Theo các nguồn tin đăng tải trên các trang báo điện tử thế giới thì cơn đại dịch do siêu vi khuẩn coronavirus đã có phần lắng dịu, tuy nhiên các khoa học gia trên thế giới vẫn đang chạy đua với thời gian để tìm thuốc chữa trị và chủng ngừa hầu tránh sự tái phát của con siêu vi khuẩn độc hại này.
Những tin tức liên quan đến cơn đại dịch bắt đầu chuyển hướng qua tình trạng "hậu đại dịch". Một mặt tìm thuốc chữa, mặt khác tìm thủ phạm đã gây thiệt hại về kinh tế và nhân mạng của 188 quốc gia trên thế giới, với hơn 5 triệu người nhiễm bệnh và trên 3 trăm ngàn người chết. Cũng nên nhắc lại là trên thế giới có 195 quốc gia, kể cả Vatican và Palestine.
Cho dù không theo dõi tình hình và biến chuyển của cơn đại dịch, chúng ta cũng biết cơn đại dịch này do con siêu vi khuẩn coronavirus phát xuất từ thành phố Vũ Hán (Wuhan), thuộc tỉnh Hồ Bắc (Hubei) bên Tàu. Thế cho nên cho dù gọi tên nó là gì, thí dụ như COVID-19 hay SARS-CoV-2 hay vi khuẩn Vũ Hán thì cũng chỉ là một.
Ngoài vấn đề gọi tên, thì việc truy tìm nơi xuất xứ chính xác của con virus này là điều quan trọng. Ngày thứ hai, 18 tháng 5 năm 2020, trong Hội Nghị của Hội Đồng Y tế Thế giới (WHA), 137 trong số 194 các quốc gia thành viên cùng đệ trình một Bản Dự Thảo Nghị Quyết yêu cầu mở cuộc điều tra tìm xuất xứ của coronavirus và lý do khiến nó trở thành đại dịch toàn cầu.
Tàu cộng nhận ra là họ đã thua về phương diện ngoại giao để ngăn chặn một cuộc điều tra về nguồn gốc của virus, Tập Cận Bình đã nhanh chóng đồng ý sẽ ủng hộ một cuộc điều tra, nhưng phải do WHO đứng đầu, với hai điều kiện là:
-
Bắt đầu cuộc điều tra sau khi đại dịch kết thúc
-
Tập trung vào nhiều phương diện hơn là chỉ nhắm vào các hành động của Tàu cộng.
Đây là điều mà Hoa Kỳ không đồng ý vì muốn cuộc điều tra được điều hành bởi một uỷ ban độc lập, không liên hệ đến WHO, vì lý do rất dễ hiểu là ngay từ đầu WHO đã thiên vị Tàu cộng, khi không chịu tuyên bố là đại dịch cho dù virus đã lan truyền trên khắp các châu lục. Ngay cả khi Hoa Kỳ tuyên bố cấm du khách Vũ Hán hoặc đã ghé qua nơi này nhập cảnh Hoa Kỳ, người đứng đầu WHO cũng cho là "quá khích" và có tính cách "kỳ thị".
Điều thứ nhì là thế giới chỉ muốn tìm nguồn gốc của con virus mà thôi, chứ không liên quan gì đến phương cách phòng chống lây lan của bất cứ quốc gia nào khác. Đồng thời chờ đến khi đại dịch chấm dứt thì không biết đến bao giờ, và khiến cho Tàu cộng có thừa thời gian để tiêu huỷ tất cả bằng chứng liên quan đến coronavirus và tuyên truyền làm sai lạc tin tức về đại dịch. Đây là sách lược của Nga Xô (thời cộng sản) mà Tàu cộng đã học theo và sử dụng rất thành công. Bởi vậy Hoa Kỳ không đồng ý ký tên vào danh sách các quốc gia ủng hộ Bản Dự Thảo nói trên.
