Thưa Viện sĩ, không phải riêng cá nhân tôi. Mà tuyệt đại đa số đồng bào tôi cũng nghĩ như thế.
-Sakharov: Tôi muốn nói với ông và với đồng bào ông một điều: Chế độ Cộng sản không bao giờ chịu chấp nhận rằng chế độ ấy phải bị đào thải. Những người Cộng sản sẽ làm mọi cách để mưu tìm sự sống còn và bám víu vào quyền lực đến phút cuối cùng. Người dân phải đứng dậy lật đổ nó. Trong cơn hấp hối, chế độ ấy có thể sẽ thay hình đổi dạng, nhưng bản chất độc tài áp bức sẽ không bao giờ thay đổi.
-KGVT: Thưa Viện sĩ, trước khi chấm dứt cuộc phỏng vấn, xin hỏi ông một câu: “Trong đời ông có tiếc điều gì không?”
-Sakharov: Có. Tôi tiếc là không sống tới lúc lá cờ búa liềm ở Liên Xô phải hạ xuống. Tôi cũng tội nghiệp cho Elena. Bà ấy phải đồng cam cộng khổ với tôi, bây giờ bà ấy phải tiếp tục cuộc đấu tranh của tôi chỉ có một mình, không có tôi bên cạnh...
-KGVT: Thưa Viện sĩ, thế ông...
-Sakharov: Tôi đã chết ngày 14-12-1989 vì một cơn đau tim, hai ngày sau khi lời kêu gọi sửa đổi điều 6 Hiến pháp Liên Xô của tôi bị Gorbachev đánh bại ở Quốc hội. Trong lúc chuẩn bị lời kêu gọi một cuộc tổng đình công toàn diện để đòi hỏi một chính thể đa đảng, tôi qua đời.
Câu nói cuối cùng của tôi nói với đứa con rể của Elena và cũng là con rể của tôi là: “Ngày mai là một ngày tranh đấu lớn lao nhất của đời tôi.” Tiếc thay ngày ấy không đến. Nhưng tôi cũng mãn nguyện lắm rồi: Nước Nga của tôi bây giờ đang chập chửng đi vào con đường Dân chủ hoá. Hy vọng với thời gian mọi chuyện sẽ tốt hơn. Cầu chúc đất nước Việt Nam của ông
rồi cũng sẽ như vậy.
-KGVT: Xin hết sức cảm ơn Viện sĩ. Xin chúc ông một sự an bình đời đời.
Ký giả VỊT TRỜI
_________________
usaelection gởi