Với sách lược tuyên truyền theo sách vở của đảng cộng sản Nga truyền lại, Tàu cộng hiện đang mở một mặt trận tuyên truyền trên toàn thế giới:
-
Phương pháp "Chiến binh chó sói ngoại giao - Wolf-Warrior Diplomacy" để dựa trên thế lực ngoại giao được luật pháp quốc tế bảo vệ, mạnh bạo đưa ra những lời tuyên bố sai lạc, vô căn cứ, giả thuyết mơ hồ đôi khi đối nghịch nhau, gây hoang mang trong quần chúng của các quốc gia đang có ý chống lại Tàu cộng.
-
Tung tiền mua chuộc các "bồi bút" của các tờ báo địa phương để viết các bài bình luận dựa trên các lời tuyên bố của các con "chó sói ngoại giao" nói trên.
-
Dùng "Quyền lực mềm - Soft power" để đàn áp, lôi kéo các quốc gia lệ thuộc vào kinh tế hay chính trị đứng về phía Tàu cộng, hoặc không ủng hộ phe nào cả.
Sĩ diện của quốc gia đã bị chà đạp bởi Tàu cộng, vì đã quá lệ thuộc vào kinh tế của chúng.
Cuộc "khẩu chiến" giữa Hoa Kỳ và Tàu cộng tuy mới khởi đầu, nhưng "nồng độ" của ngôn từ của các con "chó sói ngoại giao" đã có vẻ như đã đi quá xa với ngôn ngữ ngoại giao của thế giới. Có lẽ đây sẽ là đòn "gậy ông đập lưng ông", vì các quốc gia Âu Châu cũng như Úc đã nhận ra rằng sĩ diện của quốc gia đã bị chà đạp bởi Tàu cộng, vì đã quá lệ thuộc vào kinh tế (quyền lực mềm) của chúng.
Chủ trương xâm lăng, thống trị thế giới của Tàu cộng đã hiện rõ với chính sách "Vành Đai và Con Đường - Belt And Road" để bành trướng thế lực kinh tế, ngoại giao và quân sự trên toàn thế giới, đồng thời độc chiếm Biển Đông, hầu làm chủ một vùng biển có nhiều tài nguyên ngầm và là một đường giao dịch hàng hải lớn nhất trên thế giới.
Với ý đồ xâm lăng và thống trị, thì luôn phải có sức mạnh đi kèm. Nếu không có đủ sức mạnh, cả quân sự lẫn kinh tế, thì chỉ còn cách làm địch thủ yếu đi, và không một phương nào để đánh đổ kinh tế của đối phương nhanh bằng những "quả bom vi trùng" cài vào người dân để phát tán trên toàn thế giới. Một kẻ khủng bố của chiến binh Hồi giáo quá khích chỉ giết hại được vài người, thế nhưng một "quả bom vi trùng" cài vào người dân đem đi gieo rắc khắp nơi thì sự giết hại khó có thể tiên đoán được.
Thế cho nên, nếu nhìn từ khía cạnh quân sự thì sẽ thấy cơn đại dịch COVID-19 không phải là ngẫu nhiên mà là cố tình, một sự cố tình gây hỗn loạn trên thế giới của Tàu cộng đã vượt quá xa tầm dự đoán của chúng. Đồng thời khiến nhân loại nhận diện ra kẻ thù, và kẻ gây đổ vỡ, chết chóc trên toàn thế giới, sớm muộn gì, cũng sẽ phải trả giá cho hành động của chúng.
Ý đồ của Tàu cộng là lật đổ vị trí lãnh đạo của Hoa Kỳ trên mọi phương diện chính trị, kinh tế và quân sự có thể sẽ đưa đến sự va chạm quân sự để phân thắng bại, ngôi thứ. Chiến lược gia gọi đó là "Cái bẫy của Thucydides - Thucydides Trap", với định nghĩa
Trong kỷ nguyên mới, các quốc gia hùng mạnh đều có vũ khí huỷ diệt hàng loạt, thế cho nên chiến tranh, nếu xảy ra thì sẽ là "Chiến Tranh Lạnh." Đó là điều mà Tàu cộng có vẻ lo sợ hơn là một cuộc chiến tranh bằng bom đạn, bởi vì Tàu cộng, với khả năng hiện tại, không đủ lương thực và việc làm cho 1.4 tỉ người.
Tàu cộng có 20 năm từ ngày gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) để trở thành cường quốc kinh tế, có thể chỉ cần 5 năm là trở về vị trí ban đầu, bởi vì "Xây dựng thì khó, đập đổ rất dễ." Biết vậy, cho nên Tàu cộng tung tiền mua chuộc các "bồi bút" có băng cấp cao, tiến sĩ, để viết bình luận cho rằng chiến tranh lạnh sẽ gây thiệt hại nặng nề cho Hoa Kỳ.
Lịch sử cận đại cho thấy trong thời "Chiến Tranh Lạnh" từ năm 1945 đến 1991 thì nước Mỹ rất yên bình và giàu có. Cửa trường Đại Học rộng mở vì học phí rất nhẹ. Những tiện nghi hiện nay như Internet, GPS, Cellphone, ... đều được phát minh cho quân đội và chính phủ sử dụng trong chiến tranh lạnh.
Nếu kinh tế nước Tàu xụp đổ, thì mộng xâm lăng và thống trị thế giới của Tàu cộng cũng tan thành cát bụi một cách nhanh chóng. Và như thế, thanh bình sẽ trở lại với nước Mỹ và thế giới như hơn 20 năm về trước.
Người Việt ở Hoa Kỳ trong khoảng những năm 1975 đến đầu năm 2000 thì sẽ thấy sự phồn thịnh và an ninh của Hoa Kỳ như thế nào so với tình hình ngày nay. Đó, có lẽ, là lý do ông Donald Trump, xuất thân là thương gia và chưa hề tham dự vào chính trị, lấy khẩu hiệu "Make America Great Again" khiến người dân hồi tưởng về những năm "huy hoàng" trước đó mà dồn phiếu cho ông.
Đó cũng là điều mà chúng ta phải suy nghĩ: "Ngoài sức mạnh phải có về quân sự, thì giữa kinh tế và chính trị, bên nào nặng, bên nào nhẹ?" Câu trả lời có lẽ dễ dàng, vì "Phải mạnh về kinh tế để có tiền nuôi quân." Thế cho nên, nếu kinh tế nước Tàu xụp đổ, thì mộng xâm lăng và thống trị thế giới của Tàu cộng cũng tan thành cát bụi một cách nhanh chóng. Và như thế, thanh bình sẽ trở lại với nước Mỹ và thế giới như hơn 20 năm về trước.
oOo
Đó là chuyện tương lai, bây giờ chúng ta thử điểm qua một vài dữ kiện đáng chú ý của chiến lược "Vành Đai, Con Đường và ... Đại Dịch" của Tàu cộng đã đưa thế giới đến tình trạng của ngày hôm nay.
Thứ Sáu, ngày 22 tháng 5 năm 2020, đảng cộng sản Tàu sẽ nhóm họp đại hội đảng thường niên, khác với mọi năm, vì đã bị hoãn lại từ tháng Ba bởi cơn đại dịch Vũ Hán. Nhà cầm quyền Tàu cộng muốn họp đại hội đảng để phô trương rằng họ đã khống chế được con siêu vi khuẩn coronavirus (COVID-19). Đây là một điều quan trọng, song song với lời tuyên bố trên các loa tuyên truyền của "nhà nước Tàu cộng" và các con "chó sói ngoại giao" là "Tàu cộng đã tìm ra thuốc chữa coronavirus (Made in China chứ không phải là ăn cắp của Hoa Kỳ như chính phủ của ông Trump đã hô hoán)", đồng thời các "bồi bút" ở Hoa Kỳ đã viết bài ca ngợi Tàu cộng hiện đang đứng đầu thế giới về việc tìm thuốc chữa dịch do chúng gây ra.
Ở Hoa Kỳ, hôm thứ hai, ngày 18 tháng 5, trong một buổi họp với các giám đốc của nghành nhà hàng, tổng thống Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích Tàu cộng về việc giải quyết coronavirus.
"Tàu cộng phải chịu trách nhiệm, họ đã làm hại cả thế giới, và ngay cả chính họ. Chúng ta đang có một nền kinh tế tuyệt vời, và Tàu cộng đã tặng cho chúng ta một món quà tệ hại. Đến từ nước Tàu, tôi phải nói thẳng ra như vậy, nếu có ai thắc mắc. Nó lan truyền qua Âu châu và lan tới cả chúng ta. Cả thế giới bị lây nhiễm con siêu vi khuẩn độc hại được phát tán từ Tàu cộng và lan truyền bằng cách này hay cách khác."
Đó là một lời kết án nặng nề nhất của một nguyên thủ quốc gia của một cường quốc. Ông Trump nói thêm rằng ông rất không hài lòng về việc làm của chính phủ Tàu đối với sự phát tán của đại dịch, và cho rằng nó có thể ngăn chặn không khó khăn gì, ngay tại nơi phát sinh ra nó (ý nói thành phố Vũ Hán).
Điều đáng chú ý là trong kỳ đại hội này, Tàu cộng sẽ thảo luận (và có lẽ sẽ ban thành luật) về dự luật an ninh liên quan đến Hong Kong:
-
Cấm gây loạn (biểu tình),
-
Cấm ly khai
-
Cấm lật đổ chính phủ.
Theo các nhà quan sát về tình hình Hong Kong thì dự luật này, nếu được chấp thuận để trở thành luật, thì sẽ gây nên một làn sóng chống đối mới của dân Hong Kong đang đòi hỏi tự do dân chủ, họ gọi luật này là "dấu chấm hết cho Hong Kong" để trở thành "một quốc gia, một chính thể", trái ngược với sự hứa hẹn và tuyên truyền của Tàu cộng là "Một quốc gia, hai chính thể." Điều này khiến chúng ta nhớ lại câu nói để đời của cố tổng thống Việt Nam Cộng Hoà, Nguyễn Văn Thiệu, là "Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm."
Tại Hoa Kỳ, tổng thống Donald Trump đã nói Hoa Kỳ sẽ "phản ứng mạnh mẽ" nếu Tàu cộng chấp thuận dự luật nói trên.
Trước trào lưu "chống Tàu (anti-china)" đang lan tràn trên thế giới, phiên họp thường niên của đảng cộng sản Tàu lần này sẽ là một đại hội quan trọng để chứng tỏ cho dân Tàu thấy rằng đảng cộng sản Tàu vẫn đang ở thế mạnh, và họ Tập chắc sẽ dùng chiêu bài cố hữu là kêu gọi tinh thần dân tộc, chống lại tây phương, bằng sự nhắc nhở về mối nhục "Bát Quốc Liên Minh". Sau đó thì đám "dư luận viên" sẽ đăng những lời khích động tương tự tràn ngập mạng lưới xã hội. Và rồi, một người nói thì chưa tin, hai người nói cũng chưa thể tin, nhưng hàng chục, hàng trăm người nói thì cũng lắm người tin theo. Mà "dư luận viên", hay "nhóm 50 xu", của Tàu cộng thì có hàng ngàn chứ không ít.
Như đã nói ở trên, đề tài quan trọng nhất có lẽ sẽ là làm sao để thoát được sự trừng trị của thế giới vì việc phát tán coronavirus. Đây có thể là vấn đề "sinh, tử" cho họ Tập, nói riêng, và cho cả đảng cộng sản Tàu, nói chung.
Làm thế nào để mua chuộc và xoa dịu tây phương, đó là mục tiêu tối hậu của Tàu cộng trong vài năm tới để tránh phải "Xuống Hố Cả Nút."
Một sự kiện rất quan trọng trong tuần qua là việc bà Tsai Ing-wen (Thái Anh Văn) đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống Đài Loan, nhiệm kỳ 2. Trong bài diễn văn, bà nói "Đài Loan không chấp nhận trở thành một thành phần của Tàu cộng dưới nhãn hiệu Một quốc gia, hai chính thể."
Tàu cộng đã trả lời rằng "Việc thống nhất quốc gia là điều không thể tránh được, và không bao giờ chấp nhận sự độc lập của Đài Loan."
Hai lời tuyên bố như hai phát súng của đối phương. Tuy nhiên, những lời tuyên bố tương tự như thế đã diễn ra rất thường xuyên của đôi bên, và cũng vẫn chỉ là "võ mồm" mà thôi.
Mới đây, dựa vào việc Đài Loan đã thông báo cho WHO và thế giới sự nguy hiểm của coronavirus, Hoa Kỳ vận động để Đài Loan được tái gia nhập WHO với cương vị quan sát viên. Tàu cộng đã mạnh mẽ chống đối lại đề nghị này.
oOo
Từ khi Tàu cộng được gia nhập WTO, năm 2001, thì đa số hãng chế tạo các vật dụng từ đồ dùng hàng ngày trong nhà cho đến đồ chơi cho trẻ em, cũng như các vật dụng quan trọng trong kỹ nghệ như dụng cụ điện tử, thuốc men và y khoa ... đều được đem qua Tàu với lý do nhân công rẻ. Lợi dụng những kẽ hở trong luật lệ thương mại của WTO và lòng ham muốn của các công ty tây phương, hầu hết là công ty Hoa Kỳ, Tàu cộng đã ăn cắp được rất nhiều kỹ thuật của phương tây. Và rồi, chưa đầy 20 năm sau, đã trở thành một cường quốc kinh tế thứ nhì, chỉ sau Hoa Kỳ, nhưng vẫn được duy trì vị trí là "quốc gia đang phát triển" trong danh sách của WTO.
Đại dịch COVID-19 đã khiến Hoa Kỳ nhận ra mối nguy hiểm về việc đem hãng chế tạo qua Tàu, khiến Hoa Kỳ trở thành lệ thuộc vào Tàu cộng. Nguy hiểm nhất là lệ thuộc vào việc chế tạo dược phẩm và dụng cụ y khoa. Nhật Bản nhận thấy sự nguy hiểm này, nên đã trợ cấp cho công ty Nhật dời hãng xưởng từ Tàu cộng qua các quốc gia khác. Tuần qua, chính phủ Hoa Kỳ cũng có dự án tương tự, trợ cấp tiền cho hãng xưởng của Mỹ từ Tàu cộng trở về Mỹ, hay một quốc gia thứ ba nào khác.
Đây là một sự kiện rất quan trọng, vì trên thực tế, nền kinh tế của Tàu cộng hoàn toàn lệ thuộc vào việc cung cấp nhân công rẻ cho hãng xưởng ngoại quốc hoạt động trên nội địa nước Tàu. Nếu Nhật và Hoa Kỳ dời hãng xưởng của họ ra khỏi nước Tàu thì chỉ trong vòng vài năm là nền kinh tế của Tàu sẽ sụp đổ. Và khi kinh tế sụp đổ thì chính quyền rất khó mà đứng vững. Trước viễn ảnh không mấy tốt đẹp, vài tháng trước đây, Tập Cận Bình đã kêu gọi "tinh thần ái quốc" của dân Tàu, và nhắc lại cuộc "Vạn Lý Trường Chinh" của Mao Trạch Đông để khích động dân Tàu. Thế nhưng khi dân Tàu đã được tiếp xúc với văn minh và tiện nghi như computer, cell phone, internet, mạng lưới xã hội, nhà lầu, xe hơi, du lịch ... mà bây giờ phải quay trở lại đời sống của hơn 80 năm về trước với cuộc "Vạn Lý Trường Chinh Kinh Tế" thì xem ra là chuyện "Nói thì dễ, nhưng làm thì không thể."
Để giữ được sự tin tưởng của dân chúng, họ Tập và nhóm lãnh đạo Tàu cộng phải tìm đủ mọi cách để chứng tỏ rằng "Nước Tàu vẫn ở thế thượng phong, và có thể sẽ lãnh đạo toàn thế giới" bằng cách phô trương vũ lực ở Biển Đông, theo đúng sách lược nghi binh của Tôn Tử "Khi yếu thì làm như đang ở thế mạnh." Thế nhưng nhà Phật có câu "Có ba điều không thể che dấu được là mặt trời, mặt trăng và sự thật." Không sớm thì muộn, Tàu cộng sẽ phải thay đổi chính sách đối ngoại cũng như đối nội, khi thế yếu đã bị phơi bày. Hoặc nhắm mắt theo lao với nguy cơ là đảng cộng sản Tàu có thể bị sụp đổ, hoặc tệ hại hơn nữa là lao vào một cuộc chiến tranh huỷ diệt tàn khốc nhất trong lịch sử của nhân loại.
Trong nguy cơ của một cuộc chiến tranh bằng vũ lực, nhiều quốc gia trên thế giới đang tham dự vào cuộc "chạy đua vũ trang" để phòng vệ hoặc tấn công.
Viện cớ các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ ở Biển Đông như tăng cường tuần tra và hải hành theo quy luật "Tự Do Hàng Hải" cũng như việc điều động hai hàng không mẫu hạm nguyên tử USS Theodore Roosevelt và USS Ronald Reagan vào vùng biển Thái Bình Dương cùng với những phi đội oanh tạc cơ B-1 và pháo đài bay B-52, đồng thời yểm trợ Đài Loan, Nam Hàn và Nhật Bản với vũ khí phòng thủ tối tân nhất, những kẻ cầm đầu quân đội Tàu cộng kêu gọi nhà cầm quyền của họ gia tăng ngân khoảng quốc phòng 7.5 phần trăm so với ngân khoảng trước.
Song song với việc tăng cường chi phí quốc phòng, chính phủ Tàu cộng còn lo ngại về sự tái phát của đại dịch Vũ Hán. Nhà cầm quyền Tàu cộng đang tích trữ dầu thô, lợi dụng giá dầu thô xuống thấp vì ảnh hưởng của dịch Vũ Hán. Đồng thời tích trữ thực phẩm tất yếu như gạo, lúa mì ... vì e ngại về việc các quốc gia trên thế giới sẽ lại đóng cửa khẩu, nếu dịch Vũ Hán tái phát.
Trong khi đó, ngoài việc tái thành lập lực lược viễn chinh hồi năm ngoái, Nhật bản vừa công bố một loại súng trường mới để thay thế loại súng trường đã được sử dụng từ năm 1989. Có tên là súng trường tấn công loại 20 (Type 20 assault rifle) được chế tạo đặc biệt cho các đơn vị hoạt động ở trên cạn và dưới nước - tương tự như lực lượng Thuỷ Quân Lục Chiến (TQLC) của Hoa Kỳ. Loại súng trường mới này được chế tạo bởi Howa Machinery, có nhà máy sản xuất ngay ở trung tâm nước Nhật.
Đây là loại vũ khí được chế tạo đặc biệt cho các đơn vị TQLC với vùng trách nhiệm ở phía nam của Okinawa, bao gồm quần đảo Senkaku, nơi hiện đang có sự tranh chấp chủ quyền giữa Nhật và Tàu cộng. Vũ khí mới này đã được sử dụng trong một số các cuộc tập trận với địa thế và khí hậu của vùng trách nhiệm, và đã chứng tỏ rằng có thể chịu đựng được trong vùng khí hậu tuyết ở Hokkaido hay vùng có khí hậu ẩm ướt ở Okinawa, và sẽ được đưa qua Mỹ để thí nghiệm trong sa mạc.
Khẩu súng trường mới này dùng loại đạn 5.56 ly (mm), cùng loại đạn với súng trường tấn công của Hoa Kỳ (M16, M4, Mk16 và HK416). Súng có chiều dài 78cm, nặng 3.5kg, và trị giá 280,000 yen (2,600 USD) cho mỗi khẩu. Bộ Quốc phòng Nhật đã đặt mua 3,000 khẩu trong năm 2020 để trang bị cho các đơn vị TQLC trong vùng trách nhiệm như đã nói ở trên. Điều này chứng tỏ rằng Nhật bản đã có quyết tâm và kế hoạch hoạt động ở vùng đang có sự tranh chấp chủ quyền với Tàu cộng.
Nhìn về Việt Nam thì chủ trương của đảng cộng sản Việt Nam dường như vẫn không thay đổi, vẫn "Thà mất nước hơn mất đảng" và "Hèn với giặc, ác với dân."
Đại hội đảng cộng sản Việt Nam kỳ thứ 13 được dự tính khai mạc vào tháng 1 năm 2021 để thành lập một nhà cầm quyền cai trị nước cho đến năm 2026. Như thường lệ, sự thay đổi về nhân sự luôn luôn là đề tài thảo luận và đồn đoán trong quần chúng cũng như các nhà quan sát ngoại quốc về tình hình chính trị của Việt Nam.
Những điểm đáng chú ý:
-
Đại hội đảng cộng sản Việt Nam được dự tính sẽ nhóm họp vào tháng 1 năm 2021 để chọn nhóm lãnh đạo quốc gia cho đến năm 2026.
-
Bảy thành viên của Bộ Chính Trị hiện tại đã bước sang tuổi 65 trước tháng 9 năm 2020 sẽ có thể bị cho về hưu. Những ứng cử viên hàng đầu để thay thế cho những vị trí bị bỏ trống sẽ là thành viên không thuộc Bộ Chính trị hiện tại.
-
Đảng cộng sản Việt Nam có triển vọng sẽ trở lại với hệ thống cầm quyền gọi là "tứ trụ", trong đó bốn chức vụ lãnh đạo sẽ do bốn thành viên khác nhau nắm giữ. Nếu đúng như vậy thì:
-
Trần Quốc Vượng, hiện là Uỷ Viên của Ban Bí Thư đảng, sẽ là ứng cử viên mạnh nhất để trở thành Tổng Bí Thư đảng.
-
Phạm Bình Minh, hiện đang là Bộ trưởng Ngoại giao, sẽ đứng đầu danh sách được chọn làm thủ tướng.
-
Vương Đình Huệ, hiện đang là phó thủ tướng, là người có thể sẽ được chọn vào vị trí chủ tịch nước.
-
Chức vụ chủ tịch Quốc hội sẽ là cuộc chạy đua giữa Trương Thị Mai, hiện đang là Trưởng Ban Dân vận Trung ương, và Phạm Minh Chính, trung tướng công an, hiện đang là Trưởng ban Tổ chức Trung ương của đảng.
Nhóm lãnh đạo mới sẽ phải đương đầu với nhóm chính trị gia miền Nam, hầu tránh những va chạm vì lý do phân biệt địa phương (Nam-Bắc), một khó khăn tiềm ẩn hàng đầu của đảng cộng sản Việt Nam.
oOo
Để kết luận, khi nói về đại dịch thì thế giới chẳng xa lạ gì với nó:
-
Dịch cúm gia cầm, còn gọi là cúm Tây Ban Nha (Spanish Flu), do siêu vi khuẩn H1N1 năm 1918-1919 đã khiến khoảng 500 triệu người, hay một phần ba dân số thế giới bị lây nhiễm, với trên 50 triệu người chết, trong đó có khoảng 675 ngàn người dân Hoa Kỳ.
-
Dịch cúm Á châu (Asian Flu) do siêu vi khuẩn H2N2 năm 1957-1958, phát xuất từ Singapore và Hong Kong, đã khiến hơn 1 triệu người chết, trong đó có khoảng 116 ngàn dân Hoa Kỳ.
-
Dịch cúm gia cầm A do siêu vi khuẩn H3N2, năm 1968, khiến trên 1 triệu người chết, trong đó có khoảng 100 ngàn dân Hoa Kỳ. Đa số người chết là người già yếu, 65 tuổi trở lên.
-
Dịch cúm do siêu vi khuẩn mới H1N1pdm09, năm 2009, đã khiến trên 500 ngàn người chết, trong đó có trên 12 ngàn dân Mỹ. Đa số người chết (80%) là người già yếu, 65 tuổi trở lên.
Thế nhưng cơn đại dịch Vũ Hán (COVID-19) này sẽ giữ một vị trí đặc biệt trong lịch sử của thế giới, vì nó đã và sẽ làm thay đổi tình trạng xã hội, kinh tế, chính trị và quân sự của thế giới một cách đáng kể và lâu dài. Và nhất là thế giới nhận ra sự gian ác của Tàu cộng, kẻ cố tình che dấu để phát tán bệnh dịch, thu mua, đầu cơ tích trữ dụng cụ y khoa để sau đó bán giá cao lấy lời, trong khi đó phá huỷ nền kinh tế và giết hại dân chúng của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Hành động dùng siêu vi khuẩn gây đại dịch như một chiến thuật để thống trị thế giới như thế thì hiển nhiên đã đưa Tàu cộng đến vị trí "Tàu cộng là kẻ thù chung của nhân loại."
Nhìn vào lịch sử của Hoa Kỳ thì chúng thấy Hoa Kỳ là quốc gia không gây hấn, nhưng luôn luôn trả đũa nếu bị tấn công trước, như
-
Sau khi Nhật tấn công Pearl Harbor (Trân Châu Cảng) vào tháng 12 năm 1941 khiến hơn 2,400 người chết, thì Hoa Kỳ tuyên chiến với Nhật để trả đũa. Kết quả là hai quả bom nguyên tử đã rơi xuống Hiroshima và Nagasaki khiến Nhật phải đầu hàng.
-
-
Sau cuộc tấn công của đám chiến binh Hồi giáo quá khích vào toà tháp đôi, World Trade Center, ở New York, ngày 11 tháng 9 năm 2001, khiến gần 3 ngàn người chết và hơn 25 ngàn người bị thương. Hoa Kỳ đã trả đũa bằng các cuộc chiến tranh ở Trung đông, và kết quả là quốc gia Iraq bị tàn phá, kẻ chủ mưu là Osama Bin Laden bị truy lùng và giết chết sau nhiều năm trốn tránh.
-
-
Đại dịch COVID-19 phát xuất từ Vũ Hán, bên Tàu, tính đến tuần lễ thứ ba của tháng 5 năm 2020, đã giết chết hơn 97 ngàn người Mỹ và lây nhiễm hơn 1.6 triệu người, đó là chưa kể đến thiệt hại kinh tế và xã hội. Trong lịch sử của Hoa Kỳ thì đây là một cuộc tấn công đẫm máu nhất, thiệt hại nặng nề nhất vào nội địa Hoa Kỳ. Việc trả đũa chắc chắn sẽ phải có, cho dù kẻ thù là ai hay quốc gia nào.
Vấn đề rắc rối ở đây là tình hình chính trị của Mỹ chưa ngả ngũ, đương kim tổng thống Donald Trump đang phải chống đỡ với sự tấn công chính trị của đảng Dân Chủ với sự trợ giúp của cơ quan truyền thông dòng chính, cùng với ngày bầu cử nhiệm kỳ tổng thống mới đã gần kề, ngày 3 tháng 11 năm 2020, thế cho nên việc trả đũa chưa được nhắc đến. Chúng ta hãy chờ xem kết quả sẽ như thế nào, và Tàu cộng sẽ phải trả giá ra sao với thế giới, nói chung, và Hoa Kỳ, nói riêng.
Bùi Phạm Thành Sunday, May 24, 2020